Vươn khơi với những con tàu... không lưới

09:18 11-05-2022

VBĐVN.vn - Mặc dù tuổi đời còn trẻ, nhưng anh Lê Văn Thiên (phường Thuận Phước, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) được biết đến là thuyền trưởng kiêm chủ đội tàu chuyên khai thác hải sản ở ngư trường Hoàng Sa, với thu nhập hàng tỉ đồng mỗi năm. Không đánh bắt theo cách truyền thống, đội tàu của anh Thiên không có lưới, giàn đèn “khủng”, nhưng vẫn cập bờ với cá mực đầy khoang.

Anh Lê Văn Thiên bảo dưỡng máy làm đá từ nước biển. Ảnh: Trúc Hà

Làm chủ công nghệ mới

Trở về sau chuyến đi biển, thuyền trưởng Lê Văn Thiên cho tàu ĐNa 90888 TS cập cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng). Chuyến nào cũng thế, trước khi về, anh đều điện thoại cho thương lái nên thuyền cập cảng là có người đến cân hải sản luôn. Hai chiếc tàu ĐNa 91156 TS, ĐNa 91158 TS (cũng do anh Lê Văn Thiên làm chủ) cũng nhanh chóng cho thương lái lên bốc hàng rồi theo đuôi tàu ĐNa 90888 TS ra neo đậu tại cảng sông Hàn để vệ sinh phương tiện.

Tham quan 4 con tàu đánh bắt xa bờ của anh Thiên, ban đầu, chúng tôi cứ ngỡ đây là tàu hậu cần, thu mua hải sản, bởi các tàu này rất sạch sẽ, không có mùi cá để lâu ngày, mà còn không thấy lưới, giàn phơi hay giàn đèn. Anh Lê Văn Thiên cho hay, các tàu của mình đều làm nghề câu tay, bởi vậy không có ngư lưới cụ, bề mặt tàu thường xuyên được vệ sinh nên rất sạch sẽ.

Anh Lê Văn Thiên hồ hởi giới thiệu chiếc máy sản xuất đá trực tiếp từ nước biển - rất hiếm trên các tàu cá hiện nay ở Việt Nam. Năm 2019, sau khi khảo sát và nghe anh Thiên nói về quy trình đánh bắt cá của mình, một công ty của Nhật Bản đã tài trợ chiếc máy này. Đặc điểm của máy là khi ra biển, tới đúng độ sâu, đúng độ mặn, máy mới hoạt động và sau 20 phút hút nước biển sẽ cho ra những viên đá lạnh chạy thẳng xuống hầm tàu chứa cá. Có máy sản xuất đá trực tiếp từ nước biển, anh Thiên không chỉ giảm được chi phí, mà còn có nhiều lợi ích khác. Đá được làm từ nước có độ mặn nên ướp cá biển là hoàn toàn phù hợp, vì thế mà cá trên tàu của anh bảo quản được tươi hơn.

Nói về việc dùng câu tay thay đánh lưới, anh Thiên cho biết, khoảng hơn chục năm trước, anh có cơ hội được chứng kiến các tàu cá của Indonesia đã làm và rất hiệu quả. Câu tay, cá “chết trong đá” đảm bảo được độ tươi và dinh dưỡng, bán được với giá cao hơn nên anh Thiên đã quyết định từ bỏ nghề lưới vây. Không những vậy, khi đóng tàu, anh cũng yêu cầu thiết kế thêm hầm hút nước biển để nuôi cá sống. “Cá biển sống tự nhiên” luôn được các nhà hàng “đặt cọc” ngay từ khi tàu xuất bến. Dịch Covid-19 ảnh hưởng đến giá hải sản, thậm chí là khó bán, thế nhưng, hải sản của tàu anh Thiên vẫn hết veo (dù không được giá như trước). Giờ du lịch đã mở cửa trở lại, nhu cầu về hải sản tăng, hứa hẹn nguồn thu nên các thuyền viên trên đội tàu của anh Lê Văn Thiên rất hào hứng cho những lần xuất bến, vươn khơi.

Tấm lòng thiện nguyện

Để có được thành quả như ngày hôm nay, cuộc đời anh Thiên đã trải qua nhiều sóng gió. Ban đầu, vì chưa có kinh nghiệm tìm kiếm ngư trường, bảo quản hải sản... nên tàu anh Thiên liên tục bị thua lỗ. Anh đã từng phải bán tàu to để mua tàu nhỏ đi vùng lộng, vùng bờ, thậm chí, có thời điểm gia đình anh là hộ cận nghèo của địa phương.

Thế nhưng, chưa khi nào anh nhụt ý chí chinh phục biển khơi, mà quyết tâm vay mượn để đóng tàu tiếp tục vươn khơi. Ngoài tiền hỗ trợ của UBND thành phố Đà Nẵng, tiền tích cóp của gia đình, vay mượn của anh em họ hàng, anh còn được người bán gỗ đóng tàu cho nợ, người bán máy cũng cho khất hẹn trả dần. Làm ăn khấm khá, anh trả nợ rồi đóng tiếp tàu giao cho anh em, bạn bè làm thuyền trưởng để cùng nhau làm giàu.

Niềm vui câu được cá của các thuyền viên đội tàu của anh Lê Văn Thiên. Ảnh: Văn Thiên

Khi dịch Covid-19 bùng phát, tháng 8-2021, cả thành phố bị phong tỏa, tàu thuyền cũng không xuất bến, anh em bạn tàu của anh Thiên ngoài được bao ăn uống cũng được trả lương cứng để nuôi gia đình, vì “những người ở nhà cũng gặp dịch, không có nhiều thì gửi 5, 10 triệu đồng để mọi người cùng vượt qua lúc khó khăn” - anh Thiên nói. Nhiều người ngạc nhiên khi anh chi tiêu rộng rãi đối đãi với bạn thuyền, dù tiền nợ đóng 5 con tàu vẫn còn 1 tỷ đồng, cần trả lãi hằng tháng. Thế nhưng, anh Thiên chỉ cười bảo: “Dẫu sao, mình cũng có của ăn của để hơn bạn thuyền”.

Căn nhà 3 tầng trong ngõ đường 29-3, vợ chồng anh Thiên dành riêng một tầng lấy chỗ ăn ở cho thuyền viên sau mỗi lần cập bến. Thấy có chỗ ăn ở đàng hoàng, chủ tàu lại đối đãi tử tế, nên vợ con của các thuyền viên cũng không ngại đường sá xa xôi, lặn lội vào TP Đà Nẵng để thăm chồng, thăm bố.

Anh Thiên chia sẻ: “Cách đây 10 năm, tôi là hộ cận nghèo, một phần nhờ được mọi người giúp đỡ, bạn thuyền góp sức nên nay có tàu, có xe, có nhà. Vậy nên, ngoài số tiền chia theo mỗi chuyến biển, tôi và vợ cũng không tiếc bạn thuyền, giúp được gì thì đều cố gắng giúp hết sức mình. Tôi luôn tâm niệm, mình tử tế với người thì họ cũng tử tế lại với mình”. Có lẽ bởi vậy mà chưa có một bạn thuyền nào đã gia nhập đội tàu của anh Lê Văn Thiên lại bỏ ngang gia nhập tàu khác, mà chỉ nghỉ khi đổi nghề hoặc cần về quê để sống gần gia đình.

Theo bienphong.com.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang