Việt Nam lên tiếng vụ hãng thời trang dùng bản đồ có đường lưỡi bò
Trả lời câu hỏi của phóng viên về vấn đề Biển Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh, quân đội Việt Nam duy trì các hoạt động huấn luyện, diễn tập để nâng cao năng lực nhằm mục tiêu sẵn sàng bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Các cơ quan chức năng của Việt Nam luôn theo dõi sát các diễn biến trên Biển Đông, bảo vệ, thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển Việt Nam, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982.
Việt Nam nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển liên quan ở Biển Đông, được xác lập phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982.
Về vấn đề một số hàng thời trang sử dụng bản đồ có đường lưỡi bò, Người phát ngôn nhấn mạnh, mọi hình thức tuyên truyền, quảng bá những nội dung trái với sự thật lịch sử và luật pháp quốc tế đều không có giá trị, không thể thay đổi được thực tế về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như thực tế về vấn đề Biển Đông.
Việt Nam yêu cầu các doanh nghiệp tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển liên quan ở Biển Đông. Các doanh nghiệp hoạt động ở Việt Nam cần tôn trọng và thực thi nghiêm túc các quy định của luật pháp Việt Nam.
"Hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở Biển Đông là nguyện vọng và mục tiêu chung của các nước ở Biển Đông, các nước trong khu vực và trên thế giới. Việc tôn trọng trật tự pháp lý trên biển và thực thi đầy đủ, thiện chí, trách nhiệm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 có ý nghĩa quan trọng để hiện thực hóa các mục tiêu này.
Việt Nam kêu gọi các nước đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác tại Biển Đông, thiện chí thực hiện luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982, nghiêm chỉnh tuân thủ Tuyên bố ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC), đặc biệt là nghĩa vụ kiềm chế, không làm phức tạp tình hình, tạo môi trường thuận lợi cho tiến trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, đóng góp vào việc tạo dựng lòng tin, gìn giữ hòa bình, ổn định, thúc đẩy trật tự quốc tế trên biển và an ninh, an toàn, tự do hàng hải ở khu vực Biển Đông", Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh.
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận