Chí thép Trường Sa - Kỳ 3: Tổ quốc vững âu vàng (tiếp theo và hết)
VBĐVn.vn - Tổ quốc với người Việt Nam là những điều giản dị quanh mỗi người, là mẹ, là cha, là quê hương, là nghĩa đồng bào, là tình đồng chí, là mỗi nhành cây, ngọn cỏ...
Tôi và bạn, chúng ta có nơi "chôn nhau cắt rốn" không ở làng thì ở phố, nhưng các bé được sinh ra ở Trường Sa thật là đặc biệt. 12 giờ 5 phút ngày 16-5-2009, công dân đầu tiên cất tiếng khóc chào đời trên xã đảo Song Tử Tây là bé Hồ Song Tất Minh, con của anh Hồ Dương và chị Trương Thị Liền. Cháu bé được kíp chuyên môn của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 công tác trên đảo đỡ tay. Tiếp đó, ngày 8-4-2014, chị Phạm Thị Bích Luyện (quê ở Cam Ranh, Khánh Hòa) cũng hạ sinh bé gái Đoàn Phúc Vi Sa trên quần đảo. Đến nay, các em bé “mầm mống” từ Trường Sa đã tiếp bước nhau ra đời.
So với bạn bè trong đất liền và so với gần trăm triệu công dân Việt Nam thì những em bé Trường Sa rõ ràng là đặc biệt. Ở nơi vốn dĩ được mệnh danh là “quần đảo bão tố” này, trên thực tế, gian khó, hy sinh là điều khó tránh khỏi thì những mầm non của sức sống mãnh liệt ấy nảy nở là hạnh phúc vô bờ. Lên đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn, Trường Sa... khách từ đất liền sẽ được nhận món quà đặc biệt, đó là bài hát “Quê em ở Trường Sa” ngay khi được gặp các em bé trên mỗi đảo. Hôm ở Song Tử Tây, sáu cô nhóc, chú nhóc gồm: Sầm Thị Trúc Ly, Nguyễn Lương Nhật Vũ, Huỳnh Ngọc Vũ, Nguyễn Thiên Long, Đặng Lê Gia Bảo và Nguyễn Viễn Thiên Lân trong đồng phục áo đỏ sao vàng cất lên tiếng hát trong veo:
Quê em ở Trường Sa/ Những đảo chìm đảo nổi/ Quê em có biển trời/ Bốn mùa xanh bao la/ Sinh ra ở Trường Sa/ Em là con của biển/ Những chuyến tàu yêu thương/ Mang hơi ấm đất liền/ Nhà em Song Tử Tây/ Còn bạn đảo Sinh Tồn/ Sẽ thật vui biết mấy/ Nếu đảo gần nhau hơn/ Mỗi bước em đến trường/ Phong ba rợp bóng mát/ Chú hải quân đứng gác/ Thân thương quá đi thôi/ Yêu lắm Trường Sa ơi/ Cho em những nụ cười/ Yêu lắm chú bộ đội/ Dạy em hát em chơi/ Các bạn đất liền ơi/ Một lần ra đảo nhé/ Tự hào em sẽ kể/ Quê em ở Trường Sa.
Những công dân nhí sinh ra và lớn lên nơi tuyến đầu thật dễ thương. Cô giáo Lê Thị Thanh Tâm, Phó trưởng phòng Giáo dục huyện Tam Nông (tỉnh Phú Thọ) khi xem clip các cháu hát đã mấy lần khóc, điện thoại và hỏi tôi nhiều rằng, ở ngoài đó, những người lính đã chịu thiệt thòi, gian khổ, các cháu nhỏ thế, kiên cường thế, nhưng dông bão, thiếu thốn thế làm sao các cháu chịu được? Cô giáo ơi, đúng là đảo xa không thể đầy đủ như đất liền, nhưng chính quyền, nhân dân đảo và đặc biệt là bộ đội Trường Sa luôn dành cho các cháu những điều tốt đẹp nhất. Ngày Quốc tế Thiếu nhi không có kem nhưng vẫn có bánh kẹo và còn có hoa ốc biển.
Ngày Tết các cháu còn có thêm những bộ quần áo hải quân, không quân “nhí”. Đặc biệt, chắc chắn có số lượng kỷ lục những người bạn vong niên luôn dành cho bọn trẻ những yêu thương, dạy chúng chơi các môn thể thao, dạy trồng rau, nuôi gà vịt, dạy cả cách chào nhau theo kiểu điều lệnh. Cả những buổi các em cùng các chú bộ đội thực hiện nghi thức thiêng liêng chào cờ Tổ quốc. Các cháu cũng rất vui khi tôi kể chuyện rằng, ở nhiều trường học của quê hương đất Tổ Vua Hùng, nơi cô giáo Tâm công tác, có mô hình các cột mốc chủ quyền mang tên các điểm đảo trên quần đảo Trường Sa.
Ở Trường THCS Hiền Quan (huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ), thầy và trò nhà trường làm một khu vườn Trường Sa, cột mốc chủ quyền tạo điểm nhấn trung tâm. Đây là nơi giáo dục trực quan sinh động về các nội dung liên quan đến biển, đảo của đất nước, là nơi tổ chức lễ kết nạp đoàn viên ngoài trời, lễ chào cờ đặc biệt khi nhà trường làm lễ xuất quân đưa đội tuyển học sinh giỏi đi thi... vì thế mà các thầy cô, học sinh và cả cha mẹ các em đều thấy Trường Sa thân quen. Thầy Toản, Hiệu trưởng nhà trường, mong ước trường sẽ có một cây bàng quả vuông, hay cây phong ba từ ngoài đảo mang về để toàn trường chăm sóc, để Trường Sa hiện hữu hơn ở nơi này. Tôi hứa với thầy sẽ sớm chuyển món quà của những người lính hải quân Trường Sa về.
Trở lại với cuộc sống Trường Sa, để phục vụ nhân dân trên đảo, ngoài các lớp học, mỗi xã đảo đều có hội trường, khu dân cư, bệnh xá, có sân bóng, khu vui chơi thiếu nhi, có chùa, Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, đài tưởng niệm các bậc vĩ nhân như Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ...
Bộ đội cũng xây dựng một số âu tàu để ngư dân ta thuận lợi tiếp nước, bổ sung nhiên liệu trong quá trình bám biển, khai thác ngư trường truyền thống. Trên đảo Trường Sa có Làng Chài với những ngôi nhà khang trang, phòng ốc sạch sẽ sẵn sàng đón ngư dân ăn nghỉ, tránh trú bão lớn. Chiều chiều, trong hoàng hôn ngả bóng, tiếng chuông chùa ấm áp vọng vang, thanh bình và yên ả...
Vậy là, trong đất liền có biển đảo thiêng liêng, phần da thịt, máu xương của Tổ quốc luôn hiện hữu và ở ngoài đảo xa, hình bóng, hơi ấm của đất mẹ, của cốt nhục cha ông là điểm tựa vững chắc, nguồn lực cho biển đảo vững chí, bền gan. Đó cũng chính là mạch nguồn xuyên suốt hàng nghìn năm, việc hoạch định, quan tâm đặc biệt đến bảo vệ và phát triển cương thổ đã được cha ông ta chăm chút, để "non sông nghìn thuở vững âu vàng”.
Chất liệu từ thực tế bão dông, từ biển cả mênh mông sóng, từ khát cháy những cơn mưa ngóng chờ, từ xa mà không xa đã tạo nên những bài thơ, những giai điệu để đời, nằm lòng cho bao công chúng yêu âm nhạc, yêu Trường Sa. Trong đoàn công tác ra đảo lần này, tôi nằm cùng phòng với Thượng tá, nhà văn Phùng Văn Khai, Phó tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội.
Phải nói nhà văn, nhà thơ này giàu sức sống và... “đẻ” khỏe. Dường như đến đảo nào anh cũng có tác phẩm để... kịp thời tặng luôn bộ đội. Dẫu viết vội nhưng tôi rất thích mấy câu: “Tổ quốc nơi đầu sóng nghìn trùng/ Mà vững chãi hơn tường đồng, vách sắt” (Đêm Trường Sa nhớ Bác) hay “Da nắng cháy biển trời/ Mắt sáng nòng súng thép” (Chiến sĩ đảo Song Tử Tây)... Nghe những vần thơ nóng hổi ấy, Thượng tá Nghiêm Xuân Thái, Chính trị viên Tiểu đoàn DK1 xúc động lắm. Anh bảo các nhà thơ, nhạc sĩ cảm nhận thật sâu sắc về cuộc sống của bộ đội trên biển, họ đã khái quát, vẽ nên chân dung, khắc họa cốt cách, tâm hồn, bản lĩnh của người chiến sĩ.
Nhà văn Phùng Văn Khai thì tâm sự với anh Thái rằng, nhà văn và cả các nhà báo còn nợ và luôn nợ những người lính nơi đảo xa vì chưa thể và sẽ không thể lột tả hết chân dung, chất thép, chất lính rất đậm đà trong từng con người các anh. Một ví dụ mà tôi dẫn ra, đó là, ở tất cả các cuộc phục vụ kiểm tra, báo cáo, đề xuất với cấp trên, hầu hết các đồng chí cán bộ, chiến sĩ chỉ cảm ơn sự quan tâm của đất liền, của cấp trên, tuyệt nhiên không có đề nghị gì thêm. Họ không đề nghị, không phải vì tất cả đã đủ đầy, hoặc là họ e ngại, không dám nói, mà như Đại úy Lê Quang Toán, Đảo trưởng đảo Đá Nam, Đại úy Hoàng Kim Lân, Chính trị viên đảo Tiên Nữ chia sẻ: Cả nước đã vì Trường Sa, Trường Sa sẽ đáp lại tình cảm lớn lao ấy để nắm chắc tay súng. Cán bộ, chiến sĩ chúng tôi nguyện tích cực rèn luyện, xây dựng ý chí, quyết tâm cao nhất, sẵn sàng chiến đấu, chấp nhận hy sinh vì chủ quyền biển, đảo thiêng liêng.
Để khép lại bài viết này, tôi xin mạn phép trích lại lời của Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tại buổi làm việc mới đây với Trường Sĩ quan Lục quân 1. khi nói về nhiệm vụ truyền thụ lý tưởng, tình cảm cho thanh niên Quân đội, Bộ trưởng nói: “Tôi xin khẳng định với các đồng chí, những ai đã đi đến Trường Sa, quay trở về sẽ yêu Tổ quốc mình hơn rất nhiều!”.
Bộ trưởng nhớ lại từ những năm trước (trên cương vị Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam), khi đi kiểm tra tại một nhà giàn cũ, đồng chí Chính trị viên đã báo cáo “Thủ trưởng yên tâm. Chúng em sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc!”. Lời hứa, lời quyết tâm của người lính đảo và niềm tin của người đứng đầu Quân đội hòa quyện như lời hịch năm nào trong "Đại cáo bình Ngô": Tướng sĩ một lòng; xa gần bá cáo...
Trường Sa - Hà Nội tháng 4-2023
NGÔ ANH THU / qdnd.vn
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận