Bình Định cần kết nối hạ tầng, mở ra không gian phát triển mới, nhất là kinh tế biển

10:36 06-02-2023

BĐVN.vn - Trong chương trình công tác tại Bình Định, chiều 5-2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Định về tình hình kết quả năm 2022, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; giải quyết kiến nghị nhằm hỗ trợ Bình Định phát huy tốt hơn tiềm năng, thế mạnh, phát triển nhanh, bền vững.

Cùng dự buổi làm việc có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ, Giao thông vận tải; Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và tỉnh Bình Định.

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Định. Ảnh: Dương Giang

Báo cáo của Tỉnh ủy Bình Định tại buổi làm việc cho biết, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Định đã đoàn kết, nỗ lực, chủ động, sáng tạo, triển khai quyết liệt các giải pháp và đạt được kết quả tích cực về kinh tế-xã hội.

Tỉnh Bình Định đạt và vượt kế hoạch 19/19 chỉ tiêu chủ yếu; GRDP ước tăng 8,57%, cao nhất từ trước tới nay; GRDP bình quân đầu người ước đạt gần 70,7 triệu đồng, tăng 11,59%. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,05%. Thu ngân sách trên 15,6 nghìn tỷ, tăng 7,5%. Xuất khẩu đạt 1,55 tỷ USD, tăng 16,3%, xuất siêu hơn 1,08 tỷ USD.

Du lịch phục hồi tích cực, đón trên 4,12 triệu lượt khách, tăng hơn 2,8 lần. Tổng mức thực hiện vốn đầu tư phát triển hơn 46,9 nghìn tỷ đồng, tăng 10,8%. Giải ngân vốn đầu tư công đạt 90,97% kế hoạch. Có 87/113 xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 133 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên.

An sinh xã hội được quan tâm. Cải cách hành chính được đẩy mạnh, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư kinh doanh. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả.

Tỉnh Bình Định đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành xem xét cho phép nâng cấp Cảng hàng không Phù Cát; tuyến Quốc lội 19 nối cảng Quy Nhơn với khu vực Bắc Tây nguyên, Nam Lào – Đông Bắc Campuchia và Thái Lan; xem xét các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ kinh phí để Bình Định tu bổ, tôn tạo các công trình văn hóa lịch sử, nhất là các tháp Chăm, di tích Đề thời Tây Sơn tam kiệt...

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành phát biểu đánh giá tình hình phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Bình Định; phân tích các tiềm năng, thế mạnh và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để phát triển tỉnh Bình Định; giải đáp các đề xuất, kiến nghị của tỉnh.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Dương Giang

Các đại biểu cho rằng điểm quan trọng nhất để Bình Định phát triển là phải phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông để kết nối, khơi dậy các cực tăng trưởng và mở ra không gian phát triển mới, nhất là kinh tế biển, du lịch, logistics...

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, Bình Định có vị trí chiến lược, giao thương thuận lợi; có lịch sử lâu đời, vùng đất kinh đô của một số triều đại; có nền văn hóa đặc sắc; có điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế biển; có tiềm năng lớn về du lịch biển đảo, văn hóa, lịch sử với hệ thống đảo, bán đảo, mũi đá, cảnh quan đẹp, bãi tắm nổi tiếng; nhiều tài nguyên khoáng sản quý và tiềm năng phát triển năng lượng; người Bình Định có tinh thần đoàn kết, yêu nước, cần cù, sáng tạo, có khát vọng vươn lên, mảnh đất của “đất võ, trời văn”.

“Với nhiều tiềm năng khác biệt, lợi thế so sánh và cơ hội nổi trội, nguồn lực phong phú là điều kiện, tiền đề để Bình Định bước vào thời kỳ phát triển mới, tạo sự bứt phá vươn lên trở thành tỉnh phát triển hàng đầu vùng duyên hải Nam Trung bộ”, Thủ tướng chỉ rõ.

Để phát huy tốt hơn tiềm năng, thế mạnh, phát triển nhanh, bền vững, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tỉnh Bình Định tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phát triển vùng và Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh. Trong đó phải chú trọng thực hiện 3 đột phá chiến lược gồm thể chế, hạ tầng chiến lược và đào tạo nguồn nhân lực, cải cách hành chính. "Trong hạ tầng chiến lược phải chú ý phát triển hàng không, đầu tư Cảng hàng không Phù Cát, các tuyến cao tốc kết nối, hệ thống cảng biển...", Thủ tướng chỉ rõ.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tỉnh Bình Định phải tập trung xây dựng, hoàn thiện các quy hoạch; tiếp tục thực hiện chương trình Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và các Chương trình mục tiêu quốc gia; tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, nhất là các ngành kinh tế biển; thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị, phát triển xanh, bền vững, công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao; đẩy mạnh liên kết vùng để khai thác hiệu quả tiềm năng thế mạnh, tạo không gian và nguồn lực cho phát triển...

Một góc Cảng Quy Nhơn. Ảnh tư liệu

Trong đó, phát triển công nghiệp trở thành ngành kinh tế then chốt, khuyến khích công nghệ cao, công nghiệp xanh, công nghiệp hỗ trợ, năng lượng tái tạo, công nghiệp - đô thị ven biển...; xây dựng hạ tầng đồng bộ, kết nối và nâng cao hiệu quả hoạt động khi kinh tế Nhơn Hội, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến gắn với sản phẩm nông, lâm, thủy sản địa phương.

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, Bình Định phải phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, ứng dụng công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, xây dựng thương hiệu và chuỗi giá trị, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển mạnh các sản phẩm OCOP; đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới; phát triển ngành thủy sản hiện đại, hiệu quả, bền vững, trọng tâm là nuôi tôm công nghệ cao và khai thác cá ngừ đại dương; hỗ trợ ngư dân bám biển, khai thác xa bờ, ngăn chặn khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định.

* Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ đã tới khảo sát, dự lễ khánh thành các công trình phát triển hạ tầng của tỉnh Bình Định, trong đó có dự án Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định – phần mở rộng được đầu tư xây dựng theo hình thức hợp tác công - tư. Công trình có quy mô 600 giường bệnh với đầy đủ các tiêu chuẩn khác nhau, phù hợp với nhu cầu của từng bệnh nhân; tổng vốn đầu tư khoảng 1.300 tỷ đồng, trong đó tỉnh Bình Định góp 80 tỷ đồng.

Phạm Tiếp

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang