Ghi dọc hải trình Trường Sa. Kỳ 2: Nhận thêm những điều mới mẻ, lớn lao

17:27 20-08-2022

VBĐVN.vn - Cảm giác như linh khí của ông cha đang hiện diện ở nơi đây, tiếp thêm sức mạnh cho các thế hệ hậu sinh trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất trời, biển đảo, giữ gìn cuộc sống hòa bình cho nhân dân, giữ gìn sự trường tồn cõi bờ của đất nước.

Lễ dâng hương trước tượng đài Trần Hưng Đạo trên đảo Nam Yết.

“Biển trời này là của chúng ta”

Nhìn từ trên cao, đảo Nam Yết như hình một con cá kình khổng lồ đang hướng đầu về phương đông, nghiêng mình giỡn sóng giữa biển san hô. Hòn đảo được bao bọc bởi một vùng thềm san hô ngập nước, có nơi mở rộng cả vài nghìn mét. Đây là vùng biển rất giàu có tài nguyên biển với nhiều loài động vật, thực vật thủy sinh, đã được Nhà nước Việt Nam quyết định quy hoạch thành Khu bảo tồn biển.

Trên đảo có nhiều loại cây cối, nhưng có lẽ dừa là loài cây để lại ấn tượng mạnh mẽ nhất đối với nhiều du khách đến thăm đảo. Có người đã ví Nam Yết là xứ dừa của Trường Sa quả không sai. Ở đây có những hàng dừa cao đến 5-7m, đang mùa ra hoa, kết trái. Cứ nhìn vào chiều cao và độ dạn dày của những thân cây dừa cũng có thể đoán định có lẽ chúng đã già đến nhiều chục năm tuổi. Đồng chí chỉ huy trưởng đơn vị đóng quân trên đảo bảo dừa ở đây ngọt lắm. Mà cái vị ngọt của dừa Nam Yết còn pha thêm cả một chút mặn mòi của biển cả nên rất riêng, không ở nơi nào khác có được. Vào mùa thu hoạch, dừa được chia tất cả mọi người trên đảo cùng thưởng thức.

Trên đảo Nam Yết có Trung tâm Văn hóa, tượng đài Trần Hưng Đạo, chùa Nam Huyên - một trong sáu chùa của huyện đảo Trường Sa. Tôi đã rất xúc động được dự buổi lễ dâng hương trước tượng đài Trần Hưng Đạo. Tượng của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, vị tướng huyền thoại nhà Trần đã được nhân dân phong là Đức Thánh Trần, được tạc bằng đá xanh, đứng trên bệ cao, dáng hiên ngang, quắc thước, thắt lưng đeo kiếm, tay trái cầm “Binh thư yếu lược”, tay phải chỉ xuống biển trước mặt như muốn nói với những người đương thời: “Biển trời này là của chúng ta, hãy giữ lấy!”. Bộ đội cùng nhân dân trang nghiêm thành kính tập hợp trên quảng trường trước tượng đài. Chính trị viên đảo tuyên đọc công trạng của Đức Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn cùng lời thỉnh cầu anh linh Đức Thánh Trần phù độ cho quốc thái, dân an, cho huyện đảo Trường Sa ngày càng phát triển tươi đẹp, cho chủ quyền đất nước mãi mãi bền vững.

Không khí thật trang nghiêm. Cả quảng trường hàng trăm con người im phăng phắc. Hầu như cả tiếng thở của mỗi người cũng muốn thật nhẹ, thật nhẹ, để lắng lại thật đậm, thật sâu những giây phút thật linh thiêng. Chỉ còn giọng nói của người sĩ quan hải quân âm vang, át cả tiếng sóng đang dào dạt vỗ nơi bờ đảo.

Trao quà cho trẻ em trên đảo Sinh Tồn.

“Cuộc kỷ niệm mưa” trên đảo Sinh Tồn

Tàu đến đảo Sinh Tồn vừa lúc cơn mưa nặng hạt bắt đầu đổ xuống. Gió thổi mạnh, đẩy những làn mưa quất chéo mặt người. Nhưng không ai ngại mưa. Chưa đợi tiếng loa chỉ huy gọi, mọi người đã tụ tập quanh sàn tầng 4, mặc áo phao, sẵn sàng xuống xuồng để lên đảo. Chẳng ai có áo mưa, chẳng ai có ô dù gì hết. Mà ô dù ở đây cũng không có ý nghĩa bởi gió giật rất mạnh, khó có ô dù nào chịu được. Hơn nữa, sóng biển cao cộng với gió mạnh nên khó có thể chống đỡ nước biển tạt lên xuồng. Vậy nên hầu như chẳng ai sợ ướt. Mà có ướt cũng không sao, miễn là lên được đảo.

Lên đến đảo Sinh Tồn rồi mưa vẫn như chan, như trút. Nước chảy lênh láng, đọng thành vũng trên khắp các con đường bê-tông trên đảo. Ở sân chùa Sinh Tồn, nước ngập ngang ống chân, mấy anh lính hải quân phải dùng xô chậu tát nước ra ngoài để mọi người vào chùa thuận lợi. Một vài đoạn đường nước ngập, bộ đội phải rải bao cát cho người bước chân lên đi qua.

Hành trình cũng là để thêm tự hào về sức vóc của đất nước mình, tài trí của nhân dân mình, sự trung dũng của những người lính mình ngày đêm giữ biển đảo, bảo vệ chủ quyền đất nước. Hơn thế nữa, để mỗi người có thể ngộ ra những điều mới mẻ, lớn lao mà những lo toan, vụn vặt của cuộc sống thường nhật dễ làm cho người ta quên đi hoặc không nhận ra.

Nhìn cảnh mưa trên đảo, tôi bỗng nhớ bài thơ “Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn” của Trần Đăng Khoa viết từ đúng 40 năm trước. Những câu thơ da diết về tình cảnh của người lính trên đảo chờ đợi cơn mưa, chờ đợi những giọt nước ngọt từ trên trời rơi xuống, trong cái nắng như đốt, cái nóng như rang, đã ám ảnh tôi suốt những năm tháng qua mỗi khi nghĩ tới Trường Sa. Ám ảnh về những khó khăn, vất vả, thiếu thốn một thời của những người lính đảo; ám ảnh về sự khát thèm đến chỉ những giọt nước mưa giữa bốn bề biển mặn. Sự ám ảnh ấy chính là nảy sinh từ suy nghĩ về món nợ của đất liền, trách nhiệm của đất liền, đối với những người lính đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân.

“Chúng tôi ngồi trên đảo Sinh Tồn

Bóng đen sẫm như gốc cây khô cháy

Mắt đăm đăm nhìn về nơi ấy

Nơi cơn mưa thăm thẳm xa khơi

Ánh chớp xanh lấp loáng phía chân trời...”.

Ngày đó những người lính trên đảo đợi mưa mới da diết làm sao. Vậy mà hôm nay, mưa lênh láng nước khắp mặt đảo, chảy tràn xuống biển. Nhìn thấy dòng nước ngọt chảy đi mà tiếc. Nhưng khi hỏi Thiếu tướng Đỗ Văn Yên, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Hải quân tại sao không tận dụng trời mưa, tìm cách thu, chứa nước ngọt lại cho đảo, mới biết các đảo ở Trường Sa bây giờ không phải quá lo chuyện thiếu nước ngọt. Mỗi đảo đều có nhiều cách, nhiều phương tiện để tích trữ nước mưa hay lọc nước biển cho bộ đội, nhân dân dùng quanh năm, đáp ứng cơ bản các nhu cầu về sinh hoạt cho đến tăng gia sản xuất. Vậy ra, cơn mưa bây giờ ngoài mong đợi, cái cảnh đợi mưa trên đảo Sinh Tồn trong thơ Trần Đăng Khoa 40 năm trước đã thành kỷ niệm xưa cũ rồi. Và cái sự lo lắng, sự tiếc rẻ nước mưa của tôi đã thành lạc hậu với tình hình quá rồi.

Tối hôm đó, trong bữa cơm trên tàu, chúng tôi đã tổ chức hẳn một “cuộc kỷ niệm” 40 năm bài thơ “Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn” của nhà thơ Trần Đăng Khoa. Gọi là “cuộc kỷ niệm” cho có vẻ hoành tráng, thực ra là buổi liên hoan cùng nhà tàu, cùng nhau nhắc về bài thơ rất đặc biệt ấy. Câu chuyện hôm đó rôm rả không dứt về những thời khắc khó khăn đã qua, những công lao khó nhọc của những lớp người chiến sĩ và nhân dân đã lao động, cống hiến, bảo vệ và xây dựng để mang lại những đổi thay to lớn, tốt đẹp của cuộc sống trên đảo Sinh Tồn, trên quần đảo Trường Sa hôm nay.

(Còn nữa)

Theo nhandan.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang