Cảnh sát biển Việt Nam phấn đấu ngang tầm nhiệm vụ
VBĐVN.vn - Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển; là một trong những lực lượng được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Bộ quốc phòng quan tâm đầu tư xây dựng tiến thẳng lên hiện đại, đạt trình độ hiện đại vào năm 2030. Nhận thức rõ vinh dự to lớn và những yêu cầu hết sức nặng nề đó, Cảnh sát biển Việt Nam đang nỗ lực vượt qua khó khăn, quyết tâm đưa Lực lượng phát triển ổn định hơn, vững chắc hơn, toàn diện hơn; tạo dựng được vị thế và uy tín cao hơn, xứng đáng và xứng tầm nhiệm vụ được giao.
Thực hiện chủ trương xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam tiến thẳng lên hiện đại, những năm gần đây, các đơn vị Cảnh sát biển đã được quan tâm đầu tư, có bước phát triển tương đối toàn diện về lực lượng, trang bị, phương tiện, nâng cao một bước năng lực thực thi nhiệm vụ được giao. Đảng ủy, Bộ tư lệnh Cảnh sát biển đã chủ động nghiên cứu, đánh giá, dự báo đúng tình hình, kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trương, đối sách xử lý linh hoạt, hiệu quả các tình huống, không để bị động, bất ngờ, hạn chế căng thẳng trên hướng biển. Thường xuyên duy trì lực lượng, phương tiện ứng trực, kiên quyết, kiên trì đấu tranh trên thực địa; phối hợp hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc và các hoạt động kinh tế biển. Tổ chức tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, tuyên truyền và kiên quyết yêu cầu tàu cá nước ngoài vi phạm ra khỏi vùng biển Việt Nam; tích cực đấu tranh phòng chống, xử lý vi phạm, tội phạm trên biển, bảo đảm an toàn hàng hải, phòng chống ô nhiễm môi trường biển; ngăn chặn cướp biển, cướp có vũ trang, v.v. Năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, Lực lượng Cảnh sát biển đã phát hiện, yêu cầu hàng trăm lượt chiếc tàu nước ngoài vi phạm ra khỏi vùng biển Việt Nam; phát hiện xử lý nhiều vụ buôn lậu, gian lận thương mại, tội phạm ma túy trên biển với quy mô lớn, có tổ chức, có yếu tố nước ngoài, góp phần giữ vững mối quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
Hiện nay, trước xu thế mở cửa, hội nhập quốc tế sâu rộng; cạnh tranh, tranh chấp chủ quyền, lợi ích quốc gia trên biển ngày càng gia tăng, đặt ra thời cơ, thách thức, yêu cầu mới đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, giữ gìn an ninh quốc gia, trật tự, an toàn, thực thi pháp luật trên biển, nhất là khi tình hình Biển Đông có những diễn biến phức tạp, nhạy cảm, khó lường, các nguy cơ, thách thức về an ninh, an toàn trên biển ngày một rõ nét hơn, nghiêm trọng hơn... Với bờ biển dài hơn 3.260 km, hơn 3.000 đảo lớn nhỏ và vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa rộng lớn, nhiều năm qua, biển đảo đã mang lại nguồn lợi không nhỏ, đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế nước ta. Song, hoạt động ngày càng nhộn nhịp của các ngành kinh tế biển cùng với các vấn đề an ninh phi truyền thống mới phát sinh và tình hình vi phạm, tội phạm trên biển ngày một gia tăng đã kéo theo nhiều tác động bất lợi đến môi trường, tài nguyên, thiên nhiên biển, đặc biệt là nguy cơ bất ổn về an ninh, an toàn hàng hải.
Để đảm bảo xứng tầm, đủ sức gánh vác các nhiệm vụ được giao trong tình hình mới và hoàn thành sớm các mục tiêu xây dựng Lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các nội dung, giải pháp sau:
Trước hết là, tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác nghiên cứu, dự báo tình hình, kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chủ trương, đối sách bảo vệ vững chắc chủ quyền, lợi ích quốc gia trên biển.
Đảng ủy, Bộ tư lệnh và cấp ủy, chỉ huy các cấp tập trung quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng, tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018... Chú trọng nâng cao năng lực trinh sát, nghiên cứu, tổng hợp, phân tích, đánh giá, dự báo đúng diễn biến tình hình trên biển, tham mưu với Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chủ trương, giải pháp có tính hệ thống, toàn diện, khả thi, nhằm chủ động phòng ngừa, xử lý kịp thời, hiệu quả, đúng pháp luật các tình huống trên biển, không để bị động, bất ngờ, không để bất đồng, tranh chấp phát sinh thành mâu thuẫn, xung đột vũ trang; không để các thế lực thù địch lợi dụng làm phức tạp tình hình; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Bên cạnh đó, chủ động rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống văn kiện tác chiến; thường xuyên tổ chức luyện tập thuần thục các phương án, tình huống, nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu, thực thi pháp luật. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với lực lượng Hải quân, Bộ đội Biên phòng, Phòng không - Không quân, Kiểm ngư, các quân khu có biển,... bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, các hoạt động kinh tế biển; hỗ trợ, bảo vệ ngư trường, ngư dân. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, ngăn chặn, xử lý các hoạt động vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản bất hợp pháp; xây dựng phương án sẵn sàng tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, giúp đỡ nhân dân và chống cướp biển, cướp có vũ trang, bảo đảm an toàn, an ninh hàng hải, bảo vệ môi trường biển.
Thứ hai là, tiếp tục tập trung xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Theo đó, Lực lượng Cảnh sát biển đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện, kiện toàn tổ chức, biên chế theo hướng tinh, gọn, mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại; trọng tâm là tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án xây dựng Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025; trong đó, ưu tiên xây dựng, phát triển nguồn nhân lực có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ, năng lực công tác toàn diện, chuyên nghiệp, chuyên sâu, cơ cấu phù hợp giữa các thành phần, lực lượng. Từng bước nâng cấp các hải đội, hải đoàn, đoàn trinh sát; thành lập các trạm Cảnh sát biển trên một số đảo, khu vực nhà giàn DK1, vùng biển phía Nam... nhằm phát huy tốt vai trò nòng cốt, chuyên trách của Nhà nước trong thực thi pháp luật, bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên các vùng biển, đảo.
Tính chất đặc thù của nhiệm vụ Cảnh sát biển là thường xuyên và trực tiếp phải đối mặt với những diễn biến phức tạp trên mặt trận đấu tranh chống các hoạt động xâm phạm chủ quyền, tội phạm, vi phạm trên biển, trước những đối tượng khôn ngoan, liều lĩnh, trong điều kiện môi trường sóng gió nguy hiểm, thời tiết khắc nghiệt, thời gian tới, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Cảnh sát biển tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định lý tưởng cách mạng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân, có tinh thần cảnh giác cao, tuyệt đối không sa ngã trước âm mưu, thủ đoạn mua chuộc của các thế lực thù địch, tội phạm; có niềm tin, ý chí quyết tâm cao, chủ động khắc phục khó khăn, sẵn sàng nhận, hoàn thành tốt nhiệm vụ trong mọi tình huống.
Để đáp ứng yêu cầu xây dựng Lực lượng Cảnh sát biển hiện đại, có tính chuyên nghiệp cao, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đang tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực công tác. Trước yêu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn, các cơ quan, đơn vị coi trọng huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật, rèn luyện cho bộ đội năng lực tư duy sáng tạo, quyết đoán, khả năng thích ứng nhanh, xử trí linh hoạt các tình huống trên biển. Tập trung huấn luyện khai thác, làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, hiện đại; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào huấn luyện, diễn tập, đào tạo và hội thao, hội thi. Tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ, xây dựng tác phong công tác khoa học cho đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ tàu, cán bộ chuyên ngành quan hệ quốc tế, nghiệp vụ pháp luật. Để đáp ứng yêu cầu lâu dài, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển chủ động chuẩn bị về nguồn lực, cơ sở vật chất, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng nâng cấp Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ Cảnh sát biển thành trường đào tạo các chuyên ngành Cảnh sát biển, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, sự phát triển của Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.
Thứ ba là, đi đôi với xây dựng, phát triển nguồn lực con người, Bộ tư lệnh Cảnh sát biến tiếp tục tham mưu đầu tư mua sắm, hiện đại hóa phương tiện, trang bị kỹ thuật, nghiệp vụ và cơ sở bảo đảm.
Phát huy kết quả đã đạt được, Bộ tư lệnh Cảnh sát biển đẩy mạnh thực hiện lộ trình hiện đại hóa Lực lượng. Trước mắt, ưu tiên triển khai dự án đóng mới các gam tàu tuần tra cao tốc có lượng giãn nước lớn, tính cơ động cao, có khả năng hoạt động dài ngày ở những vùng biển xa, trong điều kiện thời tiết phức tạp. Đồng thời, tích cực mua sắm các trang thiết bị kỹ thuật chuyên dụng, đặc thù, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng chuyên ngành. Tiếp nhận, khai thác, làm chủ các phương tiện, tàu thuyền được viện trợ từ các nước; quy hoạch, xây dựng nâng cấp đồng bộ cơ sở bảo đảm kỹ thuật, đổi mới phương thức bảo đảm kỹ thuật và áp dụng hiệu quả việc chuyển giao công nghệ, nhất là với vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa. Đẩy mạnh nghiên cứu, lựa chọn vũ khí, trang bị kỹ thuật cũ còn khả năng sử dụng lâu dài, đầu tư cải tiến, nâng cấp, bảo đảm đồng bộ với vũ khí, trang bị kỹ thuật thế hệ mới. Tiếp tục nâng cấp, chuẩn hóa hệ thống chỉ huy điều hành và giám sát hiện đại, các phương triện trinh sát, thông tin liên lạc, công cụ hỗ trợ, thiết bị bảo đảm an toàn, cứu hộ, cứu nạn, phòng ngừa và khắc phục ô nhiễm môi trường biển… Mặt khác, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng và chính quyền các địa phương tham mưu, đề xuất mở rộng vị trí đóng quân cho đơn vị mới thành lập; bảo đảm kịp thời nguồn vốn, kinh phí triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng, doanh trại, cầu cảng, bến bãi, kho tàng, trạm xưởng,... theo đúng lộ trình của Đề án xây dựng Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025.
Thứ tư là, không ngừng xây dựng Đảng bộ Cảnh sát biển vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.
Đây là vấn đề nguyên tắc, trực tiếp quyết định đến chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của từng cơ quan, đơn vị và toàn Lực lượng. Các cấp ủy, tổ chức đảng trong Đảng bộ cần thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo đi đôi với phân công cá nhân phụ trách, đề cao tự phê bình và phê bình, đề cao tính tiền phong gương mẫu của người đứng đầu; tăng cường phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể; duy trì nghiêm nền nếp, chế độ học tập sinh hoạt; nâng cao năng lực lãnh đạo cụ thể hóa nghị quyết của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, nhất là lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ mới, khó, khắc phục khâu yếu, mặt yếu. Coi trọng xây dựng sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ, tập thể cấp ủy, chỉ huy các cấp. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ về số lượng, tốt về chất lượng, có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của Lực lượng Cảnh sát biển trong thời gian tới. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý kiên quyết, dứt điểm các dấu hiệu vi phạm của cán bộ, đảng viên; gắn xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh với xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện "mẫu mực tiêu biểu".
Với tâm thế của một lực lượng Anh hùng và truyền thống “Kiên quyết dũng cảm, khắc phục khó khăn, đoàn kết hiệp đồng, giữ nghiêm pháp luật”, mỗi cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển đã, đang và sẽ tiếp tục đoàn kết, quyết tâm, nỗ lực cố gắng, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân đã tin tưởng giao phó.
Thiếu tướng BÙI QUỐC OAI
Chính ủy Cảnh sát biển Việt Nam
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận