Kỷ niệm 45 năm Ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (7-1-1979 / 7-1-2024)

Bài học từ Chiến dịch đổ bộ đường biển Tà Lơn

10:58 10-01-2024

VBĐVN.vn - Cách đây 45 năm, Quân chủng Hải quân (QCHQ) tiến hành cuộc tiến công đổ bộ đường biển (ĐBĐB) Tà Lơn trong khuôn khổ Chiến dịch Tây Nam (Chiến dịch T5, diễn ra từ ngày 6-1 đến 30-5-1979) giành thắng lợi vẻ vang. Thắng lợi của chiến dịch không chỉ góp phần bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biên giới biển, đảo Tây Nam nước ta, mà còn giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng Khmer Đỏ, hồi sinh đất nước.

Chiến dịch đổ bộ đường biển Tà Lơn

Sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975, cùng với việc quản lý, bảo vệ vùng biển, đảo của Việt Nam thống nhất, Hải quân nhân dân Việt Nam đã chiến đấu, bảo vệ toàn vẹn hải đảo và vùng biển Tây Nam của Tổ quốc trước sự xâm lăng của bè lũ phản động Pol Pot-Ieng Sary. Hưởng ứng lời kêu gọi của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, chấp hành mệnh lệnh của Bộ chỉ huy mặt trận, Hải quân nhân dân Việt Nam mở hướng tiến công, bảo vệ bên sườn, phối hợp với binh chủng hợp thành tác chiến trên hướng ven biển, đảm nhiệm mũi tiến công đánh chiếm cảng Kompong Som, quân cảng Ream, làm chủ vùng biển, ven biển, cắt đứt con đường huyết mạch, chia cắt Đông Nam Campuchia, giải phóng đất đai, dân cư, sau đó truy quét tàn quân địch. Hải quân nhân dân Việt Nam đã tiến hành nhiều hoạt động tác chiến, trong đó nổi bật là cuộc ĐBĐB Tà Lơn

Bãi đổ bộ Tà Lơn dài khoảng 300m, nằm dưới chân núi Tà Lơn thuộc tỉnh Kampot (Campuchia) cách thị xã (nay là thành phố) Kampot khoảng 20km về phía Đông, cách cảng Kompong Som khoảng 90km về phía Tây. Địa hình, thời tiết, khí hậu thủy văn khu vực này rất phức tạp, không thuận lợi cho hoạt động tác chiến. Lực lượng địch trong khu vực có Sư đoàn 164 hải quân và Trung đoàn 17 biên phòng cùng các lực lượng thuộc đặc khu Kompong Som và tỉnh Koh Kong, với tổng quân số khoảng trên 5.000 tên, 172 tàu thuyền các loại, pháo mặt đất, súng cối, các trạm radar và hệ thống công sự, trận địa kiên cố.

Lữ đoàn Hải quân đánh bộ 101 (Quân chủng Hải quân) xuống tàu chuẩn bị hành quân tham gia Chiến dịch biên giới Tây Nam, năm 1979. Ảnh tư liệu

Thực hiện kế hoạch tác chiến, 22 giờ ngày 6-1-1979, Chiến dịch ĐBĐB Tà Lơn bắt đầu. Lực lượng hải quân gồm 3 bộ phận: Lực lượng đánh chiếm bãi đổ bộ, chốt giữ đầu cầu chính, chặn địch phản kích, bảo đảm cho đội hình đổ bộ tiến về Bắc Kompong Som; lực lượng đổ bộ đánh chiếm địa hình có giá trị làm bàn đạp tiến công giải phóng Kompong Som; lực lượng dự bị sẵn sàng thay thế lực lượng chính, đổ bộ phát huy chiến quả. Phối hợp với hướng đổ bộ Tà Lơn, pháo tầm xa của Vùng 5 từ Phú Quốc, Hòn Đốc đồng loạt bắn chế áp trận địa hỏa lực của địch trên đất liền và các đảo trong khu vực, ngăn địch chi viện cho Tà Lơn.

Do ta giữ được bí mật nên cơ bản cuộc đổ bộ lên Tà Lơn thành công, chỉ một phần binh khí kỹ thuật gặp khó khăn, chậm tiến độ, phải điều chỉnh. Trong đêm 6, rạng sáng 7-1, khi các tàu và phương tiện đổ bộ tiến vào bờ, các biên đội tàu của Lữ đoàn 127, Hạm đội 171 chiến đấu quyết liệt với các nhóm tàu địch, bắn chìm, bắn cháy nhiều chiếc, đẩy lui các đợt phản kích của chúng, sau đó tổ chức chốt chặn, tuần tiễu vòng ngoài, bảo vệ an toàn hai bên sườn đội hình đổ bộ của ta. Để phân tán sự chú ý của địch, ta còn sử dụng tàu nghi binh tại khu vực Kompong Som, cơ động, pháo kích vào quân cảng Ream, tạo thuận lợi cho lực lượng đổ bộ chiến đấu lên bờ và phát triển tiến công. Sau khi chiếm được Tà Lơn, ta tiếp tục đổ bộ tiến công giải phóng cảng Kompong Som và quân cảng Ream.

Tuy nhiên, do địch phản kháng mạnh, lực lượng bộ binh lại đến muộn so với hiệp đồng, quá trình đổ bộ cũng gặp nhiều khó khăn tại bãi nên lực lượng đổ bộ hầu như phải độc lập chiến đấu và chịu tổn thất. Do vậy, ngày 7-1, QCHQ sử dụng lực lượng dự bị (2 tiểu đoàn của Lữ đoàn 101) thay thế các tiểu đoàn bị tổn thất của Lữ đoàn 126, tiếp tục đổ bộ lên Tà Lơn. Lực lượng này cùng với bộ phận đã lên bờ, đơn vị bạn cũng đã cơ động đến, với sự chi viện hỏa lực của không quân ta, Bộ đội Hải quân đã hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị bạn tiến công giải phóng toàn bộ thị xã và cảng Kompong Som, làm chủ toàn bộ khu vực quân cảng Ream vào ngày 10-1, kết thúc thắng lợi chiến dịch.

Kết quả, ta đánh bại và làm tan rã Sư đoàn 164 hải quân, Trung đoàn 17 biên phòng cùng các lực lượng địch phòng thủ trong khu vực; tiêu diệt, bắt sống hơn 2.800 tên; bắn chìm, bắn cháy, phá hủy gần 70 tàu thuyền, hàng trăm khẩu súng, pháo; thu nhiều đạn dược, phương tiện, vật tư chiến tranh; làm tan rã cơ bản lực lượng hải quân địch, giải phóng toàn bộ vùng biển, đảo và duyên hải Đông Nam Campuchia từ Tà Lơn đến quân cảng Ream, kéo sang phía Tây Kompong Som, với chiều dài gần 100km, chiều sâu hơn 30km.

Vận dụng chiến thắng Tà Lơn vào bảo vệ chủ quyền biển, đảo hiện nay

Để thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc hiện nay, QCHQ đã và đang triển khai thực hiện đồng bộ nhiều chủ trương, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu; trong đó có việc vận dụng, phát triển những bài học, kinh nghiệm từ Chiến dịch ĐBĐB Tà Lơn tháng 1-1979.

Trước hết, nhận thức rõ ĐBĐB là loại hình tác chiến phức tạp, quyết liệt, khó khăn gian khổ, thử thách rất lớn về tinh thần, ý chí chiến đấu của bộ đội. Thắng lợi của Chiến dịch Tà Lơn 45 năm trước trong điều kiện vũ khí, trang bị (VKTB) còn hạn chế đã cho thấy lòng quả cảm, đức hy sinh và sự kiên cường, bất khuất của các thế hệ cha anh. Phát huy truyền thống đó, ngày nay, QCHQ càng phải coi trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng bản lĩnh vững vàng, ý chí quyết tâm chiến đấu cao và niềm tin chiến thắng cho bộ đội, tin vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo, tin vào lãnh đạo, chỉ huy, VKTB và nghệ thuật tác chiến của ta, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, những giá trị cốt lõi của tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng, “giúp bạn là tự giúp mình” của Chiến dịch Tà Lơn cũng cần được vận dụng sáng tạo trong các hoạt động đối ngoại quốc phòng với hải quân các nước, vì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.

Thứ hai, trong tác chiến bảo vệ Tổ quốc khi có tình huống xảy ra, ĐBĐB và chống ĐBĐB vẫn sẽ là một trong những loại hình tác chiến phổ biến, đối tượng tác chiến thường có ưu thế về VKTB, phương tiện đổ bộ, khả năng kiểm soát trên không, trên biển, dưới ngầm... Với VKTB hiện có và đang được đầu tư hiện đại, để thắng địch cần phải có nghệ thuật tác chiến phù hợp. Muốn vậy, ngoài làm tốt công tác huấn luyện bộ đội, QCHQ phải quán triệt đường lối quân sự của Đảng, tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, nghệ thuật quân sự Việt Nam, đẩy mạnh nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, nhằm hoàn thiện hệ thống lý luận nghệ thuật quân sự hải quân, phù hợp với nhiệm vụ, sự phát triển về tổ chức, lực lượng và VKTB. Nghiên cứu vận dụng những kinh nghiệm trong Chiến dịch Tà Lơn, kết hợp khảo cứu các cuộc chiến tranh trên thế giới gần đây, kịp thời nắm bắt những thay đổi về tổ chức, lực lượng, VKTB, phương tiện đổ bộ của nước ngoài. Chủ động nghiên cứu, dự báo đúng âm mưu, thủ đoạn, kịch bản ĐBĐB của địch khi chúng gây chiến tranh xâm lược hoặc đánh chiếm biển, đảo, làm cơ sở bổ sung, điều chỉnh các phương án tác chiến ĐBĐB và chống ĐBĐB, bảo đảm chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống.

Thứ ba, hải quân đánh bộ là thành phần lực lượng quan trọng của QCHQ, là lực lượng chủ yếu trong tác chiến ĐBĐB, chống ĐBĐB, phòng thủ đảo, phòng thủ căn cứ. Vì vậy, cần xây dựng lực lượng này giỏi về ĐBĐB và phòng thủ chống ĐBĐB, thuần thục kỹ thuật, chiến thuật chiến đấu trên bờ, biển, đảo. Ưu tiên xây dựng, kiện toàn tổ chức, biên chế, con người, VKTB, phương tiện cho các đơn vị tàu vận tải đổ bộ, hải quân đánh bộ, phòng thủ đảo, phòng thủ căn cứ theo hướng “tinh, gọn, mạnh”. Nghiên cứu nắm chắc địa hình, khí hậu, thủy văn các khu vực biển, đảo; dự báo khu vực địch có thể đổ bộ; tích cực cải tạo, tận dụng thế có lợi của điều kiện tự nhiên để bố trí vật cản chống đổ bộ, các thiết bị chiến trường, xây dựng các căn cứ, hệ thống công sự trận địa trên đảo và trên đất liền hiểm hóc, liên hoàn, vững chắc, kháng lực tốt, có khả năng phòng thủ dài ngày, chuyển hóa thế trận linh hoạt, có thế đánh và thế giữ khi tác chiến xảy ra.

Thứ tư, các cụm lực lượng hải quân cần huấn luyện, diễn tập, luyện tập thuần thục phương án tác chiến ĐBĐB và chống địch ĐBĐB cho các đơn vị tàu vận tải đổ bộ, hải quân đánh bộ, phòng thủ đảo, phòng thủ căn cứ theo phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, “sát nhiệm vụ, đối tượng tác chiến, chiến trường, tổ chức biên chế, VKTB”. Tăng cường huấn luyện hiệp đồng giữa hải quân đánh bộ, lực lượng phòng thủ đảo với tàu mặt nước, tàu ngầm, pháo binh, tên lửa bờ, phòng không-không quân; giữa lực lượng phòng thủ tại chỗ với lực lượng cơ động chi viện bảo vệ... Huấn luyện thuần thục chiến thuật từng người, phân đội đến hiệp đồng tác chiến quân, binh chủng. Chú trọng huấn luyện đêm, huấn luyện dã ngoại dài ngày trên biển, đảo, huấn luyện trong điều kiện phức tạp, diễn tập vòng tổng hợp, thực binh đối kháng. Qua đó nâng cao trình độ chỉ huy, hiệp đồng, xử trí tình huống cho người chỉ huy và cơ quan, trình độ kỹ thuật, chiến thuật và khả năng chịu đựng sóng gió cho bộ đội.

Thứ năm, làm tốt công tác bảo đảm mọi mặt, đặc biệt là bảo đảm tác chiến. Những tổn thất trong Chiến dịch Tà Lơn, một phần nguyên nhân là do ta chưa làm tốt công tác bảo đảm trinh sát nắm địch, địa hình, thủy văn, bảo đảm hàng hải... Từ bài học đó, QCHQ cần nghiên cứu xây dựng các phương án bảo đảm tác chiến, bảo đảm hậu cần, kỹ thuật cho tác chiến ĐBĐB và chống ĐBĐB ngay từ thời bình. Ưu tiên bảo đảm cho đơn vị chiến đấu, đơn vị làm nhiệm vụ trên biển, đảo, nơi khó khăn gian khổ. Chuẩn bị chu đáo, chặt chẽ; tổ chức bảo đảm toàn diện, kịp thời, thông suốt, chính xác, linh hoạt, khoa học, hiệu quả; nghiên cứu hoàn thiện các phương thức bảo đảm, đặc biệt trong điều kiện chiến tranh địch sử dụng vũ khí công nghệ cao, mức độ hủy diệt lớn, chiến trường bị chia cắt, phong tỏa...

Phát huy truyền thống 45 năm Chiến thắng chiến dịch Tà Lơn, QCHQ tiếp tục nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, xây dựng Quân chủng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc từ hướng biển.

Phó đô đốc TRẦN THANH NGHIÊM, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân chủng Hải quân

Nguồn:Theo qdnd.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang