Bộ đội Biên phòng nỗ lực cùng ngành thủy sản gỡ “thẻ vàng” IUU

10:08 14-11-2022

VBĐVN.vn - Trong thời gian qua, bằng nhiều quyết tâm, nỗ lực, cùng với cả hệ thống chính trị, Bộ đội Biên phòng đã có nhiều biện pháp triển khai quyết liệt, hiệu quả, đồng bộ các biện pháp biên phòng, góp phần sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) trong hoạt động khai thác hải sản.

Cán bộ Đồn Biên phòng Phước Lộc, Bộ đội Biên phòng Bình Thuận tuyên truyền cho ngư dân thực hiện quy định của pháp luật về lắp đặt và vận hành thiết bị giám sát hành trình tàu cá. Ảnh: Trung Thành

Chỉ tính từ đầu năm 2022 đến nay, các đơn vị Bộ đội Biên phòng đã tổ chức tuần tra, kiểm soát trên 23 nghìn lượt tổ/80 nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ và hơn 2 nghìn phương tiện tham gia tuần tra, kiểm soát trên biển, sông, vịnh, bãi ngang. Qua đó, phát hiện, xử lý và tham mưu cho các địa phương xử lý vi phạm hành chính 465 vụ/565 phương tiện/642 đối tượng, với số tiền phạt trên 21 tỷ đồng. Thiếu tướng Lê Văn Phúc, Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí về vấn đề này.

Phóng viên: Thời gian qua, cùng với các ngành, các cấp, các địa phương, việc tháo gỡ “thẻ vàng” IUU (khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định) cho thủy sản Việt Nam đã được Bộ đội Biên phòng quan tâm thực hiện với những giải pháp cụ thể như thế nào?

Thiếu tướng Lê Văn Phúc: Quán triệt ý kiến chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về việc tập trung tháo gỡ “thẻ vàng” IUU đối với ngành thủy sản Việt Nam, thời gian qua, Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển và tỉnh ủy, thành ủy, UBND các tỉnh, thành phố biên giới biển đã triển khai đồng bộ các giải pháp ngăn chặn tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác IUU.

Trong đó, chúng tôi tập trung vào một số giải pháp cụ thể như: Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về IUU cho nhân dân nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về tác hại của IUU đối với ngành thủy sản Việt Nam. Từ đó, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển, Kiểm ngư triển khai quyết liệt các biện pháp về chống khai thác IUU, tăng cường công tác tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát, quản lý tàu cá, xử lý vi phạm trên các vùng biển.

Đồng thời, chúng tôi cũng đã phối hợp với ngành thủy sản các địa phương đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát, truy xuất nguồn gốc thủy sản qua hoạt động cập cảng, lên cá của tàu nước ngoài theo Hiệp định quốc gia có cảng (PSMA) và tại các Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá.

Định kỳ hàng tháng, hàng quý, chúng tôi thành lập đoàn kiểm tra tiến hành giám sát, kiểm tra đột xuất tại các trạm, cảng cá; kiên quyết xử lý và tham mưu cho địa phương xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tổ chức thông báo, công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông địa phương để tăng cường giáo dục, răn đe, xác định rõ không có vùng cấm trong xử lý và tham mưu cho địa phương xử lý vi phạm về IUU. Tôi cho rằng, với những giải pháp đồng bộ đó đã góp phần hạn chế tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm IUU.

Phóng viên: Tình trạng ngư dân khai thác hải sản trái phép trên vùng biển nước ngoài, không gắn thiết bị giám sát hành trình cũng như đảm bảo thiết bị bật, phát tín hiệu khi tàu cá hoạt động trên biển theo quy định của pháp luật… đến nay đã có chuyển biến như thế nào và còn tồn tại những khó khăn gì, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Lê Văn Phúc: Chúng ta có một vùng biển rộng lớn, đường bờ biển dài nên các hoạt động đánh bắt thủy hải sản của tàu cá Việt Nam là rất lớn và đa dạng. Theo thống kê của Bộ đội Biên phòng, cả nước hiện nay có 91.255 tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên. Trong đó, loại từ 15m trở lên, thuộc diện phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) là trên 30.000 chiếc. Hiện, chúng tôi đã phối hợp với các lực lượng vận động lắp đặt được 95,29%, số 5% còn lại chưa lắp đặt chủ yếu là tàu cá nằm bờ, hết thời hạn đăng ký, đăng kiểm, không còn khả năng hoạt động và dự kiến sẽ cải hoán, chuyển đổi ngành nghề khác.

Tuy nhiên, thực trạng hiện nay vẫn còn gặp phải một số khó khăn trong công tác giám sát hành trình như: Tình trạng mất tín hiệu, mất kết nối vẫn xảy ra nhiều, do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Nguyên nhân khách quan là do lỗi kỹ thuật, tàu cá bị thiên tai, cháy nổ… Còn nguyên nhân chủ quan, do ngư dân cố tình ngắt kết nối, sử dụng các biện pháp phá sóng thiết bị hoặc tự ý lắp đặt thiết bị không đúng vị trí quy định, tháo thiết bị VMS, xóa dữ liệu, can thiệp làm sai lệch thông tin trên VMS… gây khó khăn cho các cơ quan quản lý nhà nước trong việc phòng ngừa khai thác IUU.

Phóng viên: Theo Thiếu tướng, đâu là những khó khăn đặt ra đối với việc tháo gỡ “thẻ vàng” IUU?

Thiếu tướng Lê Văn Phúc: Việc tháo gỡ “thẻ vàng” IUU hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, trước hết là ngành khai thác thủy sản còn nhiều bất cập như đội tàu cá quá lớn, tự phát; cơ sở hạ tầng lạc hậu, các cảng cá lớn còn chưa được đầu tư đồng bộ, khả năng áp dụng khoa học công nghệ thấp, nhân lực quản lý trình độ chưa cao...

Bên cạnh đó, sự đầu tư của Nhà nước thời gian qua còn hạn chế, dẫn đến khó khăn trong quản lý, giám sát hành trình tàu cá; hệ thống pháp luật của chúng ta đối với ngành thủy sản còn nhiều bất cập, nhiều quy định còn chưa sát với thực tế và chưa đồng bộ với các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết, tham gia; chưa có đề án, chương trình cơ cấu, chuyển đổi ngành nghề cho ngư dân ven biển; trình độ nhận thức của ngư dân còn thấp. Ngoài ra, một số lực lượng chấp pháp của các nước có vùng biển tiếp giáp với nước ta cũng đã và đang tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm soát, bắt giữ tàu cá, ngư dân Việt Nam ở vùng biển nước ngoài, kể cả ở vùng biển chồng lấn, chưa phân định nhằm mục đích khẳng định chủ quyền.

Đối với người dân, họ phải chi phí cho một chuyến đi biển lớn, trong bối cảnh giá xăng, dầu tăng cao, ngư trường truyền thống suy giảm, cạn kiệt nên hoạt động khai thác lợi nhuận thấp, từ đó tác động đến tư tưởng cần phải bù lỗ, đưa tàu ra những ngư trường xa hơn, sát với các vùng biển của nước ngoài hoặc thậm chí là vùng biển nước ngoài để khai thác để bù lỗ. Ngoài những vấn đề đó, tôi cho rằng, một bộ phận người dân còn nhận thức hạn chế về tác hại của IUU đối với ngành thủy sản Việt Nam, vì lợi ích cá nhân đã cố tình vi phạm các quy định về khai thác thủy hải sản, sử dụng nhiều cách thức, thủ đoạn tinh vi để “qua mắt” lực lượng chức năng đưa tàu sang vùng biển nước khác khai thác hải sản trái phép.

Phóng viên: Ở các đơn vị trong Bộ đội Biên phòng đã có những mô hình, cách làm cụ thể ra sao trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và các quy định cho ngư dân? Thiếu tướng có thể đề cập đến một số đơn vị làm tốt nội dung này?

Thiếu tướng Lê Văn Phúc: Thực hiện đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo”, các đơn vị Bộ đội Biên phòng đã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân trang bị kiến thức cần thiết, ý thức tự giác chấp hành cho ngư dân vươn khơi, bám biển nhưng không vi phạm vùng biển nước khác; khai thác đi đôi với bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản; phát triển kinh tế biển bền vững gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Hay thông qua những mô hình như: “Tiếng loa Biên phòng” của Bộ đội Biên phòng Trà Vinh; “Tổ tuần tra, bảo vệ an ninh, trật tự, khu vực biên giới biển” của Bộ đội Biên phòng Sóc Trăng; “Tổ, đội sản xuất an toàn trên biển” của Bộ đội Biên phòng Phú Yên; “Câu lạc bộ phụ nữ vì sự phát triển và bình yên tuyến biển” và “Ăn sáng cùng ngư dân” của Bộ đội Biên phòng Bà Rịa - Vũng Tàu; “Tổ tàu thuyền đoàn kết, an toàn vươn khơi bám biển” của Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng…

Thông qua các phong trào, mô hình này, các đơn vị cử cán bộ xuống địa bàn tiến hành tuyên truyền, cấp phát tờ rơi, tờ gấp nhằm giới thiệu, bổ sung kiến thức và hướng dẫn bà con ngư dân nắm được, hiểu được những quy định của luật pháp quốc tế và Việt Nam khi tham gia đánh bắt hải sản trên biển, nhất là đánh bắt xa bờ. Từ đó, ý thức được trách nhiệm của mình để chung tay tháo gỡ “thẻ vàng” của EC đưa ra với ngành thủy sản nước ta.

Tôi cho rằng, các mô hình trên đã được triển khai rất hiệu quả, vừa giúp nâng cao năng suất khai thác hải sản, vừa giúp ngư dân hỗ trợ cho nhau khi hoạt động đánh bắt hải sản trên biển và chấp hành pháp luật tốt hơn đảm bảo an ninh, trật tự trên biển. Người dân cũng thấy được tác hại của IUU, ý thức tốt hơn về trách nhiệm của mình đối với cộng đồng và ngành thủy sản Việt Nam, tình trạng vi phạm đã giảm đáng kể. Đồng thời, bà con cũng trở thành hạt nhân tích cực trong tham gia đấu tranh với các hoạt động xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Theo bienphong.com.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang