Bài dự thi “Cùng giữ màu xanh của biển”: Bảo vệ đại dương từ trái tim - Bài 1: Xanh lên từ sỏi đá
Mầm xanh cập đảo
Ngày 14/4/2021 - tròn 46 năm đảo Song Tử Tây thuộc Quần đảo Trường Sa được giải phóng, và đó cũng là ngần ấy thời gian hàng ngàn cây phong ba, bão táp, bàng quả vuông, cỏ cây hoa lá tự do đồng hành cùng lính đảo. Cựu chiến binh, Trung tá Trương Huy Mão - một trong những chiến sĩ hải quân có mặt đầu tiên giải phóng đảo Song Tử Tây khẳng định: “Cùng với tinh thần dũng cảm kiên cường, lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam còn thể hiện năng lực sinh tồn của người Việt, không đầu hàng dù đó là nơi khó khăn gian khổ nhất. Hàng ngàn cây xanh, hoa, lá hiện hữu ở đảo như hiện nay, chính là “hiện thân” của năng lực sinh tồn ấy”.
Song Tử Tây là hòn đảo được giải phóng đầu tiên. Không thể kể hết những khó khăn gian khổ của những người lính đảo thủa ấy. Trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt, “trên nắng dưới nóng”, nhiệt độ thường trực từ 38 đến 40 độ C, những người lính đã “gồng mình” chống chọi, đối mặt với bão tố cuồng phong và nỗi nhớ nhà “xé gan xé ruột”. Ngày đó đi Trường Sa chẳng ai hẹn ngày về, chỉ biết tinh thần luôn sẵn sàng cống hiến, nếu có hy sinh đến tính mạng cũng cảm thấy rất vinh dự và kiêu hãnh vì đó là sự cống hiện lớn lao cho Tổ quốc.
Cũng như nhiều đảo, điểm đảo khác, Song Tử Tây sau ngày giải phóng ám nồng khói thuốc súng và trơ trọi sỏi đá. Để bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ hướng biển, kế hoạch xây dựng đảo gắn liền với trồng cây xanh được khẩn cấp triển khai. Nhưng cây đâu ra khi bề mặt của đảo chỉ lởm chởm sỏi đá và cát nóng? Trong khi đó, việc vận chuyển cây xanh từ đất liền những năm sau giải phóng là chưa thể, vì tàu thuyền không nhiều, hải trình trở ngại gian nan. “Trước đó, cây xanh đã có mặt trên đảo nhưng chưa nhiều. Nhiều nhất và lâu năm nhất là cây phong ba và cây bàng quả vuông. Có một kỷ niệm trong cuộc đời người lính khiến tôi không bao giờ quên được, đó là khi tôi và hai đồng đội nhặt được quả dừa nảy mầm trong biển mặn” - Trung tá Trương Huy Mão chia sẻ.
Đó là một đêm tháng tư tại đảo Song Tử Tây. Sau ca gác đầu tiên, binh nhất Trương Huy Mão cùng hai chiến sĩ trong tổ tuần tra đi dọc mép đảo bất chợt nhìn thấy một quả dừa đã nảy mầm bám trên một khúc gỗ từ biển dạt vào bị cát vùi lấp phân nửa. Họ nhẹ nhàng bới lên rồi đem về trồng cạnh chòi gác. “Lúc đó tôi không chắc quả dừa có thể mọc thành cây hay không. Mà cũng chẳng hy vọng nó sống vì thời tiết khắc nghiệt lắm. Người còn không có nước tắm, phải dè xẻn từng ca, lấy đâu nước tưới dừa. Mầm dừa đó tôi trồng ngay cạnh chỗ hay đánh răng rửa mặt. Một sáng tỉnh dậy thấy mầm dừa vẫn sống và hình như mầm vươn cao hơn. Tôi nghĩ thầm phong ba, bàng vuông, muống biển sống được ở nước mặn, tại sao dừa lại không sống được? Những ngày sau đó, cả đảo vui như tết. Có thêm mầm dừa xanh trên đảo như có thêm thành viên mới. Việc đầu tiên sau ngủ dậy mỗi đêm là “thăm” mầm dừa. Thực lòng, anh em cán bộ, chiến sĩ cả đảo cứ lâng lâng theo mầm sống của quả dừa”.
Nhân lên những mầm xanh
Việc binh nhất Trương Huy Mão và hai chiến sĩ nhặt được quả dừa nảy mầm về ươm trồng đã “mở màn” cho phong trào “cây xanh trên cát nóng”. “Thời đó cứ sau giờ huấn luyện hoặc sau ca gác là chúng tôi đi “săn” cây xanh dạt vào đảo. Để đạt chỉ tiêu Ban Chỉ huy đảo giao “mỗi cán bộ chiến sĩ trồng một cây xanh, đặt tên và tự chăm bón”, tôi đã nghĩ ra cách chiết cành, nhân giống. Cứ tưởng trên nắng dưới nóng thì việc chiết cành, ươm mầm sẽ không thành công, nhưng thật diệu kỳ, những cành phong ba khẳng khiu đã đâm chồi nảy lộc. Những mầm xanh như người bạn thân thiết của chúng tôi, khiến nỗi nhớ đất liền cũng tạm vơi. Mỗi lần cầm ca nước ngọt tưới cho cây phong ba, cảm thấy tình yêu biển đảo của Tổ quốc như được nhân lên. Với tôi, những ngày ở đảo Song Tử Tây là những ngày đẹp đẽ nhất của đời lính biển” - cựu chiến binh Trương Huy Mão hồi tưởng lại.
Còn với cựu chiến binh Nguyễn Văn Minh, kỷ niệm hơn 30 năm gắn bó với Trường Sa và các công trình trên đảo cùng việc dọn rác ươm cây miệt mài suốt thời tuổi trẻ là những hoài niệm, kỷ niệm đẹp chẳng thể nào quên.
Ông Minh chia sẻ: “Không chỉ đảo Song Tử Tây, Trường Sa Lớn, Sinh Tồn, mà các đảo chìm như Đá Lát, Đá Tây cũng chiết cành ươm giống. Trồng cây xanh ngoài đảo Trường Sa lúc đó như một “cuộc cách mạng”. Thoạt đầu chúng ta trồng phong ba, bão táp, nhưng sau đó chúng tôi trồng cả muống biển để chống biển xói mòn. Hạnh phúc nào hơn giữa Trường Sa vẫn được ăn rau xanh sạch, viết thư về đất liền dưới tán lá bàng vuông. Những kỷ niệm ấy đã ăn vào máu thịt tôi”.
Những “món quà xanh” đồng hành ra khơi
Tháng 4 - mùa biển lặng. Mùa của những chuyến tàu hải quân vượt sóng ra Trường Sa và Nhà giàn DK1. Những chuyến tàu của Vùng 4, Vùng 2 Hải quân không chỉ thực hiện những hải trình yêu thương nối đất liền với biển đảo, Nhà giàn, mà còn là những “pháo đài canh biển”. Trên những “chuyến tàu đặc biệt” này, ngoài tình cảm, vật chất của nhân dân cả nước gửi tặng cán bộ chiến sĩ Trường Sa, Nhà giàn DK1, còn có những “món quà xanh”. Như 600 cây dừa của Tỉnh đoàn Bến Tre tặng các đảo chìm (năm 2018) và hàng ngàn thùng chứa rác thải tặng bộ đội Trường Sa, hay những cây hoa lan của người dân mọi miền Tổ quốc gửi chiến sĩ nơi “đầu đội trời chân đạp sóng”.
Trường Sa hôm nay đã “thay da đổi thịt”, không chỉ là những hệ thống nhà cửa, hầm hào công sự vững chắc, công tác huấn luyện chiến đấu ngày càng nâng cao, đời sống văn hóa tinh thần của bộ đội ngày càng được cải thiện; mà còn đổi thay bởi hàng ngàn cây xanh trên khắp 21 đảo, điểm đảo/33 điểm đóng quân. Phủ lên những đảo nổi Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Nam Yết, Sinh Tồn là “thảm xanh” của cây xanh; Vượt lên bờ sóng ở đảo chìm Đá Lớn, Cô Lin, Len Đao, Đá Tây là những bồn rau xanh mơn mởn, len giữa các tán cây tròn trịa là ngọn dừa vươn thẳng tắp. Sự hiện diện của cây xanh ở Trường Sa hôm nay, không chỉ nâng cao chất lượng đời sống của lính đảo; mà còn là “kế sách” của chiến lược “bảo vệ đại dương” từ trái tim những người lính biển.
Mai Thắng
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận