Xây kè chống sạt lở đê biển ở Đồng bằng sông Cửu Long
VBĐVN.vn - Do ảnh hưởng dịch Covid-19 kéo dài, nhất là các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch, khiến việc xây dựng các công trình khẩn cấp về phòng chống sạt lở đê biển tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gặp trở ngại. Dù vậy, các đơn vị thi công vẫn tìm cách vượt khó để đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa công trình vào sử dụng.
Hoàn thành các công trình khẩn cấp
Trở lại tuyến đê biển Tây, đoạn từ vàm T29 đến vàm Khánh Hội (xã Khánh Hội, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau), chúng tôi thấy khu vực này bị sạt lở rất nhiều so với mùa mưa bão năm trước. Hiện chiều dài sạt lở nguy hiểm lan ra khoảng 700m và đang diễn biến phức tạp. Theo quan sát, đai rừng còn rất mỏng, trung bình chỉ từ 7 - 20m. Vì vậy, sóng biển đã đánh trực tiếp và uy hiếp thân đê. Cũng trên địa bàn xã Khánh Hội, đoạn từ vàm T25 đến vàm T29 bị sạt lở nghiêm trọng với chiều dài khoảng 1.000m. Những điều này, cùng với hiện đang vào mùa mưa bão, khiến những cư dân sống ở trong đê vô cùng lo lắng.
Ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau, nhìn nhận, hai khu vực trên vừa được UBND tỉnh ban hành lệnh xử lý khẩn cấp khắc phục sạt lở. Hiện dù đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, nhưng các nhà thầu vẫn nỗ lực tập kết vật tư nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công. Bên cạnh đó, lực lượng quản lý đê điều cũng thường xuyên đi kiểm tra dọc theo tuyến đê biển Tây, nhất là những đoạn xung yếu, để kịp thời xử lý sự cố nếu xảy ra. Cũng theo ông Nguyễn Long Hoai, ngoài các công trình đang triển khai trên, thì đến đầu tháng 8-2021 có 7 công trình khắc phục sạt lở khẩn cấp trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, góp phần hạn chế sạt lở và bảo đảm an toàn đê biển. Các công trình này còn giúp việc sản xuất và đời sống của người dân an toàn hơn.
Khu vực Hòn Quéo (huyện Hòn Đất) từng là điểm nóng sạt lở ở Kiên Giang. Vì vậy, mỗi khi mùa mưa bão đến, người dân sống ở khu vực này nơm nớp lo âu, bởi sóng biển đánh liên tục làm sạt lở ăn sâu vào bên trong khu vực rừng phòng hộ, đất sản xuất và nơi sinh sống của người dân. Tuy nhiên, mùa mưa bão này người dân đã bớt lo lắng khi công trình kè đang xây dựng.
Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang cho biết, vào tháng 3-2020, UBND tỉnh đã quyết định xây dựng kè cấp bách chống sạt lở khu vực Hòn Quéo, với chiều dài 4.000m, tổng mức đầu tư 100 tỷ đồng. Năm 2020, công trình được bố trí 80 tỷ đồng và đã giải ngân hết. Năm 2021, UBND tỉnh Kiên Giang bố trí 20 tỷ đồng còn lại để thực hiện hoàn thành dự án. Đầu tháng 6-2021, UBND tỉnh Kiên Giang có công văn chấp thuận tăng chiều dài kè và đang điều chỉnh dự án. Hiện nhà thầu đang thi công, dự kiến trong quý 3-2021 sẽ nghiệm thu đưa vào sử dụng. Cũng tại Kiên Giang, nhà thầu đang tích cực thực hiện các dự án xử lý sạt lở khẩn cấp ở khu vực Xẻo Nhàu (huyện An Minh), kè chống xói lở Mũi Rãnh (huyện An Biên)... Dự kiến trong quý 3-2021 hoàn thành.
Nỗ lực thi công
Ông Nguyễn Huỳnh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang, cho hay, năm nay tình hình sạt lở đê biển ở tỉnh đã bớt căng thẳng hơn trước. Nguyên nhân là nhờ các điểm nóng về sạt lở đã và đang được xây kè bảo vệ. Đặc biệt, khu vực sạt lở từ vàm Kim Quy đến Tiểu Dừa (giáp tỉnh Cà Mau) đã được gia cố. Đồng thời, nhờ có kè chắn sóng nên không còn lo lắng cảnh vỡ đê vào mùa mưa bão như những năm trước. Dù vậy, việc đầu tư các công trình phòng chống sạt lở bờ biển ở Kiên Giang vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu cấp bách theo thực tế địa phương. Hiện nay, tổng chiều dài bờ biển sạt lở nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm ở tỉnh chưa có công trình kiên cố bảo vệ dài khoảng 67km, nhu cầu kinh phí 1.654 tỷ đồng.
Nhu cầu là vậy, nhưng hiện tại đang vào mùa mưa bão nên việc thi công các công trình kè đê biển ở ĐBSCL gặp trở ngại. Ngoài ra, tình hình dịch bệnh kéo dài nên một số nhà máy sản xuất cọc ly tâm phải tạm dừng sản xuất, gây gián đoạn nguồn cung. Mặt khác, việc vận chuyển thiết bị, vật tư đến công trường cũng gặp khó, công nhân xin nghỉ nhiều do đi lại khó khăn… Ông Nguyễn Thế Lâm, Giám đốc Công ty TNHH TM DV Thế Lâm (Cà Mau), cho biết: “Đối với những công trình dạng khẩn cấp thì cố gắng duy trì thi công, đảm bảo tiến độ. Còn một số công trình chưa khẩn cấp thì đành giãn tiến độ, đợi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt sẽ tăng tốc thi công trở lại”. Ông Lâm Minh Thời, Giám đốc Ban Quản lý công trình NN-PTNT tỉnh Cà Mau, than thở: năm nay là năm mà các nhà thầu xây dựng gặp “hạn”. Theo ông, ngay từ đầu năm, ngành phải chịu gánh nặng bởi giá sắt thép và vật liệu xây dựng tăng cao, còn bây giờ thì ảnh hưởng dịch Covid-19 kéo dài.
Khó khăn là vậy, song nhiều nhà thầu vẫn nỗ lực thi công nhằm cố gắng đảm bảo tiến độ, để đưa công trình vào sử dụng trước mùa mưa bão.
Thu Nguyên (theo sggp.org.vn)
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận