Vùi sâu dưới đáy đại dương là… bảo vật quốc gia
Ở Việt Nam hiện nay, vẫn còn nhiều Bảo vật quốc gia bị vùi sâu dưới đáy Biển Đông. Đó chính là kho báu di sản, ngàn đời tích lũy mới có được. Kho báu đang dần được vớt lên, có chiếc đã được xếp hạng là Bảo vật quốc gia, độc nhất vô nhị.
Đó chính là chiếc bình gốm vẽ Thiên nga đã trở thành Bảo vật quốc gia đợt 1 từ năm 2012. Bình còn nguyên vẹn và vẫn ánh lên sắc màu lam trên nền men trắng đặc trưng của thời Lê Sơ, thế kỷ thứ 15. Chiếc bình gốm đã kể lại thân phận của mình và bao “chuyện quê hương” nước Việt đương thời.
Quê hương sản sinh ra chiếc bình gốm này chính là làng nghề Chu Đậu, nay là một thôn của xã Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Đây là một trung tâm sản xuất đồ gốm sứ có quy mô lớn, phần lớn sản phẩm được xuất khẩu đi nhiều nơi ở châu Á và Trung Cận Đông. Các nhà khoa học cũng thấy sản phẩm của Chu Đậu có mặt tại vùng biển xa, tận Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, trong Bảo tàng cung điện Tokapi. Chiếc bình này cũng có men xanh lam trên nền trắng và dòng chữ Hán “Thái Hòa bát niên Nam Sách châu tượng nhân Bùi Thị Hý bút”, tạm dịch là “Năm Thái Hòa thứ 8 (đời vua Lê Thánh Tông 1450), châu Nam Sách, thợ gốm họ Bùi vẽ”. Bên cạnh bình này, còn có 2 hiện vật gốm Chu Đậu lưu lạc đến tận đây nữa. Chiếc bình này cũng đẹp như bình gốm vẽ hình Thiên nga thể hiện ở dáng vẻ và màu men lam, nhưng còn kém ở chỗ kích thước chỉ cao 54cm (so với bình có hình Thiên Nga là 56,5cm) và không trang trí hình động vật.
Chiếc bình vẽ hình Thiên nga có số phận “truân chuyên” như con tàu chở nó cùng 240.000 cổ vật, chủ yếu là gốm Chu Đậu, bị đắm ở vùng biển Cù Lao Chàm ở độ sâu 70-72m. Tháng 5/1997 cho đến tháng 6/1999, Viện Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam đã kết hợp với nhiều chuyên gia lặn biển của Anh, Malaysia, Cộng hòa Czech, Indonesia, Singapore khai quật. Thành quả của cuộc khai quật đã được phân chia và chiếc bình cổ này đã thuộc về sở hữu của nước chủ nhà là Việt Nam.
Chiếc bình gốm cho ta thấy trình độ làm gốm tuyệt vời của Chu Đậu. Với màu men lam nhẹ nhàng trên nền men trắng rất mịn, bình có dáng cao, miệng loe, cổ thắt, vai phình, cân đối, hài hòa. Hoa văn trang trí khá đẹp, gồm 7 vành hoa văn song song từ miệng xuống đáy. Vành chủ đạo, rộng nhất trang trí 4 con Thiên nga trong 4 tư thế hết sức sinh động: Dang cánh bay, nghển cổ như đang kêu, rúc đầu vào cánh để ngủ, đang kiếm mồi. Làm nền cho các con Thiên nga, là hoa văn cánh sen, hoa cúc, mây và cả hình ảnh cây tre quen thuộc của đồng quê Việt Nam.
Các nhà khảo cổ đã định niên đại của con tàu đắm lúc bị chìm là vào thời Lê Sơ, căn cứ vào so sánh hiện vật trên tàu, nhất là vào mấy dòng chữ lưu bút trên chiếc bình gốm Istanbul vào thời Lê Thánh Tông, là một thời thịnh trị của nhà Lê với nhiều chính sách tiến bộ về kinh tế, đưa ra Bộ luật Hồng Đức, vẽ bản đồ định lại cương vực đất nước... Nay, với chứng cứ nghề gốm phát triển, có những lò gốm như Chu Đậu đã cho thấy người Việt tài khéo trong nghề thủ công. Lại nữa, ngoài phục vụ cho nhu cầu trong nước, họ còn xuất khẩu với số lượng lớn đi các nước khác. Điều đó còn cho thấy, ngoại thương thời Lê phát triển. Con đường gốm sứ đã chạy dọc từ vùng cửa sông xứ Đông (Hải Dương, Hải Phòng) đi dọc biển qua miền trung Cù Lao Chàm, Hội An đi qua Ấn Độ đến tận Trung Cận Đông. Sự không may bị đắm của con tàu biển ở Cù Lao Chàm đã cho thấy con đường biển giao thương này thật là nhộn nhịp, nhiều con tàu đã qua đây tạo thành một con đường biển thương mại thuộc loại lớn nhất ở châu Á lúc bấy giờ.
Thế mới biết, con đường biển quan trọng với người Việt như thế nào trong suốt chiều dài hàng ngàn năm lịch sử nước ta, từ con đường giao lưu trống đồng, con đường trao đổi đồ trang sức, gia vị cho đến con đường gốm sứ. Từ trước tới nay và từ nay về sau cũng thế: Biển là kho báu của người Việt, vấn đề là phải khai thác và bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc để bảo vệ kho báu ngàn đời của tổ tiên để lại cho con cháu mai sau./.
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận