Bình Định nỗ lực cùng cả nước gỡ thẻ vàng của EC

16:24 01-07-2024

VBĐVN.vn - Vừa qua, UBND tỉnh Bình Định đã có báo cáo về công tác chống khai thác IUU và chuẩn bị làm việc với đoàn Thanh tra của EC lần thứ 5 trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh, các lực lượng chức năng của tỉnh đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm khai thác IUU. Từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh đã xử phạt 116 trường hợp vi phạm hành chính trên lĩnh vực thủy sản với tổng số tiền là 1,704.6 tỷ đồng.

Bình Định kiên quyết không để tàu cá không đủ điều kiện tham gia khai thác thủy sản

Tính riêng năm 2023, Bình Định đã xử phạt 108 trường hợp với tổng số tiền 1,464.4 tỷ đồng. Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp các lực lượng chức năng của tỉnh đã tổ chức 64 chuyến tuần tra, kiểm tra trên biển; đã kiểm tra 447 lượt tàu cá hoạt động khai thác thủy sản; đã phát hiện 68 trường hợp vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính đối với 73 trường hợp với số tiền 1,317 tỷ đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là vi phạm quy định về quản lý và sử dụng thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m đến dưới 24m; Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm trên tàu cá hết hạn; Vi phạm quy định về vùng khai thác; Ghi không đúng Nhật ký khai thác,… Bên cạnh đó, Bộ đội Biên phòng xử phạt 35 trường hợp với số tiền 147,4 triệu đồng.

Từ đầu năm 2024 đến nay, Sở Nông nghiệp và PTNT đã xử phạt 9 trường hợp (tổng tiền phạt đã thu 195 triệu đồng). Trong đó 6 trường hợp mất kết nối, phạt 145 triệu đồng (5 trường hợp mất kết nối trên biển trên 10 ngày và 1 trường hợp mất kết nối từ khi xuất bến đến khi về bến); 2 trường hợp sử dụng công cụ kích điện, phạt 35 triệu đồng; 1 trường hợp sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch thông tin tên cơ sở, mã số, phạt 15 triệu đồng. Cùng với đó, Bộ đội Biên phòng đã xử phạt 5 trường hợp với số tiền 155 triệu đồng.

Bình Định nỗ lực triển khai các giải pháp chống khai thác IUU

Ngoài ra, tính từ đầu năm 2023, Bình Định có 12 tàu cá bị nước ngoài bắt giữ (tất cả tàu đều xuất bến ngoài tỉnh). Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho rằng, nguyên nhân khách quan là do việc phân định ranh giới trên biển giữa các nước trong khu vực, đặc biệt ở vùng biển giáp ranh với Malaysia chưa rõ ràng (chưa có Hiệp định phân định), nên có trường hợp tàu khai thác hải sản ở vùng chồng lấn đã bị lực lượng tuần tra của Malaysia bắt giữ, đưa về nước họ để xử lý. Các lực lượng chấp pháp của Việt Nam (cảnh sát biển, hải quân) trên biển còn mỏng, không đủ lực lượng để tổ chức tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện các tàu cá có nguy cơ vi phạm vùng biển nước ngoài để cảnh báo.

Về nguyên nhân chủ quan là vì lợi ích kinh tế, ngư dân đã cố ý đưa tàu cá đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài mặc dù đã được chính quyền địa phương tuyên truyền, hướng dẫn, vận động, đã ký cam ký không vi phạm. Một số trường hợp chủ tàu không trực tiếp tham gia khai thác mà thuê mướn thuyền trưởng điều khiển, tự tổ chức đánh bắt. Vì vậy, để có thu nhập cao, thuyền trưởng cố tình xâm phạm lãnh hải các nước khác để khai thác thủy sản bất hợp pháp. Các tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài đều làm thủ tục xuất bến ngoài tỉnh, nhiều năm liền chủ tàu không đưa tàu cá về địa phương, dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý hoạt động tàu cá,…

Với các tàu cá vi phạm bị nước ngoài bắt giữ, ngoài xử lý vi phạm hành chính, tỉnh Bình Định sẽ tiến hành thu hồi Giấy phép khai thác thủy sản của tất cả các tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt; không cho chủ tàu cá có tàu bị bắt được đóng mới, đăng ký tàu cá mới; không cho hỗ trợ các chính sách về thủy sản đối với chủ tàu cá bị nước ngoài bắt giữ.

Tổ chức kiểm điểm trách nhiệm chủ tàu, thuyền trưởng các tàu cá vi phạm; Kiểm điểm trách nhiệm cá nhân Lãnh đạo UBND xã, UBND huyện, thị xã, thành phố có tàu cá vi phạm, bị nước ngoài bắt.

Tăng cường các giải pháp để cùng cả nước gỡ cảnh báo thẻ vàng của EC

Theo ông Nguyễn Tuấn Thanh, Bình Định sẽ tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác quản lý đội tàu. Trong đó sẽ tổng kiểm tra, rà soát toàn bộ các tàu cá trên địa bàn tỉnh; tiếp tục hướng dẫn thủ tục đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản, đánh dấu tàu cá, lắp đặt thiết bị GSHT, cập nhật đầy đủ dữ liệu tàu cá vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia, đảm bảo 100% tàu cá tham gia hoạt động đánh bắt thủy sản phải có đầy đủ giấy tờ theo quy định; xử lý nghiêm tàu cá chưa đăng ký và không đủ điều kiện tham gia khai thác thủy sản. Tổ chức kiểm soát chặt chẽ thiết bị giám sát hành trình tàu cá, đảm bảo 100% tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên phải có thiệt bị giám sát hành trình, phải có tín hiệu khi xuất bến tham gia hoạt động khai thác hải sản. Thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với nhóm tàu cá có chiều dài từ 12m đến dưới 15m làm nghề câu mực để quản lý nhằm ngăn chặn tình trạng ngư dân đưa tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, tham mưu chính sách hỗ trợ kinh phí lắp đặt,…

Tiếp tục thực hiện nghiêm truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác

Tiếp tục thực hiện nghiêm công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác. Trong đó, kiểm tra, kiểm soát 100% sản lượng thủy sản bốc dỡ từ tàu khai thác tại cảng cá chỉ định; chỉ đạo tăng cường giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ tại các bến cá, các điểm lên cá truyền thống, các bãi ngang trong tỉnh. Tổ chức kiểm tra, rà soát công tác xác nhận, chứng nhận truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác tại các cảng cá, Chi cục Thủy sản và các doanh nghiệp có liên quan đảm bảo tuân thủ đúng quy định; xử lý nghiêm các trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm về xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác,…

Cùng với đó là các giải pháp tập trung ngăn chặn, chấm dứt tàu cá, ngư dân vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài; Tăng cường công tác thực thi pháp luật ngăn chặn khai thác IUU.

Để thực hiện có hiệu quả công tác chống khai thác IUU, UBND tỉnh Bình Định kiến nghị Chính phủ xem xét cho phép nhóm tàu cá có chiều dài từ 12m đến dưới 15m hoạt động nghề câu mực (mành mực) được hoạt động khai thác thủy sản ở vùng khơi khi đã trang bị đầy đủ thiết bị giám sát hành trình. Đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT sớm trình Chính phủ ban hành Chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề khai thác thủy sản ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi thủy sản, môi trường, hệ sinh thái sang các nghề khai thác hải sản thân thiện với môi trường hoặc chuyển ra ngoài lĩnh vực khai thác và có chính sách hỗ trợ xã bản tàu cá đối với nhóm tàu cá cũ làm nghề câu mực có chiều dài từ 12m đến dưới 15m (có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài). Đồng thời, kiến nghị xem xét bổ sung hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản ở vùng khơi cho tỉnh Bình Định (100 hạn ngạch) để tạo điều kiện cho những tàu cá dưới 15m (đặc biệt hành nghề câu mực) được phép cải hoán lên trên 15m lắp đặt thiết bị giám sát hành trình để quản lý.

Đông Duy - Thanh Tùng (baotainguyenmoitruong.vn)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang