Bình Định “căng quân” quản lý tàu cá. Bài 1: Tăng tần suất giám sát tàu cá đánh bắt xa bờ
VBĐVN.vn - “Cả đời người lao động khổ cực ngoài biển, tích cóp vốn liếng đóng được chiếc tàu lớn trị giá mấy tỷ đồng, không dại gì vi phạm các quy định trong khai thác hải sản để bị xử phạt nặng. Ngư dân đưa tàu ra ngoài biển khai thác, mấy anh Chi cục Thủy sản, Biên phòng ngồi trong bờ mở máy tính lên biết rõ mọi hải trình” - chủ tàu và thuyền trưởng Nguyễn Văn Bé, phường Tam Quan Nam, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định giãi bày chân thật.
Tỉnh Bình Định có 3.290 tàu đánh cá xa bờ, chủ yếu làm nghề câu cá ngừ đại dương, lưới vây khơi, mành chụp. Ngư dân tỉnh này không chỉ nổi tiếng nhờ kiên cường bám biển, giỏi đánh bắt hải sản, mà còn có mặt ở khắp các ngư trường của Việt Nam. Thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng tỉnh Bình Định phải “căng quân” đi thống kê, quản lý đội tàu đánh cá xa bờ đang neo đậu ở nhiều cảng cá trên toàn quốc.
Hoàng Sa là ngư trường truyền thống của ngư dân
Tàu ông Bé có công suất máy gần 750 mã lực, làm nghề lưới vây khơi, vừa mới đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa (thành phố Đà Nẵng) trở về, đạt sản lượng khoảng 9 tấn. Tôi hỏi: “Tại sao đang tối trăng, mới đánh được 9 tấn hải sản đã vội cho tàu vào bờ sớm thế?”.
Ông Bé giải thích: “Tàu của tôi đánh bắt ở vùng biển đảo Tri Tôn (quần đảo Hoàng Sa), cách đảo khoảng 25 hải lý, may mắn gặp đàn cá đánh được 2 mẻ lưới. Cá còn tươi phải tăng ga cho tàu vào bờ nhanh kịp bán chợ giá cao 50.000-60.000 đồng/kg. Nếu để lâu ngày, cá xuống cấp chỉ bán được 25.000 đồng/kg. Chuyến biển này giật tổn phí ra rồi (trừ chi phí), còn lãi trên 300 triệu đồng. Ngày hôm nay, tôi sẽ bơm thêm 5.000 lít dầu, lấy đá lạnh, tàu rời cảng đi biển tiếp”.
Ngư dân Bình Định nổi tiếng làm nghề lưới vây khơi, họ đi theo từng nhóm tàu tỏa ra đánh bắt khắp nơi. Nhóm tàu của ông Bé có tên gọi “nhóm tổng đài 893”, đồng thời là tần số gọi chung đội tàu gồm 20 chiếc lưới vây, họ cùng đi đánh cá với nhau trong phạm vi 20-100 hải lý.
“Biển Hoàng Sa là ngư trường đánh bắt của ông cha mình, bây giờ nhóm tàu của tôi cũng thường hay ra đánh bắt ở vùng này. Sang tháng 5-6 âm lịch, loại cá sọc dưa di chuyển xuống vùng biển quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa), chúng tôi cho tàu chạy bám theo đuôi đàn cá đánh bắt” - thuyền trưởng Bé thông tin.
Trước đây, thuyền trưởng chỉ cầm cuốn sổ hành trình đến trạm kiểm soát Biên phòng ký, đóng dấu chứng thực tàu sẽ ra khơi. Bây giờ, thuyền trưởng Bé đến Trạm Kiểm soát Biên phòng Mũi Tấn (tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) cầm cả cái cặp nhựa với đủ loại giấy tờ, có bút xóa, viết bi.
Thuyền trưởng vừa soạn giấy tờ, vừa nói: “Đây nè, bản này có những dòng màu đỏ đậm, là các quy định xử phạt hành chính nếu tàu vi phạm. Xấp giấy này để ghi chép số lượng cá, vị trí đánh bắt ngoài biển, mấy anh ở cảng gọi là truy xuất nguồn gốc. Trước khi tàu cập cảng, phải gọi điện báo cho cảng biết số lượng cá, thời điểm tàu sẽ cập cầu... Tất cả các quy định thuyền trưởng phải làm “chuẩn chỉ”, không có lôi thôi được. Đặc biệt, thiết bị giám sát hành trình đặt trên tàu đánh cá tuyệt đối không tự ý ngắt kết nối, đã có tàu bị xử phạt 20 triệu đồng về hành vi ngắt kết nối trên 10 ngày không có lý do chính đáng”.
Siết chặt công tác giám sát tàu đánh cá xa bờ
Tỉnh Bình Định đã lắp đặt 100% thiết bị giám sát hành trình trên tàu đánh cá xa bờ, các cơ quan chức năng trong tỉnh dựa vào công nghệ để siết chặt công tác quản lý tàu đánh cá xa bờ 24/24 giờ. Chẳng hạn, trên điện thoại di động của Thượng tá Nguyễn Văn Lĩnh, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Bình Định có cài đặt chương trình quản lý tàu cá trên toàn quốc. Với tính năng này, Thượng tá Lĩnh có thể kiểm tra thông tin bất kỳ tàu đánh cá nào đang hoạt động ngoài biển. Chỉ cần ấn nhẹ vào chấm nhỏ trên màn hình, lập tức máy hiển thị số hiệu tàu cá, tên chủ tàu, thuyền trưởng, tọa độ tàu đang hoạt động, sơ đồ hải trình tàu cá đã và đang di chuyển.
“Bộ Chỉ huy BĐBP Bình Định đã được ngành thủy sản cấp mã số truy cập vào hệ thống quản lý tàu đánh cá trên toàn quốc. Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã cấp kinh phí mua máy tính cho các đồn Biên phòng, kết nối với hệ thống quản lý tàu cá. Một chiếc tàu rời bến, Chi cục Thủy sản tỉnh và lực lượng Biên phòng cùng giám sát. Ví dụ, trường hợp tàu ông A, thiết bị giám sát hành trình bị mất kết nối, anh em ở đồn Biên phòng sẽ biết tàu đó của ai, lập tức đến tận nhà chủ tàu báo cho họ biết. Sau đó, chủ tàu bằng mọi cách phải gọi điện với thuyền trưởng để nắm thông tin và hướng dẫn tàu thực hiện đúng các quy định” - Thượng tá Nguyễn Văn Lĩnh giải thích rõ hơn.
Thời gian vừa qua, tỉnh Bình Định đã phát hiện có 566 lượt/266 tàu mất kết nối thường xuyên khi hoạt động trên biển. Ngành thủy sản đã lập biên bản làm việc đối với 40 tàu, trong đó có 10 lượt tàu mất kết nối trên 10 ngày, ra quyết định xử phạt 2 tàu mất kết nối trên 10 ngày với số tiền 40 triệu đồng (20 triệu đồng/tàu). Đối với 38 tàu mất kết nối dưới 10 ngày, thanh tra thủy sản, Biên phòng đã làm việc với chủ tàu, thuyền trưởng nhưng chưa đủ căn cứ để xử phạt.
Tàu đang đánh bắt ở ngoài biển khơi, thiết bị giám sát hành trình bị mất kết nối với hệ thống quản lý tàu cá ở đất liền, thuyền trưởng cần sử dụng hệ thống thông tin liên lạc trên tàu để gọi vào Đài thông tin duyên hải Quy Nhơn, thông báo tọa độ tàu đang bị ngắt kết nối thiết bị giám sát hành trình. Thông qua nghiệp vụ, Đài thông tin duyên hải Quy Nhơn sẽ hướng dẫn thuyền trưởng thực hiện các thao tác khắc phục. Đây là căn cứ để Đài thông tin duyên hải Quy Nhơn “làm chứng” và xác nhận tàu cá bị ngắt kết nối do lỗi kỹ thuật, thuộc diện bất khả kháng của tàu, trong vòng 10 ngày tàu cá phải vào bờ.
BĐBP Bình Định ban hành 36 văn bản về chống khai thác IUU
“Thực hiện các công điện, quyết định của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch của Bộ Tư lệnh BĐBP, UBND tỉnh Bình Định, BĐBP Bình Định đã ban hành 36 văn bản, nghị quyết chuyên đề, kế hoạch, hướng dẫn các đơn vị tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) trên địa bàn. Các đồn, trạm Biên phòng chủ động cùng với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, hướng dẫn ngư dân chấp hành tốt các quy định trong khai thác thủy sản; yêu cầu 100% chủ tàu, thuyền trưởng ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài”.- Thượng tá Nguyễn Văn Lĩnh thông tin.
Hải Luận (bienphong.com.vn)
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận