Bình Thuận nỗ lực gỡ “thẻ vàng”

21:00 23-01-2022

VBĐVN.vn - Trong suốt 4 năm qua, với nhiều cách thức khác nhau cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”, tỉnh Bình Thuận đã có nhiều nỗ lực trong chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) để chung tay gỡ “thẻ vàng” thủy sản.

Đội giám sát IUU cộng đồng

Đây là mô hình do Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Dịch vụ thủy sản Việt Nam (FITES) phối hợp với Hội Nghề cá tỉnh Bình Thuận triển khai tại xã Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam. Lúc mới thành lập (tháng 9-2020), Đội giám sát IUU cộng đồng tại xã Tân Thuận có 49 người tham gia, tất cả đều là những ngư dân địa phương. Đội hoạt động theo nội quy tự quản riêng; nguồn quỹ hoạt động chủ yếu từ sự đóng góp của các thành viên. Trong dự án này, ngư dân đóng vai trò chính, trực tiếp theo dõi hoạt động đánh bắt IUU, hỗ trợ các cơ quan chức năng xử lý các hành vi vi phạm. UBND xã đóng vai trò hỗ trợ xử lý các vấn đề phát sinh, mâu thuẫn trong nội bộ cộng đồng. Lực lượng Kiểm ngư, Biên phòng sẽ hỗ trợ xử lý các vụ việc vi phạm IUU tại cảng cá và ngoài biển.

Theo Đại tá Chu Văn Tấn, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Bình Thuận, trong quá trình vươn khơi, các ngư dân này tình nguyện nhận nhiệm vụ theo dõi, giám sát các tàu, thuyền khác trong việc chấp hành Luật Thủy sản, các quy định về chống đánh bắt IUU. Khi phát hiện vi phạm, ngư dân sẽ thông báo và phối hợp với lực lương chức năng để ngăn chặn, xử lý...

Cán bộ BĐBP Bình Thuận tuyên truyền, vận động ngư dân không vi phạm các quy định khi đánh bắt trên biển. Ảnh: Đăng Bảy

Sau hơn 1 năm hoạt động, Đội giám sát IUU cộng đồng đã thu hút sự tham gia của gần 180 thành viên. Theo anh Lê Xuân Huỳnh, Đội trưởng Đội giám sát IUU cộng đồng xã Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam, trước đây, tình trạng tàu cá hành nghề giã cào bay, cào nhám, đánh thuốc nổ diễn ra thường xuyên, sau khi mô hình triển khai, các vấn đề trên đã giảm. Thời gian qua, Đội giám sát IUU cộng đồng đã cung cấp cho Trạm kiểm soát Mũi Điện, Đồn Biên phòng Tân Thành, BĐBP tỉnh Bình Thuận gần 100 tin liên quan đến vi phạm của các tàu đánh bắt, khai thác thủy sản. Đồn Biên phòng Tân Thành cũng đã cử lực lượng tuần tra, xử lý trên 10 vụ việc vi phạm như: Sử dụng kích điện để đánh bắt cá, tàng trữ ngư cụ cấm sử dụng để khai thác, có dấu hiệu vi phạm vùng biển nước ngoài...

Với quyết tâm sớm khắc phục 4 nhóm khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC), góp phần cùng cả nước sớm tháo gỡ “thẻ vàng”, thời gian qua, nhiều giải pháp đã được Bình Thuận triển khai như: Lập danh sách tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài để thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức kiểm điểm trước cộng đồng dân cư; tổ chức cho 100% chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá xa bờ ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài. Cùng với đó, rà soát, lập danh sách tàu cá có nguy cơ cao để đưa vào diện quản lý, theo dõi đặc biệt; tăng cường các biện pháp triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và sử dụng dữ liệu giám sát hành trình phục vụ theo dõi tàu cá hoạt động trên biển... Thông qua đó, ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng tàu cá và ngư dân trong tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài.

Nỗ lực gỡ “thẻ vàng”

Bình Thuận là 1 trong 3 ngư trường lớn nhất cả nước, với vùng nước nội thủy rộng 21.600km2, cùng hơn 2.000 tàu cá đánh bắt xa bờ. Thông thường, mỗi chuyến đi biển thường kéo dài từ 15-20 ngày, có chuyến còn kéo dài vài tháng và thường ra vào nhiều bến bãi ở nhiều địa phương khác nhau trên cả nước. Vì vậy, công tác quản lý, theo dõi, giám sát đối với các phương tiện sau khi xuất bến hành nghề trên các vùng biển sẽ gặp không ít khó khăn. Để khắc phục tình trạng này, việc lắp đặt và vận hành thiết bị giám sát hành trình đối với tàu cá khi khai thác trên biển là vấn đề then chốt, giúp cho lực lượng chức năng quản lý chặt chẽ phương tiện, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các phương tiện vi phạm.

Thời gian qua, Bình Thuận quyết liệt triển khai thực hiện việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá theo quy định. Đến nay, toàn tỉnh có 1.808/1.924 tàu cá thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (đạt tỷ lệ 93,97%); chỉ còn 116 tàu cá chưa thực hiện lắp đặt (chiếm 6,02%), do một số tàu cá nằm bờ chờ bán, đang làm thủ tục sang nhượng hoặc làm ăn thua lỗ, tàu hư hỏng.

Để không còn tàu thuyền nào vi phạm IUU, cùng cả nước sớm gỡ “thẻ vàng”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận - ông Nguyễn Văn Phong yêu cầu các sở, ngành, địa phương cần bám sát chỉ đạo, tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, xem đây là nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên hàng đầu. Song song với công tác quản lý, khai thác hải sản, các đơn vị chức năng tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của ngư dân; rà soát, thống kê tàu cá, lao động, thực hiện nghiêm việc đăng ký, cấp phép khai thác thủy sản theo quy định.

Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Thuận đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị với quyết tâm cao khẩn trương khắc phục các hạn chế, tồn tại, nhằm góp phần cùng cả nước sớm gỡ “thẻ vàng” của EC, hướng đến xây dựng nghề cá có trách nhiệm, phát triển bền vững. Hiện nay, các cơ quan chức năng, các địa phương trong tỉnh Bình Thuận đã xây dựng quy chế phối hợp tăng cường thực thi pháp luật, thực hiện nghiêm, kiên quyết đối với tàu cá vi phạm khai thác IUU; đồng thời duy trì kiểm tra, giám sát việc thực thi công vụ phòng, chống khai thác IUU trên biển; chấn chỉnh các hành vi thiếu trách nhiệm, thiếu kiên quyết trong xử lý vi phạm.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Phong, cần tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, tổ chức, chỉ đạo thực hiện chống khai thác bất hợp pháp. UBND tỉnh sẽ kiểm điểm, xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu tiếp tục để xảy ra tình trạng tàu cá và ngư dân trong tỉnh khai thác hải sản bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài.

“Các đồn, đơn vị BĐBP tỉnh Bình Thuận sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc thực thi công vụ phòng, chống khai thác IUU trên biển, tại các cửa biển, cảng cá, khu neo đậu. Kiên quyết không cho xuất bến đi khai thác, không cấp đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản đối với các phương tiện chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, các phương tiện đã lắp đặt nhưng không có tín hiệu trên hệ thống giám sát hành trình” - Đại tá Chu Văn Tấn cho biết.

Theo bienphong.com.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang