Cha tôi

09:27 19-12-2019

Mồ côi cha từ khi 5 tuổi nên từ nhỏ, tôi đã rất tò mò về cha. Những lúc rảnh rỗi, tôi thường mở hộp đựng kỷ vật của cha mà bà nội cất giữ cẩn thận trong tủ như là một báu vật ra xem. Lật từng trang sổ khi cha tôi còn ở nhà, ngoài những bài thơ ông viết là những dòng ghi chép cuộc họp, những buổi tập huấn hay kiến thức tự học... Mục nào cũng viết rất cẩn thận, chi tiết. Xem kỹ nội dung từng buổi họp càng thấy nể phục và phải học tập tinh thần phê và tự phê của cha tôi cùng đồng đội của ông bấy giờ.

Trong những kỷ vật còn sót lại của cha có duy nhất một lá thư cha viết gửi cho bà nội và gia đình đề tháng 8 năm 1964. Nhìn những trang thư cha viết trên giấy pô-luya mỏng tang, chi chít những dòng chữ đã ố vàng, tôi không sao nén được lòng mình, tôi bật khóc. Lá thư kín mít đến không còn hở một kẽ trống hay một góc giấy nhỏ nào. Tôi thương cha quá!

Mở đầu thư, ông gửi lời hỏi thăm sức khỏe đến bà nội và hình dung hình ảnh của bà mừng vui, sung sướng khi nhận được thư của mình. Cha xin lỗi nội vì tình hình chiến sự căng thẳng nên không thể viết thư vào đúng ngày giỗ ông nội tôi. Trong thâm tâm cha luôn mong nội khỏe mạnh: “Mẹ kính nhớ! Chúc mẹ khỏe con mừng, mẹ đừng nghĩ nhiều về con mà ảnh hưởng đến sức khỏe của tuổi già, khổ tâm con lắm đấy”.

Qua thư, cha thể hiện nỗi nhớ quê hương, gia đình, làng xóm sâu sắc trong những tháng ngày chiến đấu xa nhà, đặc biệt là thấu hiểu với nỗi khó khăn, vất vả mà người mẹ nơi hậu phương đang phải gánh chịu: “Nhất là những lúc trời ngả về chiều và lúc lên đèn, con lại càng nhớ nhà và nhớ mãi lời ân cần dạy bảo của mẹ lúc con ra đi. Con không thể quên được những lời nói mộc mạc mà thấm thía ấy của mẹ…”.

Cha không nhắc đến những gian khổ, hiểm nguy nơi chiến trường ác liệt mà cả bức thư chỉ thể hiện ý chí quyết tâm chiến đấu giành độc lập, tự do cho quê hương, đất nước đồng thời động viên, khích lệ để gia đình nơi quê nhà yên tâm.

Cuối thư cha chúc nội và mẹ con tôi cùng bà con lối xóm luôn mạnh khỏe, kèm theo lời hẹn ngày đất nước hoàn toàn thống nhất sẽ về đoàn tụ. Cánh thư đã trở thành cầu nối tinh thần quý giá giữa hậu phương và người lính, thể hiện một phần cuộc sống tâm tư, tình cảm của người lính ngoài mặt trận - những người ra đi giữ trọn lời thề cho Tổ quốc quyết sinh, họ luôn đau đáu nặng lòng với hậu phương.

Chiến tranh đã gây ra bao đau thương cho các gia đình Việt Nam. Và ngày ấy cũng đến, đầu năm 1973, gia đình tôi nhận được giấy báo tử của cha. Mẹ chỉ gọi cha được một tiếng rồi ngã quỵ. Còn nội thì khóc rất nhiều, tiếng khóc xé ruột, xé gan như muốn để cha tôi nơi nào đó sẽ nghe thấy tiếng mẹ gọi mình!

Cuối tháng 4-1975, tin chiến thắng từ miền Nam dồn dập bay về. Quê tôi, cả làng, cả xã đều hướng lên chiếc loa truyền thanh của thôn. Ai nấy đều háo hức, phán đoán, bình luận, nói cười tươi tỉnh. Gia đình tôi cũng như bao nhiêu gia đình khác có người thân ra mặt trận lặng lẽ giấu nỗi buồn riêng, hòa mình vào niềm vui lớn của dân tộc và khắc khoải mong tin người thân. Nội và mẹ tôi cũng vậy, dù cha đã có giấy báo tử nhưng cả nhà không nguôi hy vọng ông vẫn còn sống và sẽ trở về.

Cha tôi là vậy đó. Ông không phải là anh hùng, ông chỉ là một chiến sĩ như hàng triệu chiến sĩ khác đã hy sinh. Song đối với tôi, cha luôn là một tấm gương sáng để tôi soi mình, với tất cả những gì thiêng liêng, đẹp đẽ nhất!

Nguồn: Báo Hải quân

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang