Bài dự thi “Cùng giữ màu xanh cửa biển”: Bảo vệ biển từ trái tim - Bài 2: Biển sạch, cá về
Thà “dơ tàu còn hơn bẩn biển”
Hơn 32 năm xây dựng và trưởng thành, cũng là ngần ấy năm hàng trăm cán bộ chiến sĩ ở 15 Nhà giàn DK1 đóng quân trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc đồng hành với một công việc ý nghĩa, đó là chuyển rác thải từ biển về đất liền xử lý. “Đây không chỉ đơn thuần là làm xanh, sạch môi trường trên đảo, mà còn xây dựng cho bộ đội có ý thức bảo vệ môi trường biển, bảo vệ đại dương, không chỉ cho riêng mình mà còn vì một khát vọng xanh của cộng đồng” - Thượng tá Dương Thế Đường, nguyên Phó Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn DK1 chia sẻ.
Hệ thống Nhà giàn DK1 được xây dựng từ tháng 7/1989 ngoài thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Đóng quân trên các bãi cạn san hô ngầm, mỗi Nhà giàn là một “pháo đài canh biển” bốn bề sóng nước. Nhưng đây cũng là nơi rác “quấn” về. Với ý thức bảo vệ biển và đại dương, không làm “tác nhân” của ô nhiễm môi trường biển, ngay từ những ngày đầu tiên, cán bộ chiến sĩ Nhà giàn DK1/3 Phúc Tần đã ý thức được việc gom rác thải vào bao tải, xếp gọn trên sàn công tác, gửi theo tàu về đất liền xử lý.
Thượng tá Đường tâm sự: “Nhiều người nghĩ ngoài Nhà giàn thì rác đâu ra? Nhưng “góp gió thành bão”. Chỉ một tháng, mỗi Nhà giàn cũng gom được ít nhất 2 - 3 tạ rác. Biển không sinh ra rác, nhưng rác từ đất liền ra biển, rác thải từ biển dạt vào chân đế Nhà giàn.
Hai tháng chúng tôi tổ chức một chuyến tàu đi cấp lương thực, thực phẩm cho các Nhà giàn, rác cũng từ đó mà ra. Rác từ bao tải dựng gạo, từ túi ni lông đựng các đồ thịt, cá hộp; rồi rác thải tự sinh trong cuộc sống. Khi đó anh em gom lại, chờ mỗi khi có tàu trực về đất liền, rác thải được đóng sẵn trong bao tải, chuyển xuống tàu đem về bờ xử lý. Nhiều Nhà giàn tái chế rác thải bằng cách băm nhỏ trộn lẫn với đầu, vẩy, ruột cá tươi, ủ rồi đem bón cho rau. Đây cũng là cách xử lý rác thải tại chỗ không ảnh hưởng đến môi trường. Đối với các loại rác lâu phân hủy như bao tải, bịch ni lông, bao bảo quản gạo, nhất thiết phải được dồn lại và chuyển về đất liền. Trước đây, chưa có thùng đựng rác thì bao ni lông, đồ nhựa được dồn vào bao tải, còn giờ thì “ủ” trong thùng. Tàu về bờ, rác cũng về theo”.
Việc chuyển rác thải từ các Nhà giàn DK1 về đất liền không phải lúc nào cũng thuận lợi. Mùa biển lặng từ tháng 4 đến tháng 9, chuyện đưa rác từ giàn xuống tàu nhẹ như “lông hồng”. Nhưng từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau thì không đơn giản. Để chuyển những bì rác thải nặng từ giàn xuống tàu trong điều kiện sóng to gió lớn, bì rác được cột chặt một đầu vào dây thừng, các chiến sĩ trên Nhà giàn thả xuống biển để thủy thủ dưới tàu vớt lên. Những bịch rác được xếp gọn trên mũi tàu để ráo nước. Khi tàu cập cảng, những bì rác được chuyển lên bờ và được công nhân vệ sinh môi trường của phường Thắng Nhất (thành phố Vũng Tàu) “xin” đem đi xử lý.
Nhớ lại những chuyến tàu chở rác từ DK1 về đất liền, Trung tá Nguyễn Tiến Cường, nguyên Thuyền trưởng tàu HQ 668, Lữ đoàn 171 Hải quân chia sẻ: “Chở rác từ biển về đất liền là một nhiệm vụ. Có lần, do điều kiện đóng gói chưa kín, mùi hôi và nước bẩn từ rác chảy ra khoang tàu, nhưng thà “dơ tàu còn hơn dơ biển”. Nếu không chở về bờ, thì hàng trăm tấn rác thải từ Nhà giàn sẽ “tuồn” ra biển. Lúc đó, người phải hứng chịu ô nhiễm trước hết là lực lượng Hải quân và bà con ngư dân”.
“Ao cá Bác Hồ” giữa trùng khơi
Không chỉ gom rác làm sạch môi trường sống cho con người mà cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn còn giữ biển sạch, biển yên cho cá về. 15 Nhà giàn DK1, mỗi Nhà giàn có một “Ao cá Bác Hồ”. Cái tên “Ao cá Bác Hồ” là do một chiến sĩ đặt ra, với mục tiêu giữ biển sạch không rác thải, không đánh bắt bằng hình thức tận diệt, để “Ao cá Bác Hồ” trở thành nơi trú ngụ của hàng trăm loài cua, tôm, cá biển.
Trước đây, có thời điểm ngư dân sử dụng các hình thức đánh bắt cá kiểu tận diệt, khiến cho một số loài thủy sinh bị hủy diệt, tầng san hô dưới đáy biển bị ảnh hưởng nặng nề. Có những buổi sáng, dòng nước biển có một vệt màu trắng đục, đó thực chất là các mảng san hô nhỏ đã chết kèm với rong tảo biển “bị mìn đánh bật gốc” trôi lập lờ trong sóng nước. Để ngăn chặn tình trạng này, trước khi ra khơi, tất cả các tàu đánh bắt xa bờ ở các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang, An Giang… được Bộ đội Biên phòng địa phương kiểm tra chặt chẽ bảo đảm không có thuốc nổ, trang bị máy móc an toàn mới được rời bến. Quân chủng Hải quân cũng đã chỉ thị cho các Nhà giàn DK1, các tàu trực trên biển thường xuyên quan sát phát hiện các tàu cá của ngư dân đánh bắt trong phạm vi bán kính 10 - 12 hải lý. Nếu phát hiện tàu đánh bắt cá bằng phương pháp tận diệt thì phải kịp thời ngăn chặn và xử lý theo quy định “bảo vệ an ninh, an toàn sinh thái biển”.
Có lẽ khu vực chân đế Nhà giàn cũng là nơi trú ẩn an toàn, nên cá tụ về đây khá nhiều, vì thế tên “Ao cá Bác Hồ” đã được ra đời từ đây. Để duy trì “Ao cá Bác Hồ” luôn là điểm “dừng bơi” của nhiều loài tôm cá, những thức ăn thừa như cơm, canh rau được các chiến sĩ đổ xuống biển cho cá ăn. Thiếu tá Phạm Văn Bảy, (là người “phát minh” ra tên gọi Ao cá Bác Hồ) ở Nhà giàn Tư Chính 5 cho biết: “Ngay dưới chân đế mỗi Nhà giàn có hàng trăm loài cá. Khi sóng yên biển lặng, cá từ chân đế bơi ra vùng biển gần đó rồi tối lại bơi về. Khi sóng to gió lớn, cá vào chân đế trú ẩn và nằm im sâu áp đáy san hô. “Ao cá Bác Hồ” là nguồn thực phẩm chủ yếu hằng ngày của cán bộ chiến sĩ DK1 suốt 32 năm qua”.
Thiếu tá Phạm Văn Bảy cũng cho biết thêm, khi câu được cá biển lên, vảy, ruột cá sẽ được ủ để bón cho rau. Rau xanh ở Nhà giàn DK1 ưa phân bón này nên sinh trưởng nhanh và xanh mướt. Những bồn rau mầm siêu sạch cũng được mọc lên từ loại “phân bón đặc biệt” không ô nhiễm môi trường này.
Mai Thắng
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận