Vững chãi Trường Sa - Bài 2: Những “gia đình Trường Sa”

11:49 19-02-2024

VBĐVN.vn - Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28-1-2022 của Bộ Chính trị là bước đột phá lớn, nhằm phát triển Trường Sa xứng tầm là thành trì trên biển. Để biến Nghị quyết thành hiện thực, mỗi người dân, mỗi cán bộ, chiến sĩ và cả những “gia đình Trường Sa” đang sinh sống và làm việc trên huyện đảo phải làm tốt hơn nữa công việc cụ thể của mình, nhân lên sức sống huyện đảo tiền tiêu; vừa phát triển kinh tế - xã hội vừa bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo; đóng góp tích cực cho thịnh vượng của đất nước, cũng như duy trì hòa bình và luật pháp quốc tế trên Biển Đông.

Làm giàu, giữ đảo

Tăng cường các biện pháp thiết thực để nâng cao mức sống, sự tiện dụng cho nhân dân sinh sống tại các xã đảo là chủ trương đúng đắn và đang được thực hiện rất hiệu quả. Khi chứng kiến tận mắt sự tiện nghi về vật chất, thoải mái về tinh thần, trẻ em được đến trường, người lớn yên tâm, vui vẻ với cuộc sống tại xã đảo Song Tử Tây, xã đảo Sinh Tồn… và một số xã đảo khác, chúng tôi thấy rõ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quân đội, nhân dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài.

Chị Nguyễn Thị Lơ cùng hai con trai sinh đôi chia sẻ rằng, chị yêu quý xã đảo Song Tử Tây, mong muốn các con được lớn lên trong môi trường trong lành trên đảo, được sự giáo dục, đùm bọc của bộ đội Hải quân.

Chị Nguyễn Thị Lơ đang sinh sống tại xã đảo Song Tử Tây và chị Bùi Thị Kim Ngọc sinh sống tại xã đảo Sinh Tồn là hai trong số các hộ dân sinh sống trên hai xã đảo trên cho biết: Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa luôn có sự quan tâm đặc biệt đối với huyện đảo Trường Sa, vì thế cuộc sống của người dân ở huyện đảo Trường Sa trong nhiều năm qua, cả về vật chất lẫn tinh thần đều được cải thiện rõ rệt.

Hiện đời sống của nhân dân trên các xã đảo, thị trấn thuộc huyện đảo Trường Sa đã đi vào ổn định; mức sống của người dân ngày càng tốt hơn, tiện nghi hơn. An sinh xã hội, y tế, điện, nước sạch, giáo dục được đặc biệt quan tâm. Các cháu học sinh được tổ chức học tập theo các chương trình từ mầm non cho tới lớp 5, đúng nội dung sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tới đây, có thể sẽ xây dựng thêm trường Trung học cơ sở, tạo điều kiện cho người dân yên tâm gắn bó lâu dài với các xã đảo.

Nói về những đổi thay trong vài năm trở lại đây, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Song Tử Tây Cao Văn Giáp-người đã gắn bó với Trường Sa nhiều năm-khẳng định: "Có thể nói, cuộc sống ở các xã đảo tuy còn nhiều khó khăn do ở xa đất liền, nhưng so với trước đây, điều kiện đã tốt hơn rất nhiều. Khoảng cách, trình độ phát triển, nhận thức giữa đảo và bờ trong những năm gần đây vì thế cũng rút ngắn lại".

Những công trình phục vụ cuộc sống người dân, giúp các cháu nhỏ có cơ hội phát triển toàn diện.

Vượt qua đặc thù là xã đảo, xa đất liền, thời tiết, khí hậu khắc nghiệt… người dân và chính quyền xã Song Tử đã sử dụng có hiệu quả nguồn lực từ các cấp, ngành và nhân dân cả nước hỗ trợ để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, cũng như ổn định, nâng cao đời sống nhân dân. Những công trình kinh tế kết hợp với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, phục vụ dân sinh phù hợp với thực tiễn, đi vào hoạt động hiệu quả, tạo nên một Trường Sa "mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp cảnh quan, môi trường, mẫu mực tình đoàn kết quân dân".

Như để minh chứng cho sự gắn kết tình quân dân, vừa thoăn thoắt cùng với bộ đội gói bánh chưng, chị Trần Thị Châu Úc-là một người dân đang sống tại xã đảo Song Tử Tây - xúc động nói: Gia đình tôi được ổn định như hôm nay cũng nhờ sự quan tâm của chỉ huy và anh em chiến sĩ trên đảo Song Tử Tây. Những ngày mới đến đây, gia đình còn bỡ ngỡ, chúng tôi đã được chỉ huy đảo tận tình chỉ bảo, từ cách sắp xếp các hộp đất trồng rau, thiết kế vườn sao cho phù hợp, cách tiết kiệm nước, chăm sóc trẻ nhỏ… Chỉ trong một tuần, gia đình tôi đã quen với cuộc sống trên đảo. Hiện chúng tôi đã trồng đủ rau ăn, con cái được đến trường học. Thời gian rảnh rỗi chúng tôi tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường trên đảo, như trồng cây, nhổ cỏ, trồng hoa tạo cảnh quan, dọn dẹp vệ sinh, nuôi thêm gia cầm, tham gia các hoạt động của hội phụ nữ…

Phút thảnh thơi của chị em chi hội phụ nữ xã Song Tử Tây.

Lý giải về những đổi thay từ chính gia đình mình, chị Nguyễn Thị Lơ kể: Cuộc sống của nhân dân trên đảo sở dĩ có nhiều thay đổi theo hướng tích cực, ngoài sự quan tâm vĩ mô, thì điều căn cốt chính là có sự quan tâm, chia sẻ, đùm bọc chu đáo của cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Nhân dân trên xã đảo luôn nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ cả về vật chất, lẫn tinh thần của cán bộ, chiến sĩ đóng quân trên địa bàn. Nhân dân được tham gia các hoạt động quan trọng trên đảo như chào cờ, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, giao lưu, kết nghĩa.

Nơi ở và làm việc của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo thật đẹp với những chậu hoa giấy nở rộ đón Xuân.

"Người dân trên xã đảo Song Tử Tây khi đau ốm được các bác sĩ giỏi của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tận tình khám, chữa bệnh; hàng hóa cũng theo các tàu cá và tàu hàng thường xuyên được gửi tới người dân qua âu tàu Song Tử Tây. Cuộc sống trên đảo vì thế cơ bản không thiếu thứ gì", chị Lơ nói.

Để kiểm chứng, tôi và một đồng nghiệp tại Đài Truyền hình Việt Nam đã hai lần "bí mật" thăm các hộ gia đình ở làng chài xã Song Tử Tây và Sinh Tồn vào bữa trưa và bữa tối. Nhìn bữa cơm đầy đủ chất dinh dưỡng, với thịt, cá, canh xương, rau xanh, vừa ăn vừa xem thời sự, chúng tôi đã tin những gì các chị nói là thật. Cuộc sống ở huyện đảo Trường Sa đã có nhiều đổi thay, không khác nhiều so sinh hoạt thường ngày của các gia đình ở đất liền.

Nối nghiệp cha anh canh giữ đảo

Sau hai ngày được sống với nhân dân trên đảo, khi chúng tôi đã thực sự là người nhà, nhiều câu chuyện thầm kín cũng được các chị chia sẻ. Chị Đinh Thị Mỹ Hảo - cây “tấu hài” của làng chài trên đảo Song Tử Tây - nhận xét: Tôi cảm nhận rõ không khí trong lành ở trên đảo. Ở đây, mỗi người đều có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường nên không có hiện tượng vứt rác bừa bãi. Lá cây rụng luôn được gom lại để ủ thành phân xanh, bón cho các khu đất trồng rau, vườn ươm.

Chị Hảo (bên trái) mời phóng viên món ăn mà chị tự làm.

Ấn tượng về sự bình yên, trong lành trên xã đảo này, chị Hảo cho biết: “Ở trên đảo, tôi hoàn toàn toàn yên tâm về các cháu nhỏ. Các cháu ít ốm vặt và rất ngoan. Hằng ngày, vào giờ nghỉ, các cháu nhỏ luôn gần gũi với cán bộ, chiến sĩ trên đảo, từ đó các cháu học được điều hay, lẽ phải. Không chỉ con tôi đâu, con các chị em khác trong làng chài này đều mong muốn lớn lên được làm bộ đội canh giữ đảo”.

“Được làm bộ đội canh giữa đảo!”. Một mơ ước thật giản dị nhưng cũng thật thiêng liêng. Nhìn ánh mắt của chị Hảo, chúng tôi biết, chắc chắn, thế hệ tiếp theo của gia đình chị, những đứa con chị sẽ lại xung phong ở lại đảo, nhận nhiệm vụ canh giữ những vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đảo tiền tiêu của Tổ quốc sẽ mãi vững bền, sẽ là thành trì vững chãi khi biết bao gia đình luôn biết đặt lợi ích đất nước lên trên.

Toàn đảo luôn là một khối thống nhất trong các hoạt động chung.

Ở huyện đảo Trường Sa đang có không ít những “gia đình Trường Sa”, như cách chúng tôi gọi những hộ dân có chồng từng là chiến sĩ bảo vệ các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, nay họ quay trở lại những nơi mình từng đóng quân trên cương vị mới, là những hộ dân xung phong ra đảo để xây dựng cuộc sống, xây dựng văn hóa, làm giàu từ biển, và cao hơn cả là được đóng góp công sức chung bảo vệ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Câu chuyện của hộ “gia đình Trường Sa” Lê Thanh Tuấn-Bùi Thị Kim Ngọc và hộ gia đình Phạm Văn Toản - Trần Thị Thu Huyền ở làng chài xã đảo Sinh Tồn, là minh chứng sống động cho ý chí quyết tâm bám biển, bảo vệ đảo, làm giàu từ biển đảo của nhân dân ta.

Nhân dân và cán bộ, chiến sĩ xã đảo Sinh Tồn cùng tham gia gói bánh chưng.

Phạm Văn Toản và Lê Thanh Tuấn đều là những người con của quê hương Khánh Hòa, họ tham gia nghĩa vụ quân sự và trở thành chiến sĩ thuộc Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân. Cả hai anh đều có thời gian huấn luyện và tham gia trực tiếp làm nhiệm vụ tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Những năm tháng sống cùng đồng đội ở đảo để lại trong họ những ấn tượng không thể phai mờ về sự gắn bó, chia sẻ, đoàn kết vượt qua khó khăn thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng. Những kỷ niệm đẹp về tình đồng chí, đồng đội, những bài học về tinh thần xây dựng quê hương, về ý chí quyết tâm bảo vệ quần đảo yêu dấu đã thôi thúc các anh trở lại quần đảo. Và thế là không hẹn mà gặp, tháng 6-2023, cả hai hộ gia đình của hai anh gặp nhau ở làng chài xã đảo Sinh Tồn.

Họ không chỉ là đồng chí trong tổ dân quân tự vệ biển, mà còn là nghĩa xóm tình làng. Mỗi gia đình là một gia đình hạt nhân, tế bào nhỏ đóng góp công sức bảo vệ đảo, làm giàu cho quê hương, xây dựng môi trường văn hóa trên xã đảo.

Anh Toản tâm sự, nếu như trước kia anh đã từng vui Tết cổ truyền cùng đồng chí đồng đội, cán bộ chỉ huy đảo, thì giờ đây, niềm vui đã nhân đôi khi anh có cả một gia đình được vui Xuân, đón Tết cùng cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn. "Đây là cái Tết thật sự ý nghĩa với gia đình nhỏ chúng tôi", anh Toản giãi bày tâm sự.

Có lẽ những gì anh Toản thật lòng chia sẻ là không quá. Tôi biết, trong số hàng theo tàu ra đảo, nhà anh cũng vừa nhận được lương thực, thực phẩm của gia đình ở đất liền gửi ra. Ngay bữa trưa hôm ấy, chúng tôi đã được thưởng thức món xôi đỗ đồ với nước cốt dừa ngon tuyệt do vợ chồng anh tự đồ.

Chị Huyền và con gái rất quý các chú bộ đội Hải quân trên đảo.

Với chị Thu Huyền, chị vốn là điều dưỡng viên công tác tại bệnh viện huyện. Khi chồng chị tâm sự muốn đưa cả gia đình ra sinh sống tại đảo Sinh Tồn, chị rất lo lắng, đặc biệt là lo cho con gái còn nhỏ. Nhưng khi được chồng cung cấp đầy đủ thông tin về sự tiện nghi, tiện lợi trên đảo, có bệnh xá; có chùa; có nước ngọt đầy đủ; điện gió và điện năng lượng mặt trời cung cấp ngày đêm; có âu tàu, với những con thuyền ra vào liên tục… chị Huyền đã yên tâm và quyết định cùng chồng viết đơn tình nguyện.

Ra tới đảo, với kiến thức được học trên ghế nhà trường, chị đã phát huy được năng lực chuyên môn, hỗ trợ bộ đội khi có yêu cầu. Chị còn là một thành viên tích cực của Chi hội Phụ nữ xã đảo Sinh Tồn, luôn nêu cao tinh thần gương mẫu đi đầu của đảng viên. Gia đình chị Huyền anh Toản còn vận động các hộ gia đình khác làm đường hoa, thu gom và phân loại rác thải, giữ gìn cảnh quan môi trường đảo trong sạch, lành mạnh; đoàn kết với lối xóm; đoàn kết với bộ đội đóng quân làm nhiệm vụ.

Gia đình anh Tuấn, chị Ngọc tâm sự với cán bộ chỉ huy đảo Sinh Tồn.

Cũng như gia đình Toản - Huyền, Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 cũng là cái Tết ấm áp tình đồng đội, đồng chí, tình làng nghĩa xóm của gia đình anh Lê Thanh Tuấn và chị Bùi Thị Kim Ngọc. Họ có lẽ là hộ gia đình vui nhất làng chài xã đảo Sinh Tồn khi chị Ngọc khoe với chúng tôi: “Em ra đây ít ngày thì có thai cháu thứ 2. Thai nhi luôn mạnh khỏe, dự kiến sẽ sinh em bé trên đảo vào khoảng tháng 7-2024”.

Chị Ngọc kể, khi ở đất liền, chị nhận công việc làm đẹp cho các chị em phụ nữ, thu nhập cũng ổn. Một hôm, anh Tuấn trịnh trọng bày tỏ ý định muốn đưa gia đình ra đảo sinh sống, chị cũng lo lắng cho những khó khăn có thể gặp phải. Nhưng sau khi chồng giải thích, kể về điều kiện đầy đủ trên đảo, chị đã yên tâm. Rồi khi đặt chân tới đảo, nhận được sự quan tâm của cán bộ, chiến sĩ, chính quyền trên đảo, giờ chị Ngọc đã hoàn toàn yên tâm.

Trong câu chuyện với chị, chúng tôi hiểu, những giây phút nhớ nhà đã dần bớt đi. Giờ chị dành nhiều thời gian chăm lo nhà cửa, dạy con, chăm sóc thai nhi. “Các bác sĩ ở đây đều là những người giỏi chuyên môn. Tôi được các bác sĩ nhắc nhở khám định kỳ, uống thuốc bổ, ăn uống đủ chất, bổ sung sữa… Về cơ bản tôi đã yên lòng để chờ sinh em bé. Nếu là con trai dự kiến đặt tên con là Trường. Là con gái, dự kiến đặt tên con là Sa”.

Các chiến sĩ trẻ đảo Song Tử Tây tham gia văn nghệ chào mừng Xuân Giáp Thìn 2024.
Các cháu nhỏ con của các hộ gia đình hồn nhiên tham dự các sự kiện vui Xuân Giáp Thìn 2024.

Những “gia đình Trường Sa” đang ngày một lớn hơn, đông thêm. Những “em bé Trường Sa” đang tiếp nối tiền nhân, tiếp nối thế hệ cha anh, cùng nhau bảo vệ đất nước, bảo vệ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Ghi chép của NGUYỄN HÒA

Nguồn:Theo qdnd.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang