Câu chuyện về người hùng cứu nạn trên biển
VBĐVN.vn - Là người Việt Nam đầu tiên được Tổ chức hàng hải quốc tế (IMO) trao giải thưởng "Hành động dũng cảm đặc biệt trên biển" - "IMO Award for Exceptional Bravery at Sea", nhưng anh Trần Văn Khôi (nhân viên cứu nạn thuộc Trung tâm phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực 2) chỉ khiêm tốn nói rằng: “Tôi không cho mình là người hùng vì đó là công việc mà tôi đã chọn”. Và anh vẫn chọn cuộc sống của một nhân viên lái tàu, vẫn sẵn sàng lên đường khi có lời gọi từ khơi xa.
Năm 2005, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Hàng hải I (Hải Phòng), chuyên ngành điều khiển tàu biển, anh Trần Văn Khôi nhận công tác tại Trung tâm tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực 2 (trụ sở tại Đà Nẵng). Suốt hơn 15 năm qua, anh Khôi đã tham gia lái hàng trăm chuyến tàu vượt bão dông, hiểm nguy để đi cứu người bị nạn trên miền Trung và quần đảo Hoàng Sa. Trong đó, cuộc giải cứu các nạn nhân tàu Vietship 01 tháng 10-2020 là một chuyến đi không thể nào quên khi không được đào tạo bài bản, phương tiện chỉ là tàu gỗ, xuồng nhưng anh đã dứt khoát lao ra dòng nước lũ, sóng cao hơn 5m để cứu các thuyền viên - những người không phải bà con thân thích.
Lý giải cho hành động này, anh Khôi cho rằng không riêng gì mình mà nhiều chiến sĩ Biên phòng, Công an, Quân sự, ngư dân ở Cửa Việt (Quảng Trị) cũng sẽ làm như thế. Bởi, "Đó là tình người", anh Khôi nói.
Trở lại ngày 8-10-2020, vùng biển Quảng Trị có mưa lớn, sóng cao 5m, kết hợp dòng chảy xiết của nước lũ đổ ra Cửa Việt khiến tàu hàng Vietship 01 neo đậu ở cảng Cửa Việt bị nước lũ cuốn trôi ra biển, mắc cạn cách bờ khoảng 400m. Tàu Vietship 01 chìm dần, chỉ còn phần cabin, ống khói và giàn sắt phía sau tàu nổi trên mặt nước. 12 thuyền viên đeo bám ở cabin và giàn sắt cầu cứu giữa tiết trời lạnh giá, sóng to, gió và mưa lớn. Không ai dám nhảy xuống dòng nước cuồn cuộn để bơi vào bờ.
Anh Khôi cùng cán bộ Trung tâm phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực 2 nhận lệnh lên đường. Đặt chân xuống bãi biển Cửa Việt, trước mắt họ là những cột sóng cao quá đầu người, nước đỏ quạch, trên con tàu mắc cạn thấp thoáng những cánh tay yếu ớt giơ lên. Lúc này, hầu như không lực lượng nào có thể tiếp cận được tàu Vietship 01 do sóng quá lớn, dòng chảy xiết và gió mạnh. Con tàu có nguy cơ lật, chìm.
Khoảng 10 giờ, ngày 9-10, anh Khôi đang cảnh giới từ bờ thì phát hiện một thuyền viên tàu Vietship 01 nhảy xuống biển, bị con sóng đẩy đi, trôi dạt vô định. Không đắn đo suy nghĩ, anh lập tức mặc áo phao, buộc dây vào người rồi lao ra biển. Hàng chục người gồm cán bộ Biên phòng, nhân viên cảng vụ và ngư dân đứng ở mép nước giữ chặt đoạn dây nối buộc người anh Khôi. Anh Khôi lựa theo từng đợt sóng bơi ra, được khoảng 40 đến 50m thì gặp được thuyền viên đang trôi dạt và đã kiệt sức. Những người đứng ở bờ hỗ trợ lập tức kéo dây, đưa cả hai vào bờ an toàn. Sáng ngày 10-10, anh Khôi một lần nữa lao ra biển khi chứng kiến tình huống tương tự và đưa thêm được một thuyền viên nữa về bờ.
Trưa 10-10, anh Khôi “xin” lên một tàu cá ra cứu những người mắc kẹt. 3 ngư dân lão luyện khác đồng ý đi cùng, nhưng vợ con họ đã khóc lóc thảm thiết vì không muốn sống cảnh "mẹ góa, con côi". Anh Khôi đến gặp những người vợ của ngư dân. "Không nhớ lúc đó tôi thuyết phục như thế nào, nhưng các chị đã đồng ý để chồng đi cứu người", anh kể. Tàu cá bị những đợt sóng cao liên hồi cản lại, không thể đến được phần nhô lên mặt nước của thân tàu Vietship 01. Lúc này 2 ngư dân (trước đó, 4 ngư dân dùng tàu cá ra tiếp cận tàu Vietship 01 nhưng bị sóng đánh chìm, 3 ngư dân bị trôi dạt, bám được vào tàu Vietship 01) đang mắc kẹt trên tàu đã nhảy xuống biển, tìm cách bơi sang tàu cá. Quan sát tình huống, anh Khôi nhanh trí quăng dây, phao cứu sinh rồi ra hiệu cho họ bám lấy. 4 người trên tàu dốc sức kéo 2 ngư dân thoát khỏi những đợt sóng dữ, cùng về bờ an toàn.
Đến chiều muộn, một xuồng cứu hộ chuyên dụng được đưa đến hiện trường. Dù qua 3 lần cứu nạn trước đó đã "nhận thức rõ sự nguy hiểm do dòng chảy siết, tiếp cận bằng thuyền là bất khả thi", nhưng anh Khôi vẫn muốn thử vận may một lần nữa. Anh cùng 3 đồng nghiệp chuẩn bị kỹ trang bị cứu sinh, thiết bị cứu nạn và dặn dò nhau, "anh em phải bình tĩnh để xử lý tình huống bất trắc".
Xuồng lao ra giữa những con sóng cao hàng mét như muốn nhấn chìm chiếc xuồng cứu hộ. Chiếc xuồng không may mắc kẹt vào dây cáp của tàu Vietship 01 và chết máy. Ngoài biển, mọi người nói như hét vào mặt mới nghe rõ tiếng để cùng nhau đẩy xuồng thoát khỏi dây cáp, tránh để sóng trùm liên tiếp sẽ chìm. Thoát khỏi dây cáp, xuồng lại trôi ra khu vực nhiều đá ngầm. Anh Khôi cùng đồng nghiệp vừa tránh sóng, vừa gấp rút sửa máy để di chuyển. Thời gian cấp bách và nhận thấy việc tiếp cận, giải cứu bằng xuồng, tàu không hiệu quả, sau đó, lực lượng cứu nạn đã điều trực thăng đến để giải cứu các thuyền viên còn lại.
Rời biển Cửa Việt, anh Khôi và đồng nghiệp quay lại cuộc sống "ở tàu nhiều hơn ở nhà", sẵn sàng ra khơi ở mọi thời điểm khi có cuộc gọi của ngư dân. Anh Khôi cũng như những người khác dần quên đi những việc làm ở Cửa Việt cho đến lúc biết tin Tổ chức hàng hải quốc tế (IMO) đã trao giải thưởng "Hành động dũng cảm đặc biệt trên biển" - "IMO Award for Exceptional Bravery at Sea". Không chỉ anh Khôi mà ai cũng vui mừng vì đây là một trong những giải thưởng quan trọng nhất trong năm 2021 của IMO và lần đầu tiên, một người Việt Nam được trao giải thưởng này.
"IMO Award for Exceptional Bravery at Sea" là giải thưởng của Tổ chức hàng hải quốc tế tổ chức thường niên. Với quy trình chặt chẽ dựa trên thành tích, thông tin từ truyền thông trong và ngoài nước, đánh giá của các nạn nhân được cứu, anh Khôi đã vượt qua 36 ứng viên các nước khác để được trao giải thưởng cao nhất.
Theo baohaiquanvietnam.vn
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận