Vietkings công bố 9 kỷ lục trong lĩnh vực biển và hải đảo Việt Nam (Lần 1)

16:11 19-12-2019

Tổ chức Kỷ lục Việt Nam chính thức công bố 9 kỷ lục Việt Nam trong lĩnh vực biển và hải đảo, nhằm quảng bá các đặc trưng, sản vật, sản phẩm của biển, đảo Việt Nam đến người dân trong nước và bạn bè quốc tế.

9 kỷ lục Việt Nam trong lĩnh vực biển và hải đảo gồm:

1. Bãi biển Trà Cổ - Bãi biển dài nhất

Bãi biển Trà Cổ thuộc tỉnh Quảng Ninh nằm ở cực đông bắc của Tổ quốc, nơi giáp ranh giữa Việt Nam và Trung Quốc. Nằm cách trung tâm Thành phố Móng Cái 9 km đường bộ, Trà Cổ là rìa bên ngoài của một đảo bồi tự nhiên do tác động của sóng và dòng biển ven bờ tạo thành nên cảnh quan biển nơi đây rất nên thơ và hấp dẫn. Bên bờ biển là những cồn cát cao từ 3 - 4m, có làng ấp và dân cư trú đông đúc, chủ yếu sống bằng nghề nông và chài lưới. Sát bờ biển là các dải rừng phi lao chắn gió, râm mát giữ cát và gần đó còn có hệ thống sinh thái rừng ngập mặn.

Bãi biển Trà Cổ là bãi biển dài nhất Việt Nam với chiều dài 17 km, diện tích khoảng 170 ha cong hình vành khuyên, trải từ Mũi Gót phía bắc đến Mũi Ngọc ở phía nam. Cát ở đây mịn và chặt, khi nước biển triều rút xuống, bãi cát phẳng mịn chắc và mượt, hơi thoai thoải ra xa, cách bờ một trăm mét nước cũng chỉ sâu hơn 20 - 30 cm. Bãi biển lúc nào cũng sạch sẽ, nước biển trong xanh. Được đánh giá là một trong những bãi biển đẹp nhất Việt Nam.

Quanh bãi biển Trà Cổ có các địa danh du lịch như: Nhà thờ Trà Cổ, Đình Trà Cổ. Lễ hội Đình Trà Cổ từ 30.5 – 6.6 hàng năm. Đây là một hoạt động văn hóa thu hút khách du lịch.

2. Vịnh Hạ Long - Vịnh có nhiều đảo nhỏ nhất

Vịnh Hạ Long thuộc tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam), nằm ở bờ Tây vịnh Bắc bộ. Với diện tích rộng 1.553 km2 bao gồm 1.169 hòn đảo lớn, nhỏ, trong đó 95% là các đảo đá vôi cùng với những giá trị về cảnh quan; giá trị đa dạng sinh học; giá trị địa chất địa mạo và giá trị lịch sử, văn hóa, vịnh Hạ Long đã được công nhận là di tích danh thắng cấp quốc gia và di sản thế giới.

Năm 1962, vịnh Hạ Long được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa thể thao và du lịch) Việt Nam xếp hạng di tích danh thắng cấp quốc gia (Di sản quốc gia Việt Nam). Ngày 17.12.1994 Hội nghị lần thứ 18 của Ủy ban Di sản Thế giới họp tại Phuket (Thái Lan) đã công nhận vịnh Hạ Long vào danh mục Di sản Thiên nhiên thế giới với giá trị ngoại hạng toàn cầu về mặt thẩm mĩ (tiêu chí VII) theo tiêu chuẩn của Công ước Quốc tế về bảo vệ Di sản tự nhiên và văn hóa của thế giới.

Ngày 2.12.2000 Hội nghị lần thứ 24 của Hội đồng Di sản Thế giới họp tại thành phố Cairns, Queensland, Australia đã Công nhận vịnh Hạ Long là di sản thế giới lần thứ 2 theo tiêu chuẩn (VIII) về giá trị địa chất địa mạo. Khu vực di sản Thiên nhiên thế giới có diện tích 434 km2, gồm 775 hòn đảo, giới hạn bởi 3 điểm: đảo Cống Tây (phía Đông), đảo Đầu Gỗ (phía Tây) và đảo Đầu Bê (phía Nam). Tổ chức Kỳ quan thiên nhiên của Thế giới mới (New Open World Corporation) đã vận động bình chọn các kỳ quan thiên nhiên thế giới mới và Vịnh Hạ Long đã vượt qua 21 ứng cử viên sáng giá khác để trở thành một trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới.

3. Tam Giang - Cầu Hai - Đầm phá lớn nhất

Tam Giang - Cầu Hai (thuộc địa phận tỉnh Thừa Thiên - Huế) là hệ đầm phá lớn nhất và tiêu biểu nhất của Việt Nam, với diện tích mặt nước rộng 21.600 héc ta, chiếm 48,2% tổng số diện tích mặt nước các đầm phá ven bờ Việt Nam. Về quy mô, Tam Giang - Cầu Hai là đầm phá lớn nhất ở Đông Nam Á và thuộc loại lớn trên thế giới, được xác định là điển hình về kiểu loại thủy vực ven bờ, hình thái và cấu trúc, về sự phức tạp của các yếu tố động lực và môi trường nước, về dinh dưỡng, sự phong phú về nguồn lợi thủy sinh và đa dạng sinh học cao.

Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai dài 68 km, rộng nhất là 8 km, hẹp nhất là 0,6 km, có độ sâu trung bình 1,5 - 2m và được chia thành 3 phần: phía bắc là phá Tam Giang, ở giữa là An Truyền và Thủy Tú và phía nam là đầm cầu Hai. Vực nước có thể tích trung bình 300 triệu m3, khi có mưa lũ lên đến trên 400 triệu m3. Vực nước đầm phá thống với biển qua hai cửa Tư Hiền (phía nam) và Thuận An (phía bắc). Hai phía đầm phá phát triển các thềm, bãi cao 2-4 m cấu tạo bằng cát, bột cát.

Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai có khoảng 900 loài sinh vật, đặc biệt có 7 loài cỏ biển, 7 loài thực vật ngập mặn, 230 loài cá và 73 loài chim nước.

Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu hai có tính đa dạng cao về sinh cư và các phụ hệ sinh thái như phụ hệ sinh thái đầm lầy, phụ hệ sinh thái cỏ nước, phụ hệ sinh thái đáy mềm, phụ hệ sinh thái rừng ngập mặn, phụ hệ sinh thái bãi triều…

4. Quần đảo Cát Bà - Quần đảo có nhiều đảo nhất

Quần đảo Cát Bà bao gồm 367 hòn đảo lớn, nhỏ, nằm ở phía nam Vịnh Hạ Long và ngoài khơi Thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh. Quần đảo có tọa độ từ 20o42’ đến 20o54’ độ vĩ Bắc và từ 106o52’ đến 107o07’ độ kinh Đông thuộc ngoài khơi vùng biển Quảng Ninh - Hải Phòng. Quần đảo cách trung tâm Thành phố Hải Phòng 30 km và cách Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh 25 km.

Đảo lớn nhất của quần đảo là đảo Cát Bà (còn gọi là đảo Ngọc), là hòn đảo lớn nhất trong tổng số 1969 đảo của Vịnh Hạ Long.

Quần đảo Cát Bà có đa dạng sinh học cao. Tại đây có hệ sinh thái vùng triều (150 loài động vật đáy, 24 loài rong biển), hệ sinh thái đáy mềm và thủy vực nước bao quanh (207 loài thực vật phù du, 75 loài động vật phù du, 142 loài động vật đáy mềm, 124 loài cá biển), hệ sinh thái rạn san hô (81 loài san hô cứng), hệ sinh thái các hồ nước mặn (66 loài động thực vật).

5. Quần đảo Trường Sa - Quần đảo xa bờ nhất

Quần đảo Trường Sa của Việt Nam nằm giữa biển Đông về phía Đông Nam nước ta, phía Bắc là quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, phía Đông giáp biển Philippines, phía Nam giáp biển Malaysia, Brunei và Indonesia. Từ trung tâm quần đảo Trường Sa đến biển của Malaysia khoảng 250 hải lý, đến biển Philippines khoảng 210 hải lý, đến biển của Brunei khoảng 320 hải lý, đến đảo Hải Nam khoảng 585 hải lý và đến đảo Đài Loan khoảng 810 hải lý; cách Cam Ranh (Khánh Hòa) 243 hải lý, cách Vũng Tàu 440 hải lý.

Quần đảo Trường Sa gồm trên 100 hòn đảo nhỏ và bãi san hô với diện tích vùng biển rộng khoảng 410.000 km2, nằm từ vĩ độ 6o00’00”N - 12o00’00”N và kinh độ 111o00’00”E - 117o00’00”E. Diện tích toàn bộ phần đất nổi của quần đảo khoảng 3 km2, được chia làm 8 cụm là Song Tử, Loại Ta, Thị Tứ, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa, Thám Hiểm, Bình Nguyên. Đảo cao nhất là Song Tử Tây (khoảng 4 - 6 m), đảo lớn nhất là đảo Ba Bình (0,44 km2), sau đó là đảo Nam Yết (0,06 km2). Khoảng cách giữa các đảo cũng khác nhau, gần nhất từ đảo Song Tử Đông đến Song Tử Tây khoảng 1,5 hải lý, xa nhất từ Song Tử Tây (phía Bắc) đến An Bang (phía Nam) khoảng 280 hải lý.

Khí hậu thời tiết rất khắc nghiệt, nước ngọt hiếm, 1 năm có tới 131 ngày bão, gió từ cấp 6 trở lên, mỗi tháng có từ 13 - 20 ngày gió mạnh. Tháng 4 và tháng 5 là ít gió nhất, từ tháng 6 đến tháng 9 là thời kỳ thịnh hành của gió Tây Nam.

Quần đảo Trường Sa án ngữ đường hàng hải quốc tế nối liền Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương, giữa châu Âu, châu Phi, Trung Cận Đông với Trung Quốc, Nhật Bản, giữa các nước Đông Nam Á và Đông Bắc Á, một tuyến đường huyết mạch có lưu lượng tàu thuyền tấp nập vào hàng thứ hai trên thế giới (chỉ sau Địa Trung Hải). Trung bình mỗi ngày có từ 250 đến 300 tàu biển các loại đi qua Biển Đông.

Hiện nay, trên các đảo và bãi san hô đã có một số công trình kiên cố và nhà ở, một số đảo có đèn biển, có luồng vào, trên luồng có thiết bị phao dẫn luồng và phao buộc tàu tạo thuận lợi cho tàu thuyền vào tránh giông bão. Tuy nhiên việc điều động tàu vẫn khó khăn vì luồng hẹp, độ sâu thay đổi nên tàu thuyền ra vào phải nhằm thời tiết tốt và vào ban ngày.

Sự liên kết giữa các đảo, cụm đảo và tuyến đảo của quần đảo Trường Sa tạo thành lá chắn quan trọng phía trước vùng biển và dải bờ biển Nam Trung bộ và Nam bộ, bảo vệ sườn phía Đông của đất nước, tạo thành một hệ thống cứ điểm tiền tiêu để ngăn chặn và đẩy lùi các hoạt động lấn chiếm của tàu thuyền nước ngoài. Chính vì vậy, từ lâu quần đảo Trường Sa luôn được các nhà quân sự, khoa học, chính trị đánh giá cao.

6. Cụm đảo Hòn Khoai - Cụm đảo gần xích đạo nhất

Cụm đảo Hòn Khoai thuộc xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, gồm 5 đảo nhỏ và rất nhỏ: Hòn Khoai (4,96 km2), hòn Sao (0,7 km2), hòn Gò (0,03 km2), hòn Đồi Mồi (0,03 km2) và hòn Đá Lẻ (0,005 km2). Cụm đảo có tọa độ từ 8o22’46” đến 8o27’30” độ vĩ Bắc và từ 104o48’30” đến 104o52’30” độ kinh Đông.

Cụm đảo nằm ở vĩ độ thấp nhất so với phần đất liền và nằm giữa biển trên thềm lục địa nên khí hậu có tính chất nhiệt đới gió mùa cận xích đạo và tính hải dương: nóng quanh năm, nền nhiệt cao (tổng lượng nhiệt trong năm hơn 9000oC với nhiệt độ không khí trung bình năm là 26,7oC) rất ít thay đổi trong ngày và trong năm; lượng mưa khá nhiều (trung bình năm đạt 2078mm) và phân hóa theo hai mùa rõ rệt.

Với vị trí đặc biệt, cụm đảo Hòn Khoai có tiềm năng phát triển kinh tế biển, đảo với dịch vụ hàng hải, dịch vụ đánh bắt hải sản, nuôi trồng hải sản, du lịch sinh thái và nghiên cứu khoa học.

Hòn Khoai có dân cư sinh sống, nằm ở cực nam nước ta nên có vị thế quan trọng trong bảo vệ an ninh - quốc phòng, án ngữ ở cửa Vịnh Thái Lan, gần tuyến giao thông đường biển quốc tế quan trọng trong khu vực và kiểm soát được hầu hết tàu thuyền qua lại vùng vịnh Thái Lan. Hòn Đá Lẻ thuộc cụm đảo Hòn Khoai, cách bờ biển Cà Mau 21 m được lấy làm điểm chuẩn của đường cơ sở (điểm A2, tọa độ 8o22’8” độ vĩ Bắc và 104o52’4” độ kinh Đông) dùng để tính chiều rộng lãnh hải của lục địa Việt Nam (Tuyên bố ngày 12 tháng 11 năm 1982 của Chính phủ nước Cộng hòa xa hổi chủ nghĩa Việt Nam).

Trên đảo Hòn Khoai có khu tưởng niệm cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai do nhà giáo Phan Ngọc Hiển lãnh đạo ngày 13 tháng 12 năm 1940 trong cao trào Khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940.

7. Đảo Phú Quốc - Hòn đảo lớn nhất

Đảo Phú Quốc là hòn đảo lớn nhất trong số 38 đảo của huyện đảo Phú Quốc. Đảo Phú Quốc còn là hòn đảo lớn nhất trong hệ thống hải đảo của Việt Nam với diện tích 561km2 nằm ở tọa độ 10o00’ - 10o27’ vĩ độ Bắc và 103o49’ - 104o05’ kinh độ Đông.

Đảo Phú Quốc nằm trấn giữ ở phía đông bắc Vịnh Thái Lan, ở biên giới Tây Nam của Tổ quốc, thuộc vùng nước lịch sử Việt Nam - Campuchia. Đảo cách Rạch Giá 116km, cách Hà Tiên 45km, cách bờ biển Campuchia 12,5km. Đảo có dạng hình tam giác, chiều theo phương Bắc - Nam dài 50km, chiều theo phương Đông - Tây dài 27km ở phần Bắc đảo, đảo thót hẹp dần về phía Nam.

Đảo Phú Quốc cấu tạo bởi các đá trầm tích mà thành phần chính là cát kết, cát bột kết có xen thấu kính cuội sỏi, sạn kết. Tài nguyên trên đảo bao gồm tài nguyên phi sinh vật, tài nguyên sinh vật và tài nguyên vị thế.

Tài nguyên phi sinh vật: có cát thủy tinh, cát xây dựng, kaolin, đá xây dựng, đá ong, tài nguyên đất đai (đất cát, đất mặn sú vẹt, đất phù sa chua glây, đất phù sa ít được bồi, đất feralit vàng xám và vàng đỏ, đất sialit-feralit xám, đất feralit xói mòn trơ sỏi đá), nước mặt (mỗi năm đảo nhận được 1.600 triệu m3 nước mưa), nước ngầm (ước tính khoảng 198,4 triệu m3).

Đảo Phú Quốc có vị trí tiền tiêu - biên giới, là tiền đồn vững chắc trong bảo vệ quốc phòng - an ninh; là nơi có lợi ích trong phát triển kinh tế cửa khẩu, vùng biên, giao thương quốc tế.

8. Khu bảo tồn biển Nam Yết -Khu bảo tồn biển Việt Nam lớn nhất

Khu bảo tồn biển Nam Yết được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 742/QĐ-TTg ngày 26/5/2010 về việc phê duyệt Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020. Theo đó Khu Bảo tồn biển Nam Yết thuộc huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, ở tọa độ 10011’00” vĩ độ Bắc và 114021’42” kinh độ Đông. Khu bảo tồn biển Nam Yết có tổng diện tích là 35.000 ha, trong đó diện tích biển là 20.000 ha và toàn bộ diện tích đảo rạn san hô Nam Yết 15.000 ha.

Khu bảo tồn biển đảo Nam Yết nằm ở phía nam cụm đảo Nam Yết, cách thành phố Nha Trang khoảng 450 km về phía Đông Nam. Đảo dạng thuôn dài theo hướng Đông - Tây, chiều dài nhất khoảng 850m, rộng nhất chỉ 170m, diện tích đảo nổi khoảng 10,4ha. Mặt đảo bằng phẳng, cao 3,5-3,8m so với mặt biển. Bờ đảo gồm các bãi cát vụn san hô nhẹ và xốp, nên không ổn định, thường thay đổi theo mùa gió tác động. Thềm san hô là một bãi cạn rộng lớn, mở rộng về phía tây tới 2.000 m. Trên thềm san hô có thảm cỏ biển phát triển, bên ngoài là đới mặt bằng rạn có san hô phong phú. Bao lấy bãi cạn là gờ rạn nổi hơi cao so với bên trong, ngoài gờ rạn là đới sườn dốc.

Khí hậu đảo Nam Yết mang đặc trưng của khí hậu nhiệt đới phía nam Biển Đông. Tổng lượng bức xạ là 147,0 kcalo/cm2/năm. Chế độ gió mang tính chất khí hậu xích đạo có biến đổi theo mùa rõ rệt; mùa đông có gió tín phong Đông Bắc tốc độ trung bình trên 8 m/s, mạnh nhất 18-20 m/s; mùa hè gió tây nam tốc độ trung bình 5,0-5,5 m/s, mạnh nhất tới 20-24 m/s. Nhiệt độ không khí trung bình năm 27,80C, cao nhất vào tháng 5 là 29,40C, thấp nhất vào tháng 1 là 26,30C. Độ ẩm tương đối trung bình 81-82%. Mưa ở khu vực Trường Sa khá lơn, lượng mưa trung bình tới 2.336mm/ năm, lượng bốc hơi chỉ 190-200 mm/năm. Trung bình có gần 3 cơn bão một năm, hoạt động tập trung vào các tháng 7,8 và 9. Cường độ bão thường lớn, sức gió mạnh đạt cấp 10-11, có khi tới cấp 12.

Vùng biển cụm đảo Nam Yết có tầm quan trọng kinh tế đối với nghề đánh bắt hải sản xa bờ. Vùng này có thế là trung tâm phát tán nguồn giống hải sản tự nhiên, một trong những ngư trường quan trọng đối với cá và các loài sinh vật biển khác ở Biển Đông. Tầm quan trọng như vậy còn có thể tăng lên khi các vùng biển quan trọng khác có hiện tượng bị khai thác quá mức. Ngoài ra, nó còn có giá trị pháp lý đối với vấn đề bảo vệ chủ quyền quốc gia về mặt lãnh thổ và tài nguyên môi trường.

9. Huyện đảo Lý Sơn - Huyện đảo có mật độ dân số cao nhất

Huyện đảo Lý Sơn là huyện đảo tiền tiêu nằm ở ngoài khơi vùng biển tỉnh Quảng Ngãi, cách thành phố Quảng Ngãi 45km về phía đông bắc, cách cảng nước sâu Dung Quất 36km về phía đông. Huyện đảo bao gồm đảo Lý Sơn (hay Cù Lao Ré hoặc đảo lớn, tọa độ từ 15o22’02” đến 15o23’24” độ vĩ Bắc và 109o05’13” đến 109o09’00”), cù lao Bờ Bãi (hay đảo Bé, tọa độ 15o25’42” độ vĩ Bắc và 109o05’13” độ kinh Đông) và hòn Mù Cu.

Người dân trên đảo Lý Sơn

Huyện đảo Lý Sơn có tổng diện tích đất là 9,97km2, dân số là 18.223 người (năm 2009). Mật độ dân số của huyện là 1.888 người/km2, đây là huyện đảo có mật độ dân số cao nhất trong 12 huyện đảo của Việt Nam. Mật độ này thậm chí còn cao hơn cả các huyện của các tỉnh đồng bằng sông Hồng, nơi có mật độ dân số cao nhất cả nước. Huyện đảo Lý Sơn có 3 xã là An Vĩnh, An Hải và An Bình.

Lý Sơn có ưu thế vượt trội về khai thác biển. Ngư dân của huyện có truyền thống đánh bắt hải sản trên biển. Từ ngàn đời nay, ngư dân Lý Sơn đã kiên cường bám biển với phạm vi không gian rộng lớn và thời gian dài ngày trên biển. Ngư trường đánh bắt rất đa dạng, từ vùng biển phía bắc đến vùng biển phía nam, từ gần bờ đến ngoài khơi, đặc biệt là ngư dân ở đây luôn có mặt tại ngư trường của quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Đây chính là lực lượng có vai trò quan trọng trong việc tiến ra biển phát triển kinh tế, đồng thời cũng là lực lượng quan trọng khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc và tiên phong trong thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân trên biển.

Môi trường văn hóa - xã hội của huyện đảo Lý Sơn lành mạnh, người dân chủ yếu là dân gốc, sống qua nhiều thế hệ, cân cù lao động, các tệ nạn xã hội có ít. Anh ninh chính trị huyện đảo dược giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Hành và tỏi là 2 cây sản xuất chính của nông nghiệp Lý Sơn từ nhiều thập trở lại đây. Cây tỏi và cây ré được coi là dặc trưng của huyện đảo và Lý Sơn được gọi là "vương quốc tỏi”.

Theo Tổ chức Kỷ lục Việt Nam

 

Nguồn:kyluc.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang