Bảo đảm kỹ thuật cho tàu không số

17:09 10-10-2021

VBĐVN.vn - Tàu, thuyền nhỏ, thô sơ, nhưng với tinh thần chủ động, sáng tạo, ý chí quyết chiến, quyết thắng, cán bộ, nhân viên Đoàn tàu không số đã bảo đảm trang bị, kỹ thuật cho hàng nghìn lượt chuyến tàu, vượt hàng triệu hải lý giữa sóng to, gió lớn và sự vây ráp gắt gao của kẻ thù để vận chuyển, chi viện gần 153.000 tấn vũ khí, hàng hóa và hơn 80.000 cán bộ, chiến sĩ cho chiến trường miền Nam.

Thực hiện "tròn khâu" công tác kỹ thuật

Cựu chiến binh Vũ Trung Tính quê ở Thanh Hóa, đã có gần chục năm tham gia làm nhiệm vụ trên tàu không số ở Đoàn 125 kể rằng: "Trước khi thực hiện hải trình cũng như sau khi tàu làm nhiệm vụ trở về, cán bộ, kỹ thuật viên Ban Kỹ thuật của Đoàn 125 đều tiến hành kiểm tra, bảo dưỡng kỹ lưỡng từng chi tiết. Nếu tàu bị hỏng hóc nặng sẽ chuyển đến Xưởng X46 Hải quân, hỏng hóc nhẹ thì Trạm sửa chữa của Đoàn 125 trực tiếp khắc phục. Định kỳ 6 tháng một lần, tàu được bảo dưỡng lớn, hệ thống máy móc được kiểm tra, nâng cấp rất kỹ càng, những chỗ bong tróc được sơn lại...".

Giai đoạn 1965-1968, đế quốc Mỹ tăng cường đánh phá ở miền Bắc, các cơ sở kỹ thuật phải sơ tán nhiều nơi, để bảo đảm kỹ thuật kịp thời, lực lượng kỹ thuật phải chia thành các tổ cơ động đến tận từng tàu để sửa chữa. Có nhiều tàu phải sơ tán sang căn cứ A2 (Hậu Thủy), A3 (Hải Khẩu) ở đảo Hải Nam (Trung Quốc) để sửa chữa, bảo dưỡng.

Ngoài ra, trên mỗi chuyến tàu luôn có bộ phận kỹ thuật từ 3 đến 5 người, trước khi lên đường, tàu được trang bị đầy đủ các loại vật tư, phụ tùng, dụng cụ cần thiết để thủy thủ tự khắc phục nếu gặp hỏng hóc. Trong chuyến vận chuyển chở 30 tấn vũ khí vào Nam lần đầu tiên của tàu “Phương Đông 1” giữa tháng 10-1962, nước lẫn vào dầu làm kẹt bơm cao áp gây chết máy, tàu trôi dạt trên biển. Máy trưởng Huỳnh Văn Sao cùng hai thợ máy đã khắc phục kịp thời sự cố, đưa tàu vào bến Vàm Lũng (Cà Mau) bí mật, an toàn.

Tàu không số trên đường chở vũ khí vào miền Nam. Ảnh tư liệu.

Sau khi tàu đổ hàng ở các bến miền Nam, máy trưởng và thợ máy trên tàu luôn chủ động kiểm tra hệ thống động cơ, chân vịt, bánh lái, cánh buồm; thau rửa các bộ lọc dầu, nhớt, thay gioăng đệm... Nếu tàu bị hư hỏng nặng, lực lượng kỹ thuật trên tàu phối hợp với lực lượng tại bến nhanh chóng sửa chữa, thay thế bảo đảm cho tàu có thể ra Bắc nhanh chóng, an toàn.

Chủ động bồi dưỡng, đào tạo cán bộ kỹ thuật

Thực hiện phương châm “Chuẩn bị chu đáo trước khi xuất phát; tự lực, tự cường khi đi trên biển”, trong đó yếu tố con người là nhân tố quyết định. Khi mới thành lập, số cán bộ của Đoàn 759 được đào tạo cơ bản từ các trường chuyên ngành thuộc Bộ Giao thông vận tải, Bộ Thủy sản và số cán bộ từ miền Nam ra có trình độ, kinh nghiệm sửa chữa để vừa bố trí làm máy trưởng, thợ máy các tàu, vừa tổ chức các lớp huấn luyện đào tạo thợ, đáp ứng yêu cầu xây dựng phát triển đội ngũ nhân viên kỹ thuật. Đến tháng 3-1963, Đoàn 759 được trang bị tàu sắt, đồng thời được bổ sung thêm nhiều cán bộ, nhân viên đã qua đào đạo cơ bản từ Trường Hải quân Việt Nam, một số đồng chí được học tập ở nước ngoài.

Đặc biệt, sau sự kiện Vũng Rô (16-2-1965), địch đã phát hiện ra tuyến đường vận chuyển của ta nên chúng tăng cường trinh sát, ngăn chặn. Vì thế ta phải vận chuyển theo phương thức mới như đi xa bờ, đi ra đường hàng hải quốc tế, đi bằng phương pháp thiên văn... Trước tình hình đó, Trường Hải quân Việt Nam kịp thời đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo sát với thực tế, phù hợp với phương thức vận chuyển mới, coi trọng việc tổ chức cho học viên thực hành trên biển, đi cả ban ngày và ban đêm; đi trong điều kiện thời tiết phức tạp; vào các vùng biển mới, luồng hẹp, tránh được các bãi cạn, san hô... Cùng với đó, cán bộ, thủy thủ được trang bị đầy đủ kiến thức về nguyên lý cấu tạo, tính năng tác dụng của một số loại tàu, thuyền để có thể sử dụng, vận hành thành thạo các loại máy móc theo đúng quy trình, đồng thời biết tự sửa chữa, khắc phục khi tàu gặp sự cố trên biển. Năm 1970, Trường Hải quân Việt Nam đã đào tạo được hàng trăm sĩ quan và thủy thủ cho Đoàn 125 làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí bằng đường biển chi viện cho chiến trường miền Nam.

Cùng với đó, Quân khu 9 cũng mở lớp huấn luyện cơ điện-hàng hải đào tạo nhân viên kỹ thuật cho Đoàn 962 để vừa bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện của đoàn, vừa tham gia sửa chữa, bảo đảm kỹ thuật cho các tàu của Đoàn 125 về miền Bắc an toàn. Nhờ công tác kỹ thuật tốt, chu đáo, chuẩn bị kỹ lưỡng nên trong 14 năm, chúng ta tổ chức gần 1.900 lượt chuyến tàu, thuyền làm nhiệm trên biển nhưng không có chiếc nào bị hỏng máy phải nhờ đến tàu khác cứu trợ; khi bị hỏng những chi tiết nhỏ anh em đều tự khắc phục, bảo đảm hành trình thông suốt.

Chí Phan

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang