Bàn giải pháp quản lý rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam
- Quyết định 1746/QĐ-TTg năm 2019 về Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030
- Hội thảo khoa học quốc tế “Ô nhiễm rác thải nhựa trên biển Việt Nam: Thực trạng và giải pháp”
- Phát động chiến dịch “Thanh niên Hải quân chung tay làm sạch biển và chống rác thải nhựa”
- Lữ đoàn 681, Vùng 2 Hải quân chung tay làm sạch biển và chống rác thải
VBĐVN.vn - Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam vừa phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức Hội thảo trực tuyến báo cáo kết quả dự thảo Đánh giá về rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam do Ngân hàng Thế giới thực hiện. Tổng cục trưởng Tạ Đình Thi và Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Quế Lâm chủ trì buổi làm việc.
Tham dự cuộc họp về phía Ngân hàng Thế giới có ông Ashraf El-Arini, Chủ nhiệm Chương trình hỗ trợ kỹ thuật về rác thải nhựa đại dương và bà Nguyễn Thị Lệ Thu, đồng Chủ nhiệm Chương trình cùng nhóm các chuyên gia, tổ chức tham gia Chương trình; các đại diện Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Môi trường của Bộ TN&NT; đại diện các tổ chức quốc tế WWF, UNDP; cùng đại diện lãnh đạo một số đơn vị liên quan của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam.
Hội thảo thực hiện trong khuôn khổ các hoạt động Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam tổ chức nhằm lấy ý kiến hoàn thiện Dự thảo Đề án “Việt Nam chủ động tham gia đàm phán và xây dựng Thoả thuận toàn cầu về chống rác thải nhựa đại dương” mà Tổng cục được Bộ Tài nguyên và Môi trường giao nhiệm vụ tham mưu, chủ trì xây dựng Đề án.
Ông Ashraf El-Arini, Chủ nhiệm Chương trình hỗ trợ kỹ thuật về rác thải nhựa đại dương của Ngân hàng Thế giới đã thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày tóm tắt Báo cáo đánh giá về rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam với 2 nội dung chính bao gồm: (i) Phân tích về ô nhiễm rác thải nhựa tại Việt Nam. Mục tiêu của phân tích là nhằm tăng cường kiến thức về các loại chất thải nhựa trên sông và biển ở Việt Nam, đồng thời xác định và phân tích các lựa chọn thay thế tiềm năng trên thị trường của các sản phẩm nhựa này. Khảo sát thực địa và quan trắc trên sông nhằm xác định 10 loại rác thải nhựa phổ biến nhất trong môi trường, qua đó xây dựng các chính sách và các biện pháp mục tiêu nhằm loại bỏ dần các loại nhựa có giá trị thấp. Phân tích cũng xác định số lượng và các loại chất thải nhựa, cũng như các vị trí mà các chất thải này trôi ra sông và biển tại Việt Nam; (ii) Đánh giá chính sách và thể chế về quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam và một số kinh nghiệm quốc tế. Báo cáo đã thực hiện việc kiểm kê khung pháp lý cho thấy Việt Nam đã áp dụng một loạt quy định cũng như thông qua một số chiến lược quốc gia để giải quyết vấn đề nhằm giải quyết vấn đề về nhựa và rác thải nhựa. Việc phân tích về tổ chức thể chế liên quan đến nhựa và rác thải nhựa đã xác định các Bộ ngành và các cơ quan dưới quyền liên quan, cũng như vai trò của các Bộ ngành và cơ quan này trong việc giải quyết vấn đề nhựa và rác thải nhựa.
Tại buổi Hội thảo, các đại biểu đã tham gia góp ý, làm rõ thêm các vấn đề về phương án tiếp cận cũng như các kết quả nghiên cứu, khuyến nghị ban đầu đưa ra trong dự thảo Báo cáo. Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cũng đã ghi nhận, tiếp thu những đóng góp tích cực và ý nghĩa của các quý vị đại biểu đại diện các cơ quan, các đối tác phát triển, các tổ chức quốc tế và các chuyên gia, nhà khoa học tại Hội thảo đồng thời mong muốn những kết quả nghiên cứu của Báo cáo này của Ngân hàng Thế giới sẽ sớm được hoàn thiện và công bố trong thời gian tới để có thể cung cấp thêm dữ liệu đầu vào, hỗ trợ cho việc xem xét và hoàn thiện Báo cáo Đánh giá về rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam và Đề án Việt Nam chủ động tham gia đàm phán và xây dựng Thoả thuận toàn cầu về chống rác thải nhựa đại dương mà Tổng cục đang tích cực thực hiện.
Nam Văn (theo vasi.gov.vn)
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận