Việt Nam - một trong năm nước bị tác động mạnh của nước biển dâng

18:36 15-11-2023

VBĐVN.vn - Việt Nam là 1 trong 10 nước chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, 1 trong 5 nước bị tác động mạnh của nước biển dâng. Nhiều loài sinh vật biển đang được khai thác dưới nhiều hình thức phi pháp, dẫn tới giảm số lượng, một số loài đã bị tuyệt chủng cục bộ.

Có 236 loài sinh vật quý hiếm và có nguy cơ tuyệt chủng, trong đó có hơn 70 loài sinh vật biển được liệt kê trong Sách đỏ của Việt Nam. Dự trữ cá đã giảm, từ 4 triệu tấn năm 1990 xuống còn dưới 3 triệu tấn hiện nay và góp phần kích hoạt nạn đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Nguồn cá có giá trị kinh tế cao đã giảm đáng kể. Kích thước trung bình của đa dạng cá và loài cũng giảm. Bảo vệ đa dạng sinh học biển trở thành một nhiệm vụ cấp thiết.

Lũ lụt và nước biển dâng làm xói lở đất và gây ô nhiễm môi trường trầm trọng tại vùng bờ biển Đà Nẵng. (Nguồn: cand)

Quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển

Việt Nam áp dụng phương thức quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo rất phổ biển tại nhiều nước trên thể giới. Phương thức quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo được một số cán bộ tâm huyết và Đối tác quản lý môi trường biển của Đông Á (PEMSEA) đưa vào Việt Nam từ những năm 1990.

Năm 2000, Đà Nẵng đã thực hiện dự án thí điểm quản lý tổng hợp vùng bờ. Chính phủ Hà Lan đã hỗ trợ dự án quản lý tổng hợp vùng bờ thí điểm tại Nam Định, Thừa Thiên Huế và Bà Rịa - Vũng Tàu trong thời gian 2000 - 2006. Quyết định số l58/2007/QĐ-TTg ngày 9-10-2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quản lý tổng hợp dải ven biển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.

Quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo được hiểu là việc hoạch định và tổ chức thực hiện các chính sách, cơ chế, công cụ điều phối liên ngành liên vùng để bảo đảm tài nguyên biển và hải đảo được khai thác, sử dụng hiệu quả, duy trì chức năng và cấu trúc của hệ sinh thái nhằm phát triển bền vững, kết hợp chặt chẽ với bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam trên biển.

Quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo được thể hiện trên 3 phương diện:

Thứ nhất, tính hệ thống, theo đó mỗi vùng biển được coi là một hệ thống tài nguyên thống nhất, được quản lý theo phương thức không cắt rời, chia nhỏ hay xem xét các thành phần của nó một cách riêng biệt để đảm bảo tính toàn ven đồng thời, xem xét vùng bờ là hệ thống tương tác giữa tự nhiên và xã hội, giữa các yếu tố sinh học và phi sinh học.

Thứ hai, theo chức năng, mỗi vùng biển là một hệ thống nhiều chức năng, cần được xem xét sử dụng cho phù hợp với các chức năng đó và trong giới hạn chịu tải của hệ thống, tiểu hệ thống trong vùng;

Thứ ba, theo phương thức quản lý, theo chiều dọc (các cấp) và chiều ngang (các bên liên quan) để đảm bảo tính ngành, đa cấp, đồng thời, phải có cơ chế liên kết chặt chẽ giữa các chính sách quản lý và hành động quản lý.

Việc thực thi quản lý được thông qua các khu bảo tồn biển. Chiến lược kinh tế biển Việt Nam năm 2030, tầm nhìn 2045 xác định mục tiêu 24 khu bảo tồn biển. Hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2023 gồm 16 khu (theo quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 742/QĐ-TTg ngày 26-5-2010) với tổng diện tích là 270.271 ha, trong đó diện tích biển là 169.617 ha.

Hiện đã thành lập và đưa vào hoạt động 12 khu bảo tồn biển: Khu bảo tồn biển Cát Bà (Hải Phòng); khu bảo tồn biển Bái Tử Long (Quảng Ninh); khu bảo tồn biển Bạch Long Vĩ (Hải Phòng); khu bảo tồn biển Cồn Cỏ (Quảng Trị); khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (Quảng Nam); khu bảo tồn biển Lý Sơn (Quảng Ngãi); khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang (Khánh Hòa); khu bảo tồn biển Núi Chúa (Ninh Thuận); khu bảo tồn biển Hòn Cau (Bình Thuận); khu bảo tồn biển Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu); khu bảo tồn biển Phú Quốc (Kiên Giang); khu bảo tồn biển Cô Tô - Đảo Trần (Quảng Ninh). 04 khu bảo tồn biển đang chờ phê duyệt: Hòn Mê (Thanh Hóa), Nam Yết (Khánh Hòa), Phú Quý (Bình Thuận), Hải Vân - Sơn Chà (Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế).

Các khu bảo tồn biển sở hữu gần 70.000 ha rạn san hô, 20.000 ha thảm cỏ biển và một phần rừng ngập mặn; phần lớn các bãi giống, bãi đẻ và nơi cư trú của các loài thủy sản kinh tế; gần 100 loài đặc hữu và nguy cấp.

Tất cả 16 khu bảo tồn biển của Việt Nam tập trung ở vùng bờ ven bờ, xa nhất là khu bảo tồn biển Nam Yết thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Đề án 47 đã xác định thêm được 8 khu vực có tiềm năng bảo tồn biển để bổ sung vào hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam.

Nâng cao hiệu quả quản lý

Tuy nhiên, tỷ lệ diện tích vùng biển được bảo tồn chỉ đạt 0,185% diện tích vùng biển tự nhiên của Việt Nam, còn xa mới tới mục tiêu 6% của Chiến lược phát triển kinh tế biển và 10% của Liên hợp quốc. Việt Nam cũng chú trọng phát triển công tác bảo vệ đa dạng sinh học biển thông qua hệ thống Vườn quốc gia (4/16 vườn quốc gia ở trên đảo và trên biển (gồm Cát Bà, Bái Tử Long, Côn Đảo và Phú Quốc), Khu dữ trữ sinh quyển thế giới (6/11 khu liên quan đến biển và ven biển là: Cát Bà; đồng bằng Sông Hồng; Cù Lao Chàm; Núi Chúa; Mũi Cà Mau; Phú Quốc - Kiên Giang), Khu bảo tồn thiên nhiên (22/55 liên quan đến biển (Bán đảo Sơn Trà, Bà Nà ở Đà Nẵng, Cù Lao Chàm ở Quảng Nam, Bình Châu - Phước Bửu ở Bà Rịa - Vũng Tàu, sân chim Cà Mau, khu rừng văn hóa lịch sử và môi trường trên toàn quốc (17/34 khu tập trung ở vùng ven biển, điển hình là các khu Bãi Cháy, Đồ Sơn, Hoa Lư, Ngọc Trạo, Nam Hải Vân, Bắc Hải Vân, Đèo Cả - Hòn Nưa).

Quần đảo Cát Bà góc nhìn từ trên cao. (Nguồn: TTXVN)

Song hiệu quả quản lý và bảo tồn loài ở các khu bảo tồn biển chưa đáp ứng mục tiêu. Chưa có những nghiên cứu nào đánh giá tổng thể, rà soát lại thực trạng của các khu bản tồn biển đã thành lập về mặt bảo vệ sinh thái, nguồn lợi biển, sinh kế của cộng đồng ngư dân và hiệu quả của công tác quản lý. Công tác điều tra, nghiên cứu biển của Việt Nam chưa theo kịp yêu cầu quản lý mặc dù đã có Quyết định số 28/QĐ-TTg phê duyệt chương trình nghiên cứu bãi cạn, gò đồi ngầm và biển sâu trong giai đoạn 2020 - 2025.

Điều tra đa dạng sinh học, tài nguyên sinh vật và một số yếu tố môi trường trong hệ sinh thái đầm phá Việt Nam không được cập nhật từ năm 2014 đến nay. Việt Nam cần phát triển hệ thống văn bản pháp lý đồng bộ bổ sung cho Luật bảo vệ tài nguyên và môi trường biển 2015, Luật thủy sản 2017 và Luật đa dạng sinh học 2018.

Công tác phổ biến, nâng cao nhận thức bảo tồn đa dạng sinh học biển trong quần chúng và đào tạo cán bộ chuyên môn cũng cần được chú trọng. Đa dạng sinh học biển không thể bảo tồn toàn vẹn nếu thiếu sự hợp tác quốc tế, xây dựng các khu bảo tồn biển xuyên biên giới và tham gia vào bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học biển tại các vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia.

PGS.TS. Nguyễn Hồng Thao

(dangcongsan.vn)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang