Ghi dọc hải trình Trường Sa. Kỳ 3: Vẹn lời thề trung hiếu sắt son
VBĐVN.vn - Và từ đó, tàu thuyền nào của nước ta đi qua vùng biển này cũng đều dừng lại, cử hành nghi lễ tưởng niệm, thả hoa để tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn đối với những anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống vì Trường Sa hôm nay và mãi mãi.
Vòng tròn bất tử Trường Sa
Trước khi con tàu đến đảo Cô Lin, đài truyền thanh của tàu đọc bài thơ “Vòng tròn bất tử Trường Sa” của một cựu chiến binh, thành viên trong đoàn ngẫu hứng sáng tác:
“Không thể quên Trường Sa năm ấy,
Những người lính hải quân trụ lại một vòng tròn,
Cái vòng tròn vẹn nguyên của tình yêu đất nước,
Cái vòng tròn vẹn nguyên của lời thề trung hiếu sắt son.
Chân bám đá, tay giương cao cờ Tổ quốc,
Họ ngã xuống, máu hòa vào nước,
Nước biển dâng lớp lớp sóng căm thù;
Họ ngã xuống hiến thân vì Tổ quốc,
Tổ quốc tượng hình Vòng tròn bất tử Trường Sa”.
Bài thơ gợi nhớ sự kiện ngày 14 tháng 3 năm 1988, các chiến sĩ hải quân trên các con tàu HQ 505, HQ 604 và HQ 605 đã dũng cảm chiến đấu bảo vệ các đảo Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma. Trong cuộc đấu không cân sức, không có một công sự hay vật che chắn bảo vệ, những người lính hải quân đã trụ lại thành một vòng tròn trên đảo Gạc Ma, quyết giữ đảo đến giọt máu cuối cùng. Dưới làn mưa đạn của kẻ địch, 64 người lính hải quân đã anh dũng hy sinh, hiến dâng cuộc đời mình cho chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Và từ đó, vùng biển này trở nên linh thiêng. Và từ đó, có thêm một tượng hình về tinh thần quả cảm, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh của những chiến sĩ hải quân Việt Nam - Vòng tròn bất tử Trường Sa - một tượng hình đã và sẽ sống mãi trong lòng nhân dân, tô thắm thêm những trang sử giữ nước oanh liệt của dân tộc.
Con tàu của chúng tôi thả neo dừng lại ngoài bờ đảo Cô Lin. Phía xa xa, cách Cô Lin chỉ 7 hải lý, tức chưa đến 13 cây số là những hình khối nổi lên trên mặt biển của Gạc Ma, nơi những người lính anh hùng đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Tất cả những người có mặt trên tàu đều tề tựu ở sân đỗ trực thăng để làm lễ tưởng niệm. Sau lời văn tế, cả đoàn người trầm lặng cúi đầu tưởng nhớ những người đã hy sinh. Trong tiếng nhạc “Chiêu hồn tử sĩ” trầm buồn, trang nghiêm, có tiếng nấc nghẹn ngào của ai đó. Không ai cầm được nước mắt!
Vòng hoa cùng lễ vật được từ từ thả xuống mặt biển. Mỗi thành viên trong đoàn thả xuống biển một bông hoa cùng một con hạc giấy. Lễ vật để thể hiện tấm lòng chân thành của những người đang sống luôn khắc ghi công ơn các anh hùng, liệt sĩ. Hoa là để ngợi ca sự hy sinh anh dũng của các anh hùng, liệt sĩ, cống hiến cả cuộc đời cho chủ quyền đất nước, vì sự trường tồn của dân tộc và hạnh phúc của nhân dân. Hạc giấy là thể hiện ước vọng hòa bình và lời hứa như dao chém đá, quyết bảo vệ cuộc sống yên bình, hạnh phúc của đất nước, của nhân dân - lý tưởng cao cả mà các anh hùng, liệt sĩ đã vì đó mà tận hiến, hy sinh.
Chúng tôi đứng lặng yên trên boong tàu, dõi mắt nhìn theo những bông hoa, những con hạc giấy đang bồng bềnh trôi đi. Biển như đã thấu hiểu tấm lòng những người đang sống mà dâng sóng rì rào, đón nhận và mang đi những lễ vật tượng trưng cho lòng biết ơn cùng ước vọng hòa bình. Trong tiếng gió biển thổi qua con tàu, nghe như có tiếng người thì thầm đồng vọng từ quá vãng. Văng vẳng trong tôi tiếng bài hát “Tổ quốc gọi tên mình” - “Tổ quốc của tôi, Tổ quốc của tôi, mấy ngàn năm chưa bao giờ ngơi nghỉ”. “Ngọn đuốc hòa bình trên tay rực lửa”. “Máu của người nhuộm mặn sóng Biển Đông...”.
Cuộc điện thoại đẫm nước mắt ở đảo Thuyền Chài
Tàu chúng tôi đến đảo Thuyền Chài C, một trong ba khu nhà kiên cố của đảo Thuyền Chài, đúng vào lúc con nước thủy triều xuống thấp. Ca-nô phải đi vòng mất một đoạn khá xa theo luồng nước sâu, vòng qua một bãi cát vàng, rồi lách qua những con tàu đánh cá của ngư dân neo đậu thành dãy, san sát trong lòng hồ mới đến được tòa nhà trên đảo.
Thiên nhiên qua nhiều triệu năm đã tạo nên hòn đảo mang hình hài của một chiếc thuyền chài khổng lồ nằm ngâm mình giữa đại dương. Vành đai đảo rộng trung bình cỡ 300m chính là cái nét vẽ đậm tạo nên hình hài đó. Và chính vì cái hình hài đó đã mang lại tên gọi cho hòn đảo - đảo Thuyền Chài. Đảo dài gần ba chục cây số. Hai đầu đảo thót lại, hơi cong cùng về phía tây. Đoạn giữa của đảo phình ra, nơi rộng nhất lên đến gần 4 cây số. Vành đai đảo bao bọc tạo thành một hồ nước sâu giữa đảo dài đến 17 cây số, nơi rộng nhất đến hơn hai cây số, rất thuận tiện cho tàu bè neo đậu và tránh trú bão.
Chỉ có đến tận nơi, tận mắt nhìn mới thấy hết quang cảnh hùng vĩ của đảo Thuyền Chài, cái điều mà nếu chỉ đọc trong sách vở thì khó có tưởng tượng nổi. Nơi chúng tôi có mặt là Thuyền Chài C, tức là ở đỉnh đông - bắc của đảo. Đứng trên vị trí cao nhất của tòa nhà của đảo, phóng tầm mắt ra xa về phía tây - nam, thấy sóng biển vỗ vào thềm đảo, tạo nên những hành lang bọt sóng trắng xóa, dài hút tầm mắt. Trên mặt đảo, nổi lên lô xô những khối đá mồ côi với vô số những hình thù sinh động và khác lạ. Tàu thuyền của ngư dân neo đậu thành từng cụm, san sát trong hồ.
Tôi đang miên man với cái viễn cảnh của thành phố đảo, bỗng nghe có tiếng chào của Bích Loan, cô nhà báo lúc nào cũng sôi sục nhiệt huyết nghề nghiệp. Bích Loan khoe với tôi một cách rất hào hứng: “Anh biết không, em vừa chứng kiến một cuộc điện thoại đẫm nước mắt!”. Chưa kịp để tôi hỏi chuyện gì, Bích Loan đã “tường thuật” luôn, rằng có một sĩ quan trẻ, tên là Bùi Xuân Long, vừa gọi điện cho mẹ vừa khóc nức nở. “Chuyện gì mà lạ thế?”, tôi hỏi. Bích Loan bảo rằng: “Chuyện dài lắm, em sẽ giới thiệu Long đến gặp anh để anh tự tìm hiểu nhé”.
Tôi cứ nghĩ rồi mai này, chúng ta có thể xây dựng nên cả một thành phố trên đảo Thuyền Chài. Sẽ là một thành phố đẹp tuyệt vời với nhà cửa, phố xá xây dựng dọc theo vành đai của đảo. Hồ nước sâu giữa lòng đảo sẽ có hải cảng cho tàu thuyền neo đậu. Đêm đêm, ánh điện trên đảo soi bóng xuống mặt hồ và mặt biển, lung linh, huyền ảo. Khách du lịch sẽ tấp nập đến với thành phố đảo để nghỉ ngơi, tắm biển, tận hưởng không khí trong lành và thưởng thức những món ăn tuyệt hảo mà biển cả dâng tặng...
Đúng như Bích Loan hứa, tối hôm đó Long đến gặp tôi. Không biết do dư âm sự xúc động từ cuộc điện thoại buổi sáng hay do lời giới thiệu của Bích Loan mà Long kể câu chuyện của mình cho tôi nghe với thái độ thật tin cậy, cởi mở. Chuyện rằng: 28 năm trước, bố của Long, Đại úy Bùi Xuân Tiên đã là chỉ huy trưởng tại đảo Thuyền Chài, sau đó có thời gian là chỉ huy trưởng đảo Tốc Tan A. Năm 2003 bố của Long được chuyển về công tác tại tỉnh nhà Bắc Giang thì năm 2007, ông đã qua đời ở tuổi 43 do bạo bệnh khi đang làm việc tại Ban Chỉ huy quân sự huyện Lạng Giang. Mẹ của Long, cô giáo Nguyễn Thị Mùi khi đó mới 40 tuổi đã ở giá thờ chồng, nuôi ba anh em Long khôn lớn. Mẹ Long kể rằng, mẹ được sống đời vợ chồng chắc chỉ tính bằng tháng, không thể tính bằng năm. Bố Long đi biền biệt quanh năm, suốt tháng. Những lần nghỉ phép được 5, 7 ngày lại lo sửa nhà, sửa cửa, chăm con, thăm hỏi gia đình nội, ngoại. Nhiều năm Tết đến, bố không về, mình mẹ thui thủi buồn vẫn giấu nước mắt, lo cái Tết chu toàn cho anh em Long, khuyên nhủ các con chăm ngoan, học giỏi để bố yên tâm ở đơn vị sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Bố Long ra đi để lại gia tài lớn nhất cho mẹ Long là tình yêu chung thủy sắt son và một tập dày những bức thư mà ông gửi về trong những năm tháng đóng quân ở Trường Sa. Tình yêu của chồng là điểm tựa cho mẹ Long vượt qua những khó khăn, vất vả để một mình nuôi dạy các con trưởng thành. Những bức thư của chồng gửi từ Trường Sa là niềm an ủi, động viên lớn cho mẹ Long những lúc buồn lo, lạnh vắng. Với bà, những gì liên quan đến cuộc đời bộ đội của chồng, từ phiên hiệu của đơn vị ông từng phục vụ, địa điểm nơi ông từng đóng quân, mầu sắc bộ quân phục ông từng mang trên người, tất cả đều thiêng liêng, đều đong đầy cảm xúc. Bởi thế, khi Long gọi điện về báo cho mẹ rằng, đang ở đảo Thuyền Chài, nơi 28 năm trước bố đóng quân thì mẹ bật khóc. Và Long cũng khóc theo. Câu chuyện qua điện thoại giữa hai mẹ con Long đẫm nước mắt là thế.
Thương mẹ, tự hào về cha, Long quyết chí đi theo con đường bộ đội, để kế tiếp sự nghiệp vẻ vang của cha. Bây giờ, chàng trai trẻ 34 tuổi Bùi Xuân Long đã là đại úy, trợ lý chính trị của Binh đoàn 15. Đúng là “Lớp cha trước, lớp con sau/Đã thành đồng chí chung câu quân hành”. Chia tay anh bộ đội trẻ Bùi Xuân Long, tôi cứ nghĩ thật đáng yêu làm sao lớp người trẻ tuổi, những người đã và đang kế tục xứng đáng truyền thống yêu nước của các thế hệ cha anh, viết tiếp những trang sử tự hào trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.
Theo nhandan.vn
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận