Ghi dọc hải trình Trường Sa. Kỳ 4: Thêm gần khoảng cách biển bờ

16:01 30-08-2022

VBĐVN.vn - Có chứng kiến mới thấy câu hát “Không xa đâu Trường Sa ơi!” của nhạc sĩ Hình Phước Long không chỉ là sự “không xa” trong ý nghĩ, tình cảm, tình yêu đôi lứa, mà còn là sự “không xa” từ chính những trải nghiệm thực tế, từ những công việc rất cụ thể như dịch vụ y tế cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ở huyện đảo Trường Sa.

Quảng trường trung tâm trên đảo Trường Sa.

Bay cao tiếng hát Trường Sa

Mỗi đảo mà đoàn đến thăm, đều có văn công biểu diễn phục vụ cán bộ chiến sĩ và nhân dân trên đảo. Đó là một trong những phần tất yếu của các chuyến tàu đến thăm, làm việc ở Trường Sa, với ý nghĩa mang đến thêm món ăn tinh thần, văn hóa cho bộ đội và nhân dân trên các đảo. Vẫn biết cuộc sống tinh thần trên các đảo, Nhà giàn DK1 đã được cải thiện nhiều lắm. Ở đâu cũng có thể xem các chương trình truyền hình, nghe tiếng nói của Đài Tiếng nói Việt Nam. Trên các đảo còn có nhà văn hóa, bộ đội, nhân dân đến đọc sách, trao đổi tin tức và hát karaoke. Song bộ đội, nhân dân được xem trực tiếp văn công biểu diễn vẫn vui hơn.

Nhưng ngay trên tàu cũng có đêm liên hoan văn nghệ dành cho những thành viên trong đoàn. Đó là cuộc biểu diễn văn nghệ đặc sắc hiếm có, từ sân khấu, đạo cụ, không gian, đến khán giả, nghệ sĩ và cách thức biểu diễn, cách thức thưởng thức. Khu vực diễn ra đêm văn nghệ là sân đỗ máy bay trực thăng phía đuôi tàu. Phông treo ngay cửa nhà để máy bay trực thăng. Sân khấu là một phần sàn đỗ máy bay. Khán giả kê ghế ngồi vây quanh. Thiếu ghế thì kê dép ngồi ngay xuống sàn. Văn công hát, múa mở màn. Rồi các ca sĩ, diễn viên nghiệp dư hát các ca khúc cách mạng, các ca khúc về biển đảo, rồi hát chèo, quan họ Bắc Ninh, ca vọng cổ, đọc thơ. Đủ các thể loại, các vùng miền, ai có gì biểu diễn thứ đó. Có người hát khá hay, cũng có người hát như hô khẩu hiệu, như “cãi nhau” với âm nhạc. Nhưng tất cả đều được vỗ tay, đều được tán thưởng, miễn là góp vui. Giữa không gian mênh mang trời biển, có lẽ khán giả cũng trở nên dễ tính, dễ cảm thông chia sẻ với nhau.

Có điều đặc biệt là những người lên biểu diễn, ai cũng phải đứng choãi chân rộng hơn bình thường. Nếu không làm thế rất có thể ngã bất cứ lúc nào, bởi con tàu vẫn lắc lư theo nhịp sóng biển.

Tiếng hát, tiếng nhạc vang vọng giữa mênh mông biển trời, lan đi theo làn sóng biển. Hình như mấy con tàu cảnh sát biển, tàu đánh cá của ngư dân cũng lắng nghe được âm thanh vọng đến từ con tàu của đoàn công tác. Bất giác ngẩng đầu nhìn lên bầu trời. Một vầng trăng hạ huyền treo giữa không gian vô định mông lung và huyền ảo. Trăng trên biển sao đẹp và mang lại cảm giác thanh bình lạ.

Chương trình kết thúc đã gần nửa đêm, những âm thanh vừa lặng đi, bỗng nghe tiếng hát từ đâu vọng lại. Giọng hát nam vang lên ồm ồm trên sóng nước. Thì ra tiếng hát karaoke từ bên tàu cảnh sát biển đỗ nơi xa xa.

“Có sức người đảo bắt sóng vẽ hoa”

Con tàu KN 90 của chúng tôi cặp cầu tàu cảng Trường Sa vào một ngày thời tiết đẹp không thể hơn thế. Bầu trời trong xanh, lác đác những cụm mây bông trắng tinh khôi. Nắng hanh vàng rực rỡ. Gió thổi dịu nhẹ, đủ để mang lại cảm giác mát mẻ. Cây lá trên đảo xanh mướt mát sau những ngày mưa. Đứng trên đường băng sân bay trước Nhà khách Thủ Đô phóng tầm mắt bao quát một vòng toàn cảnh, thủ phủ huyện đảo Trường Sa hiện lên thật tươi đẹp. Thấp thoáng sau mầu xanh cây lá là sắc đỏ mái ngói, sắc trắng tường sơn của những công trình. Cái cảm giác thanh bình hầu như chế ngự tất cả, từ cảnh vật đến sắc diện của mỗi con người. Lẽ dĩ nhiên ai cũng vẫn nhớ và vẫn biết rằng ở đâu đó trên đảo hay trên các con tàu ngoài kia, vẫn có những con mắt đang cảnh giới, những khí tài kỹ thuật đang giám sát chặt chẽ vùng biển, vùng trời, sẵn sàng bảo vệ chủ quyền và sự bình yên của huyện đảo.

Chương trình của đoàn ở thủ phủ của huyện đảo Trường Sa khá dày đặc: Viếng Đài Liệt sĩ, Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, thăm chùa Trường Sa, thăm khu dân cư, khu neo đậu tàu thuyền và dịch vụ nghề cá, một số cơ sở kinh tế - kỹ thuật, dự mít-tinh kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng Trường Sa, trồng cây lưu niệm… Tổ công tác của Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức cuộc thi Thần đồng đất Việt cho các cháu nhỏ. Cả thị trấn đảo nhộn nhịp, tấp nập như không khí hội hè.

Đến thăm Bệnh xá Trường Sa, chúng tôi may mắn được chứng kiến một sự kiện đặc biệt - hội chẩn trực tuyến cho một bệnh nhân là thủy thủ tàu đánh cá vừa được đưa đến cấp cứu tại bệnh xá ngày hôm trước. Đầu cầu Trường Sa là bác sĩ trẻ đến từ Bệnh viện quân y 175 phụ trách bệnh xá và các nhân viên y tế giúp việc. Đầu cầu đất liền là tập thể giáo sư, bác sĩ Bệnh viện 175 do PGS, TS, bác sĩ, Thầy thuốc Nhân dân, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn chủ trì. Với sự hỗ trợ của công nghệ telemedicine, câu chuyện chuyên môn trao đổi qua lại giữa các bác sĩ ở hai địa điểm cách nhau cả mấy trăm dặm biển mà thật rõ ràng, thuận lợi. Tôi được biết, bằng sự hỗ trợ của công nghệ telemedicine, Bệnh xá Trường Sa đã cấp cứu, phẫu thuật kịp thời, thành công cả những ca rất khó để cứu sống bệnh nhân trước khi đưa họ về đất liền tiếp tục điều trị đến khi khỏi bệnh.

Buổi tối, thị trấn đảo náo nhiệt hẳn lên với chương trình văn nghệ phục vụ cán bộ, chiến sĩ và bà con nhân dân trên đảo. Sân khấu ngoài trời dựng ngay trên quảng trường trung tâm. Các diễn viên Đoàn văn công Phòng không - Không quân là các nhân vật chính trên sân khấu. Sự hâm mộ của người xem đối với các diễn viên chuyên nghiệp, những chàng trai, cô gái trẻ đẹp, hát hay, múa dẻo thì khỏi phải nói. Những tràng vỗ tay không dứt sau mỗi tiết mục. Hình như tiếng vỗ tay không đủ biểu lộ sự hâm mộ, tán thưởng, có nhiều người còn hô to “Hoan hô!”, “Hát lại đi!”. Cùng với các tiết mục văn công, một số thành viên trong đoàn và cả cán bộ, chiến sĩ đóng quân trên đảo cũng xung phong lên sân khấu. Có “ca sĩ phong trào” hát hay, được mọi người vỗ tay tán thưởng. Có người hát rất to, rất khỏe nhưng rất phô nhạc, thậm chí quên lời, xin hát lại, cũng nhận được tràng vỗ tay sôi nổi không kém. Anh bạn chiến sĩ đứng cạnh tôi còn bình luận: “Vỗ tay để khen ngợi tinh thần dũng cảm là chính”.

Trước khi trở lại tàu, tôi rẽ vào chùa Trường Sa để chia tay nhà sư trụ trì. Bước vào sảnh trước của chùa đã thấy có đến cả chục vị khách, quân sự có, dân sự có, đang ngồi quây quần chung quanh đại đức Thích Nhuận Đạt. Còn nhà sư đang chăm chú viết chữ trên những hòn cuội san hô làm quà tặng cho các vị khách mang về đất liền. Thấy tôi bước vào và chào, nhà sư xin lỗi các vị khách rồi quay vào trong lấy ra món quà đã chuẩn bị sẵn để tặng cho tôi. Đó là một cây giả bằng nhựa gắn những bông hoa bằng vỏ ốc. Còn có hòn cuội san hô có đề chữ “An” gắn dưới gốc cây. Chia tay tôi, nhà sư còn dặn theo: “Bác nhớ giữ gìn sức khỏe, sớm quay lại Trường Sa nhé!”. Nghe lời dặn của nhà sư mà thấy thật ấm lòng!

Vĩ thanh

Con tàu KN 92 đã thu hết dây neo, chuẩn bị rời bến. Tất cả các vị khách trên tàu đều đứng ra mạn trái, áp người vào lan-can tàu để vẫy tay và trao gửi những lời chào tốt đẹp, tạm chia tay với Trường Sa, hẹn ngày gặp lại. Trên cầu tàu, cán bộ, chiến sĩ, người dân đứng thành hàng dài. Và họ bắt đầu hát. Họ hát những bài hát về Trường Sa, về biển đảo của Tổ quốc. Tất cả các vị khách trên tàu cũng đều hát theo. Một nghi lễ chia tay thật cảm động và cũng thật đặc biệt riêng có của hải trình Trường Sa. Tiếng hát từ trên cầu tàu hòa lẫn cùng tiếng hát của các vị khách trên con tàu, âm vang giữa biển trời Trường Sa mênh mông. Con tàu đã kéo ba hồi còi chào và từ từ rời xa bến, cho đến khi bóng đảo đã mờ đi phía đường chân trời mà tiếng hát vẫn chưa dứt, mọi người vẫn chưa rời khỏi mạn tàu.

Suốt chặng đường còn lại trên hải trình trở về đất liền, trong tôi vẫn mãi ngân nga những lời ca: “Đảo vẫn hiên ngang giữa muôn trùng sóng /Có sức người đảo bắt sóng vẽ hoa/Ôi tôi đứng đây giữa biển trời bao la.../Đất ấm tình người/Người ấm tình nhau”. Và tự mình như đã đoán chắc một điều rằng “Không xa đâu Trường Sa ơi/Không xa đâu Trường Sa ơi”.

Trường Sa - Hà Nội, hè 2022

Theo nhandan.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang