Việt Nam chủ trì cuộc họp Hội đồng Bảo an về mực nước biển dâng và tác động đến an ninh quốc tế
VBĐVN.vn - Chiều 18-10, tại Trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York đã diễn ra cuộc họp theo thể thức Arria của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) về chủ đề “Mực nước biển dâng và các tác động đến hòa bình, an ninh quốc tế”.
Cuộc họp theo thể thức Arria là hình thức họp không chính thức của HĐBA LHQ nhằm xem xét các vấn đề mới nổi hoặc còn ý kiến khác nhau, thường có sự tham dự của toàn bộ 15 nước thành viên HĐBA và các nước thành viên LHQ. Theo Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, cuộc họp được tổ chức theo sáng kiến của Việt Nam, được 10 nước thành viên của HĐBA LHQ gồm Anh, Estonia, Ireland, Mỹ, Na Uy, Niger, Saint Vincent&Grenadines, Pháp và Tunisia cùng 10 nước thành viên LHQ khác gồm Cộng hòa Dominicana, Đức, Fiji, Guyana, Hà Lan, Malta, Mauritius, Romania, Saint Lucia và Tuvalu đồng bảo trợ và đứng tên tổ chức. Trợ lý Tổng Thư ký LHQ phụ trách các vấn đề xây dựng hòa bình Khaled Khiari; đồng Chủ trì Nhóm công tác I của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) Valérie Masson-Delmotte và Cố vấn cấp cao của Giám đốc Cộng đồng Thái Bình Dương Coral Pasisi đã báo cáo tại cuộc họp.
Tại cuộc họp, ông Khaled Khiari cảm ơn và đánh giá cao sáng kiến của Việt Nam, cho biết mực nước biển dâng làm suy giảm nguồn tài nguyên, nguồn nước, phá hủy cơ sở hạ tầng, có tiềm năng làm tăng tranh chấp, xung đột bao gồm tranh chấp liên quan đến các vùng biển và tài nguyên biển, thậm chí đe dọa chủ quyền, quyền chủ quyền của các nước đảo nhỏ. Trợ lý Tổng Thư ký LHQ Khiari đề xuất các nước tăng hành động khí hậu và khẳng định Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) tiếp tục là văn kiện khung điều chỉnh các tác động của mực nước biển dâng và hệ quả đến hòa bình, an ninh quốc tế. Cuộc họp thu hút hơn 40 nước thành viên HĐBA và LHQ tham gia phát biểu. Các ý kiến cho rằng sáng kiến của Việt Nam đáp ứng kịp thời quan tâm chung của cộng đồng quốc tế, là đóng góp quan trọng ngay trước thềm COP26.
Trong trao đổi, hầu hết ý kiến khẳng định mực nước biển dâng là mối đe dọa hiện tại và tương lai, thậm chí đe dọa tư cách quốc gia, nhà nước. Tác động của mực nước biển dâng làm suy kiệt nguồn tài nguyên nông nghiệp, thủy hải sản, ảnh hưởng đến sinh kế của hàng triệu người, phá hủy nhà cửa, dẫn đến người dân di cư, tị nạn hoặc bị buộc phải rời khỏi nhà cửa, làm trầm trọng thêm xung đột. Các ý kiến nhấn mạnh cần tập trung vào biện pháp giảm thiểu, thích ứng với biến đổi khí hậu. Các nước nhất trí hệ quả pháp lý do mực nước biển dâng cần được giải quyết trong khuôn khổ luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS. Bên cạnh đó, một số ý kiến kêu gọi cần có cách tiếp cận toàn diện đối với vấn đề biến đổi khí hậu. Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ cho biết, Việt Nam chia sẻ khó khăn của các nước đảo nhỏ đang phát triển, các nước ven biển, dưới mực nước biển đang phải ứng phó với các tác động tiêu cực hiện tại và tương lai từ mực nước biển dâng.
Đại sứ Đặng Đình Quý cho biết, châu Á là nơi sinh sống của hơn 70% dân số toàn cầu có nguy cơ bị tác động mạnh mẽ nhất do mực nước biển dâng. Trong đó, khu vực đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng của Việt Nam là một trong các khu vực bị tác động mạnh mẽ nhất của mực nước biển dâng. Do đó, Việt Nam coi vấn đề biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng và tác động an ninh, phát triển của hiện tượng này là một trong các ưu tiên cao trong nhiệm kỳ thành viên HĐBA 2020-2021. Trước các bằng chứng ngày càng rõ ràng về tình trạng mực nước biển dâng toàn cầu, Đại sứ khẳng định cam kết của Việt Nam thúc đẩy HĐBA đóng góp vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong ứng phó với thách thức sống còn này.
Trước đó, sáng 18-10, tại New York, Hoa Kỳ, HĐBA LHQ đã họp định kỳ về tình hình Cộng hòa Trung Phi. Cuộc họp có sự tham gia của Tổng thống CH Trung Phi Faustin-Archange Touadera cùng các đại diện của Liên minh châu Phi và châu Âu. Báo cáo trước HĐBA, Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký LHQ kiêm Trưởng Phái bộ LHQ tại Cộng hòa Trung Phi đã thông báo kết quả Hội nghị Thượng đỉnh của Tổ chức khu vực các hồ lớn (ICGLR) ngày 16-9. Tại Hội nghị, các nước ICGLR đã thông qua Kế hoạch chung vì hòa bình tại CH Trung Phi, trong đó kêu gọi các bên ngừng bắn nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình. Trên cơ sở đó, Tổng thống CH Trung Phi đã tuyên bố đơn phương ngừng bắn trên toàn lãnh thổ vào ngày 15/10, bày tỏ mong muốn thúc đẩy triển khai Thỏa thuận hòa bình và tăng cường đối thoại. Cũng theo Đại diện đặc biệt, tình hình an ninh tại Cộng hòa Trung Phi tiếp tục mong manh do giao tranh giữa quân đội nước này và tập hợp các nhóm vũ trang đối lập kể từ khi bắt đầu tiến trình bầu cử Tổng thống vào cuối tháng 12-2020.
Bất ổn an ninh cùng tác động nặng nề tới phát triển kinh tế-xã hội đang làm tình hình nhân đạo tại Cộng hòa Trung Phi ngày một xấu đi; ước tính hiện nay có tới 3,1 triệu người dân, tương đương 63% dân số nước này, đang cần được hỗ trợ nhân đạo.
Phát biểu tại cuộc họp, Tổng thống Cộng hòa Trung Phi Touadera nhấn mạnh tuyên bố ngừng bắn vừa qua nhằm mở cánh cửa cho đối thoại và đàm phán tìm giải pháp chính trị lâu dài cho tình hình tại Cộng hòa Trung Phi. Tổng thống Touadera thông báo cam kết của chính quyền trong thực hiện Thỏa thuận Hòa bình, thúc đẩy cải cách pháp luật, thực hiện các chương trình cải cách lực lượng an ninh. Ông Touadera cũng kêu gọi HĐBA tăng cường quan tâm, hỗ trợ chính quyền và người dân Cộng hòa Trung Phi trong giai đoạn này.
Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, cùng các thành viên HĐBA hoan nghênh tuyên bố ngừng bắn đơn phương của chính quyền Công hòa Trung Phi ngày 15-10 và kêu gọi các nhóm vũ trang có tuyên bố tương tự. Đại sứ Đặng Đình Quý bày tỏ lo ngại trước những khó khăn của người dân Cộng hòa Trung Phi trước thách thức từ bất ổn an ninh, đói nghèo, mất nơi cư trú, bạo lực tình dục trong xung đột. Nhằm bảo đảm hòa bình lâu bền, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ kêu gọi các bên thúc đẩy xây dựng lòng tin và tăng cường đối thoại, đề cao tầm quan trọng của hợp tác khu vực nhằm giải quyết nguyên nhân gốc rễ của xung đột. Đại diện Việt Nam cũng kêu gọi tăng cường hỗ trợ quốc tế đối với người dân Công hòa Trung Phi vì mục tiêu ổn định và phát triển.
Theo chinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận