Các hãng tàu tiếp tục tăng giá, doanh nghiệp thêm khó khăn
Theo các chuyên gia, rất khó để giá cước vận chuyển container đường biển giảm sâu và quay lại biểu phí trước khi có dịch COVID-19, ngay cả khi dịch được kiểm soát và không còn khan hiếm container.
Hơn nửa năm kể từ khi xảy ra tình trạng thiếu hụt container trên toàn cầu khiến giá cước vận tải biển tăng đến mức chóng mặt, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu từng hy vọng khi dịch COVID-19 ở châu Âu, Mỹ được kiểm soát nhờ vaccine, vấn đề này sẽ được tháo gỡ.
Tuy nhiên, giá cước vận tải không những không giảm mà mới đây, các hãng vận tải container đồng loạt đưa ra thông báo tăng phí trên toàn thế giới kể từ cuối tháng Năm khiến nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu tiếp tục rơi vào khó khăn, ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh.
Tăng phí nhiều tuyến vận chuyển quan trọng
Giữa tháng Năm này, các hãng vận tải container hàng đầu thế giới đã đồng loạt đưa ra thông báo tăng phí vận chuyển trên toàn thế giới với mức tăng từ 400 USD đến hơn 1.000 USD/container.
Cụ thể, hãng tàu biển của Đức Hapag-Lloyd thông báo, phụ phí tăng giá chung (General Rate Increase - GRI) trên các tuyến từ Đông Á (bao gồm cả Việt Nam) đến Mỹ và Canada là 960 USD/container 20 feet và 1.200 USD/container 40 feet. Mức tăng này được áp dụng từ ngày 15-5 cho tất cả container hàng khô, hàng lạnh, container bồn…
Hãng tàu CMA CGM của Mỹ thông báo tăng giá cước vận chuyển hàng hóa các loại từ giữa tháng 5 đối với các tuyến đường từ Somali đến Bắc Âu, Địa Trung Hải, Biển Đen, Ấn Độ và Pakistan… và tăng phí hàng khô, hàng quá khổ và hàng đứt gãy từ cảng Beira (Mozambique) đến châu Âu, Địa Trung Hải... từ ngày 23-5.
Bên cạnh đó, hãng tàu MSC (Thụy Sĩ) cũng lấy lý do mùa cao điểm và thông báo tăng phụ phí vận chuyển, áp dụng từ ngày 18-5 với mức tăng 800 USD/container.
CMA CGM, MSC, Hapag-Lloyd đều là những cái tên nằm trong top những hãng vận tải biển lớn nhất thế giới và là đơn vị tham gia vận chuyển khối lượng lớn hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam. Chính vì vậy, việc các hãng tàu đồng loạt tăng phí vận chuyển sẽ tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Bà Dương Lan Thanh, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Giao nhận hàng hóa Biển Xanh, cho biết sau vài tháng có tín hiệu chững lại thì từ đầu tháng Năm đến nay, giá cước vận chuyển container đường biển tiếp tục đà tăng trở lại. Giá cước vận chuyển hàng hóa đi Mỹ tăng nhiều nhất.
Trong tháng 4-2021, hầu hết các hợp đồng vận chuyển từ Việt Nam đi bờ tây nước Mỹ có giá khoảng 5.000 USD/container 40 feet thì hiện tại, giá các hãng tàu báo lại hơn 10.000 USD/container, phá vỡ kỷ lục mức 10.000 USD/container tuyến Việt Nam-châu Âu từng có trước đó. Với việc tăng giá đột biến này, các hãng tàu đã hủy hợp đồng vận chuyển được ký trước đó nhưng chưa nhận hàng để đề nghị mức giá mới.
Mặc dù không tăng nhiều như tuyến đi Mỹ nhưng cước phí vận chuyển các tuyến đến châu Âu vẫn tăng đều và đang ở mức cao, các tuyến vận chuyển ở châu Á, đặc biệt là các chuyến đến hoặc đi từ Ấn Độ cũng rục rịch tăng giá.
Theo bà Thanh, nguyên nhân được các hãng tàu đưa ra là do lượng hàng hóa tồn kho những tháng trước tại cảng đi quá nhiều nên doanh nghiệp muốn đẩy nhanh tiến độ giao hàng cho đối tác, đặc biệt là đối tác tại thị trường Mỹ khiến nhu cầu vận chuyển tăng cao.
Cùng với mức giá vận chuyển đã tăng lũy kế từ cuối năm 2020 đến nay, giá cước vận chuyển container đường biển trên một số tuyến đang ở mức kỷ lục trong lịch sử. Cụ thể cước vận chuyển 1 container từ Việt Nam đến châu Âu trước đây có giá khoảng 1.500 USD thì hiện đang ở mức 7.000-8.000 USD; cước phí 1 container từ Việt Nam đi Mỹ trước dịch COVID-19 chưa tới 1.000 USD thì nay đã vượt qua 10.000 USD.
Thiếu container rỗng không còn quá căng thẳng nhưng vấn đề chính của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hiện tại là giá vận chuyển “trên trời” và rất khó để đặt chỗ trên tàu, bà Thanh thông tin thêm.
Doanh nghiệp “vật lộn” với khó khăn
Trong khi nền kinh tế vẫn đang chịu tác động tiêu cực bởi dịch COVID-19 khiến sức tiêu thụ giảm sút thì chi phí sản xuất, vận chuyển liên tục tăng với tốc độ chóng mặt khiến doanh nghiệp rơi vào cảnh khó khăn chồng chất.
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước cho biết, đã nhận được thông tin các hãng tàu thông báo tăng phí vận chuyển trong tháng Năm. Mặc dù giá cước vận tải biển hiện nay đã cao tới mức vô lý nhưng các hãng tàu vẫn tiếp tục đưa ra thông báo tăng cước phí bởi họ đang là người nắm quyền chi phối trong mối quan hệ giữa bên cung cấp-sử dụng dịch vụ vận tải biển còn doanh nghiệp thuê tàu dù đông đảo nhưng ở thế yếu.
Các hãng tàu hiện không còn cạnh tranh mà đã liên kết với nhau để nâng giá cước phí vận chuyển lên mức họ mong muốn. Ngược lại, doanh nghiệp xuất nhập khẩu không còn lựa chọn nào khác buộc phải chấp nhận mức phí cao tới vô lý hoặc dừng hoạt động xuất-nhập khẩu.
Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp với đối tác, khách hàng quốc tế không thể tùy tiện theo kiểu thích thì bán, không thích thì nghỉ. Công ty đã cam kết và phải có trách nhiệm giao hàng đúng thời hạn, đảm bảo cung cấp hàng hóa liên tục cho người tiêu dùng, đặc biệt là thực phẩm và hàng thiết yếu. Do đó, nếu hủy đơn hay không giao hàng đúng hẹn cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp tự hủy hoại thương hiệu, uy tín và công sức tìm kiếm khách hàng trong nhiều năm của mình, ông Lĩnh chia sẻ.
Theo ông Trương Tiến Dũng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn, thông tin giá cước vận tải tăng đang là bài toán nan giải của hầu hết doanh nghiệp xuất nhập khẩu hiện nay; trong đó, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa không chịu nổi áp lực đã phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động.
Giá cước vận tải tăng cao gấp nhiều lần so với trước đại dịch và có xu hướng tiếp tục tăng, trong khi tình trạng thiếu container lạnh vẫn chưa được giải quyết khiến việc xuất khẩu các đơn hàng thủy hải sản, thực phẩm đông lạnh đã khó càng thêm khó. Chưa dừng lại ở đó, giá nguyên vật liệu đầu vào cả bao bì đóng gói cũng theo đà tăng giá khiến tổng chi phí sản xuất bị đội lên mức ngất ngưởng."
Mặc dù phí vận tải đã có lúc cao hơn cả giá trị hàng hóa nhưng việc đàm phán nâng giá bán trong thời điểm hiện tại là không khả thi bởi dịch COVID-19 đã khiến người tiêu dùng tại các thị trường có khả năng chi trả cao như Mỹ, EU cũng phải cắt giảm tối đa chi tiêu, chỉ tập trung vào sản phẩm thiết yếu và sản phẩm có giá bình dân.
Với tình trạng này, dù có đơn hàng xuất khẩu thường xuyên nhưng hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp giảm sút rõ rệt. Những tháng gần đây, doanh nghiệp chỉ cố gắng duy trì sản xuất để giữ việc làm cho người lao động và giữ chân các khách hàng quan trọng chứ hầu như không có lợi nhuận vì chi phí vận chuyển đã “nuốt trọn," ông Dũng phân tích.
Theo các chuyên gia, rất khó để giá cước vận chuyển container đường biển giảm sâu và quay lại biểu phí trước khi có dịch COVID-19, ngay cả khi dịch bệnh được kiểm soát và không còn khan hiếm container rỗng. Nguyên nhân là do các hãng tàu lớn đã nắm thế chủ động và đang tăng cước, phí nhằm bù lại những khoản lỗ trước đó.
Trong khi đó, một số đại lý, văn phòng đại diện hãng tàu nước ngoài tại Việt Nam cho biết họ đã nhận nhiều phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp xuất nhập khẩu về việc giá cước tăng quá cao và vô lý. Tuy nhiên, vai trò của đại lý hay văn phòng đại diện chỉ là làm thủ tục, thu hộ cho hãng tàu ở nước ngoài.
Mặt khác, giá cước vận chuyển được hãng tàu áp dụng chung tùy vào quãng đường và tình hình thực tế tuyến vận chuyển chứ không phân biệt bất cứ thị trường nào. Việc tăng giá cước vận chuyển cũng theo quy luật cung-cầu của thị trường như các loạt hàng hóa, dịch vụ khác.
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận