Vợ chồng ngư dân gác đài canh Icom cộng đồng

16:30 29-06-2022

VBĐVN.vn - 14 năm trước, trong một buổi chiều mưa đổ, tôi đã dừng chân bên cửa sổ căn nhà ở làng chài xã Nghĩa An, thành phố Quảng Ngãi để lắng nghe tiếng một người phụ nữ thông báo tình hình bão trên máy Icom. Sau nhiều năm gặp lại, chị Trần Thị Ẩm vẫn làm công việc này và giờ có thêm người chồng từng là thuyền trưởng ngang dọc biển khơi, đã nghỉ biển, ở nhà cùng vợ hỗ trợ thông tin liên lạc cho các ngư dân đánh bắt xa bờ.

Chị Trần Thị Ẩm 14 năm về trước. Ảnh: Văn Chương

Bão tới rồi!

Làng chài Tân Thạnh, xã Nghĩa An, thành phố Quảng Ngãi nổi tiếng với ngành nghề đánh bắt cá chuồn. Vào mùa cá chuồn, nếu làm nghề cá chuồn cồ, ngư dân cho tàu chạy vòng quanh các đảo nổi ở quần đảo Hoàng Sa để đánh bắt cá theo mé sóng. Mé sóng là điểm giao nhau giữa sóng khơi và sóng bờ, nơi đó có từng đàn cá chuồn là là trên mặt biển, tạo nên khung cảnh tuyệt đẹp. Còn tàu làm nghề cá chuồn khơi, còn gọi là cá chuồn rắc thì ngư dân phải đi xa hơn, đánh cá giữa trùng khơi mênh mông, cách đất liền 150-200 hải lý.

Thông thường, bão tố xuất hiện trên biển vào thời điểm cuối năm. Nhưng năm 2008, thời tiết trên biển bất thường nên mới tháng 4 đã xuất hiện bão. Vậy là cả làng chài Tân Thạnh dồn dập chuyển tin “nóng” từ biển. Tại ngôi nhà nhỏ của chị Trần Thị Ẩm, tiếng của chị giống như người đang thúc giục những con tàu lướt sóng trên biển: “Anh em ra sao rồi, chạy theo hướng đó là né được bão; tình hình ăn mì tôm ra sao, anh em uống nước tăng lực để giữ sức khỏe”.

Chị Ẩm ngồi trong đất liền, nhưng do hằng ngày tiếp xúc với ngư dân nên chị đoán định được tình hình anh em trên tàu. Nếu khi trời nổi gió lớn, thì con tàu nghiêng ngả trên sóng, nên không thể nào nấu chín được nồi cơm. Nếu gió nhẹ, thì một người nấu, một người đứng giữ nồi. Còn khi chị nhắc chuyện ăn mì tôm, có nghĩa là phải tắt bếp và ăn mì tôm sống, uống nước cầm cự cho qua cơn bão tố.

Ở làng chài xã Nghĩa An có rất nhiều đài canh Icom cộng đồng, nhưng các đài canh có tiếng nói của phụ nữ luôn làm cho ngư dân giữa biển khơi cảm thấy ấm lòng. Ông Hổ, một ngư dân kỳ cựu ở địa phương khi trở về đều nhắc chuyện: “Anh em tôi ngoài đó nghe tiếng bà Đính, bà Ẩm là cảm thấy vui. Có đài canh, đưa vợ con, anh em xuống ngồi cùng gác máy, mỗi người nói một tiếng, toàn là lời động viên giúp anh em vượt qua bão tố trên biển”.

Trong số các đài canh Icom cộng đồng do chị em ở xã Nghĩa An gác, đài canh của chị Ẩm được ngư dân dễ nhận biết nhất. Nhiều ngư dân cho biết, lúc thời tiết xấu, âm thanh trên máy cũng chao đảo lúc hụt, lúc rõ, nhưng đài canh của chị Ẩm thì nói tiếng của dân Khánh Hòa ngọt xớt, nên nghe qua là bắt được liền, anh em cứ dõi theo đó để nắm tình hình trên biển, thông báo với những con tàu khác tìm cách chạy né bão.

Hiện nay, phần lớn tàu cá ở xã Nghĩa An được nâng cấp, đóng thân vỏ dài 19-21 mét, công suất máy từ 780 mã lực trở lên. Nhưng 14 năm về trước, tàu đánh cá làm nghề lưới chuồn có kích thước thân vỏ chỉ 16-17 mét, công suất máy chỉ tầm 150 mã lực. Do phương tiện đánh bắt lạc hậu, cho nên chỉ cần trên biển xuất hiện áp thấp nhiệt đới, biển động cấp 7 là các đài canh Icom trong đất liền phải dồn dập thông báo. Chị Ẩm thường ngày nắm thông tin thời tiết được tra cứu từ internet. Con em của các ngư dân, bên cạnh việc nắm tình hình thời tiết trong nước, còn chủ động mở rộng tìm hiểu trên các trang thông tin của nước ngoài để giúp các ngư dân chủ động phòng tránh.

Thuyền trưởng “về hưu”

Chị Trần Thị Ẩm, sinh năm 1963, quê ở thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Chị kể rằng, năm 1985, khi sắp đến thời đổi mới thì nhiều ngư dân ở tỉnh Quảng Ngãi đã đưa tàu vào tận Khánh Hòa để mở rộng ngư trường. Quảng Ngãi có đội tàu đánh bắt cá chuồn rất giỏi, ngư dân xuôi ngược khắp trên biển, trong khi trên tàu chỉ có chiếc la bàn nhỏ xíu để định hướng. Ngư dân Trần Tổng năm đó là một chàng trai trẻ, tính tình thật thà. Anh nhiều lần theo tàu cập vào gần nhà chị để bán cá, sau đó, hai người bén duyên và chị theo anh về làm dâu ở làng chài xã Nghĩa An, thành phố Quảng Ngãi.

Ngư dân Trần Tổng giờ đây đã nghỉ biển, hằng ngày cùng vợ gác đài canh Icom cộng đồng. Ảnh: Văn Chương

Biết nghề của chồng là nguy hiểm, mỗi chuyến đi làm biền biệt trên biển, vì vậy, chị nói anh để mình làm nhiệm vụ gác đài canh Icom cộng đồng cho nhóm 10 tàu cá, ngày nào cũng được nghe tiếng anh và các ngư dân đang ở đâu đó giữa biển khơi. Công việc hằng ngày của chị là đan lưới, chăm sóc con và thường trực gác đài canh Icom, nắm tình hình thời tiết để thông báo cho ngư dân trên biển.

20 năm sau ngày chị về làm dâu ở làng chài xã Nghĩa An, nơi đây xảy ra một đại tang kinh hoàng, đó là vào ngày 23-5-2006, 23 người đàn ông cùng một lúc mất tích trên biển trong cơn bão Chanchu. Làng chài tang tóc, có những thanh niên trở về vì quá sợ hãi nên cạo trọc đầu, giã từ nghề biển một thời gian rồi mới dám quay trở lại. Trước tình cảnh đó, chị càng lo cho con tàu của người chồng đang lênh đênh giữa trùng khơi, khi có thời tiết diễn biến xấu thì chị luôn trở thành người động viên, chia sẻ với chồng và anh em ngư dân.

Năm 2016, chồng chị - ngư dân Trần Tổng giã từ nghề biển ở tuổi 54. Tưởng chừng như vậy, chị đã vơi đi nỗi lo, không còn phải gánh việc gác đài canh Icom cộng đồng. Nhưng anh nghỉ biển thì 2 người con trai lớn là Trần Văn Nhân, Trần Văn Nam tiếp tục nối nghiệp cha, xuống đi biển trên tàu QNg92074TS của người chú ruột là ông Trần Lực.

Tôi trở lại làng chài Nghĩa An khi siêu bão Rai ập vào miền Trung cuối năm 2021. Khi qua con đường xuyên làng biển từng đi hơn chục năm về trước, tôi lại tiếp tục nghe vọng ra tiếng của chị Ẩm. Chị vẫn gác đài canh, nhưng bên cạnh đã có sự hỗ trợ của người chồng, là ngư dân có kinh nghiệm mấy chục năm xuôi ngược biển cả. Qua tần số Icom, chị Ẩm nghe tiếng của các ngư dân và điềm tĩnh nói: “Bà con trong này luôn theo dõi và thông báo tình hình, anh em ráng mà giữ sức khỏe”.

Gặp chồng chị - ngư dân Trần Tổng, phải một hồi lâu mới nghe anh chia sẻ thông tin nhỏ giọt về việc “còn 11 tàu, hơn 100 ngư dân đã chạy gần ở tọa độ 18 độ 63 phút vĩ Bắc - 117 độ 30 phút kinh Đông”. Ông Tổng kiệm lời, vì là người từng nhiều lần lăn lộn trên biển, ông dạy lại cho vợ cách cung cấp thông tin giữa ngoài khơi với đất liền để người ở nhà yên tâm, người ngoài biển cũng an lòng vượt qua bão tố.

Theo bienphong.com.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang