Vững chãi Trường Sa – Bài 1: Trái tim của Biển Đông

08:34 19-02-2024

VBĐVN.vn - Phải dành nguồn lực xây dựng huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước và là thành trì vững chắc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Đây là nhiệm vụ cao cả, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Nội dung cốt lõi này được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao cho tỉnh Khánh Hòa và các ban, bộ, ngành có liên quan trong cuộc làm việc ngày 13-3-2022 tại tỉnh Khánh Hòa. Cuộc làm việc diễn ra chỉ sau một tháng rưỡi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28-1-2022 về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trong chuyến đi thực tế đầu năm 2024 tới huyện đảo Trường Sa, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã ghi lại những điểm sáng trong triển khai Nghị quyết trên ở huyện đảo tiền tiêu.

Các chiến sĩ chia tay đất liền lên đường làm nhiệm vụ.

Bài 1 - Trái tim của Biển Đông

Trong chuyến công tác thăm, chúc Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 quân và dân huyện đảo Trường Sa, tôi đã cảm nhận rõ sự đổi thay của Trường Sa so với chuyến đi vào dịp cuối năm 2010. Trường Sa đang phát triển đúng hướng với đủ đầy hơn, tiện lợi hơn, phục vụ tốt hơn cho sản xuất, cho cuộc sống của những con người đang ngày đêm bám biển, giữ đảo, làm giàu từ biển; thực sự là thành trì vững chắc bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc; là điểm tựa vững chắc để nhân dân vươn khơi, đúng như tinh thần Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28-1-2022 của Bộ Chính trị.

Tết Trường Sa tươi vui, đủ đầy

Trước mỗi dịp Tết cổ truyền, dù thời tiết không thuận lợi, sóng to, gió lớn nhưng chưa bao giờ những chuyến tàu mang theo tình cảm, vật chất từ đất liền lỗi hẹn với các đảo, xã đảo thuộc huyện đảo Trường Sa. Nhiều anh em phóng viên chúng tôi dù sợ say sóng nhưng biết chuyến đi này rất ý nghĩa khi có nhiều thời gian để tác nghiệp, tìm hiểu chất liệu từ cuộc sống hằng ngày của nhân dân, được chứng kiến cái Tết của quân và dân trên các đảo, nên ai cũng háo hức, quên đi sự vất vả của những chuyến đi mùa biển động.

Thượng tá Nguyễn Văn Thọ, Phó lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân, trao quà Tết tặng các hộ gia đình đang sinh sống tại xã đảo Sinh Tồn.

Và thế là ngoài việc mang theo hàng Tết tới cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ở huyện đảo Trường Sa, những con tàu còn đưa hàng chục nhà báo của các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương đến với các xã đảo để chứng kiến sự chuyển mình ở huyện đảo tiền tiêu. Để rồi những con tàu mang nặng tình cảm ấy lại vượt sóng cả về đất liền, lan tỏa những câu chuyện về cuộc sống, sự vươn lên của quân và dân huyện đảo Trường Sa, để trong bờ biết rằng, ngoài kia cuộc sống của nhân dân, cán bộ, chiến sĩ ngày càng đủ đầy hơn, tiện nghi hơn; cuộc sống vật chất và tinh thần phong phú hơn. Trường Sa vẫn luôn hiên ngang tuyến đầu, là thành trì vững chãi trên Biển Đông.

Những năm gần đây, các đoàn công tác thăm và làm việc tại Trường Sa đều đi trên những con tàu hiện đại, vững chắc với chất lượng phục vụ tốt hơn.
Các nhà báo khắp mọi miền đất nước có dịp được ra thăm, chúc Tết và tìm hiểu cuộc sống của nhân dân, cán bộ, chiến sĩ sống, làm việc trên các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa.

Đã từng đến với Trường Sa trong những chuyến đi sóng gió dịp cuối năm cách đây hơn chục năm, khi ấy dù đã nhận được sự quan tâm của cả nước, nhưng cuộc sống ở huyện đảo vẫn còn rất vất vả. Những chuyến đi dịp cuối năm thường phải khởi hành trên những con tàu nhỏ hơn, vừa mang hàng hóa Tết, vừa mang theo cán bộ, chiến sĩ và cả các đoàn nhà báo ra đảo. Giờ đây, sau hơn chục năm, hàng hóa, cán bộ, chiến sĩ cùng đoàn công tác và các nhà báo đã được đi trên những con tàu chở khách chuyên dụng, với buồng ngủ mát lạnh, nhà ăn khang trang, sạch sẽ, hiện đại, đội ngũ phục vụ ngày càng chuyên nghiệp. Sự đổi thay dù là nhỏ thôi, đã cho thấy những bước tiến bộ đáng kể của Quân đội, bộ đội Hải quân những năm gần đây.

Những hàng cây xanh mát quanh năm ở đảo Song Tử Tây.

Và khi tới những đảo, xã đảo năm xưa tôi và các đồng nghiệp đã từng đặt chân tới, qua từng thước phim, bức ảnh, trò chuyện với những chiến sĩ Hải quân, người dân ở xã đảo… chúng tôi thật sự ngỡ ngàng với sự đổi thay. Cảm nhận ban đầu là đảo dường như xanh hơn, sạch hơn, quy củ hơn, khoa học hơn, sức vươn lên mạnh mẽ hơn.

Điều này dù thực sự không quá bất ngờ bởi chúng tôi vẫn hằng ngày dõi theo sự lớn mạnh của quân và dân trên đảo tiền tiêu. Nhưng tới đây, được tận mắt chứng kiến sự đổi thay từng ngày mới thấy, để quân và dân có được cuộc sống bớt vất vả, dần tiệm cận với mức sống với các địa phương trong đất liền là công sức không chỉ của cán bộ, chiến sĩ, người dân huyện đảo Trường Sa mà còn là đồng lòng hiệp sức vì Trường Sa thân yêu của đồng bào, chiến sĩ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài suốt bao năm qua.

Khu nhà ở khang trang tại làng chài xã đảo Song Tử Tây.

Trong hành trình đến với các đảo và xã đảo thuộc huyện đảo Trường Sa, chúng tôi đã thấy rõ bóng dáng cuộc sống hiện đại và năng động. Chúng tôi đã được chứng kiến một cái Tết đủ đầy với không khí buổi gói bánh chưng thật giản dị, đầm ấm, thắm tình đoàn kết quân dân, với những tà áo dài đủ màu nổi bật giữa nền trắng của những bộ quân phục Hải quân; tiếng cười của con trẻ hòa trong gió biển rì rào thổi qua ngọn phong ba… Chúng tôi được thưởng thức bánh chưng, thịt lợn, dưa hành… với hương vị y như mâm cỗ của mọi gia đình trong đất liền.

Chúng tôi đã thấy ở đó những chàng trai lực lưỡng, mạnh khỏe trong các trò chơi dân gian như đẩy gậy, kéo co, nhảy bao bố… Họ không chỉ mạnh khỏe trước sóng cả, mà còn vô cùng khéo léo, tinh tế khi tham gia chương trình văn nghệ với những bài hát về quê hương, những câu trả lời dí dỏm, thông minh khi tham gia trò chơi hái hoa dân chủ…

Ngày Xuân, các gia đình và các cháu nhỏ cùng nhau vãn cảnh trên xã đảo Song Tử Tây.

Một cái Tết thực sự đủ đầy vật chất, tinh thần càng thêm trọn vẹn khi trong ngày đầu năm mới, hòa trong gió biển lúc du dương, khi dạt dào, chị em trong tà áo dài thả bước cùng chồng, con, cán bộ và chiến sĩ tới khu tưởng niệm Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn; thắp nén hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ tại bia tưởng niệm; vào chùa đứng trước tượng Đức Phật cầu mong sức khỏe, sự an lành cho mỗi gia đình, cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, toàn đảo bình an, hoàn thành mọi nhiệm vụ.

Dáng hình của trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên Biển Đông

Những thị trấn, xã đảo qua mỗi năm lại thêm trù phú, hoàn thiện giúp sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân thêm thuận tiện, thu hẹp khoảng cách với đất liền. Đây chính là cơ sở để chúng ta quyết tâm xây dựng Trường Sa thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển, thực sự trở thành điểm tựa của ngư dân cả nước, xứng đáng với vị thế là trái tim của Biển Đông.

Như phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc làm việc với tỉnh Khánh Hòa ngày 13-3-2022: Phải dành nguồn lực xây dựng huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước và là thành trì vững chắc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Các em học sinh vui chơi tại sân Trường Tiểu học xã Sinh Tồn.

Đây là nhiệm vụ cao cả, có nghĩa đặc biệt quan trọng, đúng với tinh thần Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28-1-2022 do Bộ Chính trị ban hành về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó, tại mục 9- “Gắn phát triển kinh tế-xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh; giữ vững chủ quyền biển, đảo quốc gia; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội”, đã nhấn mạnh: "Nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh phải được thực hiện xuyên suốt trong từng chủ trương, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế-xã hội; bố trí lồng ghép các nguồn lực bảo đảm đầu tư xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc. Ưu tiên xây dựng các công trình quốc phòng, an ninh tuyến biển, đảo. Tổ chức thực hiện các hoạt động hỗ trợ dân sự, du lịch biển, đảo, phát triển ngư nghiệp để xây dựng huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước; khu vực phòng thủ vững chắc, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc".

Cảnh quan môi trường ở đảo Sinh Tồn được dọn dẹp sạch sẽ thường xuyên.

Mỗi nơi ở xã đảo Sinh Tồn, Song Tử Tây hay ở những đảo mà chúng tôi đi qua dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, chúng tôi đã tranh thủ ghi lại thật nhiều những thước phim, hình ảnh, phỏng vấn thật nhiều những con người mà chúng tôi may mắn gặp được. Và khi thực sự hòa mình với cuộc sống ở xã đảo, chúng tôi đã hiểu rằng, quân và dân huyện đảo Trường Sa sẽ nhất định cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28-1-2022.

Bởi, ở nơi đầu sóng ngọn gió ấy, những con người đầy trách nhiệm, những công trình phục vụ nghề cá ngày càng khang trang tiện nghi hơn, phục vụ nhân dân ngày càng chu đáo, mở ra tiềm năng phát triển mạnh mẽ, bền vững trong tương lai.

Âu tàu Sinh Tồn có thể chứa được hàng chục tàu cá đủ các tải trọng.

Ở đó vẫn luôn có những bác sĩ giỏi chuyên môn như bác sĩ Quốc (xã đảo Song Tử Tây), bác sĩ Nam (đảo Sinh Tồn Đông)… yêu nghề, tận tâm cùng các trang thiết bị khá hiện đại cùng đường truyền trực tuyến kết nối từ các bệnh viện lớn trong quân đội, như Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Quân y 175, Bệnh viện Y học Hải quân... Là những trường học, nơi ấy có những thầy giáo như thầy Chiến, thầy Tuấn, thầy Lĩnh… luôn tâm huyết, hết lòng vì học sinh, vì chất lượng giáo dục cho thế hệ tương lai. Là những cán bộ như Thiếu tá Nguyễn Trần Đăng cùng hàng chục nhân viên ngày đêm túc trực giúp đỡ ngư dân tại các âu tàu, với tinh thần phục vụ nhân dân nhiều hơn là làm công tác dịch vụ.

Buổi chiều yên ả trên xã đảo Song Tử Tây. Hoàng hôn dần buông. Mọi công việc huấn luyện tạm dừng. Tôi đi bộ cùng với một số anh chị thuộc các hộ gia đình, một số cán bộ, chiến sĩ trên con đường bê tông quanh đảo, trong tiếng chuông chùa gióng lên hòa cùng sóng biển rì rào. Không khí thật thanh bình, êm ả, hệt như mọi làng quê khắp Việt Nam. Tôi nói với Thượng tá Nguyễn Văn Khương, Chính trị viên đảo Song Tử Tây cùng Trung tá Đào Xuân Nam, Chỉ huy trưởng đảo Song Tử Tây: Hình như mỗi ngày đảo lại đổi khác. Cách đây hơn 10 năm, đảo chưa được đẹp, khang trang như bây giờ. Các anh cười và chia sẻ: “Nếu anh ra đây, cái khác tính theo tháng đấy. Vì mỗi tháng, đảo sẽ lại xanh hơn đấy”. Nói rồi các anh cười tự hào và khoe, để có được màu xanh ấy, nhất là sau khi đảo trải qua trận bão kinh hoàng năm 2021, nhổ bật gốc 95% cây cối trên đảo, thì màu xanh đảo đang có bây giờ là cả một sự kỳ công, nỗ lực, cộng với sự chi viện của các nhà khoa học từ đất liền đó”.

Hội phụ nữ xã đảo Song Tử Tây biểu diễn tiết mục văn nghệ chúc mừng các chiến sĩ có ngày sinh nhật trong quý I, tại xã Sinh Tồn.

Sau khi nghe các anh chia sẻ, tôi mới biết, hóa ra những gốc cây mà tôi nhìn thấy vẫn phải có các thanh chống gốc là vì thế. Trải qua sự chăm bón kỳ công, hàng trăm cây đổ do bão đã lại đứng vững, rễ cây đang từng ngày bám chặt vào đất và cát trên đảo. Những cây non đang dần lớn mạnh, tạo thành những hàng cây vững chãi, làm dịu mát cái nắng giữa biển khơi.

Qua câu chuyện với Thượng tá Nguyễn Văn Khương và Trung tá Đào Xuân Nam, tôi hiểu thêm rằng, để có những âu tàu, khu dịch vụ kỹ thuật - hậu cần, trường học, trạm xá, làng chài, những giếng nước ngọt quý hơn vàng, hay những khu vực hành chính khang trang, sạch đẹp như ở xã đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn và các xã đảo khác trong huyện đảo Trường Sa... biết bao mồ hôi, công sức, thậm chí là máu đã đổ xuống.

Một trận đấu bóng chuyền của các lực lượng trên đảo Song Tử Tây được tổ chức đúng dịp đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024

Xen trong câu chuyện được các đồng chí chỉ huy đảo kể, đi đến đâu, bất kỳ con đường, góc nào trên đảo, tôi đều bắt gặp những nụ cười tươi rói trên môi mỗi người dân, những tiếng chào của các chiến sĩ. Thật gần gũi, thân thương. Cán-binh; cán bộ-nhân dân như không hề có khoảng cách…

Cuộc sống vật chất dần đủ đầy càng có ý nghĩa hơn khi các trang thiết bị phát sóng, nghe, nhìn cũng hiện diện ngày càng phong phú, giúp người dân tiếp cận nhanh nhất với mọi thông tin thời sự; chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; những cách làm hay trong sản xuất, những câu chuyện đẹp từ xã hội….

Quân dân cùng tham gia gói bánh chưng chuẩn bị đón Xuân Giáp Thìn 2024.

Vô tình trong buổi chiều hôm đó, qua Đài Tiếng nói Việt Nam, tôi được nghe ý kiến phân tích của Đại biểu Quốc hội khóa XV, PGS, TS Nguyễn Chu Hồi, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam về vị trí, vai trò của Quần đảo Trường Sa. Tôi nhớ rất rõ ý phân tích của PGS, TS Nguyễn Chu Hồi: Quần đảo Trường Sa là phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, có vị trí địa lý đặc biệt quan trọng đối với đất nước ta. Xây dựng đất nước mạnh từ biển, làm giàu từ biển và bảo vệ vững chắc đất nước là nhiệm vụ xuyên suốt. Các nhiệm vụ có mối liên hệ chặt chẽ với nhau.

Ghi chép của NGUYỄN HÒA

Nguồn:Theo qdnd.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang