Xây "nhà" dưới biển cho cá

13:51 28-07-2021

VBĐVN.vn - Hàng trăm khối bê-tông được thả xuống biển để làm nơi trú ngụ và sinh sôi cho nhiều loài cá. Đây cũng được xem là những "ngôi nhà" bảo vệ nguồn thủy sản trước tình trạng khai thác tận diệt như hiện nay.

Vùng biển Tây Nam của tỉnh Cà Mau những năm gần đây ngư dân đánh bắt không hiệu quả vì nguồn lợi thủy sản cạn kiệt, nhiều tàu cá phải nằm bờ. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, nguồn lợi thủy sản của tỉnh không chỉ suy giảm tuyến bờ mà còn cả các tuyến ngoài khơi. Đáng lo ngại là nhiều nơi vẫn tồn tại phương tiện, ngành nghề đánh bắt mang tính tận diệt. Trước thực trạng này, ngành chức năng đã thực hiện nhiều chương trình, giải pháp để khôi phục nguồn lợi thủy sản. Một trong số đó là thả rạn nhân tạo.

Những tín hiệu lạc quan

Từ tháng 9-2020, tỉnh Cà Mau triển khai dự án thả rạn nhân tạo nhằm bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản, kết hợp phát triển du lịch trên biển. Dự án có tổng mức đầu tư trên 7,7 tỉ đồng. Mục đích nhằm chống sự suy giảm nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là sản lượng cá do khai thác quá mức.

Tàu chở rạn bê-tông thả trên vùng biển Cà Mau làm nơi cho cá trú ngụ an toàn, tránh bị khai thác tận diệt
Những khối rạn bằng bê-tông được thả xuống biển

Dự án này thả xuống biển 500 khối rạn bê-tông hình lập phương, kích thước mỗi rạn 1,5 m3, nặng 1,2 tấn. Số rạn này được chia làm 5 cụm, mỗi cụm 100 khối, trải dài từ địa bàn xã Khánh Bình Tây qua Khánh Bình Tây Bắc của huyện Trần Văn Thời, thuộc khu vực biển Tây Cà Mau, cách bờ khoảng 15 km. Phương pháp thả rạn được thực hiện theo tài liệu hướng dẫn của các chuyên gia Thái Lan.

Ông Đỗ Chí Sĩ, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau, cho biết từ khi dự án thả rạn cho cá cư trú được thực hiện, định kỳ vào ngày 15 hằng tháng, các cơ quan chuyên môn tiến hành theo dõi sự phát triển nguồn lợi thủy sản và hiện trạng vật lý của các cụm rạn bằng phương pháp lặn đánh giá, ghi hình cùng với thu mẫu để phân tích. "Chỉ sau vài tháng, trong khu vực thả rạn đã xuất hiện khoảng 13 họ cá, gồm một số loài đặc trưng như cá bướm, cá thia, cùng một số họ cá có giá trị như cá bóp, cá mú, cá hồng, cá đổng… Các loài cá tập trung tại khu vực rạn có khuynh hướng tăng lên qua các lần lặn thu mẫu đánh giá. Đặc biệt, một số loài cá tại khu vực rạn có kích thước lớn hơn nhiều so với kích thước trung bình mà ngư dân khai thác ngoài biển…" - ông Sĩ thông tin.

Bên cạnh đó, kết quả phân tích động vật đáy và thông qua hình ảnh thu được qua các lần khảo sát của cơ quan chức năng cho thấy sự xuất hiện đa dạng các loài động vật đáy như họ nghêu, tôm gõ mõ, hải sâm, giun nhiều tơ, giáp xác... ngày càng nhiều.

Chống được nạn khai thác tận diệt

Sau khi xây "nhà" cho cá, Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau phối hợp chính quyền địa phương thành lập tổ hợp tác để cùng quản lý, bảo vệ và khai thác thủy sản khu vực thả rạn nhân tạo. Tổ gồm 16 thành viên là ngư dân có tàu khai thác thủy sản. Ngư dân Lê Vũ Trường, Tổ phó Tổ Quản lý rạn ở xã Khánh Bình Tây, cho biết từ khi thực hiện dự án thả rạn nhân tạo, những "hung thần" sát hại nguồn thủy sản ven bờ như cào bay không dám vào hoạt động. Bởi nếu cào bay đi vào vùng này sẽ gặp phải rạn, miệng cào không thể kéo được vì bị các khối bê-tông cản trở. Không những thế, họ còn gặp phải sự truy cản quyết liệt của các tàu cá trong tổ quản lý rạn.

"Hiện khắp vùng biển Tây, cá thì ít nhưng tàu đánh bắt thì nhiều nên những năm gần đây, việc đánh bắt thủy sản không còn hiệu quả như trước. Nếu không có giải pháp bảo vệ, khôi phục lại nguồn cá thì vài năm nữa sẽ không còn cá để đánh bắt. Chúng tôi tích cực tham gia mô hình này bởi ai cũng thấy được lợi ích mang lại lâu dài, bền vững" - ông Trường bày tỏ.

Hiện nay, các thành viên trong tổ chia thành 4 nhóm và có 8 tàu cá thay phiên canh giữ. Mỗi nhóm giữ 1 tuần rồi vào bờ, sau đó đến nhóm khác ra thay thế, bảo vệ tối đa cho những "ngôi nhà" của cá. "Sau khi xây nơi trú ngụ cho cá một thời gian, chúng tôi thấy cá kéo về nhiều lên. Ghe đi ngang qua khu thả rạn đã thấy các bầy cá trích, cá sọc… kéo về nổi trên mặt nước, thật đáng mừng" - ngư dân Lê Vũ Trường lạc quan.

Các thành viên trong tổ quản lý rạn cho biết họ đều tham gia tích cực với tinh thần tự nguyện, cùng đoàn kết chung tay phát huy vai trò cộng đồng nhằm bảo vệ khu vực biển thả rạn nhân tạo. Đồng thời hướng đến bảo tồn, tái tạo, phục hồi nguồn lợi thủy sản, nhất là nguồn thủy sản ven bờ; giữ gìn đa dạng sinh học và tài nguyên sinh vật biển, với phương châm hoạt động vì một nghề cá bền vững.

“Dù thời gian thực hiện dự án chưa lâu nhưng đã có nhiều tín hiệu lạc quan: nguồn lợi thủy sản ở các vùng thả rạn đang có dấu hiệu phục hồi tích cực; tác động tốt đến tập quán khai thác thủy sản của người dân địa phương trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nhằm hướng đến việc khai thác lâu dài, bền vững” - đánh giá của Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau.

Thu Nguyên (theo nld.com.vn)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang