Chí thép Trường Sa. Kỳ 1: Linh thiêng sóng nước
VBĐVN.vn - Hoàng Sa, Trường Sa là thịt da, là máu xương của Tổ quốc ta. Ngay từ thế kỷ 17, đội dân binh Hoàng Sa đã được thành lập để cai quản vùng này.
Dấu chân của ông cha ta đã in trên các vạt đá san hô và máu có lúc đã thấm đỏ nước Biển Đông. Quần đảo Trường Sa (nay thuộc tỉnh Khánh Hòa) được gọi là quần đảo bão tố vì hầu hết các cơn bão đều xuất phát hoặc đi qua đây. Nắng nóng, khí hậu khắc nghiệt, nhiều đảo chỉ có san hô, không có đất màu, không nước ngọt... nhưng quân và dân sinh sống, công tác trên quần đảo vẫn hiên ngang như cây phong ba, chung tay, góp sức bảo vệ vững chắc cương vực của Tổ quốc...
Kỳ 1: Linh thiêng sóng nước
1. Đã vài lần được đi công tác Trường Sa, nhưng cái háo hức vẫn vẹn nguyên trong tinh thần. Tôi dành nửa ngày trên thư viện để lật giở các bài của Báo Quân đội nhân dân viết về đường mòn Hồ Chí Minh trên biển, về biển, đảo tiền tiêu và những người lính hải quân. Những tác phẩm ký dài kỳ như “Sóng gió trên những đảo tiền tiêu”, "Đường mòn trên biển", "Đội quân dưới nước"... của các cây bút nổi danh một thời như Tư Đương, Hà Đình Cẩn, Hải Đức... và các bức ảnh của nhà báo Nguyễn Khắc Xuể, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đầu tiên bước chân ra Trường Sa khiến tôi có thêm nhiều ấn tượng. Tôi cũng tìm lại tư liệu những ngày bộ đội ta giải phóng quần đảo này để thêm hiểu tầm nhìn xa trông rộng của cấp trên. Ngày 25-3-1975, Quân ủy Trung ương kiến nghị và được Bộ Chính trị nhất trí, xác nhận thành chủ trương trong nghị quyết: “Vừa chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, vừa tiến hành giải phóng các đảo và quần đảo quân ngụy đang chiếm giữ”. Chương viết về "Giải phóng Trường Sa" trong hồi ký "Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cho thấy Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và cá nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã phân tích, đánh giá kỹ tình hình cả về thời cơ và vị trí chiến lược quân sự, kinh tế của quần đảo. Từ đó, một lực lượng binh chủng “hỗn hợp” gồm bộ binh, pháo binh, đặc công của Quân khu 5 và biên đội tàu, những người lính đặc công tinh nhuệ của Quân chủng Hải quân được lệnh từ Đà Nẵng nhằm thẳng hướng Trường Sa thực thi nhiệm vụ. Rạng sáng 14-4-1975, lực lượng ta tiếp cận đảo Song Tử Tây. Nhiều cán bộ, chiến sĩ phải ép mình trong khoang tàu mấy ngày liền để tránh máy bay địch phát hiện cũng say sóng, mệt lử. Thế nhưng khi đủ điều kiện xung phong, tất cả bật dậy, dũng cảm chiến đấu và nhanh chóng giải phóng đảo. Ngoài lực lượng hải quân cộng hòa bị tiêu diệt, ta bắt sống 33 tên, trong đó có tên chỉ huy trưởng đảo. Lần lượt sau đó, các đảo Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn... và đến 9 giờ 30 phút ngày 29-4, đảo Trường Sa được giải phóng.
Chiến công giải phóng Trường Sa và hàng loạt đảo ven bờ của ta đã khẳng định ý thức tuyệt đối chấp hành mệnh lệnh, tinh thần khắc phục khó khăn, biết nắm thời cơ, triệt để tận dụng thời cơ, táo bạo, mưu trí, dũng cảm chiến đấu của bộ đội và quân dân các đơn vị, địa phương có đảo, đặc biệt là ý thức rất cao về chủ quyền, về trách nhiệm quản lý, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên các vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc của Bộ đội Hải quân.
Trong các chuyến ra khơi vận chuyển vũ khí vào Nam bằng đường biển, trong các cuộc chiến đấu giải phóng đảo, bảo vệ đảo và khi làm nhiệm vụ ở các nhà giàn trên thềm lục địa của Tổ quốc sau này, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ hải quân đã ngã xuống. Họ sinh ra không phải để làm anh hùng nhưng tấm gương, hành động kiên cường, anh dũng bảo vệ từng tấc đất, con sóng chủ quyền của biển, đảo đã tô đậm truyền thống anh hùng, bất khuất của Quân đội và nhân dân ta. Sự hy sinh đó đã tạc thành những tượng đài bất tử. Bởi vì vậy, trong các chuyến hải trình đến Trường Sa, Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma tại xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa), nơi đặt tượng các chiến sĩ Đoàn tàu không số (Quân cảng Lữ đoàn 125) và trên vùng biển 64 chiến sĩ ta hy sinh, ở biển thềm lục địa phía Nam... bao giờ cũng có các hoạt động tri ân, dâng hương, hoa lên các anh hùng liệt sĩ. Rất linh thiêng và xúc động, biết ơn khi được nghiêng mình kính cẩn trước anh linh những người đã ngã xuống. Chuyến kiểm tra, thăm quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam có đại biểu Hội đồng Lý luận Trung ương, một số bộ, ngành, địa phương đi cùng vào đầu tháng 4-2023 diễn ra trong cái nắng chói chang của biển cả. Vậy mà, giữa đất trời vùng biển Gạc Ma, khi khói hương đỏ lửa thì bóng mây kéo về, rắc đủ những giọt mưa xuống tóc, xuống tàu, xuống những cánh chim hạc bồng bềnh trên sóng nước. Chuyện như thế rất nhiều đoàn công tác được chứng kiến, cảm nhận...
2. Trên bất cứ đảo nào của chúng ta ở quần đảo đều có cột mốc chủ quyền ghi rõ tọa độ mà ai đến đó cũng muốn được lưu lại khoảnh khắc không thể quên. Thị trấn Trường Sa còn có một phiến đá khổ lớn, khắc ghi bản “Tuyên ngôn độc lập” đầu tiên của đất nước ta:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư
Hẳn không phải nhắc lại hào khí chói lòa và giá trị trường tồn của bài thơ. Tôi dám chắc tất cả những người đi biển, sau ngày đất nước thống nhất, sau những con tàu không số và các con tàu hiện đại, đặc biệt khi ra Hoàng Sa, Trường Sa mới cảm thấy sự vĩ đại của cha ông ta từ hàng mấy trăm năm trước. Không thuyền to, không la bàn, chứ đừng nói đến ống nhòm, hải đồ... chỉ nhìn mấy chòm sao trên trời mà bằng những cách nào đó, giữa mênh mông muôn trùng sóng dông, bão tố, bàn chân người Việt nối gót nhau đã hằn lên những vạt đá san hô để xác lập chủ quyền lãnh thổ. Nhà bác học Lê Quý Đôn chép sử về Hải đội Hoàng Sa nói rằng, từ thế kỷ 17, chúa Nguyễn ở Đàng Trong đã cho thiết lập Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải gồm 70 suất, mỗi năm luân phiên nhau đi, chèo thuyền câu nhỏ ra ngoài biển, phải mất nhiều ngày đêm mới lên đến đảo. Ở đó tha hồ bắt chim, bắt cá, lượm lặt đồi mồi, hạt ốc vân... Việc duy trì cai quản biển, đảo được diễn ra liên tục, tới đầu thế kỷ 19 (năm 1816) nhân cuộc đo khoảng cách đường biển giữa các dinh, trấn, vua Gia Long đồng thời cũng yêu cầu thủy quân cùng Hải đội Hoàng Sa thăm dò và đo đạc đường thủy tại Hoàng Sa.
Thật tình cờ, trong chuyến đi, tôi gặp và được trò chuyện với Hạ sĩ Nguyễn Công Sáng thuộc biên chế Phân đội 3, Cụm chiến đấu 2, Đảo Song Tử Tây. Sáng quê ở Đức Phổ, Quảng Ngãi, nước da nâu bóng, người rắn chắc như cua đinh, nhưng giọng nói lại nhỏ nhẹ. Em tự hào quê mình có Nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải trên đảo Lý Sơn, nổi bật là tượng đài Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải. Tượng điêu khắc bằng đá của tác giả Hà Trí Dũng. Tượng đài cao 4,5m, nặng gần 40 tấn, vị trí trung tâm là cụm hình ảnh 3 người, đứng giữa là đề công mặc áo quan triều đình, một tay ghì chặt tấm bia chủ quyền đề 4 chữ “Vạn lý Hoàng Sa”, một tay chỉ thẳng hướng Biển Đông. Bên trái và phải là hai dân binh, một người mang giáo, một người mang lưới thể hiện việc quân binh bảo vệ và khai thác hải sản luôn song hành. Một cạnh bức tượng là dòng chữ “Bản quốc hải cương Hoàng Sa xá tối thị hiểm yếu”, nghĩa là: Cương giới mặt biển nước ta có xứ Hoàng Sa rất hiểm yếu. Câu này được chép trong sách Đại Nam thực lục (Quốc sử quán triều Nguyễn) năm Bính Thân, niên hiệu Minh Mạng thứ 17 (1836). Khu di tích còn trưng bày nhiều sử liệu nói về hành trình chinh phục biển của cha ông ta. Đó là những con thuyền nhỏ bé, là những chiếc dây mây hay thẻ tre để bó chiếu (xác) những hùng binh không may bỏ mạng trên hải trình. Hằng năm, vào khoảng tháng 2, tháng 3 âm lịch, nhân dân trên đảo Lý Sơn lại long trọng tổ chức Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa nhằm tưởng nhớ và tri ân công lao những người lính năm xưa đã anh dũng hy sinh và mãi mãi nằm lại với biển cả. Nhân dân trên khắp huyện đảo đã đắp những nấm mộ gió, lập đền Âm linh tự và Mộ lính đội Hoàng Sa là nơi phối thờ các chiến sĩ và binh phu. Du khách cả nước cũng hòa với lòng dân đảo, thành kính thắp hương bái vọng chủ nhân những ngôi mộ gió. Xin nói thêm, mộ gió ở các làng chài ven biển ở đâu cũng có, nơi ấy để người sống tưởng nhớ người chết, bởi xương cốt của họ mãi nằm lại nơi biển cả mênh mông...
Trường Sa-Hà Nội, tháng 4-2023
(còn nữa)
NGÔ ANH THU / dqnd.vn
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận