Ngư dân tích cực ứng dụng công nghệ mới trong đánh bắt hải sản

16:18 04-12-2023

VBĐVN.vn - Thời gian qua, Viện nghiên cứu Hải sản đã tư vấn, chuyển giao ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ giúp ngư dân cải thiện hiệu quả khai thác hải sản.

Hàng loạt tàu đánh cá xa bờ ở Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên ứng dụng công nghệ mới trong khai thác hải sản. Ảnh: Đinh Mười.

Là đơn vị sự nghiệp khoa học độc lập thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), thời gian qua, Viện Nghiên cứu Hải sản đã có nhiều tư vấn tư vấn, chuyển giao ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ cho doanh nghiệp, người dân.

Bình quân mỗi năm, Viện Nghiên cứu Hải sản triển khai và thực hiện được 19,2 nhiệm vụ khoa học công nghệ, 100% các nhiệm vụ nghiệm thu các cấp đạt yêu cầu, trong đó trên 85% đạt loại khá trở lên.

Riêng lĩnh vực khai thác, từ năm 2016 - 2023, Viện đã tiến hành chuyển giao 3 công nghệ vào thực tiễn sản xuất, gồm: Hệ thống tời thủy lực cho nghề lưới chụp, hệ thống tời thủy lực thu lưới rê tầng đáy, hệ thống ánh sáng đèn LED cho nghề lưới chụp.

Các công nghệ được chuyển giao đều mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân khi ứng dụng vào thực tiễn và đến nay đã được nhân rộng cho người dân phục vụ đánh bắt hải sản trên biển.

Trên cơ sở đề cương của các dự án đã được Bộ NN-PTNT phê duyệt, Viện đã tiến hành lựa chọn các địa điểm chuyển giao hệ thống tời thủy lực vào thực tiễn sản xuất tại các tỉnh, thành phố như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Bình Thuận và hệ thống ánh sáng đèn LED tại các tỉnh Nghệ An và Quảng Bình.

Công nghệ tời tời thủy lực có nhiều ưu điểm, giúp ngư dân giảm sức lao động khi kéo lưới. Ảnh: Đinh Mười.

Trong quá trình chuyển giao công nghệ cho cộng đồng ngư dân, Viện đã phối hợp chặt chẽ với Chi cục Thủy sản, Trung tâm Khuyến nông, phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn các quận, huyện tại các địa phương chuyển giao.

Ngoài ra, Viện cũng hợp tác với một số doanh nghiệp, như: Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, Công ty TNHH Như Nga,… để cung cấp thiết bị, hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo và truyền thông trong suốt quá trình chuyển giao.

Với hệ thống tời thủy lực, sau khi được chuyển giao đã giúp người dân giảm được chi phí, giảm số lượng lao động nhưng lại tăng năng suất lao động, tăng sản lượng khai thác. Việc công nghệ này giúp giảm thời gian thu lưới sẽ giúp tăng chất lượng hải sản đánh bắt.

Bên cạnh đó, sẽ giúp tăng mức độ an toàn lao động cho các thuyền viên trong quá trình thu thả lưới trên biển, do ngư dân không phải trực tiếp dùng tay để thao tác lưới nên sẽ hạn chế rủi ro đi rất nhiều so với công nghệ cũ. Qua đó phần nào giúp tăng thu nhập của thuyền viên tăng lên so với trước đây, ngư dân yên tâm bám biển, tình trạng thiếu lao động đi biển dần được khắc phục.

“Khi ứng dụng hệ thống tời thủy lực vào để kéo lưới, chúng tôi giảm được từ 2 - 3 người cho mỗi chuyến đi biển, sản lượng khai thác và lợi nhuận của tàu tăng gần gấp rưỡi”, ông Đinh Như Sưa, trú tại xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng, chủ tàu vỏ gỗ HP-90989 TS chia sẻ.

Theo Viện Nghiên cứu Hải sản, sau khi nghiên cứu xong, đơn vị đã chuyển giao thành công 32 mô hình tời thủy lực thay thế cho tời cơ truyền thống của nghề lưới chụp mực khai thác hải sản xa bờ tại nhiều địa phương trong cả nước. Đến hiện tại, đã nhân rộng được khoảng 650 mô hình trong cả nước do cộng đồng ngư dân tự đầu tư vốn

Bằng hệ thống tời thủy lực, sẽ giúp làm tăng 15-25% năng suất lao động, tăng 15-16% lợi nhuận, 1,5 lần thu nhập của người lao động và tăng 2-3 mẻ lưới trong 1 đêm do giảm thời gian thu lưới.

Bên cạnh đó, sẽ giúp tăng tuổi thọ dây giềng rút chính từ 3-4 tháng lên đến 6-7 tháng, tăng an toàn lao động đối với thao tác thu thả lưới và giảm 2-3 thuyền viên trên tàu lưới chụp nếu lắp đặt hệ thống tời thủy lực.

Việc lắp đặt các mô hình công nghệ này đang nhanh chóng lan tỏa trong cả nước, số lượng tàu lắp đặt hệ thống tời tăng lên rất nhanh và kết quả khảo sát cho thấy 100% tàu lưới chụp đóng mới đều có mong nguyện vọng lắp hệ thống tời thủy lực mới này.

Với công nghệ ánh sáng đèn LED, khi sử dụng đã giúp các tàu khai thác hải sản tiết kiệm được khoảng 35,8 - 47,6% nhiên liệu chạy máy phát điện, năng suất khai thác cao hơn khoảng 1,4 - 2,08 lần, doanh thu cao hơn khoảng 1,02 - 1,24 lần và lợi nhuận chuyến biển cao hơn khoảng 1,41 - 2,53 lần.

Ngoài ra, đèn LED chiếu sáng có định hướng, không tỏa nhiệt lượng cao trong quá trình hoạt động nên sẽ giảm phát thải khí nhà kính vào môi trường so với sử dụng đèn Metal Halide. Do không phát xạ tia tử ngoại (UV) nên công nghệ này không gây hại cho mắt, không làm bỏng da của lao động trên tàu, đảm bảo an toàn cho sức khỏe của lao động trên tàu.

“Hệ thống tời thủy lực giúp giảm số lượng lao động điều nay có ý nghĩa rất lớn trong việc giải quyết vấn đề thiếu lao động cho nhiều chủ tàu đang diễn ra khá phổ biến hiện nay. Khi sử dụng hệ thống này thời gian thu lưới nhanh hơn và lao động ít bị mất sức hơn nên có thể tăng thêm lưới đối với nghề lưới rê tầng đáy hoặc tăng số lượng mẻ lưới đối với nghề lưới chụp”, ông Nguyễn Khắc Bát, Viện trưởng Viện nghiên cứu Hải sản thông tin.

Đinh Mười (nongnghiep.vn)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang