Xây dựng tinh thần “thượng tôn pháp luật” ở khu vực biên giới, biển đảo
VBĐVN.vn - Với phương châm hướng về cơ sở, Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho cán bộ, nhân dân khu vực biên giới, hải đảo giai đoạn 2017 - 2021” của Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong việc truyền tải những văn bản pháp luật vốn khô cứng, khó nhớ đi vào đời sống của cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo. Từ đó, góp phần nâng cao ý thức sống và làm việc theo pháp luật, xây dựng tinh thần “thượng tôn pháp luật” cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các dân tộc nơi biên giới.
Phát huy vai trò “mỗi cán bộ, chiến sĩ Biên phòng là một tuyên truyền viên tích cực”, hàng năm, các đơn vị BĐBP trên cả nước đã tổ chức thi báo cáo viên, tọa đàm, tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ những kiến thức cơ bản về pháp luật; đồng thời, giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng bản lĩnh vững vàng, ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật Quân đội và quy định của đơn vị, cũng là cơ sở để cán bộ, chiến sĩ BĐBP thực hiện tốt công tác tuyên truyền, PBGDPL.
Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, BĐBP Nghệ An đã vận dụng sáng tạo nhiều biện pháp để nhân dân có thể tiếp cận được các văn bản pháp luật từ các phương tiện khác nhau. Tiêu biểu như khi thực hiện mô hình “Tờ rơi tiếng dân tộc”, Đồn Biên phòng Nhôn Mai đã thành lập hẳn một Ban biên tập, bao gồm những cán bộ, chiến sĩ đọc thông, viết thạo ngôn ngữ bản địa, biên dịch lại nội dung tờ rơi quy ước, phát cho đồng bào các dân tộc ít người nơi đây để bà con dễ tiếp cận. Thượng tá Nguyễn Thế Hùng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Nhôn Mai cho biết: “Chúng tôi biên soạn các nội dung tuyên truyền đảm bảo ngắn gọn, dễ hiểu, bằng tiếng Mông, tiếng Thái, tiếng Khơ Mú trên các tờ rơi hay bản tin đọc hàng ngày trên loa truyền thanh của các xã, bản vì địa bàn còn một số đồng bào chưa biết tiếng phổ thông. Qua hình thức tuyên truyền như thế, chúng tôi thấy hiệu quả của công tác tuyên truyền, PBGDPL cho đồng bào ngày càng được nâng cao hơn”.
Những năm trước, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống chiếm tỷ lệ cao trong đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Do đó, các đơn vị BĐBP Kon Tum đã tích cực phối hợp với cán bộ tư pháp, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền, PBGDPL phù hợp. Từ nhiều đợt tuyên truyền nhỏ lẻ, tuyên truyền lồng ghép như vậy, nhiều chị em đã nâng cao nhận thức pháp luật và điều chỉnh hành vi phù hợp với luật pháp Việt Nam.
Chị Y Thiêu, ở thôn Đắk Hú, xã Đắk Dục, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum cho biết: “Tôi năm nay 17 tuổi, người yêu tôi 19 tuổi, hai bên gia đình định tổ chức đám cưới. Nhưng khi cán bộ xã, cán bộ Biên phòng đến tuyên truyền Luật Hôn nhân và Gia đình, chúng tôi đã hoãn lại đám cưới, chờ đợi đến khi đủ tuổi kết hôn mới xây dựng gia đình”.
Tại khu vực biên giới tỉnh Đắk Lắk, đồng bào nơi đây có tập quán đi rừng, săn bắn động vật hoang dã. Để chấm dứt tình trạng trên, BĐBP Đắk Lắk đã mềm dẻo và khôn khéo, đi đến từng nhà dân, kiên trì tuyên truyền, vận động để bà con hiểu được việc sử dụng vũ khí săn bắt động vật hoang dã là vi phạm pháp luật. Nhờ vậy, số lượng vũ khí, vật liệu nổ và phương tiện hỗ trợ mà BĐBP Đắk Lắk đã thu hồi được liên tục tăng qua các năm.
Ông Nguyễn Văn Đông, Chủ tịch UBND huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk khẳng định, việc phối hợp giữa các lực lượng và BĐBP trong tuyên truyền, PBGDPL đã góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Đặc biệt, các cán bộ đồn Biên phòng đã tham gia tích cực vào việc giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn và thu hồi vũ khí, vật liệu nổ.
Trên tuyến biên giới biển, với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm, Ban Chỉ đạo đề án các tỉnh ven biển đã triển khai bằng nhiều hình thức tuyên truyền, PBGDPL cho ngư dân hành nghề trên biển. Bộ Tư lệnh các Quân khu, Hải quân, Cảnh sát biển và Kiểm ngư đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương và các đơn vị BĐBP làm tốt công tác tuyên truyền, PBGDPL cho cán bộ, nhân dân biên giới, hải đảo, bám sát chức năng, nhiệm vụ được giao để tổ chức những mô hình, cách làm sáng tạo trong tuyên truyền, PBGDPL như: “Hợp sức toàn dân tấn công tội phạm”, “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển”, “Đồng hành cùng ngư dân của Cảnh sát biển Việt Nam”...
Đại tá Nguyễn Đăng Tiến, Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân chia sẻ: “Thời gian qua, cùng với tăng cường các biện pháp tuyên truyền, PBGDPL cho ngư dân, chúng tôi đã tổ chức cho các chủ phương tiện và ngư dân ký cam kết không vi phạm vùng biển các nước. Đồng thời, tăng cường quản lý chặt chẽ các loại tàu thuyền thông qua lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá để ngăn chặn, xử lý từ sớm, từ xa. Nhờ đó, vấn nạn tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép đã có chuyển biến tích cực. Bà con cũng đã nhận thức được việc ra nước ngoài khai thác hải sản bất hợp pháp là việc làm ảnh hưởng đến thương hiệu thủy sản Việt Nam, uy tín của nước ta trên trường quốc tế”.
Đánh giá về hiệu quả của đề án tại địa phương, ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo Đề án tỉnh Bình Định khẳng định: “Hiệu quả của đề án có ý nghĩa chính trị sâu sắc, củng cố vững chắc niềm tin của cán bộ, nhân dân khu vực biên giới, hải đảo vào sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ; xây dựng tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc. Đề án cũng nâng cao nhận thức, hiểu biết, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân vùng biên giới, hải đảo, góp phần ổn định an ninh, trật tự, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển”.
Theo bienphong.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận