Cải cách thể chế để phát triển kinh tế biển tại miền Trung

09:28 03-01-2023

VBĐVN.vn - Để kinh tế biển khu vực miền Trung phát triển mạnh, trở thành ngành kinh tế chủ lực cho các địa phương trong khu vực, cùng với các giải pháp như: Tập trung phát triển đa dạng các ngành nghề, nguồn nhân lực, hạ tầng liên quan đến biển… thì vấn đề cải cách thể chế để phát triển kinh tế biển là vấn đề quan trọng hiện nay.

Phát huy tiềm năng kinh tế biển ở miền Trung

Khu vực miền Trung gồm 14 tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận có nhiều lợi thế, tiềm năng để phát triển kinh tế biển. Những năm qua, với sự nỗ lực của cấp uỷ, chính quyền các cấp và người dân các tỉnh, thành miền Trung, các ngành kinh tế biển tại đây có những bước phát triển đáng kể, góp phần rất lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của khu vực này.

Tuy nhiên trong thực tế, miền Trung hiện vẫn là vùng có nhiều chỉ số phát triển thấp hơn mức trung bình của cả nước. Nhiều tiềm năng, lợi thế của vùng, nhất là lợi thế về kinh tế biển chưa được khai thác, phát huy hiệu quả để trở thành một nguồn nội lực quan trọng cho phát triển.

Hội thảo “Phát triển kinh tế biển khu vực miền Trung trong bối cảnh mới” tổ chức tại TP Đồng Hới vào ngày 16-12-2022.

Ngày 22-10-2018, tại Hội nghị Trung ương 8 (khoá XII), Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW “Về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” cho thấy vai trò đặc biệt quan trọng của phát triển kinh tế biển đối với việc thực hiện thành công mục tiêu, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Trong thực hiện chiến lược đó, khu vực miền Trung, cụ thể là phát triển kinh tế biển miền Trung có ý nghĩa và vai trò quyết định, bởi đây là khu vực có 14/28 tỉnh, thành phố giáp biển của cả nước, với bờ biển dài gần 1.800km, chiếm hơn 55% bờ biển của cả nước.

Vậy phải làm sao để tận dụng, khai thác, phát huy được những tiềm năng, lợi thế về biển, đưa các tỉnh, thành phố miền Trung phát triển năng động, nhanh, mạnh, bền vững, trở thành các địa phương mạnh về biển, làm giàu từ biển là vấn đề nan giải, bài toán đặt ra đối với tất cả chúng ta.

Trả lời câu hỏi trên, trao đổi với phóng viên bên lề Hội thảo “Phát triển kinh tế biển khu vực miền Trung trong bối cảnh mới” do Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản và Tỉnh uỷ Quảng Bình phối hợp tổ chức tại TP Đồng Hới vào ngày 16-12 vừa qua, TS Nguyễn Dũng Anh, Trưởng Khoa Lãnh đạo và Chính sách công - Học viện Chính trị Khu vực III cho biết, đây là vấn đề đang được các chuyên gia, nhà lãnh đạo, quản lý rất quan tâm.

05 nhóm giải pháp về cải cách thể chế

TS Nguyễn Dũng Anh nhận định: Từ thực tiễn phát triển vùng miền Trung cho thấy hiện khu vực này vẫn còn gặp những khó khăn, hạn chế về khía cạnh kinh tế, xã hội, môi trường theo hướng bền vững. Có nhiều nguyên nhân đưa đến các khó khăn, hạn chế tại đây như: Hệ thống luật pháp và các chính sách liên quan đến phát triển kinh tế biển thiếu tính đồng bộ và nhất quán; công tác qui hoạch chưa thực sự hiệu quả so với yêu cầu phát triển bền vững của vùng, chưa xây dựng được chiến lược phát triển kinh tế biển theo hướng phát triển bền vững; công tác quản lý Nhà nước về các loại hình kinh tế biển còn bất cập; chất lượng nguồn nhân lực còn thấp; cơ cấu lao động theo ngành còn nhiều bất hợp lý; kết cấu hạ tầng kỹ thuật để phát triển kinh tế biển còn nhiều bất cập.

TS Nguyễn Dũng Anh, Trưởng Khoa Lãnh đạo và Chính sách công- Học viện Chính trị Khu vực III đã đề xuất các giải pháp về cải cách thể chế để phát triển kinh tế biển cho khu vực miền Trung .

Để tháo gỡ các khó khăn, hạn chế trên, riêng trên lĩnh vực cải cách thể chế để phát triển kinh tế biển cho miền Trung, TS Nguyễn Dũng Anh đề xuất 05 giải pháp. Trong đó, giải pháp đầu tiên là nâng cao chất lượng quy hoạch không gian phát triển kinh tế vùng biển ở các tỉnh miền Trung đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 theo hướng bền vững nhằm hiện thực hóa Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII, Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03-11-2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Giải pháp thứ hai là hoàn thiện thể chế liên kết nhằm đảm bảo sự thống nhất, hiệu lực, hiệu quả về quy hoạch và đầu tư phát triển kinh tế - xã hội nói chung, phát triển kinh tế biển của các tỉnh miền Trung nói riêng. Theo TS Nguyễn Dũng Anh, thực hiện tốt nhiệm vụ này sẽ khắc phục được tình trạng phân bổ nguồn lực dàn trải, phân tán dẫn tới lãng phí, sử dụng kém hiệu quả. Trong đó, chú trọng xây dựng bộ máy có tính pháp lý để thực hiện việc hoạch định, tổ chức thực thi các chính sách phát triển vùng, liên quan đến vùng.

Giải pháp thứ ba là hoàn thiện môi trường đầu tư nhằm huy động các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế biển. Trong đó, trước hết là cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp lý liên quan đến môi trường kinh doanh theo hướng tạo ra sự hấp dẫn, minh bạch, nhất quán và ổn định; đồng thời phân tích đặc điểm cụ thể của từng địa phương nội vùng để tạo ra những cơ sở pháp lý cho việc xây dựng các chính sách ưu đãi mang tính đặc thù nhằm ưu tiên phát triển các ngành khai thác lợi thế so sánh của mỗi địa phương trong vùng; tiếp tục hoàn thiện hệ thống các công cụ khuyến khích đầu tư, bao gồm các công cụ tài chính như miễn giảm thuế, lựa chọn phương pháp khấu hao, trợ vốn, tiếp cận tín dụng giá rẻ… cho một số ngành ưu tiên của kinh tế biển để khuyến khích phát triển hoặc thúc đẩy quá trình đổi mới công nghệ theo hướng xanh, sạch, hiện đại.

Giải pháp thứ tư là xây dựng nền quản trị khu vực miền Trung hiện đại, phục vụ doanh nghiệp, phục vụ nhân dân. Theo đó, miền Trung cần tập trung cải thiện môi trường kinh doanh thông qua các thể chế quản trị quốc gia tốt, theo hướng minh bạch, tạo cơ hội cũng như động lực mong muốn lớn lên của doanh nghiệp Việt Nam; rà soát, tháo gỡ một cách chủ động hơn nữa những quy định còn chống chéo, bất cập, không minh bạch hoặc các quy định tạo căn cứ để các cơ quan chức năng có thể can thiệp sâu vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; cần đảm bảo môi trường kinh doanh của doanh nghiệp tự chủ, tự quyết, tự lực; đổi mới tư duy quản lý, quản trị quốc gia từ kiểm soát, cho phép (tiền kiểm) sang phục vụ thúc đẩy phát triển (hậu kiểm); từng bước hình thành khung pháp lý mới, phù hợp khuyến khích sáng tạo, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế biển…

Giải pháp thứ năm là thử nghiệm thể chế phát triển có tính đột phá cho Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Trong đó, TS Nguyễn Dũng Anh cho rằng cần đề nghị Trung ương cho phép thí điểm mô hình đặc khu đổi mới sáng tạo tại Đà Nẵng với các thể chế vượt trội là mô hình đầu tiên trên cả nước được thí điểm và phù hợp với định hướng quy hoạch phát triển của TP Đà Nẵng theo tinh thần Nghị quyết 43 ngày 24-1-2019 và Nghị quyết số 52 ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị. “Đây là giải pháp đột phá về thể chế như Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định; đồng thời là điều kiện, tiền đề rất quan trọng để Đà Nẵng trở thành một trung tâm về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia tại miền Trung mang tầm cỡ khu vực nhằm đảm nhận vai trò cửa ngõ hội nhập quốc tế, là cực tăng trưởng, đầu tàu tăng trưởng và tạo lan toả cho sự phát triển của khu vực”- TS Nguyễn Dũng Anh nhấn mạnh.

Cùng với đó cần hình thành “vành đai du lịch dịch vụ, giải trí cao cấp” nhằm khai thác tiềm năng du lịch, tài nguyên biển vùng Trung bộ có tính liên kết, hiệu quả, bền vững. Xây dựng, phát triển hệ thống đô thị, nhất là các đô thị ven biển bền vững và đồng bộ về mạng lưới liên kết với các đô thị trong vùng, toàn quốc và quốc tế. Thu hút các dự án lớn đầu tư xây dựng đô thị ven biển nhằm cải thiện, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng hiện hữu để tăng tính liên kết trong phát triển các ngành du lịch, dịch vụ, thương mại; có tính đến Luật Đất đai sửa đổi năm 2023…

Theo dangcongsan.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang