Cột mốc chủ quyền trong trái tim kiều bào - Bài 1: Hành trình đại đoàn kết dân tộc

13:18 07-06-2022

VBĐVN.vn - Được tổ chức từ năm 2012 đến nay, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Bộ tư lệnh Hải quân tổ chức cho bà con kiều bào trên khắp thế giới được đặt chân đến huyện đảo Trường Sa và Nhà dàn DK1. Đến Trường Sa cùng kiều bào mới thấm thía hơn hai chữ "đồng bào" thiêng liêng, cảm nhận rõ chủ trương đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào Việt Nam ở nước ngoài.

Kiều bào đến từ 17 quốc gia trên thế giới thăm quân, dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1.

Những ngày cuối tháng 5-2022, nơi đầu sóng, ngọn gió, cùng nhau lênh đênh trên biển 9 ngày với hải trình qua 10 điểm đảo, vượt hơn 1.000 hải lý đến với Trường Sa, hơn 40 kiều bào - đại diện cho cộng đồng 5,3 triệu người Việt trên khắp thế giới, đến với biển đảo thân yêu của Tổ quốc bằng niềm tin yêu, lòng tự hào và thôi thúc mạnh mẽ trách nhiệm bảo vệ vững chắc từng tấc đất, vùng biển và hải đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Mỗi người đến thăm Trường Sa là một cột mốc để khẳng định mạnh mẽ chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Đặt chân đến vùng biển đảo thiêng liêng của đất nước, được lắng nghe những câu chuyện xúc động hay giây phút trải lòng chân thành của các kiều bào mới có thể cảm nhận trọn vẹn tinh thần yêu nước của những người con đất Việt, chung một dòng máu, chung một Tổ quốc trong trái tim.

Bài 1: Hành trình đại đoàn kết dân tộc

Trong 2 năm (2020-2021), dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, nhân dân trong nước và đồng bào ta ở nước ngoài phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhiều bà con kiều bào không thể về thăm gia đình, quê hương. Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cũng không thể tổ chức các chuyến thăm huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. Năm 2022, trong bối cảnh dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, nhằm đáp ứng tình cảm của bà con mong muốn về với quê hương, đất nước và đặc biệt với Trường Sa, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã chủ động, tích cực phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức Đoàn kiều bào thăm quân, dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1.

Hành trình gần 1.000 hải lý đến với Trường Sa và Nhà dàn DK1 đã để lại nhiều cảm xúc khó quên trong lòng trên 40 kiều bào trở về từ 17 quốc gia trên thế giới. Chuyến thăm quân và dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 là hoạt động ý nghĩa, khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa và thềm lục địa phía Nam Tổ quốc. Đây cũng là dịp để kiều bào từ khắp nơi trên thế giới gặp gỡ, giao lưu, gắn kết với nhân dân trong nước, góp phần tăng cường đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đây là hoạt động ý nghĩa góp phần tiếp tục khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với biển đảo Tổ quốc; thể hiện tình cảm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc quan tâm, chăm lo cho cộng đồng theo đúng tinh thần Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 12-8-2021 về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới. Chuyến đi năm nay cũng đánh dấu hành trình 10 năm kiều bào về với Trường Sa.

Đoàn kiều bào về với Trường Sa năm nay có 41 đại biểu đến từ 17 quốc gia. Trong khuôn khổ chương trình, bà con kiều bào sẽ có cơ hội tận mắt chứng kiến những đổi thay trên các đảo nổi, đảo chìm; trực tiếp giao lưu, thăm hỏi cuộc sống và công tác của các cán bộ, quân và dân tại huyện đảo; tặng quà cho nhân dân và chiến sỹ; giao lưu văn nghệ phục vụ chiến sỹ hải quân; tưởng niệm các anh hùng, liệt sỹ hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc…

Đến với Trường Sa và Nhà giàn DK1, bà con đã được tận mắt chứng kiến những đổi thay trên các điểm đảo và cảm nhận ý chí quyết tâm của quân và dân ta trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc; từ đó khơi dậy mạnh mẽ lòng tự hào dân tộc, nâng cao tinh thần yêu nước, niềm tin và trách nhiệm của kiều bào đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hành trình về với Trường Sa là hành trình của đại đoàn kết dân tộc. Có thể khẳng định, Trường Sa thân yêu mãi mãi trong tim những con dân đất Việt xa xứ.

Chuyến đi thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1 năm nay càng có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh triển khai mạnh mẽ Kết luận 12-KL/TW ngày 12-8-2021 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, khuyến khích và tạo điều kiện để đồng bào Việt Nam ở nước ngoài đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Đây cũng là hoạt động góp phần thể hiện rõ hơn tình cảm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Chiều 30-5-2022, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gặp mặt kiều bào từ 17 quốc gia trên thế giới về tham dự chuyến thăm Trường Sa. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Có thể khẳng định, người Việt Nam dù ở bất cứ nơi đâu luôn giữ gìn những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, và luôn hướng về cội nguồn, gắn bó với quê hương, đất nước. Đây là giá trị truyền thống nhân văn tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài luôn đồng hành, chia sẻ với nhân dân trong nước trong gian khó, luôn tích cực đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Sau mỗi chuyến đi, đồng bào ta đã có nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, đóng góp về cả vật chất và tinh thần, hướng về biển đảo Tổ quốc. Mỗi kiều bào đều trở thành sứ giả lan tỏa tình yêu và ngọn lửa Trường Sa đến với cộng đồng người Việt và bạn bè quốc tế khắp nơi trên thế giới. Nhiều hội thảo về Biển Đông, nhiều cuộc triển lãm ảnh do chính kiều bào chụp đã được tổ chức. Nhiều “Câu lạc bộ Trường Sa” đã hình thành, điển hình là ở Đức, Ba Lan, Séc… Nhiều “Quỹ vì chủ quyền biển đảo” đã ra đời, điển hình ở Hàn Quốc, Singapore... Kiều bào đã đóng góp khoảng 15 tỷ đồng tiền mặt, hệ thống pin năng lượng mặt trời, máy lọc nước ngọt từ không khí, vườn trồng rau xanh công nghệ cao... cho các cán bộ, chiến sỹ và người dân tại huyện đảo. Nhân dịp kỷ niệm 10 năm hành trình kiều bào về thăm Trường Sa, năm nay cộng đồng người Việt từ 26 quốc gia đã hỗ trợ Trường Sa gần 2,1 tỷ đồng để đóng một xuồng chủ quyền.

Chuyến đi góp phần thắt chặt tình cảm của đồng bào ta ở nước ngoài với nhân dân và cán bộ, chiến sỹ huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1, làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ quân dân, củng cố và nâng cao tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, đóng góp tích cực vào công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Bài 2: Trân trọng các thế hệ quân, dân bám biển, giữ đảo

Theo TTXVN

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang