Bộ đội Biên phòng Thái Bình: Sẵn sàng hỗ trợ địa phương ứng phó với thiên tai
VBĐVN.vn - Hằng năm, khu vực biên giới biển của tỉnh Thái Bình phải gánh chịu nhiều đợt thiên tai, bão lũ, đe dọa trực tiếp đến tính mạng, tài sản của nhân dân. Để ứng phó với mùa mưa bão năm nay, Bô đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Thái Bình đã và đang triển khai các biện pháp nghiệp vụ, sẵn sàng hỗ trợ chính quyền và nhân dân địa phương ứng phó, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.
Tỉnh Thái Bình có đường bờ biển dài 54km, vùng biển rộng trên 3.000km2, 5 cửa sông lớn đổ ra biển, cùng nhiều cửa lạch, bãi ngang, với nhiều vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh. Địa bàn biên giới biển của tỉnh gồm 14 xã, thị trấn thuộc 2 huyện Thái Thụy và Tiền Hải với 33.986 hộ/114.235 khẩu; cùng 2.860ha bãi triều, 4.900ha rừng phòng hộ; 1.164 phương tiện/3.423 lao động, 788 hộ/1.141 lao động nuôi ngao. Người dân ở địa bàn khu vực biên giới biển của tỉnh chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản trên biển và các ngành dịch vụ khác.
Hằng năm, mỗi khi bước vào mùa mưa bão, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, BĐBP tỉnh đã chủ động quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN). Nổi bật là đơn vị thường xuyên tổ chức tuyên truyền về công tác PCTT và TKCN, Luật Đê điều, Luật Phòng, chống thiên tai, Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi cho ngư dân đang làm ăn trên biển, trên hệ thống đài truyền thanh 14 xã, thị trấn ven biển. Đồng thời, đơn vị phối hợp với các sở, ngành và các huyện Tiền Hải, Thái Thụy, Kiến Xương tổ chức tuyên truyền hàng chục đợt về công tác PCTT và TKCN cho hàng chục ngàn lượt người trên địa bàn ven biển và khu vực biển giáp ranh tham gia. Qua đó, nhận thức về công tác phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai trong nhân dân từng bước được nâng lên.
Cùng với đó, với phương châm “4 tại chỗ”, từng đơn vị đã chủ động ứng phó trước những diễn biến bất thường của thời tiết, kiểm tra rà soát, kịp thời tu sửa, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn có phương án đảm bảo an toàn các công trình PCTT như đê điều, khu neo đậu tàu thuyền..., tổ chức huấn luyện nâng cao năng lực chuyên môn trong cứu hộ, cứu nạn, xử lý các tình huống phức tạp xảy ra trên địa bàn, trên biển.
Thiếu tá Phạm Ngọc Hiếu, Hải đội trưởng Hải đội 2, BĐBP tỉnh cho biết: Hải đội 2 được trang bị 5 phương tiện tàu, xuồng tuần tra và phục vụ công tác TKCN trên biển. Các phương tiện của đơn vị được trang bị đều có khả năng cơ động cao, sức chịu đựng sóng gió lớn. Cùng với thường xuyên bảo trì, bảo dưỡng nâng cao hiệu quả sử dụng, Hải đội 2 đã tổ chức luyện tập, diễn tập các phương án, tình huống PCTT và TKCN với mục tiêu để cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị xử lý thuần thục các kỹ năng xử trí tình huống, nhất là trong công tác phối hợp tham gia TKCN trên biển.
Do có sự chủ động và phối hợp hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng, nên từ năm 2015 đến nay, BĐBP Thái Bình đã tham gia điều động 2.505 lượt cán bộ, chiến sĩ/140 lượt phương tiện các loại, phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức hỗ trợ di dời nhân dân trong các cơn bão. Các đơn vị đã chủ động hướng dẫn 11.798 chủ phương tiện/25.627 lao động vào các vị trí neo đậu an toàn; tổ chức tuyên truyền, cưỡng chế tổng số 5.672 phương tiện/23.652 lượt người ở trên các phương tiện và các chòi nuôi trồng thủy sản vào nơi tránh trú bão.
Bên cạnh đó, các đơn vị đã phối hợp, hiệp đồng với Chi cục Thủy sản và 3 huyện Tiền Hải, Thái Thụy, Kiến Xương tổ chức kiểm tra trang thiết bị an toàn cho các phương tiện trước khi đi biển, có phương án cảnh báo cho các tàu thuyền ở ngoài khơi về tin bão, áp thấp nhiệt đới; hướng dẫn tàu thuyền về nơi tránh trú. Khi có tình huống xảy ra, BĐBP tỉnh sẽ huy động 70 cán bộ thuộc Ban Chỉ huy PCTT và TKCN của đơn vị và 1 trung đội cơ động sẵn sàng chi viện cho các đơn vị. Mỗi đồn Biên phòng sẵn sàng huy động 30 cán bộ, chiến sĩ tham gia khi có lệnh; Hải đội 2, BĐBP tỉnh bảo đảm sẵn sàng phương tiện, lực lượng theo kế hoạch đã được phân công. Về phương tiện, các cơ quan, đơn vị BĐBP tỉnh sẽ sử dụng 19 xe ô tô và các phương tiện tàu, ca nô, thiết bị tham gia PCTT và TKCN đủ số lượng theo chỉ tiêu giao theo phương án “4 tại chỗ”. Với các phương án, kế hoạch đã xây dựng, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã sẵn sàng cho công tác PCTT và TKCN năm 2021.
Chúng tôi có mặt tại cảng cá Cửa Lân, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình - nơi tổ chức cuộc diễn tập “Phòng, chống lụt bão - TKCN trên biển” năm 2021 do BĐBP Thái Bình cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Tiền Hải tổ chức. Cái nắng oi bức gần 40 độ C của mùa hè vẫn không làm giảm đi nhiệt huyết, sự hăng say của các thành phần tham gia cuộc diễn tập. Tình huống giả định như sau: Cơn bão số 3 có cường độ giật cấp 13, 14 đang đổ bộ vào đất liền, trong đó có Thái Bình, kèm theo mưa rất to, cùng với triều cường, nước biển dâng cao, có nguy cơ vỡ đê và làm sập nhiều nhà dân, cần phải tổ chức lực lượng di dời dân khỏi vùng nguy hiểm và cứu dân bị nhà sập, vùi lấp. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đã có công điện gửi Ban chỉ huy phòng chống lụt bão các cấp, ngành, huyện, thành phố thực hiện đồng bộ các giải pháp để ứng phó với bão. Tuy nhiên, tại cảng cá Cửa Lân, xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải còn một số doanh nghiệp và nhân dân chưa vào nơi tránh trú bão. Đồng thời, trên vùng biển của huyện có một tàu hàng đang chạy vào bờ tránh bão bị mắc cạn, người và hàng hóa bị rơi xuống biển. Trước tình hình trên, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã phối hợp với chính quyền địa phương và các ngành chức năng tổ chức tuyên truyền, di dời người dân không chịu đi tránh trú bão vào nơi an toàn. Đối với người, hàng hóa, tàu bị nạn trên biển, điều động thêm ca nô và lực lượng cứu vớt, đưa vào bờ kịp thời.
Buổi diễn tập đã đáp ứng được yêu cầu của Ban tổ chức đặt ra, các động tác từ người chỉ huy đến người thực hành đều thuần thục, bảo đảm nhanh, gọn, an toàn. Thượng tá Lâm Mạnh Hồi, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng BĐBP Thái Bình cho biết: “Việc tổ chức huấn luyện, diễn tập các phương án PCTT và TKCN sát với tình hình thực tế của từng địa phương, đơn vị. Qua buổi diễn tập, các cấp, ngành, địa phương và nhân dân đã nhận thức sâu sắc hơn vai trò, ý nghĩa quan trọng của công tác PCTT và TKCN, từ đó, nâng cao trách nhiệm trong chỉ đạo, chỉ huy, hiệp đồng xử lý các tình huống tai nạn xảy ra trên biển”.
Mai Trang (theo bienphong.com.vn)
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận