Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm về bảo tồn và quản lý đàn cá lưỡng cư và di cư xa
VBĐVN.vn - Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 1507/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định thực thi các quy định Công ước của Liên hợp quốc (LHQ) về Luật Biển ngày 10-12-1982 về bảo tồn và quản lý đàn cá lưỡng cư và di cư xa đến năm 2025.
Theo đó, mục tiêu của Kế hoạch là thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ là thành viên theo các quy định của Hiệp định và thực hiện có hiệu quả Quyết định số 2054/2018/QĐ-CTN ngày 13-11-2018 của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về việc gia nhập Hiệp định thực thi các quy định Công ước của LHQ về Luật Biển ngày 10-12-1982 về bảo tồn và quản lý đàn cá lưỡng cư và di cư xa.
Việc ban hành Kế hoạch này thể hiện Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm trong bảo vệ, bảo tồn, phát triển nguồn lợi thủy sản và hệ sinh thái thủy sinh, đặc biệt là các loài thủy sản lưỡng cư và di cư xa; phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm, an toàn, hiệu quả; góp phần nâng cao đời sống, tạo sinh kế cho người dân, bảo đảm công bằng xã hội, an ninh quốc gia trên các vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia.
Đồng thời, góp phần ngăn chặn và chấm dứt hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC); đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Một trong các nhiệm vụ của Kế hoạch là nghiên cứu, điều tra, khảo sát, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế trong thực thi Hiệp định. Cụ thể, thực hiện các chương trình nghiên cứu, điều tra nguồn lợi và đánh giá tác động của hoạt động khai thác thủy sản đối với loài thủy sản lưỡng cư và di cư xa, loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm khác có liên quan để đề xuất các biện pháp kỹ thuật phù hợp phục vụ công tác quản lý và bảo tồn loài thủy sản lưỡng cư và di cư xa.
Hợp tác thu thập, trao đổi, chia sẻ thông tin, kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ tiên tiến với các quốc gia có liên quan, các tổ chức quản lý nghề cá khu vực và quốc tế trong bảo vệ, bảo tồn và quản lý khai thác nguồn lợi các loài thủy sản lưỡng cư và di cư xa; hợp tác, phối hợp xác minh, cung cấp thông tin trong công tác thanh tra về trường hợp vi phạm cho các quốc gia, tổ chức quốc tế có liên quan bảo đảm tuân thủ Hiệp định.
Kế hoạch cũng đặt ra nhiệm vụ bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường biển với những nội dung cụ thể : bảo vệ, giữ gìn đa dạng sinh học biển và các hệ sinh thái biển; giảm thiểu ô nhiễm môi trường, rác thải đại dương; giảm sản lượng khai thác không chú ý, tỉ lệ chết do ngư cụ bị vứt bỏ hoặc mất trên biển thông qua các biện pháp khai thác thủy sản thân thiện, có trách nhiệm; tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; tăng cường kiểm soát thương mại loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm và loài thuộc Phụ lục I của Công ước quốc tế về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES)./.
Theo tongcucthuysan.gov.vn
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận