Chỗ dựa vững chắc để ngư dân vươn khơi, bám biển

08:36 30-12-2024

VBĐVN.vn - Trao đổi với chúng tôi, Trung tướng Lê Quang Đạo, Tư lệnh Cảnh sát biển (CSB) Việt Nam nhấn mạnh: Không chỉ là lực lượng thực thi pháp luật trên biển, CSB Việt Nam còn là chỗ dựa vững chắc để ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Giúp dân là “mệnh lệnh từ trái tim”

Phóng viên (PV): Tôi rất ấn tượng với câu nói của đồng chí tại buổi tiếp xúc cử tri tỉnh Phú Yên trên cương vị đại biểu Quốc hội khóa XV: “Lực lượng CSB Việt Nam luôn là phên giậu, chỗ dựa vững chắc, tin cậy để ngư dân vươn khơi bám biển”...

Trung tướng Lê Quang Đạo: Quân đội nhân dân Việt Nam, trong đó có lực lượng CSB Việt Nam, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, phục vụ nhân dân, sẵn sàng hy sinh vì nhân dân. Đây là truyền thống, phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, là “mệnh lệnh từ trái tim” mỗi chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trên biển, ngư dân đôi khi gặp những sự cố không mong muốn, có những sự cố rất nghiêm trọng, có thể để lại hậu quả nặng nề nếu không nhận được sự trợ giúp kịp thời. Do vậy, bất cứ khi nào nhận được tín hiệu cần trợ giúp từ ngư dân trên biển, lực lượng CSB Việt Nam luôn có mặt nhanh nhất có thể.

Trung tướng Lê Quang Đạo.

Sự cố gặp nhiều nhất là những hỏng hóc nằm ngoài khả năng xử lý của thợ máy trên tàu ngư dân. Mới đây, trên hành trình đưa đoàn đi tuần tra trên biển, tàu CSB Việt Nam phát hiện tàu cá CM-01332TS ra tín hiệu yêu cầu trợ giúp. Đây là tàu cá của ngư dân, bị hỏng máy, đang phải thả neo giữa biển khơi chờ ứng cứu. Nhờ sự trợ giúp từ các cán bộ, nhân viên trên tàu CSB Việt Nam, sự cố hỏng máy của ngư dân nhanh chóng được xử lý. Con tàu lại tiếp tục hành trình vươn khơi bám biển, không phải gọi thuê tàu lai dắt về đất liền sửa chữa vừa rất tốn kém, vừa ảnh hưởng tới hành trình đánh bắt cá của ngư dân.

PV: Được biết, phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển là nhiệm vụ quan trọng, nhiệm vụ "chiến đấu trong thời bình" của CSB Việt Nam. Một trong những kết quả nổi bật của CSB Việt Nam, được nhân dân ghi nhận, đánh giá cao là đợt tham gia công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trong và sau cơn bão số 3 vừa rồi, thưa đồng chí?

Trung tướng Lê Quang Đạo: Khi siêu bão Yagi (bão số 3) quét qua vùng biển của nước ta, CSB Việt Nam nhận được 11 thông tin tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển, 18 đề nghị của địa phương về hỗ trợ khắc phục hậu quả. Các lực lượng của CSB Việt Nam triển khai nhiệm vụ tìm kiếm trên vùng biển rộng 200 hải lý vuông. Kết quả là đã cứu được 43 người trên 4 tàu và 4 sà lan, tiến hành hỗ trợ chăm sóc sức khỏe và bàn giao cho cơ quan chức năng bảo đảm an toàn; phối hợp với các lực lượng vớt được 3 thi thể mắc kẹt trong tàu Hồng Gai 03 bị chìm tại khu vực Cửa Vạn/Quảng Ninh. Trên bộ, CSB Việt Nam điều động 818 lượt cán bộ, chiến sĩ và 29 lượt phương tiện tham gia hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả sau bão...

Tính chung cả năm 2024, CSB Việt Nam đã tiếp nhận và xử lý 230 thông tin tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; tham gia, thực hiện 26 nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn; cứu được 73 người dân, 2 phương tiện, vớt 10 thi thể; hỗ trợ 4.000 bình nước uống, 3.260m3 nước ngọt cho nhân dân bị hạn hán, xâm nhập mặn...

Phương châm hành động của CSB Việt Nam là “Coi người dân như người thân”, nên quá trình làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển cũng như trợ giúp nhân dân trên đất liền khắc phục hậu quả sau bão đều được chúng tôi thực hiện bằng tất cả tinh thần trách nhiệm và tình cảm, nỗ lực ở mức cao nhất có thể để giảm bớt thiệt hại cho nhân dân.

Nêu gương bảo vệ môi trường biển

PV: Bên cạnh nhiệm vụ duy trì trật tự, an ninh trên biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, lực lượng CSB Việt Nam còn có nhiệm vụ bảo vệ môi trường, tài nguyên biển. Đồng chí có thể chia sẻ về kết quả thực hiện nhiệm vụ này của lực lượng CSB Việt Nam thời gian qua?

Trung tướng Lê Quang Đạo: Do tính chất quan trọng của việc giữ gìn môi trường, tài nguyên biển để hạn chế tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu, trong quá trình thực thi nhiệm vụ của mình, lực lượng CSB Việt Nam rất chú trọng công tác tuyên truyền để người dân thực hiện nghiêm quy định của pháp luật; xử lý nghiêm mọi vi phạm trong lĩnh vực này, nhất là hành vi xả rác thải ra biển, khai thác tài nguyên biển trái phép...

Sĩ quan trẻ Cảnh sát biển Việt Nam và Cảnh sát biển Trung Quốc chung tay dọn rác thải, bảo vệ môi trường biển.

Chúng tôi cũng đẩy mạnh nêu gương trong việc thực hiện các giải pháp chống ô nhiễm môi trường biển, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên trong toàn lực lượng.

PV: Cụ thể, CSB Việt Nam đã nêu gương như thế nào, thưa đồng chí?

Trung tướng Lê Quang Đạo: Mỗi ngày, lưu lượng tàu thuyền qua lại trên các vùng biển nước ta rất lớn. Các tàu, thuyền thường có hải trình kéo dài, thậm chí tới vài tháng. Chỉ riêng lượng rác thải sinh hoạt từ các tàu, thuyền, nếu không được quản lý tốt, xả hết xuống biển, mức độ ô nhiễm biển sẽ rất kinh khủng.

Các tàu của lực lượng CSB Việt Nam luôn nêu gương, thực hiện nghiêm việc quản lý rác thải trên tàu. Chúng tôi trang bị các máy ép rác thải nhựa, túi ni lông thành từng khối trên các tàu thuộc biên chế; trang bị thùng rác phục vụ phân loại rác tại nguồn. Lượng rác thải luôn được tập kết, xử lý bảo đảm vệ sinh trên tàu và được chuyển tới nơi xử lý rác thải trên bờ theo đúng quy trình.

Do chúng tôi thực hiện nghiêm trách nhiệm nêu gương nên người dân mới “tâm phục khẩu phục” trong việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên biển.

Rác vô cơ trên tàu Cảnh sát biển Việt Nam được đưa vào máy ép thành bánh, đưa về bờ xử lý.

PV: Thực tế, ô nhiễm biển có thể đến từ nhiều nguồn, nhiều khu vực khác nhau, kể cả ô nhiễm có nguồn gốc từ các vùng biển của nước khác nhưng vẫn có thể ảnh hưởng tới nước ta. Điều đó đòi hỏi phải đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này, thưa đồng chí?

Trung tướng Lê Quang Đạo: Chúng tôi luôn xác định hợp tác quốc tế nói chung, hợp tác quản lý, xử lý ô nhiễm môi trường biển nói riêng là nội dung quan trọng, cần được quan tâm thúc đẩy và thực hiện thường xuyên. Bởi vì chỉ riêng một quốc gia sẽ không thể giải quyết rốt ráo vấn đề này.

Không chỉ ký kết các văn bản hợp tác, chúng tôi còn triển khai các chương trình hợp tác trên thực địa để đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt quy định về bảo vệ môi trường biển. Gần đây nhất, ngày 17-12-2024, trong khuôn khổ chuyến thăm, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm với Lực lượng Bảo vệ bờ biển Ấn Độ, lực lượng CSB Việt Nam đã phối hợp với phía bạn dọn dẹp vệ sinh, làm sạch bãi biển thành phố Kochi (thuộc bang Kerala). Qua đó tuyên truyền trực quan cho người dân về thực hiện trách nhiệm gìn giữ môi trường biển...

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Nguồn:Theo qdnd.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang