Vietkings công bố Top 10 kỷ lục về biển đảo Việt Nam (lần 2)
Biển đảo Việt Nam là một phần máu thịt thiêng liêng không thể thiếu được của đất nước và con người Việt Nam. Biển đảo Việt Nam hiền hòa, đẹp thơ mộng, là những bức tranh thiên nhiên sống động làm say đắm lòng du khách khắp toàn thế giới. Trong số hàng ngàn hòn đảo và hàng trăm bãi tắm đẹp hoang sơ ở Việt Nam, có nhiều nơi, nhiều vùng đã được quốc tế khảo sát công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.
1. Hoàng Sa - Trường Sa là quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam có không gian lớn nhất, dài nhất, rộng nhất, sâu nhất, xa nhất, có nhiều đảo đá nhất.
Quần đảo Hoàng Sa nằm trong một phạm vi rộng khoảng 15.000km2, giữa kinh tuyến 111 độ Đ đến 113 độ Đông, khoảng 95 hải lý (1 hải lý = 1,853 km), từ 17o05’ xuống 15o,45’độ vĩ Bắc, khoảng 90 hải lý; xung quanh là vùng biển có độ sâu hơn 1000m, song giữa các đảo có độ sâu thường dưới 100m.
Quần đảo Hoàng Sa nằm ngang bờ biển các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam và một phần Quảng Ngãi.
Về khoảng cách với đất liền, quần đảo Hoàng Sa nằm gần đất liền Việt Nam hơn cả:
Từ đảo Tri Tôn đến Mũi Ba Làng An (Cap Batangan:15 độ vĩ B, 108 độ 6’ kinh Đ), tức đất liền lục địa Việt Nam đo được 135 hải lý, cách Cù Lao Ré chỉ có 123 hải lý, trong khi đó khoảng cách đảo gần nhất tới bờ đảo Hải Nam xa tới 140 hải lý (đảo Hoàng Sa-Pattle:16 độ vĩ B, 111 độ 6’ kinh Đ và Ling-Sui hay Leong Soi : 18độ vĩ B, 110 độ 03 kinh Đ); nếu tính tới đất liền lục địa Trung Hoa còn xa hơn nhiều, tối thiểu là 235 hải lý .
Trong khoảng 30 đảo, đá, bãi, cồn, hòn trên, hiện có 23 đã được đặt tên, gồm 15 đảo, 3 bãi, 3 đá, 1 cồn, 1 hòn. Ngoài ra còn vô số mỏm đá. Quần đảo Trường Sa cách quần đảo Hoàng Sa hiện nay tính đến đảo gần nhất vào khoảng 350 hải lý, đảo xa nhất 500 hải lý, cách Vũng Tàu 305 hải lý, Cam Ranh 250 hải lý, đảo Phú Quốc 240 hải lý, cách Bình Thuận (Phan Thiết) 270 hải lý.
Quần đảo Trường Sa trải dài từ vĩ độ 6o2 vĩ B tới 11o28 vĩ B, từ kinh độ 112oĐ đến 115oĐ trong vùng biển chiếm khoảng 160.000km2 - 180.000km2. Biển tuy rộng nhưng diện tích các đảo, đá, bãi nổi lên khỏi mặt nước lại rất ít, chỉ tổng cộng khoảng 11km2.
2. Hoàng Sa, Trường Sa là quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam được vẽ nhiều nhất trên tất cả các bản đồ cổ và hiện đại của Việt Nam và Quốc tế.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đã sưu tầm và đang lưu giữ hàng trăm bản đồ cổ ở các nước Phương Tây cũng như Việt Nam,Trung Hoa vẽ về Parcel, Pracel hay Paracel, Spratleys, Spartlys tức Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Với 50 bản đồ mô tả nước Việt Nam với thềm lục địa và Biển Đông ấn hành suốt từ 1525 đến 1886, chúng ta thấy dần dần sự hiểu biết của thế giới về đất nước Việt Nam ngày một chính xác, cả về hình thể, lẫn địa danh (trong đó, gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa).
Có cả những bản đồ do người Trung Quốc vẽ như: Bộ sưu tập bản đồ Võ bị chí, trang 11b và 12a ghi lại cuộc hành trình của Trịnh Hòa trong thời gian 1405-1433 đi từ Trung Quốc qua Ấn Độ dương tới Phi Châu, có vẽ nước Giao Chỉ Bắc giáp Khâm Châu Trung Quốc, Nam giáp nước Chiêm Thành, Đông giáp biển cả mang tên Giao Chỉ dương, tức biển của nước Giao Chỉ. Năm 1842, Hải quốc đồ chí của Ngụy Nguyên mô tả và khắc vẽ bản đồ tất cả các nước trên thế giới theo phương pháp khoa học với kinh tuyến và vĩ tuyến đã vẽ hai bản đồ về Việt Nam. Trong đó, bản đồ thứ nhất vẽ sơ sài, chia nước ta ra hai phần. Ở ngoài khơi phía Đông hai phần Việt Nam, Ngụy Nguyên ghi rõ là Đông Dương đại hải, tức biển Đông rất lớn.
Cũng trong tác phẩm Hải quốc đồ chí, Ngụy Nguyên còn khắc vẽ bản đồ An Nam quốc với đường nét đúng kinh tuyến và vĩ tuyến rất rộng lớn. Ngoài khơi nước An Nam có ghi rõ Đông Nam hải, tức là biển Đông Nam.
Cũng có những bản đồ vẽ về Hoàng Sa, Trường Sa tức Paracel có tọa độ rất sớm như An Nam đại quốc hoạ đồ do giám mục Taberd vẽ, in năm 1838 là phụ bản của cuốn tự điển Latin- Annamiticum có ghi rõ "Paracel seu Cat Vang” ( seu tiếng La tinh có nghĩa "hay là”).
3. Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa - Lễ hội dân gian duy nhất có từ xa xưa mô tả những khó khăn, gian khổ nhưng rất oai hùng của những người lính Việt Nam canh giữ chủ quyền biển đảo Hoàng Sa – Trường Sa.
Lễ hội Hoàng Sa được tổ chức tại Miếu Hoàng Sa ở làng An Vĩnh, xã An Hải, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi vào ngày 20 tháng 2, âm lịch.
Thời Chúa Nguyễn (Thế kỷ 17-18) đến thời vua Gia Long, Minh Mạng…(TK 19), tại Lý Sơn, Quảng Ngãi có thành lập một đội lính Hoàng Sa để vượt biển bằng những chiếc thuyền nhỏ bé, đi tuần tra ở những hòn đảo xa xôi ngoài khơi Thái Bình Dương, đó là quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa. Đội lính này một đi không trở lại vì ngoài khơi sóng gió, bão bùng làm tàu thuyền bị đắm. Người lính Hoàng Sa nhận nhiệm vụ ra đi là coi như đã chết. Cho nên người dân Quảng Ngãi đến nay vẫn còn lưu truyền câu ca dao:
"Hoàng Sa trời nước mênh mông,
Người đi thì có mà không thấy về.
Hoàng Sa mây nước bốn bề,
Tháng hai khao lề tế lính Hoàng Sa.”
Bởi vậy, trước khi lên thuyền ra khơi, đội lính này làm lễ tế thần tại một ngôi miếu có thờ Cốt ông Hoàng Sa (xương cá voi), gọi là Thần Hoàng Sa do những người lính Hoàng Sa đưa về từ quần đảo này cách đây chừng 300 năm.
Trên đảo Lý Sơn hiện nay vẫn còn nhiều đền thờ: Âm Linh tự (Lý Vĩnh) - nơi còn đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong, Miếu thờ và mộ cai đội Phạm Quang Anh, Nhà thờ tộc họ Phạm có nhiều người đi lính Hoàng Sa, Dinh Ông Thắm thờ cai đội Võ Văn Khiết, Khu mộ gió là khu mộ dành cho lính Hoàng Sa (bên dưới không có xác người) vì chết mất xác nhưng trên mỗi ngôi mộ đều có tên tuổi người lính Hoàng Sa. Hằng năm vào ngày 20, tháng 2, âm lịch tức là ngày những người lính Hoàng Sa chuẩn bị xuống thuyền, người ta thực hành Lễ khao lề thế lính với ý nghĩa cầu mong cho người ra đi được bình yên trên dặm dài sóng nước để trở về cùng gia đình. Đến 9 giờ đêm 20, tháng 2, người ta mổ heo, gà và đến nửa đêm lễ tế chính sẽ được bắt đầu và kéo dài khoảng vài tiếng đồng hồ. Ngoài những lễ vật như heo, gà vừa kể, người ta còn thấy có cả gạo, muối, mắm, củi, nồi niêu…là những v���t dụng mà trước đây lính Hoàng Sa phải mang theo. Đặc biệt trong lễ hội này còn có các linh vị và các hình nộm ở trên có danh tánh người lính Hoàng Sa đã bị tử nạn.
Đây là một lễ hội nhằm ghi nhớ công lao của những người lính Việt Nam đã hy sinh thân mình để canh giữ biển đảo Hoàng Sa – Trường Sa là quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam đã được xác định cách đây hơn 500 năm (thời Hồng Đức - 1490)
4. Bãi biển Trà Cổ - Bãi biển dài nhất
Bãi biển Trà Cổ là bãi biển dài nhất Việt Nam với chiều dài 17 km, diện tích khoảng 170 ha cong hình vành khuyên, trải từ Mũi Gót phía bắc đến Mũi Ngọc ở phía nam. Cát ở đây mịn và chặt, khi nước biển triều rút xuống, bãi cát phẳng mịn chắc và mượt, hơi thoai thoải ra xa, cách bờ một trăm mét nước cũng chỉ sâu hơn 20 - 30 cm. Bãi biển lúc nào cũng sạch sẽ, nước biển trong xanh. Được đánh giá là một trong những bãi biển đẹp nhất Việt Nam.
Quanh bãi biển Trà Cổ có các địa danh du lịch như: Nhà thờ Trà Cổ, Đình Trà Cổ. Lễ hội Đình Trà Cổ từ 30.5 – 6.6 hàng năm. Đây là một hoạt động văn hóa thu hút khách du lịch.
5. Vịnh Hạ Long - Vịnh có nhiều đảo nhỏ nhất
Vịnh Hạ Long thuộc tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam), nằm ở bờ Tây vịnh Bắc bộ. Với diện tích rộng 1.553 km2 bao gồm 1.169 hòn đảo lớn, nhỏ, trong đó 95% là các đảo đá vôi cùng với những giá trị về cảnh quan; giá trị đa dạng sinh học; giá trị địa chất địa mạo và giá trị lịch sử, văn hóa, vịnh Hạ Long đã được công nhận là di tích danh thắng cấp quốc gia và di sản thế giới.
Năm 1962, vịnh Hạ Long được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa thể thao và du lịch) Việt Nam xếp hạng di tích danh thắng cấp quốc gia (Di sản quốc gia Việt Nam). Ngày 17.12.1994 Hội nghị lần thứ 18 của Ủy ban Di sản Thế giới họp tại Phuket (Thái Lan) đã công nhận vịnh Hạ Long vào danh mục Di sản Thiên nhiên thế giới với giá trị ngoại hạng toàn cầu về mặt thẩm mĩ (tiêu chí VII) theo tiêu chuẩn của Công ước Quốc tế về bảo vệ Di sản tự nhiên và văn hóa của thế giới.
Ngày 2.12.2000 Hội nghị lần thứ 24 của Hội đồng Di sản Thế giới họp tại thành phố Cairns, Queensland, Australia đã Công nhận vịnh Hạ Long là di sản thế giới lần thứ 2 theo tiêu chuẩn (VIII) về giá trị địa chất địa mạo. Khu vực di sản Thiên nhiên thế giới có diện tích 434 km2, gồm 775 hòn đảo, giới hạn bởi 3 điểm: đảo Cống Tây (phía Đông), đảo Đầu Gỗ (phía Tây) và đảo Đầu Bê (phía Nam). Tổ chức Kỳ quan thiên nhiên của Thế giới mới (New Open World Corporation) đã vận động bình chọn các kỳ quan thiên nhiên thế giới mới và Vịnh Hạ Long đã vượt qua 21 ứng cử viên sáng giá khác để trở thành một trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới.
6. Đảo Phú Quốc - Hòn đảo lớn nhất
Đảo Phú Quốc là hòn đảo lớn nhất trong số 38 đảo của huyện đảo Phú Quốc. Đảo Phú Quốc còn là hòn đảo lớn nhất trong hệ thống hải đảo của Việt Nam với diện tích 561km2 nằm ở tọa độ 10o00’ - 10o27’ vĩ độ Bắc và 103o49’ - 104o05’ kinh độ Đông.
Đảo Phú Quốc nằm trấn giữ ở phía đông bắc Vịnh Thái Lan, ở biên giới Tây Nam của Tổ quốc, thuộc vùng nước lịch sử Việt Nam - Campuchia. Đảo cách Rạch Giá 116km, cách Hà Tiên 45km, cách bờ biển Campuchia 12,5km. Đảo có dạng hình tam giác, chiều theo phương Bắc - Nam dài 50km, chiều theo phương Đông - Tây dài 27km ở phần Bắc đảo, đảo thót hẹp dần về phía Nam.
Tài nguyên phi sinh vật: có cát thủy tinh, cát xây dựng, kaolin, đá xây dựng, đá ong, tài nguyên đất đai (đất cát, đất mặn sú vẹt, đất phù sa chua glây, đất phù sa ít được bồi, đất feralit vàng xám và vàng đỏ, đất sialit-feralit xám, đất feralit xói mòn trơ sỏi đá), nước mặt (mỗi năm đảo nhận được 1.600 triệu m3 nước mưa), nước ngầm (ước tính khoảng 198,4 triệu m3).
Đảo Phú Quốc có vị trí tiền tiêu - biên giới, là tiền đồn vững chắc trong bảo vệ quốc phòng - an ninh; là nơi có lợi ích trong phát triển kinh tế cửa khẩu, vùng biên, giao thương quốc tế.
7. Khu bảo tồn biển Nam Yết - Khu bảo tồn biển Việt Nam lớn nhất
Khu bảo tồn biển Nam Yết được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 742/QĐ-TTg ngày 26/5/2010 về việc phê duyệt Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020. Theo đó Khu Bảo tồn biển Nam Yết thuộc huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, ở tọa độ 10011’00” vĩ độ Bắc và 114021’42” kinh độ Đông. Khu bảo tồn biển Nam Yết có tổng diện tích là 35.000 ha, trong đó diện tích biển là 20.000 ha và toàn bộ diện tích đảo rạn san hô Nam Yết 15.000 ha.
Khu bảo tồn biển đảo Nam Yết nằm ở phía nam cụm đảo Nam Yết, cách thành phố Nha Trang khoảng 450 km về phía Đông Nam. Đảo dạng thuôn dài theo hướng Đông - Tây, chiều dài nhất khoảng 850m, rộng nhất chỉ 170m, diện tích đảo nổi khoảng 10,4ha. Mặt đảo bằng phẳng, cao 3,5-3,8m so với mặt biển. Bờ đảo gồm các bãi cát vụn san hô nhẹ và xốp, nên không ổn định, thường thay đổi theo mùa gió tác động. Thềm san hô là một bãi cạn rộng lớn, mở rộng về phía tây tới 2.000 m. Trên thềm san hô có thảm cỏ biển phát triển, bên ngoài là đới mặt bằng rạn có san hô phong phú. Bao lấy bãi cạn là gờ rạn nổi hơi cao so với bên trong, ngoài gờ rạn là đới sườn dốc.
Khí hậu đảo Nam Yết mang đặc trưng của khí hậu nhiệt đới phía nam Biển Đông. Tổng lượng bức xạ là 147,0 kcalo/cm2/năm. Chế độ gió mang tính chất khí hậu xích đạo có biến đổi theo mùa rõ rệt; mùa đông có gió tín phong Đông Bắc tốc độ trung bình trên 8 m/s, mạnh nhất 18-20 m/s; mùa hè gió tây nam tốc độ trung bình 5,0-5,5 m/s, mạnh nhất tới 20-24 m/s. Nhiệt độ không khí trung bình năm 27,80C, cao nhất vào tháng 5 là 29,40C, thấp nhất vào tháng 1 là 26,30C. Độ ẩm tương đối trung bình 81-82%. Mưa ở khu vực Trường Sa khá lơn, lượng mưa trung bình tới 2.336mm/ năm, lượng bốc hơi chỉ 190-200 mm/năm. Trung bình có gần 3 cơn bão một năm, hoạt động tập trung vào các tháng 7,8 và 9. Cường độ bão thường lớn, sức gió mạnh đạt cấp 10-11, có khi tới cấp 12.
Vùng biển cụm đảo Nam Yết có tầm quan trọng kinh tế đối với nghề đánh bắt hải sản xa bờ. Vùng này có thế là trung tâm phát tán nguồn giống hải sản tự nhiên, một trong những ngư trường quan trọng đối với cá và các loài sinh vật biển khác ở Biển Đông. Tầm quan trọng như vậy còn có thể tăng lên khi các vùng biển quan trọng khác có hiện tượng bị khai thác quá mức. Ngoài ra, nó còn có giá trị pháp lý đối với vấn đề bảo vệ chủ quyền quốc gia về mặt lãnh thổ và tài nguyên môi trường.
8. "Việt Nam Quốc hiệu và Cương vực Hoàng Sa - Trường Sa", Cuốn sách viết về Quốc hiệu, Cương vực và tập hợp số lượng bản đồ cổ và hiện đại về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam nhiều nhất
Cuốn sách của tác giả Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu do "Nhà xuất bản Trẻ” phát hành năm 2012, dày 205 trang, khổ 15,5 x 23cm. Cuốn sách là công trình vừa mang tính khoa học, vừa phổ thông; khái quát suốt chiều dài lịch sử hơn 4000 năm của dân tộc Việt Nam, từ thuở Vua Hùng dựng nước đến nay. Đặc biệt, để cập nhật vấn đề thời sự, tác giả bổ sung phần về Lãnh hải Việt Nam gồm nhiều tư liệu và bản đồ cổ của thế giới ghi nhận Hoàng Sa - Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam suốt hơn 500 năm qua. Bằng lý lẽ và tài liệu sử học, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đã trưng ra một số bản đồ về thềm lục địa và các hải đảo Việt Nam do người Pháp, Bồ Đào Nha, Trung Quốc, Việt Nam... vẽ cách đây hàng trăm năm - trong đó đặc biệt nhấn mạnh về phương diện lịch sử và luật pháp quốc tế để chứng minh hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa hoàn toàn thuộc chủ quyền Việt Nam. Gần 100 bản đồ cổ, từ thời nhà Lê thế kỷ 15 đến cuối thế kỷ 19.
9. Người có công trình nghiên cứu và hồ sơ, tài liệu về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam được dịch sang tiếng Anh nhiều nhất.
Tiến sĩ Nguyễn Nhã, nhà nghiên cứu sử địa nổi tiếng của Việt Nam. Ông sinh năm 1939 tại Ninh Bình nhưng sống và làm việc tại Sài Gòn.
Năm 2003, ông trình đề tài nghiên cứu luận án Tiến sĩ cấp quốc gia với chủ đề về "Quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa.” Sau đó, ông đã tham gia viết nhiều tác phẩm, dự nhiều hội thảo trong nước và quốc tế. Trong đó có 4 hội thảo quốc tế về Biển Đông ở Việt Nam và hội thảo tại Đại học Temple, Philadelphia năm 2010, hội thảo tại Đại học Harvard năm 2012, v.v.
Ngoài ra, ông còn tập hợp hồ sơ, tài liệu về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam để dịch ra tiếng Anh hơn 500 trang gồm 3 phần: Phần I : Trích nguyên văn Tài liệu của Quân đội Mỹ năm 1960 về chủ quyền của Việt Nam bị tranh chấp và 37 tài liệu của Phương Tây từ trước thế kỷ 19 nói về chủ quyền của Việt Nam tại Paracel (quần đảo Hoàng Sa). Phần II gồm 3 bài tham luận chọn lọc trong các hội thảo về Biển Đông trong và ngoài nước. Phần III gồm toàn văn Luận án Tiến sĩ sử học "Quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa” và các phụ lục được cập nhật hóa các tư liệu mới phát hiện. Ông đã đưa tập hồ sơ tài liệu này đến Hội Địa lý quốc gia Mỹ, văn phòng Thượng Nghị sĩ J. Mc Cain, Jim Web và sẽ đưa tới thư viện các trường Đại học trên thế giới.
10. Đạo diễn thực hiện nhiều bộ phim về đề tài đất nước, con người miền biển đảo Việt Nam nhất
Nguyễn Văn Lượng sinh năm 1957, tại Hải Phòng, là đạo diễn chuyên nghiệp của Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng từ năm 1985. Sau gần 30 năm miệt mài lao động sáng tạo ở lĩnh vực điện ảnh, NSƯT – Tiến sĩ đạo diễn Nguyễn Văn Lượng đã cho ra đời 221 bộ phim về đề tài đất nước, con người miền biển đảo Việt Nam ở 3 thể loại: phim truyền hình, phim truyện và phim tài liệu, đã được cộng đồng người Việt Nam trong và ngoài nước nồng nhiệt đón nhận.
Phim của đạo diễn Nguyễn Văn Lượng đã đóng góp không nhỏ trong việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người biển đảo Việt Nam.
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận