Bình Định không còn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài
VBĐVN.vn - Dự kiến tháng 4/2024, EC sẽ đến Việt Nam để thanh tra lần thứ 5 về công tác phòng chống khai thác IUU...
Tăng cường công tác tuyên truyền
Để góp phần cùng cả nước gỡ cảnh báo “thẻ vàng” IUU của Ủy ban châu Âu (EC), năm 2024, Bình Định tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp cấp bách, trọng tâm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Điểm nóng về vi phạm IUU ở Bình Định là huyện Phù Cát - địa phương có số tàu đánh bắt vi phạm vùng biển nước ngoài nhiều nhất của tỉnh. Số tàu cá vi phạm chiếm phần lớn là tàu có chiều dài dưới 15m, không bị ràng buộc phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, hoạt động ngoài vòng kiểm soát của ngành chức năng, nhiều năm liền không trở về địa phương. Năm 2024, chính quyền huyện Phù Cát triển khai các giải pháp chấn chỉnh và xử lý triệt để các vi phạm nói trên.
“UBND huyện Phù Cát thành lập tổ công tác do lãnh đạo huyện làm tổ trưởng. Nhiệm vụ của tổ công tác này là tiến hành phân loại các tàu cá có nguy cơ cao vi phạm IUU. Khi đã nhận diện được những tàu cá này, đến mùa trăng, khi các tàu hoàn thành xong chuyến đánh bắt về bờ bán sản phẩm, tổ công tác sẽ đến từng gia đình để tuyên tuyền, vận động chủ tàu ký cam kết không vi phạm IUU trong quá trình đánh bắt”, ông Phạm Dũng Luận, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, cho hay.
Theo ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, những năm gần đây, ngành nông nghiệp tỉnh này còn phối hợp với các ngành liên quan tổ chức những chuyến công tác vào tận miền Nam, nơi có nhiều tàu cá của ngư dân địa phương “tá túc” hoạt động, nhiều năm không về địa phương. Đặc biệt là những tàu có chiều dài dưới 15m có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài; sau đó trực tiếp yêu cầu các chủ tàu ký cam kết, để trong năm 2024 địa phương này không còn tàu cá vi phạm IUU.
“Chỉ còn khoảng hơn 1 tháng nữa, Đoàn Thanh tra của EC sẽ sang Việt Nam kiểm tra lần thứ 5, đây là thời điểm vàng để ngành thủy sản gỡ “thẻ vàng" IUU. Cùng lúc, ngư dân Bình Đình cũng đang nô nức ra khơi đánh bắt vì thời tiết ủng hộ. Do đó, tỉnh đang rốt ráo triển khai 1 cách đồng bộ các giải pháp khắc phục những khiếm khuyết theo khuyến cáo của EC, nhất là xử lý triệt để đối với những tàu cá không tuân thủ các quy định của EC trong quá trình đánh bắt”, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, chia sẻ.
Siết chặt quản lý tàu cá
Bình Định hiện có 5.328 tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên đăng ký khai thác thủy sản. Đến nay, có 4.775 tàu được cấp giấy phép khai thác, chiếm 89,6% tổng số tàu cá đăng ký. Trong đó, khai thác vùng bờ có 875 tàu, vùng lộng có 709 tàu và vùng khơi có 3.191 tàu.
Để quản lý chặt chẽ số lượng tàu cá nói trên, Bình Định có 3 lực lượng tham gia, gồm: Chi cục Thủy sản, Ban Quản lý các cảng cá và bộ đội biên phòng. 3 đơn vị nói trên phối hợp chặt chẽ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát tàu cá xuất, nhập bến; kiểm tra thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên; theo dõi số lượng tàu cá không có giấy phép khai thác thủy sản xa bờ chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình hoặc chưa bật thiết bị khi ra khơi.
Theo ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Ban Quản lý cảng cá Bình Định - phụ trách cảng cá Quy Nhơn, tại các cảng cá, cùng với việc theo dõi, giám sát tàu cá ra vào cảng, việc xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác cũng được thực hiện nghiêm.
“Khi tàu cập cảng, ngư dân phải trình nhật ký khai thác có ghi sản lượng thủy sản khai thác theo từng loại sản phẩm. Sau đó, ban quản lý cảng cá sẽ cử người xuống tàu giám sát trực tiếp trong quá trình ngư dân đưa sản phẩm lên bờ tiêu thụ. Thủy sản đánh bắt phải được khai thác trên vùng biển hợp pháp, đảm bảo có nguồn gốc rõ ràng mới được xác nhận, đó là những quy định bắt buộc trong chống khai thác IUU”, ông Dũng chia sẻ.
Dự kiến tháng 4 tới đây, Đoàn Thanh tra của EC sẽ đến Việt Nam để thanh tra lần thứ 5. Đây là thời điểm quyết định để gỡ cảnh báo “thẻ vàng” IUU của EC trong năm 2024. Đáng mừng là từ đầu năm đến nay, Bình Định không có trường hợp tàu cá vượt ranh giới trên biển, tàu mất kết nối thiết bị giám sát hành trình và nhất là không có tàu vi phạm vùng biển nước ngoài.
"Nhiệm vụ trọng tâm của ngành chức năng Bình Định trong thời gian này là kiểm soát chặt chẽ tàu cá hoạt động trên biển, ra vào cảng, đặc biệt xử lý dứt điểm tàu vi phạm IUU; trong đó, xử lý triệt để các trường hợp tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên thiếu giấy phép khai thác thủy sản hoặc tàu ngắt kết nối thiết bị giám sát hành trình trên 6 tháng; kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra vào cảng và truy xuất nguồn gốc thủy sản", ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, cho biết.
Vũ Đình Thung (nongnghiep.vn)
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận