Buồn – vui chuyện… làng biển: Bài 1: Bài thơ buồn nghề biển

18:25 27-06-2021

VBĐVN.vn - Với dải bờ biển hình chữ S thân yêu, các làng biển giống như những “pháo đài”, tàu thuyền và ngư dân chính là những “chiến binh” hướng ra biển khơi, vừa làm ăn, vừa bảo vệ tiền đồn của Tổ quốc. Từ xa xưa, nghề biển có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống, văn hóa, an ninh, quốc phòng,… Nhưng bây giờ, dường như nghề biển giờ cũng ngày một “nhạt” dần và chính ngư dân cũng không còn mấy mặn mà với nghề đi biển…

Bài thơ buồn nghề biển

Làng biển xã Cương Gián (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) mới được làm một con đê chắn sóng. Phía trong đê giờ đã mọc lên nhiều nhà cao tầng, nhà hàng, ngoài làng là các hồ nuôi tôm. Tầm giữa buổi sáng, phía cuối làng, mấy cô giáo đưa một nhóm trẻ mầm non ra bãi biển chơi, đầu này làng, hàng chục ngư dân đang miệt mài kéo lưới vào bờ.

Ông Trần Ngọc Cảnh, làng Đại Đồng, xã Cương Gián (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đang đọc bài thơ về nghề biển

Ông Trần Ngọc Cảnh (73 tuổi, lão ngư làng Đại Đồng, xã Cương Gián) đứng trên đê, trầm ngâm nhìn về hướng những người đang kéo lưới, rồi bất ngờ đọc: “Thương thay cảnh khổ dân nghề/ Đói rách thiếu thốn trăm bề khó khăn/ Thiếu dầu thiếu gạo thiếu ăn/ Đêm đông cũng phải bỏ chăn đi làm/ Bao cực khổ, bao gian nan/ Sóng to gió lớn muôn vàn hiểm nguy/ Dù không muốn cũng phải đi/ Không đi thì đói, đi thì khổ thân/ Thế mà đời cứ túng bần/ Quanh năm bán thịt nuôi thân cho đời/ Khi sóng lớn, khi động trời/ Biết bao người vợ trên đời đợi trông/ Thương khi bể (biển) động trời giông/ Trên đầu khăn trắng khóc chồng khóc con/ Làm được con cá con tôm/ Lại bị thương lái ép dồn khổ ghê/ Đời nghề biển thật chán chê/ Bỏ nghề thì đói bám nghề cực thân”.

Một góc bờ biển

Ông Cảnh chậm rãi: “Đây là thơ của làng biển, tả cảnh nghề biển xưa, thật buồn. Nhưng nay thì khác lắm lắm rồi, tuy vẫn chưa hết bấp bênh, khó nhọc”. Chúng tôi đang trò chuyện thì ông Trần Đức Thông (thôn Sông Hồng, xã Cương Gián) từ dưới biển đi lên. Mặc dù đã 75 tuổi nhưng ông vẫn đi lộng (đánh bắt gần bờ), do nhớ nghề “không làm là cứ như người ăn cắp, ăn trộm chi chi”.

Nói chuyện nghề xưa, ông bảo giờ sướng rồi, xưa cực lắm, sợ nhất đi biển gặp giông lốc. Ở Cương Gián người đi biển chết, mất tích lẻ tẻ không kể hết, nhưng có những vụ lớn như đêm 6-11-1980, giông lốc đã cướp đi 10 người con của làng. Xưa, Cương Gián làm nước mắm ngon nổi tiếng, có tên là nước mắm Vạn Cương. Người quê ông chở bằng thuyền ra vùng Hải Phòng, Nam Định bán. Có một số thuyền không may gặp nạn, mất người, mất của.

Văn Đoàn (theo baotainguyenmoitruong.vn)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang