Chia sẻ giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển
VBĐVN.vn - Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (VSA) phối hợp với Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển (PLD) và các đối tác vừa tổ chức Hội thảo “Phát triển kinh tế biển Việt Nam – Cơ hội và thách thức” nhằm huy động trí tuệ của các chuyên gia và các nhà khoa học, trao đổi, thảo luận, phản biện, tìm những giải pháp thực tế để khắc phục các điểm nghẽn trong việc thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng và Nhà nước về thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển, đặc biệt là phát triển công nghiệp nuôi biển.
* Nghị quyết 36-NQ/TW - Quyết sách phát triển bền vững kinh tế biển
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam cho biết, Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22-10-2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Chính phủ cụ thể bằng Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 5 năm thực hiện Chiến lược tại Nghị quyết 26/NQ-CP ngày 5-3-2020. Chiến lược xác định Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn; phát triển bền vững kinh tế biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tăng cường đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển, góp phần duy trì môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển.
Nghị quyết 36 đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030 các ngành kinh tế thuần biển đóng góp 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển ước đạt 65-70% GDP cả nước…Nhằm hiện thực hóa mục tiêu của Nghị quyết, nhiều tỉnh thành ven biển đã đưa ra hàng loạt quyết sách, nhằm đưa nền kinh tế biển của tỉnh tiến tới phát triển bền vững.
Đánh giá bước đầu tình hình thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW, TS. Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, nhìn chung các bộ ngành và địa phương đã nỗ lực tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao và đạt được nhiều kết quả ghi nhận. Các chủ trương lớn của Nghị quyết được đẩy mạnh triển khai và bước đầu đạt kết quả tích cực, cụ thể trong phát triển các ngành kinh tế biển như du lịch, dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển, kinh tế hàng hải, nuôi trồng khai thác thủy hải sản, năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới góp phần phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên ở các vùng biển, đảo; bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học biển; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và phòng, chống thiên tai, đảm bảo quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế về biển và đại dương.
Mặc dù đã đạt nhiều kết quả ghi nhận nhưng TS Tạ Đình Thi cũng chỉ ra rằng, công tác quản lý nhà nước biển hải đảo thời gian qua vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Chưa xây dựng được hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia về biển và hải đảo và bộ chỉ tiêu đánh giá quốc gia biển mạnh. Mặt khác Dự thảo Nghị định lấn biển và Dự thảo Nghị định thế chấp, cho thuê, góp vốn, chuyển nhượng quyền sử dụng khu vực biển của tổ chức, cá nhân được giao để nuôi trồng thủy sản; hỗ trợ bồi thường thiệt hại khi Nhà nước thu hồi khu vực biển vì mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, công cộng vẫn đang trong giai đoạn trình Chính phủ phê duyệt, ban hành;...
TS Tạ Đình Thi cho rằng, để thực hiện tốt Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, nhất là trong bối cảnh phát triển kinh tế biển sau đại dịch covid-19, chúng ta cần ưu tiên tập trung vào các giải pháp quản trị biển, quản lý vùng bờ; phát triển các ngành kinh tế biển, ven biển và các vùng biển; quản lý hiệu quả các nguồn vốn biển tự nhiên và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; nâng cao đời sống cho nhân dân...
* Tháo gỡ điểm nghẽn để phát triển bền vững kinh tế biển
Tại Hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ, thảo luận tập trung vào việc nhận thức cơ cấu, nội hàm, những tiềm năng và cơ hội phát triển của kinh tế biển nước ta, phân tích rõ những thách thức, khó khăn, vạch ra những điểm nghẽn, những nút thắt cần khẩn trương tháo gỡ và phương thức giải quyết các mâu thuẫn cản trở sự phát triển bền vững của kinh tế biển Việt Nam. Tiêu điểm của Hội thảo tập trung vào thực trạng, phương thức tiếp cận và một số mô hình mới của nuôi biển – một ngành công nghiệp mới, có nhiều tiềm năng trở thành lĩnh vực đột phá cho đất nước, và những vấn đề của các lĩnh vực kinh tế biển khác như năng lượng điện gió, đô thị biển.
Chia sẻ về nguyên tắc xây dựng Quy hoạch sử dụng không gian biển quốc gia, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Khóa XV cho rằng, Quy hoạch không gian biển vừa là phương thức, vừa là công cụ quản lý, quản trị biển, vùng bờ biển theo không gian nhằm đạt được mục tiêu kép, góp phần duy trì tăng trưởng xanh, thích ứng với biển đổi khí hậu và biến đổi đại dương, hưởng tới một nền kinh tế biển bền vững, bảo đảm vững chắc các quyền và lợi ích của Việt Nam trên Biển Đông.
Theo đó, Quy hoạch không gian biển đã được đưa vào Luật Quy hoạch và đang trong quá trình xây dựng để trình Quốc hội thông qua. Quá trình triển khai đến nay, bên cạnh các nỗ lực, cũng bộc lộ sự khác biệt khó tránh về nhận thức, tổ chức thực hiện do khó khăn về thông tin đầu vào cho quy hoạch. Do đó, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi đề xuất cần phối hợp, chia sẻ, học hỏi để bảo đảm tính tương thích tối đa của sản phẩm quy hoạch. Bên cạnh đó, hiện nay Quy hoạch không gian biển chỉ được thực hiện ở cấp quốc gia, cho nên chỉ có thể cung cấp cho các ngành, địa phương và các bên liên quan khác một khuôn khổ phát triển để khai thác, sử dụng, bảo tồn và quản lý không gian biển quốc gia, phù hợp với quy định của Công ước của Liên hiệp ước về Luật biển 1982 (UNCLOS) và Luật biển Việt Nam (2012). Trong khi các ngành, địa phương đang cần triển khai phương án sử dụng không gian biển cụ thể trong bối cảnh xung đột lợi ích, sử dụng không gian biển đan xen phức tạp. Vì vậy, để xử lý vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi cho rằng, các ngành, địa phương theo thẩm quyền cần tiến hành phân vùng chức năng biển chi tiết cho từng đơn vị phân khu không gian do Quy hoạch không gian biển.
Khẳng định về mối liên hệ giữa Luật Đất đai và vấn đề quản lý không gian biển, TS. Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng Luật đất đai hiện hành (năm 2013) có liên hệ rất chặt chẽ và là một trong những cơ sở pháp lý quan trọng phục vụ công tác quản lý “không gian biển” quốc gia nói chung, “Không gian biển” các vùng kinh tế và quản lý “không gian biển” thuộc phạm vi thẩm quyền của các địa phương.
TS Lưu Bình Nhưỡng cũng gợi ý việc sửa đổi Luật đất đai lần này khi đề cập đến các vấn đề nói chung cũng như các vấn đề liên quan đến biển, đất đai gắn với biển cần phải đảm bảo tính tương thích, đồng bộ, trong đó phải xác định rõ các loại đất, khu vực, không gian nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các hoạt động quản lý, sử dụng và xác định trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, cơ quan. Cùng với đó, về phạm vi, đối tượng quản lý không gian biển quốc gia không chỉ chú trọng trên “bề mặt” của biển mà phải xác định rõ khái niệm, định nghĩa đầy đủ các loại thành tố thuộc nội hàm “không gian biển” nhằm tạo cơ sở cho việc quy hoạch, lập kế hoạch, phương án sử dụng, chế độ sử dụng các loại đất, cũng như cơ sở xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành trong quản lý cũng xử lý các vấn đề liên quan;...
Đề xuất về các giải pháp thúc đẩy phát triển tiềm năng năng lượng gió ngoài khơi, TS. Dư Văn Toán, Viện Nghiên cứu biển và hải đảo cho rằng các nhà quản lý cần xây dựng cơ sở dữ liệu gió biển quốc gia, đặc biệt với các vùng trên 7m/s để thu hút các nhà đầu tư tiềm năng, thu gọn quá trình phát triển dự án điện gió ngoài khơi. Cùng với đó, cần xem xét xây dựng chiến lược, lộ trình phát triển năng lượng gió ngoài khơi để phát triển điện xanh, giảm khí thải nhà kính, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu; cần có Đề án phát triển ngành điện gió ngoài khơi, quy hoạch phân lô năng lượng gió và xác định định mức điện tích tối thiểu 1 trại gió để phát triển hợp lý và bền vững. Đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế về koa học công nghệ năng lượng gió ngoài khơi, xây dựng các tổ chức nghiên cứu, triển khai thu hút nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển các dự án điện gió ngoài khơi.
Theo monre.gov.vn
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận