Buồn – vui chuyện… làng biển: Bài 3: Ghi ở xã đảo (hết)

18:26 27-06-2021

VBĐVN.vn - Với dải bờ biển hình chữ S thân yêu, các làng biển giống như những “pháo đài”, tàu thuyền và ngư dân chính là những “chiến binh” hướng ra biển khơi, vừa làm ăn, vừa bảo vệ tiền đồn của Tổ quốc. Từ xa xưa, nghề biển có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống, văn hóa, an ninh, quốc phòng,… Nhưng bây giờ, dường như nghề biển giờ cũng ngày một “nhạt” dần và chính ngư dân cũng không còn mấy mặn mà với nghề đi biển…

Ghi ở xã đảo

Xã đảo Nghi Sơn (thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa) bây giờ sầm uất không kém gì một khu phố thu nhỏ. Đứng trên dốc núi đầu làng nhìn xuống vịnh Nghi Sơn, bên những con tàu đang neo đậu là san sát nhà cao tầng. Dọc con đường nhỏ nối các xóm Nam Sơn, Bắc Sơn, Trung Sơn, Thanh Sơn,.. đã xuất hiện những nhà hàng, quán cà phê, karaoke,…

Một góc xã đảo Nghi Sơn (thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa)

Tôi tìm đến ông Trần Ngọc Châu (72 tuổi, ở thôn Thanh Sơn), là một người am tường về xã đảo. Vì lối vào nhà ông Châu đang có máy xúc đang múc đất xây nhà nên tôi để xe máy bên một ngõ cụt. Thấy vậy, mấy người phụ nữ gần đó kêu lên: “Dắt vô chỗ có người này này, để đó lỡ bọn nghiện dắt mất!”. Nghe tôi kể lại, ông Châu thoáng chút buồn, nhưng rồi ông cười: “Đúng là con sâu làm rầu nồi canh, nhưng hãy xem đó là chuyện nhỏ, xã đảo quê tôi giờ sáng lên nhờ văn hóa đấy”. Ông kể, xưa không ai muốn cho con đi học, vì tối đưa con đi biển sáng ra có ngay cái ăn, có tiền, còn sáng cho con đi học thì tối về bố mẹ phải lo mất tiền. Năm 1985, khi ông đang làm Thường trực Đảng ủy xã thì cả xã chỉ có 5 học sinh cấp 3, còn bây giờ riêng các cháu đỗ học đại học, cao đẳng đã tính không hết. Ngay con gái ông, tốt nghiệp thạc sỹ nhưng vẫn về công tác ở xã nhà.

Ông Trần Ngọc Châu, thôn Thanh Sơn, xã đảo Nghi Sơn (thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa) nói về nghề biển quê mình

Mỗi lần nhắc đến nghề biển, ông Châu lại buồn. Câu “thần chú” của người làng biển “biển được thì tôi mới được” dường như không còn linh nghiệm. Ông thở dài: “Ngày trước tôi chỉ ra vịnh Nghi Sơn đặt te bẫy là đã có ăn. Còn ra khơi xa một chút, chúng tôi hay nói vui là một ngày làm một tháng ăn. Nhưng bây giờ thì kiệt hết rồi, mà do chính người mình hủy hoại nguồn sống của mình, bằng mìn, xung điện, thuốc mê, giã cào,…”.

Ông Châu kể, xã đảo Nghi Sơn xưa 100% người làm nghề biển. Người dân nơi đây sống chết nhờ biển, “mũi thuyền gác bên hông nhà”. Trước đây, đánh bắt bằng thủ công với nghề lưới rút, te bẫy, câu, bây giờ thêm mành (lưới lớn), đặc biệt là vươn khơi xa câu cá thu, cá mú xuất khẩu. Đây gọi là câu “vàng”. Mỗi “vàng” là một dây - giăng nối khoảng 150-200 lưỡi câu.

Hải sản được bày bán tại các khu chợ ven biển

Những năm gần đây, nghề gặp nhiều khó khăn, đặc biệt sản lượng đánh bắt giảm mạnh nên nhiều người không muốn đi biển, một số chủ tàu phải “bán nghề”, tức bán luôn tàu không làm nghề nữa. Khu Kinh tế Nghi Sơn mở ra, nhiều cơ hội việc làm ổn định đã “hút” mất người đi biển. Ví dụ, một đôi vợ chồng trẻ, đi làm công nhân bình quân mỗi người 7 triệu/tháng, 2 vợ chồng là 14 triệu. Đây là nguồn thu nhập ổn định, trong khi đi biển bấp bênh, chồng ra khơi thì vợ ở nhà “hồn treo cột buồm”…!

Văn Đoàn (theo baotainguyenmoitruong.vn)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang