Tái tạo nguồn lợi hải sản Vịnh Bắc bộ

Bài cuối: Cạn kiệt nguồn lợi hải sản, ngư dân sẽ hết kế sinh nhai

08:26 03-11-2023

VBĐVN.vn - Nguồn lợi hải sản ở Vịnh Bắc Bộ và các vùng biển suy giảm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của ngư dân, thậm chí là nền kinh tế của đất nước.

Nguồn lợi hải sản ở Vịnh Bắc Bộ nếu khai thác quá mức sẽ khó phục hồi. Ảnh: Đinh Mười.

Hải sản là nguồn sống của ngư dân

Hiện nay, theo xu thế chung, nguồn lợi hải sản ở Vịnh Bắc Bộ đã suy giảm rất nhiều so với trước đây. Các vùng biển khác nhau ở nước ta có mức độ suy giảm nguồn lợi hải sản khác nhau, khác nhau cả về nhóm đối tượng.

Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu Hải sản cho thấy, trong những năm gần đây, các nhóm hải sản chính như các nhóm cá nổi nhỏ, cá nổi lớn có xu hướng giảm nhẹ nhưng hải sản tầng đáy thì lại có mức độ suy giảm mạnh. Trong đó vùng biển Vịnh Bắc Bộ giảm khoảng 15%, tỷ lệ suy giảm nhiều nhất vùng vùng biển Trung bộ khoảng 57%. Bên cạnh việc giảm năng suất khai thác thì chất lượng nguồn lợi hải sản suy giảm rất nhiều, tỷ lệ cá tạp ngày càng tăng trong thành phần sản lượng khai thác.

Việc sản lượng cá suy giảm ảnh hưởng đến sinh nhai của người dân, bởi hiện nay, có rất nhiều hộ dân ở các tỉnh, thành ven biển phụ thuộc vào nghề cá hoặc trực tiếp đi đánh bắt cá hoặc sống bằng các nghề phát sinh từ khai thác cá. Hải sản chính là nguồn sống, là kế sinh nhai của ngư dân.

Theo ông Nguyễn Khắc Bát – Viện trưởng Viện nghiên cứu Hải sản, năm 2022 sản lượng sản lượng khai thác của nước ta đạt 3,86 triệu tấn, giảm 1,8% so với năm 2021, riêng sản lượng khai thác biển giảm 2%. Nếu tính tổng giá trị hải sản tươi, đông lạnh và chế biến tiêu thụ trong nước sẽ là con số rất lớn.

Ông Nguyễn Khắc Bát, Viện trưởng Viện nghiên cứu Hải sản. Ảnh: Đinh Mười.

Trong cuộc sống thường ngày, hải sản là nguồn cung cấp thực phẩm bổ dưỡng cho người dân chúng ta. Do có tầm quan trọng như vậy nên khi nguồn lợi hải sản suy giảm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của không chỉ ngư dân mà đối với cả nền kinh tế của đất nước. Khi nguồn lợi suy giảm đến một mức nào đó, sản phẩm đánh bắt không đủ để bù chi phí cho chuyến đi biển, người dân sẽ không thể ra khơi bám biển.

“Dù cho nguồn lợi hải sản là nguồn lợi tái tạo, có khả năng phục hồi tương đối nhanh đối với vùng biển nhiệt đới như vùng biển Việt Nam, nhưng nếu khai thác quá cạn kiệt nguồn lợi hải sản sẽ không có cơ hội để phục hồi nữa”, ông Bát cho hay.

Cũng theo ông Bát, để có giải pháp cho việc bảo tồn nguồn lợi hải sản cần có sự tham gia của các bên liên quan khác nhau, bao gồm cơ quan quản lý từ trung ương đến địa phương, lực lượng chấp pháp trên biển, bà con ngư dân, cơ quan nghiên cứu khoa học.

Hiện tại, nước ta đã có cơ sở pháp lý quan trọng là luật thủy sản có hiệu lực từ năm 2019 để chuyển từ nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm. Đây là cơ sở để mỗi bên liên quan xác định nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong triển khai thực hiện. Cùng với việc tăng cường kiểm tra giám sát của các lực lượng chấp pháp trên biển, cơ quan chức năng, các địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác giáo dục, nâng cao nhận thức cho ngư dân khi thực thi luật thủy sản.

Nguồn lợi hải sản cạn kiệt sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của ngư dân. Ảnh: Đinh Mười.

Trong lộ trình điều chỉnh giảm cường lực khai thác, cơ cấu lại nghề khai thác hải sản, nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật để người dân có sinh kế mới. Chẳng hạn chuyển đổi từ hoạt động khai thác tận diệt sang hoạt động du lịch, nuôi trồng hay các nghề khai thác ít xâm hại nguồn lợi.

Chắc chăn sẽ có rất nhiều thách thức trong quá trình thực hiện quản lý bền vững nguồn lợi hải sản nhưng tư tưởng, nhận thức của bà con ngư dân là vấn đề cốt lõi. Khi sử dụng kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định, các ngư cụ bị cấm như điện, chất nổ, hóa chất độc hại, người dân đều biết tác hại của chúng đến việc suy giảm nguồn lợi.

Bên cạnh đó, rất có thể sẽ có sự cạnh tranh ngư trường giữa các nghề khai thác khác nhau, kể cả ở một số vùng chồng lấn, nhạy cảm. Từ đó có thể dẫn đến những xung đột trên biển hoặc vấn đề vi phạm các vùng biển, tuyến biển theo quy định. Vấn thách thức cuối cùng chính là việc lực lượng chấp pháp trên biển cần được tăng cường hơn nữa để bên cạnh việc kiểm tra giám sát còn giúp đỡ, bảo vệ tốt hơn cho bà con ngư dân khi hoạt động khai thác ở các vùng biển khơi, xa bờ.

Hiện nay cả nước có 4.227 tổ đội sản xuất trên biển đang hoạt động với sự tham gia của 29.588 tàu cá, 179.601 lao động trên các vùng biển. Các mô hình này thường gồm từ 5-10 tàu làm cùng nghề, cùng khai thác trên một ngư trường có mối quan hệ thân thuộc như cùng dòng họ, anh em hay cùng làng xã… liên kết hỗ trợ nhau trong thiên tai, rủi ro trên biển, hỗ trợ về thông tin ngư trường, vận chuyển sản phẩm khai thác vào bờ hoặc vận chuyển nhiên liệu cho tàu còn khai thác ngoài biển.

Các nhà khoa học Viện Nghiên cứu Hải sản điều tra nguồn lợi hải sản trên Vịnh Bắc bộ. Ảnh: Đinh Mười.

Tập trung 4 nhóm giải pháp

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nguồn lợi hải sản suy giảm nhưng tập trung vào một số nguyên nhân chính. Thứ nhất do nhu cầu hải sản cho xuất khẩu và tiêu thụ nội địa ngày càng cao dẫn đến áp lực khai thác tăng cao. Thứ 2 là vấn đề ngư cụ khai thác có mức độ tận diệt, xâm hại nguồn lợi cao như lưới kéo đáy, lờ bát quái, điện,… vẫn tồn tại và phát triển.

Nguyên nhân thứ 3 là tình trạng khai thác vào khu vực bãi đẻ, bãi ương, vào mùa sinh sản. Thứ tư là các hệ sinh thái quan trọng như rạn san hô, rừng ngập mặn suy giảm độ phủ và diện tích so với trước đây. Và nguyên nhân thứ 5 là vấn đề ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.

Mặc dù nghề khai thác hải sản rất vất vả nhưng đối với hàng triệu người dân ven biển, hải sản mang lại công ăn việc làm và thu nhập cho gia đình họ. Vai trò của hải sản là rất lớn đối với sinh kế của cộng đồng ngư dân ven biển và nền kinh tế quốc dân.

Ông Nguyễn Quang Hùng – Cục trưởng Cục Kiểm ngư cho biết, ngư trường Vịnh Bắc Bộ là khu vực có số lượng tàu cá rất lớn khai thác hải sản. Trong thời gian vừa qua, hầu hết bà con ngư dân đã tuân thủ pháp luật, tuy nhiên cũng vẫn còn rất nhiều trường hợp vi phạm pháp luật trong khai thác thủy sản.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến và Cục trưởng Cục Kiểm ngư Nguyễn Quang Hùng kiểm tra việc thực thi pháp luật chống khai thác IUU tại cảng cá Ngọc Hải, quận Đồ Sơn, Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.

Đặc biệt, trong 10 tháng đầu năm, Chi cục Kiểm ngư vùng I đã kiểm tra 405 tàu, ra quyết định xử phạt 31 trường hợp, yêu cầu 38 tàu cá nước ngoài rời khỏi vùng biển Việt Nam để đảm bảo chủ quyền.

Những trường hợp vi phạm hiện nay tập trung chủ yếu vào trường hợp tàu cá thiếu đăng kí đăng kiểm, giấy phép, ngắt thiết bị giám sát hành trình. Ngoài ra vẫn còn tàu cá sử dụng trang thiết bị, phương tiện khai thác hủy diệt, ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy hải sản cũng như hệ sinh thái biển. Trong đó, đáng lưu ý là các nghề như: lưới kéo, sử dụng mìn, kích điện, xung điện.

“Đây là một trong những hành động cấm, cần phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, để đảm bảo chống khai thác IUU, hướng tới phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản, vì tương lai mai sau và vì lĩnh vực khai thác thủy sản bền vững”, ông Hùng cho hay.

Theo ông Hùng, hiện nay, trong bối cảnh chung là suy giảm nguồn lợi thủy sản trên biển, các lực lượng chức năng và các địa phương cần tập trung thực hiện 4 giải pháp trọng tâm để từng bước phục hồi nguồn lợi hải sản.

Lực lượng kiểm ngư tăng cường sự hiện diện trên biển, vừa thực thi pháp luật vừa là chỗ dựa cho ngư dân. Ảnh: Hoài Nam.

Thứ nhất, chúng ta cần hướng dẫn, tuyên truyền người dân khai thác khai thác hợp pháp, không sử dụng những phương tiện, nghề, ngư cụ cấm để khai thác mang tính chất hủy diệt; thứ hai là cần tăng cường các biện pháp thả giống, phục hồi những nguồn lợi những loài quý hiếm, những loài nguy cấp ra vùng biển tự nhiên.

Thứ 3, chúng ta cần triển khai những giải pháp để bảo vệ nguồn lợi, bảo vệ những bãi đẻ, đặc biệt là những loài quý hiếm, những loài có giá trị kinh tế cao. Thứ 4, cần thành lập các khu bảo tồn biển để bảo vệ các hệ sinh thái, những rặng san hô điển hình, để tạo nơi trú ngụ cho các loài cá, tạo hiệu ứng tràn, phát tán nguồn lợi ra các vùng biển xung quanh.

Cuối cùng là cần có những giải pháp chuyển đổi nghề, những lĩnh vực khai thác không thân thiện với môi trường, dễ xâm hại đến nguồn lợi thủy sản sang những nghề khai thác hiệu quả hơn, thân thiện hơn và ít tác động xấu đến môi trường sinh thái biển.

Năm 2023, ngành thủy sản đề ra mục tiêu cơ bản duy trì ổn định tổng sản lượng thủy sản, trong đó điều chỉnh giảm dần sản lượng khai thác. Theo đó, tổng sản lượng thủy sản khoảng 8,74 triệu tấn, riêng sản lượng khai thác khoảng 3,58 triệu tấn.

Trong thời gian tới, Cục Thủy sản sẽ tăng cường điều tra biến động nguồn lợi hải sản ở các vùng biển, đặc biệt là vùng ven bờ để phục vụ việc xác định hạn ngạch giấy phép khai thác của các địa phương. Cùng với đó, nâng cao độ chính xác của bản tin dự báo ngư trường; đổi mới phương thức phát hành, cung cấp các bản tin dự báo ngư trường khai thác hải sản để ngư dân tiếp cận, biết và sử dụng trong sản xuất.

Đinh Mười (nongnghiep.vn)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang