Xây “thành trì lòng dân” trên tuyến biên giới, biển đảo

15:08 25-11-2020

Trên suốt hành trình hơn 61 năm thực hiện trọng trách xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị BĐBP đã không ngừng nỗ lực trong việc nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm về công cuộc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Đây là nền tảng để quy tụ lòng dân, cho mục tiêu bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới, biển đảo của Tổ quốc.

Nỗ lực nâng cao nhận thức cho nhân dân

Nước ta có tuyến biên giới đất liền dài 5.084km, phía Bắc giáp Trung Quốc, phía Tây giáp Lào, phía Tây Nam giáp Campuchia. Dọc tuyến biên giới, vùng biển đảo có hàng chục triệu cư dân sinh sống. Đây là lực lượng hùng hậu, là “tai, mắt” có thể tiếp nhận sớm nhất các thông tin, phát hiện tội phạm, đối tượng xâm nhập, gây mất an ninh, vi phạm chủ quyền lãnh thổ đất nước.

Để bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, Đảng và Nhà nước ta xác định BĐBP là lực lượng nòng cốt, chuyên trách, Công an, Quân sự địa phương là lực lượng chức năng tham gia tích cực vào công cuộc này. Đồng thời, phát huy sức mạnh to lớn của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong gìn giữ, bảo vệ biên giới.

Với ý nghĩa đó, từ ngày đầu thành lập đến nay, các đơn vị BĐBP đã kiên trì phương châm “bám địa bàn, bám dân”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân thấy, dân tin”. Hình ảnh cán bộ, chiến sĩ BĐBP ứng cứu nhân dân trong thiên tai, hoạn nạn, những mô hình, chương trình giúp dân đầy hiệu quả như: “Nâng bước em tới trường”, “Quân dân y kết hợp”, “Đưa văn hóa thông tin về cơ sở”, “Xây mái ấm cho người nghèo nơi biên giới”,“Bò giống giúp người nghèo biên giới”, “Chung tay xây dựng nông thôn mới” được thực hiện thường xuyên. Sự tận tâm, tận lực của người chiến sĩ Biên phòng đã làm cho người dân thấy an tâm hơn ở nơi non cao heo hút, nơi đầu sóng ngọn gió.

Theo cách “mưa dầm, thấm lâu”, các đơn vị BĐBP vừa nỗ lực giúp dân, vừa kết hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân. Tùy thực tế địa bàn, cán bộ, chiến sĩ BĐBP không ngừng thực hiện nhiều phương pháp tuyên truyền như: Tổ chức các chương trình hội diễn văn hóa, văn nghệ lồng ghép nội dung truyền thông, xây dựng các tủ sách biên phòng hay bằng hình thức cung cấp các báo, tạp chí cho các bản làng, thôn, xóm tuyến biên giới. BĐBP cũng xây dựng các chương trình, chuyên mục “Vì chủ quyền an ninh biên giới” trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương. Nhờ đó, người dân dễ dàng nắm bắt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nâng cao trách nhiệm đối với công cuộc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, vùng biển, đảo đất nước.

Đặc biệt, từ năm 2013, Bộ Quốc phòng triển khai Đề án “Tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo”. Với vai trò thường trực thực hiện đề án, các đơn vị BĐBP đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa bàn biên giới, vùng biển, đẩy mạnh hơn hoạt động tuyên truyền. Từ đây, dọc tuyến biên giới, vùng biển đã thành lập hàng trăm tổ tuyên truyền pháp luật. Mỗi năm, BĐBP cùng địa phương cũng tổ chức tuyên truyền hàng chục ngàn buổi, thu hút hàng trăm ngàn lượt người dân tham gia. Ngoài ra, các tổ thường trực đề án còn triển khai biên soạn, phát hành nhiều loại tài liệu tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; xây dựng, duy trì hoạt động của ngăn sách, tủ sách pháp luật tại địa phương.

Những nỗ lực trên đã góp phần chuyển đổi tích cực trong việc nâng cao hiểu biết pháp luật cũng như nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân biên giới đối với công cuộc quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới. Tình hình an ninh trật tự tuyến biên giới, vùng biển ngày càng ổn định. Nhiều tập tục lạc hậu đã được loại bỏ, tệ nạn xã hội giảm, tình trạng di cư tự do đã được hạn chế. Nhận thức về quốc gia, quốc giới và ý thức chấp hành các quy chế, quy định về bảo vệ biên giới của nhân dân được nâng lên. Nhân dân có nhận thức sâu sắc hơn nghĩa vụ và trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ đường biên, cột mốc, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia.

Phát huy sức mạnh quần chúng bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo

Năm 2003, Bộ Tư lệnh BĐBP có Chỉ thị số 34/CT-BTL “Về tổ chức phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và an ninh trật tự xóm, bản khu vực biên giới”. Cụ thể hóa phong trào, BĐBP đã nỗ lực phối hợp với cấp ủy, chính quyền tại các địa bàn biên giới, vùng biển triển khai, vận động, xây dựng nhiều mô hình quần chúng tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, vùng biển. Trong đó, điểm sáng là các mô hình “Tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới”; “Tổ tàu thuyền, bến bãi an toàn”; “Tổ tự quản an ninh trật tự thôn, bản”; “Tổ đoàn kết đảm bảo an ninh trật tự bến bãi”; “Thôn, xóm, khu phố, gia đình, dòng họ tham gia bảo vệ an ninh trật tự và chủ quyền vùng biển”.

Từ đây, cả nước có 3.519 Tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới, 1.925 Tổ tàu thuyền an toàn, 382 bến bãi an toàn, người dân ký kết nhận tự quản 3.262km đường biên giới, 2.345 mốc quốc giới.

Thực tế hiệu quả của các mô hình đã khẳng định sự đúng đắn, tính sáng tạo, hiệu quả, ý nghĩa nhiều mặt của việc BĐBP tổ chức cho tập thể, hộ gia đình và cá nhân tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, tham gia giải quyết các vụ việc phức tạp xảy ra trên biên giới.

Cán bộ Đồn Biên phòng Tuy Hòa, BĐBP Phú Yên tặng cờ Tổ quốc, động viên ngư dân vươn khơi bám biển làm ăn và bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Ảnh: Phương Oanh

Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 01/CT-TTg “Về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”. Thực hiện vai trò nòng cốt, chuyên trách trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh trên tuyến biên giới, biển đảo, các đơn vị BĐBP đã chủ động tham mưu cho địa phương tiếp tục thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Với “lực đẩy” từ Chỉ thị số 01, hơn 5 năm qua, phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới đã thực sự phát triển mạnh mẽ, sôi động.

Thành viên trong các tổ, đội tự quản đã tích cực, chủ động cung cấp cho BĐBP hàng ngàn lượt thông tin giá trị, giúp cho công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo ngày càng hiệu quả. Đáng ghi nhận, ở nhiều địa bàn biên giới, tệ nạn, tội phạm ma túy đã bị truy quét rốt ráo. Tình trạng khai thác thủy sản bằng phương tiện cấm trên các vùng biển cũng được đẩy lùi. Đặc biệt, ở vùng biển, ngư dân trong các Tổ đoàn kết khai thác hải sản thực sự là cánh tay nối dài của BĐBP. Khi ra biển phát hiện tàu thuyền nước ngoài vi phạm hay có đối tượng nghi ngờ phạm tội, ngư dân luôn chủ động điện về báo cho các trạm, đồn Biên phòng.

Bà con trong các tổ, đội luôn đoàn kết giúp nhau làm ăn và chủ động gìn giữ an ninh trật tự. Hàng trăm vụ va chạm tàu thuyền, tranh chấp, mâu thuẫn trên biển mỗi năm đã được các thành viên tổ tự hòa giải, không để xảy ra mâu thuẫn kéo dài hay gây gổ đánh nhau làm mất an ninh trật tự trên biển như trước.

Có thể khẳng định, 61 năm qua, BĐBP đã nỗ lực không mệt mỏi trong mục tiêu xây dựng nền Biên phòng toàn dân, để mỗi người dân biên giới là một “cột mốc sống", góp phần giữ vững an ninh trật tự, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới, vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Nguồn:bienphong.com.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang