Vượt gian khó, gắn bó với đảo tiền tiêu

15:12 04-03-2024

VBĐVN.vn - Gắn bó với đảo Bạch Long Vĩ từ ngày đầu nhập ngũ đến nay đã hơn 30 năm nên Thiếu tá QNCN Lê Anh Tuấn, nhân viên chính trị Tiểu đoàn Phòng thủ đảo Bạch Long Vĩ (Bộ CHQS TP Hải Phòng) coi nơi đây như quê hương thứ hai của mình. Anh tâm nguyện cống hiến trọn đời quân ngũ với hòn đảo tiền tiêu...

Kiên trì bám trụ nơi đầu sóng ngọn gió

Năm 1993, sau khi học xong lớp sơ cấp dược, Lê Anh Tuấn được điều động về công tác tại Bệnh xá Trung đoàn 952 (Vùng 1 Hải quân) đóng quân trên đảo Bạch Long Vĩ. Ngày đó đảo rất hoang sơ, chỉ có đá, cát và một số công trình chiến đấu phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Cả đảo có vài chục hộ dân là thanh niên xung phong ra sinh sống, còn lại là các đơn vị Quân đội.

Nhớ lại những ngày đầu ra đảo, anh Tuấn cho biết: “Không có điện nên buổi tối chúng tôi phải thắp đèn dầu. Doanh trại tạm bợ, phòng ở toàn là nhà tranh đắp đất, giường ngủ là những ván gỗ, sạp tre ghép lại với nhau. Mùa đông gió lạnh lùa vào, anh em ôm nhau ngủ mà vẫn rét run người, nhiều đêm thức trắng vì lạnh”.

Thiếu tá QNCN Lê Anh Tuấn (bên trái) cùng đồng đội củng cố cảnh quan đơn vị.

Là đảo xa bờ nhất trong Vịnh Bắc Bộ nên tình trạng thiếu nước ngọt diễn ra quanh năm, nhất là vào mùa khô, các giếng khơi đều cạn trơ đáy. Để có nước sinh hoạt, anh Tuấn và đồng đội phải khoét một lỗ sâu ở đáy giếng, sáng sớm hôm sau trèo thang xuống, dùng vỏ lon múc nước đổ vào xô, chia nhau dùng trong cả ngày.

Anh Tuấn nhớ lại: “Gọi là nước ngọt nhưng vẫn bị nhiễm mặn. Nước sau sinh hoạt được chúng tôi gom lại, tận dụng để tưới rau. Tuy nhiên, do khí hậu ngoài đảo khắc nghiệt, mưa bão thường xuyên, đất đai cằn cỗi cộng thêm thiếu nước tưới khiến cây trồng không thể phát triển. Ngày ấy, rau xanh là món ăn xa xỉ đối với lính đảo. Chỉ khi nào có tàu tiếp tế ra thì bộ đội mới được ăn tươi, ăn rau, còn lại cơ bản phải sử dụng đồ khô, đồ biển”.

Thiếu thốn về vật chất là vậy nhưng theo chia sẻ của anh Tuấn thì điều đó cũng không khiến cán bộ, chiến sĩ “sợ” bằng... nỗi nhớ nhà, nhớ người thân, đặc biệt là mỗi dịp lễ, Tết. Ngày đó ít có tàu ra đảo, khoảng một tháng mới có một chuyến tàu ra tiếp tế lương thực, thực phẩm. Khi tàu trở vào đất liền, bộ đội được nghỉ phép sẽ theo tàu về thăm gia đình. Mỗi năm chỉ được về thăm nhà một lần, chưa có điện thoại nên phương thức liên lạc duy nhất với người thân của lính đảo là thư tay.

Anh Tuấn kể: “Chúng tôi nhờ đồng đội đi phép gửi thư về cho gia đình và mang thư của gia đình gửi ra đảo khi lên phép. Những lá thư giúp chúng tôi vơi nỗi nhớ nhà, có thêm động lực để bám trụ nơi đầu sóng ngọn gió”.

Cuộc sống biền biệt nơi đảo xa khiến anh Tuấn ít có điều kiện đi tìm hạnh phúc riêng. Những người trong gia đình sốt ruột quá nên nhờ mai mối, nhưng khi biết anh Tuấn là bộ đội đóng quân ngoài đảo thì hầu hết các “đối tượng” đều e ngại. Cũng có nàng ban đầu nhận lời tìm hiểu, nhưng rồi họ không đủ kiên nhẫn chờ đợi đến ngày chàng lính đảo được về phép.

Mãi đến năm 2007, khi đã 35 tuổi, anh Tuấn mới tìm được “một nửa” của mình. Người vợ thảo hiền là cô giáo cùng quê, giúp anh thêm yên tâm công tác. “Từ ngày cưới nhau đến nay, vợ chồng tôi vẫn ở chung với bố mẹ. Như vậy có thể nhờ ông bà chăm sóc, đưa đón các cháu đi học mà vợ cũng đỡ buồn khi tôi biền biệt xa nhà”, anh Tuấn chia sẻ.

Năm 2015, Bộ Quốc phòng quyết định rút gọn Trung đoàn 952 thành Tiểu đoàn Phòng thủ đảo Bạch Long Vĩ thuộc Bộ CHQS TP Hải Phòng. Thời điểm đó, nhiều đồng đội chuyển vào đất liền công tác, nhưng anh Tuấn viết đơn xung phong ở lại đảo. Anh bộc bạch: “Mọi người trong gia đình cũng khuyên tôi chuyển vào đất liền, nhưng những năm tháng gắn bó với đảo, tôi thấu hiểu và đã quen với những khó khăn, thiếu thốn của bộ đội, nhân dân nơi đây. Hơn nữa, chia tay các đồng đội thân yêu từng chia ngọt sẻ bùi, tạm biệt mảnh đất đã thân thuộc như quê hương cũng không phải là nguyện vọng. Chưa kể, đã là người lính thì phải sẵn sàng xông pha, vượt qua gian nan, vất vả. Tôi đã quyết tâm ở lại đảo và rất mừng là sau khi tôi trình bày nguyện vọng thì cả bố mẹ và vợ đều hiểu, ủng hộ”.

Hiện nay, Thiếu tá QNCN Lê Anh Tuấn là người có thâm niên công tác nhiều nhất ở Tiểu đoàn Phòng thủ đảo Bạch Long Vĩ. Chuyện về những ngày tháng gian khổ và tâm nguyện gắn bó cả đời quân ngũ với hòn đảo thân yêu vẫn được anh kể với thế hệ sau như một sự động viên, khích lệ để cán bộ, chiến sĩ có thêm động lực vượt khó nơi đầu sóng ngọn gió.

Anh Tuấn tâm sự: “Tôi đã quen cảm giác đêm nằm nghe tiếng sóng biển rì rào, sáng dậy hít hà vị mặn của biển khơi. Từng con đường, gốc cây, bờ kè, ghềnh đá trên đảo đều trở thành thân quen với biết bao kỷ niệm. Với tôi, đảo là nhà, là quê hương thứ hai và sau này về nghỉ hưu, phải xa đảo, tôi vẫn sẽ nhớ mãi những ngày tháng gian khó gắn bó với nơi này”.

Nỗ lực, trách nhiệm với công việc

Điều khiến chúng tôi nể phục và ấn tượng ở Thiếu tá QNCN Lê Anh Tuấn là anh trải qua rất nhiều cương vị công tác với những chuyên môn khác nhau. Ngày mới ra đảo, anh là nhân viên quân y thuộc Bệnh xá Trung đoàn 952 theo đúng chuyên môn được học. Đến cuối năm 1996, anh được điều chuyển sang làm nhân viên tổ chức, Ban Chính trị Trung đoàn.

Năm 2015, khi Trung đoàn 952 rút gọn và tổ chức thành Tiểu đoàn Phòng thủ đảo Bạch Long Vĩ, anh Tuấn chuyển sang làm nhân viên bảo quản thuộc Đại đội Bảo quản của Tiểu đoàn. Đến năm 2020, anh lại chuyển về làm nhân viên chính trị Tiểu đoàn. Dù ở cương vị công tác nào, Thiếu tá QNCN Lê Anh Tuấn cũng luôn nỗ lực hết mình với nhiệm vụ được giao.

Anh Tuấn chia sẻ: “Ai cũng đều muốn được làm theo đúng chuyên môn đào tạo, nhưng ở ngoài đảo, cán bộ, nhân viên thường xuyên biến động, nhiều lúc thiếu vắng, nên việc phải làm trái ngành là chuyện bình thường. Có những thời điểm, cùng lúc tôi phải đảm nhiệm nhiều công việc, vừa làm nhân viên chính trị, vừa là nhân viên bảo quản. Cái gì chưa biết thì mình học hỏi thêm, quan trọng nhất là bản thân phải có quyết tâm thì dù việc mới hay việc khó cũng có thể hoàn thành, thậm chí là hoàn thành tốt”.

Với suy nghĩ và quyết tâm như vậy nên mỗi khi được cấp trên điều động sang vị trí công tác mới, anh Tuấn đều vui vẻ chấp hành. Để sớm đáp ứng với công việc mới, anh chủ động tự tìm tòi học tập, nghiên cứu tài liệu và nhờ đồng đội, chỉ huy có kinh nghiệm hướng dẫn, chỉ bảo thêm. Nhờ tinh thần cầu tiến bộ và ham học hỏi nên cho dù phần lớn thời gian quân ngũ làm việc không đúng chuyên môn đào tạo nhưng anh Tuấn luôn hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ, được chỉ huy các cấp đánh giá rất cao.

Thiếu tá Phạm Xuân Nha, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Tiểu đoàn Phòng thủ đảo Bạch Long Vĩ, khẳng định: “Thiếu tá QNCN Lê Anh Tuấn là cán bộ tâm huyết, nhiệt tình và trách nhiệm với công việc. Trong cuộc sống cũng như sinh hoạt hằng ngày, đồng chí Tuấn luôn hòa nhã, điềm đạm và sẵn sàng giúp đỡ đồng chí, đồng đội. Chỉ huy đơn vị rất tin tưởng mỗi khi giao việc cho đồng chí Tuấn. Thiếu tá QNCN Lê Anh Tuấn có uy tín, xứng đáng là người anh cả của đơn vị về tuổi đời và độ chín chắn, là tấm gương tiêu biểu để cán bộ, chiến sĩ trong Tiểu đoàn học tập, noi theo”.

Không chỉ trách nhiệm với công việc, anh Tuấn cùng đồng đội thường xuyên vận động bà con trên đảo thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, có kinh nghiệm nhiều năm gắn bó với đảo nên mỗi khi sắp có mưa bão là anh lại cùng đồng đội giúp bà con gia cố nhà cửa, chằng buộc tàu thuyền. Những năm gần đây, thực hiện công trình “Vì màu xanh đảo tiền tiêu”, anh Tuấn rất tích cực tham gia, vận động nhân dân cùng trồng cây xanh, dọn rác bãi biển, trồng hoa hai bên đường... Hình ảnh anh bộ đội dáng người nhỏ nhắn cứ cuối chiều lại chở nước tưới cây, tưới hoa dọc trục đường đã trở thành quen thuộc với người dân trên đảo.

Với tinh thần vượt khó gắn bó với đảo cùng những thành tích nổi bật trong quá trình công tác, Thiếu tá QNCN Lê Anh Tuấn thường xuyên được cấp trên biểu dương, khen thưởng. Nhiều năm anh được tặng danh hiệu Chiến sĩ tiên tiến cùng rất nhiều bằng khen, giấy khen trong thực hiện các đợt thi đua, cuộc vận động, hội thi của các cấp.

Năm 2020 và 2021, Thiếu tá QNCN Lê Anh Tuấn được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, năm 2022 được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác. Sự ghi nhận của cấp ủy, chỉ huy các cấp và đồng chí, đồng đội càng tiếp thêm động lực để anh nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Những năm gần đây, đảo Bạch Long Vĩ được quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cơ bản, trên đảo đã được phủ sóng điện thoại, có hồ tích trữ nước ngọt, điện gió, điện năng lượng mặt trời... cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân bớt khó khăn, vất vả. Mặc dù vẫn còn kém xa so với trong đất liền nhưng với những người lính gắn bó với đảo từ thập niên 1990 như anh Tuấn thì sự “thay da đổi thịt” trên đảo như ngày nay đã là bước phát triển vượt bậc, giúp họ thêm yên tâm, kiên trì bám biển, đảo, góp phần bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Bài và ảnh: DUY ĐÔNG - NGUYỄN TRƯỜNG

Nguồn:Theo qdnd.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang