Bình Định quyết liệt chống khai thác IUU
VBĐVN.vn - Từ năm 2018 đến nay, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai quyết liệt nhằm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XI đã ban hành Chỉ thị số 43/CT-TU ngày 12-12-2018 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác IUU. Tháng 12/2022, Bí thư Tỉnh ủy đã tổ chức cuộc họp về chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng trong phát triển thủy sản của tỉnh.
UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo và ban hành văn bản, tổ chức các cuộc họp chỉ đạo thực hiện (một Chỉ thị, 50 Quyết định, 27 văn bản và 20 cuộc họp đánh giá, rút kinh nghiệm); tổ chức 14 đợt kiểm tra thực tế công tác triển khai thực hiện tại các địa phương ven biển.
UBND tỉnh đưa nội dung “Tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài” vào tiêu chí xét thi đua, khen thưởng hằng năm. Người đứng đầu chính quyền cấp huyện, xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện, tỉnh nếu để tàu cá vi phạm. UBND tỉnh đã thành lập Đoàn công tác liên ngành để phối hợp giải quyết tình trạng tàu cá vi phạm khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài; tuyên truyền, vận động ngư dân không vi phạm khai thác IUU; yêu cầu, bắt buộc chủ tàu/thuyền trưởng ký cam kết không vi phạm…
Nhờ thực hiện tốt các công tác này, nhận thức của ngư dân nâng lên rõ rệt, tuân thủ các quy định của Luật Thủy sản; thực hiện báo cáo trước một giờ khi tàu cập cảng, rời cảng, ghi và nộp nhật ký khai thác thủy sản đúng quy định, tuân thủ sự điều động của các Ban Quản lý cảng cá.
UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện rà soát tàu cá thường xuyên hoạt động ở các tỉnh phía Nam, hằng năm không về địa phương. Tỉnh chỉ đạo tổ chức 3 Đoàn công tác liên ngành làm việc với các tỉnh phía Nam để phối hợp quản lý tàu cá của tỉnh (đã bán, chuyển nơi cư trú, thường xuyên hoạt động đánh bắt thủy sản, neo đậu, xuất hoặc nhập bến ngoài tỉnh). UBND tỉnh kiểm tra bất thường về an toàn kỹ thuật và điều kiện tàu cá hoạt động đánh bắt thủy sản đối với 117 tàu cá hoạt động tại khu vực này; thực hiện xóa đăng ký và ban hành Quyết định thu hồi Giấy phép khai thác thủy sản đối với 80 tàu cá đã bán hoặc chuyển nơi cư trú ra ngoài tỉnh.
UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ 50% kinh phí mua sắm, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá cho ngư dân trên địa bàn tỉnh. Đến thời điểm hiện tại, tỉnh đã hỗ trợ cho 2.966 tàu cá với tổng số tiền hơn 30 tỷ đồng. 3.258/3.292 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên được trang bị thiết bị giám sát hành trình theo quy định.
Để quản lý, khai thác và sử dụng hệ thống thông tin giám sát hành trình, UBND tỉnh đã ban hành các Quyết định số 26/2020/QĐ-UBND ngày 19/5/2020 về “Quy chế quản lý, khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu của hệ thống giám sát tàu cá trên địa bàn tỉnh Bình Định” và Quyết định số 2489/QĐ-UBND ngày 24/6/2020 về “Quy trình tiếp nhận thông tin, xử lý dữ liệu giám sát hành trình đối với tàu cá tỉnh Bình Định vượt ranh giới cho phép trên biển, không duy trì hoạt động hoặc vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển”.
Về xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác, tỉnh Bình Định hiện có 3 cảng cá (cảng cá Quy Nhơn, cảng cá Đề Gi, cảng cá Tam Quan) chỉ định có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác. Từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh đã xác nhận 148 hồ sơ với khối lượng hơn 3.352 tấn; chứng nhận 234 hồ sơ cho hơn 2.513 tấn cá các loại, tăng 74% so với cùng kỳ năm 2022, đảm bảo đúng quy trình, không có lô hàng nào được chứng nhận bị trả về.
Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt. Các ngành, các cấp, chính quyền địa phương có nhiều cố gắng trong việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước; các quy định, hình thức xử lý vi phạm của một số nước.Tuy nhiên, tình trạng tàu cá vi phạm vẫn chưa chấm dứt hẳn.
“Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tính toán tới phương án xây dựng chính sách chuyển đổi nghề và xả bán tàu cá cũ đối với nhóm tàu cá có chiều dài dưới 15m, có nghề khai thác thường xuyên hoạt động ở các tỉnh phía Nam có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài trình HĐND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ. Song song với đó, tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ cước phí thuê bao vệ tinh để duy trì hoạt động thiết bị VMS. Tỉnh hoàn thành 100% việc đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) theo quy định; cập nhật 100% dữ liệu tàu cá vào Cơ sở dữ liệu nghề cá Quốc gia…”, ông Nguyễn Tuấn Thanh nói.
Toàn tỉnh Bình Định có 5.667 tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên đăng ký với hơn 40.900 lao động tham gia hoạt động khai thác. Sản lượng khai thác thủy sản trong những năm gần đây đạt trên 250.000 tấn. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2023, đạt hơn 135.900 tấn, tăng hơn 3% so với cùng kỳ năm 2022. Kinh tế thủy sản chiếm vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh.
Lê Phước Ngọc
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận