Huy động sức mạnh tổng hợp trong chống khai thác thủy sản bất hợp pháp

09:09 13-12-2022

VBĐVN.vn - Tình hình chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) sau 5 năm bị Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo “thẻ vàng” đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, chậm khắc phục trên thực tế đã được Đoàn Thanh tra của EC khuyến nghị tại đợt thanh tra lần thứ 3 (cuối tháng 10-2022). Điều này đòi hỏi các bộ, ngành Trung ương và các địa phương ven biển cần quyết liệt hơn, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong phòng, chống khai thác IUU vì lợi ích quốc gia và của người dân.

Hiện, tỉ lệ tàu cá Việt Nam có chiều dài trên 15m trở lên lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đạt 95,27%. Ảnh: Bích Nguyên

Ghi nhận từ các địa phương

Tỉnh Cà Mau hiện có hơn 5.000 phương tiện đánh bắt thủy sản. Thực hiện các khuyến nghị của EC, đến nay, 1.454 phương tiện có chiều dài 15m trở lên đều được gắn thiết bị giám sát hành trình (VMS) đạt 100%. Đến tháng 11-2022, có 3.842 tàu cá được đăng ký và đánh dấu, 1.244 tàu được đăng kiểm. Tỉnh Cà Mau đã thực hiện cấp mới và gia hạn 1.359 giấy phép khai thác thủy sản. Trong năm 2022, 2 cảng cá được chỉ định (Sông Ðốc và Rạch Gốc) đã tiến hành kiểm tra 100% tàu cá cập cảng, rời cảng cá với 11.560 lượt tàu. Tuy nhiên, tại tỉnh Cà Mau vẫn ghi nhận một số tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.

Đến nay, 100% tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên của tỉnh Quảng Ninh đã lắp đặt VMS, được cấp giấy phép khai thác thủy sản, cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Năm 2022, toàn tỉnh đã phát hiện và xử lý 663 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực khai thác thủy sản. Không có tàu cá và ngư dân của tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài.

Tại Quảng Ngãi, địa phương có số lượng tàu cá đánh bắt xa bờ lớn của cả nước, hiện có 4.543 tàu cá, trong đó, hơn 3.200 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên. Đến nay, gần 90% tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đã cấp Giấy phép khai thác thủy sản; 98,6% tàu cá đã lắp thiết bị VMS.

Còn tại tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện có 613 tàu cá có đăng ký và có 610 chiếc tàu cá được cấp giấy phép khai thác thủy sản, đạt 99,5%, 3 chiếc còn lại chưa cấp phép do đang nằm bờ cải hoán. Trong số đó, 417 tàu cá xa bờ có chiều dài từ 15m trở lên đã được lắp thiết bị VMS. Ban Quản lý cảng cá đã thực hiện giám sát sản lượng thủy sản khai thác qua cảng theo quy trình và quy định, đạt 100%...

Tính đến cuối tháng 11/2022, tỉnh Khánh Hòa đã cấp phép khai thác thủy sản cho 3.184 tàu cá (đạt 99,6%); 100% tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên được đánh dấu theo quy định; có 673/683 tàu lắp thiết bị VMS (đạt 98,5%).

EC đánh giá cao quyết tâm chính trị của Việt Nam

Kết thúc đợt thanh tra thứ 3, EC ghi nhận và đánh giá cao quyết tâm chính trị của Việt Nam, đặc biệt là sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp tốt với các bộ, ngành và địa phương chỉ đạo và tổ chức triển khai nhiều giải pháp tích cực để chống khai thác IUU.

EC đánh giá tình hình chống khai thác IUU tại Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực hơn rất nhiều so với lần thanh tra thực tế lần thứ 2 (năm 2019), như: Đã hoàn thiện khung pháp lý; công tác quản lý đội tàu, giám sát sản lượng lên bến; thực hiện xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản; thực thi pháp luật, đã được cải thiện và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Hiện, tổng số tàu cá của Việt Nam đã giảm 5,1% (từ 96.609 chiếc năm 2019, đến nay còn 91.716 chiếc). Việt Nam đã lắp đặt thiết bị VMS trên tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đạt 95,27%, tăng 5,01% so với năm 2021. Công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát được các lực lượng thực thi pháp luật trên biển tăng cường thực hiện, góp phần ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng khai thác bất hợp pháp...

Công tác theo dõi, kiểm tra, kiểm soát tàu cá tại cảng cá đã từng bước thực hiện tốt theo quy định. Công tác chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác đã tổ chức triển khai thực hiện theo quy định. Tổng số hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản đã công bố là hơn 98.400 giấy phép.

Cán bộ Đồn Biên phòng Bình Hải, BĐBP Quảng Ngãi tuyên truyền cho ngư dân xã Bình Châu, huyện Bình Sơn không vi phạm vùng biển nước ngoài khi khai thác thủy sản. Ảnh: Văn Tánh

Quyết tâm xử lý triệt để vi phạm về chống khai thác IUU

Bên cạnh kết quả, công tác phòng, chống khai thác IUU vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế chậm khắc phục đã được EC khuyến nghị tại đợt thanh tra thứ 3, đó là: Cần rà soát, điều chỉnh một số quy định pháp lý. Đội tàu lớn so với lượng nguồn lợi. Việc đăng ký, đăng kiểm chưa hoàn thành. Tình trạng tàu cá mất kết nối VMS, vượt ranh giới trên biển vẫn diễn ra phổ biến, nhưng công tác điều tra, xử lý vi phạm hành chính tại địa phương còn rất hạn chế so với các vụ việc vi phạm. Công tác kiểm soát tàu cá ra vào cảng còn chưa chặt chẽ, tỉ lệ giám sát sản lượng lên bến còn thấp. Việc ghi, nộp và chất lượng nhật ký khai thác chưa đạt yêu cầu.

Cùng với đó, việc thực hiện xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác trong nước còn nhiều tồn tại; chưa kiểm soát được nguồn gốc sản phẩm thủy sản khai thác nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam bằng tàu container để xuất khẩu sang thị trường khác ngoài châu Âu, dẫn tới rủi ro vi phạm IUU. Nguy cơ xảy ra tình trạng nguyên liệu thô trong nước và nước ngoài được trộn lẫn để chế biến, xuất khẩu vào thị trường EU. Tình trạng tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài vẫn xảy ra, diễn biến phức tạp...

Với quyết tâm gỡ “thẻ vàng” của EC, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu khẩn trương xây dựng Chương trình, kế hoạch hành động 180 ngày thực hiện các khuyến nghị của EC trong việc gỡ “thẻ vàng” IUU. Trong đó, kế hoạch phải nêu rõ, cụ thể trách nhiệm của Chính phủ, bộ, ngành, tỉnh, thành phố, huyện, xã và từng người dân; kế hoạch phải lượng hóa để mọi cơ quan, người dân dễ hiểu, dễ làm, dễ giám sát, dễ kiểm tra, dễ đánh giá...

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu tổ chức thực hiện sâu rộng, có phương pháp phù hợp, huy động sức mạnh tổng hợp trong việc phòng, chống khai thác IUU. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phối hợp với các địa phương rà soát tổng thể về các biện pháp kỹ thuật, công nghệ để chống khai thác IUU, điều chỉnh các quy định phù hợp với tình hình; rà soát lại lực lượng lao động khai thác thủy hải sản, phân loại đối tượng, tạo sinh kế, chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân, giảm lực lượng khai thác hải sản. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các biện pháp xử lý hành chính đối với các hành vi khai thác IUU, nếu vi phạm pháp luật hình sự phải cương quyết xử lý.

Theo bienphong.com.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang