Chỗ dựa vững chắc cho ngư dân vùng biển

14:50 10-11-2023

VBĐVN.vn - Đồn Biên phòng Rạch Gốc, BĐBP Cà Mau quản lý địa bàn khá rộng, gồm 2 xã Viên An Đông, Tân Ân và thị trấn Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển). Năm 2023, Đồn Biên phòng Rạch Gốc luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới biển, tăng cường các biện pháp tuyên truyền, vận động ngư dân không vi phạm các quy định về khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Qua đó, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn đơn vị đóng quân luôn ổn định, nhân dân an tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế và góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Rạch Gốc tuần tra kết hợp hỗ trợ ngư dân hoạt động trên biển. Ảnh: Lê Khoa

Địa bàn Đồn Biên phòng Rạch Gốc phụ trách hiện nay có 597 phương tiện đang hoạt động các nghề đánh bắt, khai thác thủy sản trên các vùng biển. Ngoài ra, có gần 100 phương tiện từ các tỉnh khác thường xuyên ra vào mua bán thủy sản và tiếp thêm nhiên liệu. Sau mỗi chuyến đi biển trở về, ngư dân lại tất bật gia cố lại ngư lưới cụ, bảo trì phương tiện, làm công tác chuẩn bị cho chuyến đi tiếp theo.

Thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chống khai thác IUU

Thời gian qua, Đồn Biên phòng Rạch Gốc đã phối hợp với Ban Quản lý cảng cá Rạch Gốc, Văn phòng đại diện IUU kiểm tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ tàu cá ngư dân xuất, nhập bến, không để xảy ra tình trạng tàu cá không đảm bảo thủ tục, giấy tờ, thiết bị giám sát hành trình (VMS) mất kết nối ra biển hoạt động, truy suất nguồn gốc khai thác hải sản đúng quy định. Các đơn vị và các xã, thị trấn ven biển đã phối hợp chặt chẽ, chủ động tuyên truyền đến chủ tàu, thuyền trưởng đầy đủ, kịp thời các quy định có liên quan đến chống khai thác IUU; cấp phát gần 1.000 thư kêu gọi của Chủ tịch UBND tỉnh về chống khai thác IUU; triển khai cho chủ tàu ký cam kết đăng ký, đăng kiểm và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật khi hoạt động khai thác thủy sản trên biển. Quản lý chặt chẽ tàu cá hết hạn đăng ký, đăng kiểm trên địa bàn quản lý. Hiện, trên địa bàn có 108/108 tàu cá trên 15m đã lắp đặt thiết bị VMS, đạt 100% và duy trì hoạt động đảm bảo quy định.

Thiếu tá Lê Thành Út, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Rạch Gốc thông tin, đơn vị thường xuyên kiểm soát chặt chẽ tàu cá xuất, nhập bến, không để tàu cá ngư dân không đảm bảo thủ tục giấy tờ ra biển hoạt động, nhất là tàu cá mất kết nối VMS. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng, thiết thực cho chủ tàu, thuyền trưởng am hiểu các quy định về khai thác thủy sản, công tác chống khai thác IUU và các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu tại địa phương, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm về chống khai thác IUU. Kết quả, từ đầu năm 2023 đến hết tháng 9-2023, trên địa bàn huyện Ngọc Hiển không có tàu cá vượt ranh giới bị nước ngoài bắt giữ.

Bên cạnh đó, đơn vị cũng thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền cho nhân dân trên địa bàn cũng như ngư dân các tỉnh về cư trú làm ăn trên địa bàn nâng cao ý thức và tự giác chấp hành các quy định ra vào cửa biển, chấp hành khai thác, đánh bắt trong vùng biển Việt Nam, không đánh bắt vi phạm vùng biển nước ngoài. Nếu chủ tàu, thuyền trưởng cố tình vi phạm vùng biển nước ngoài thì đơn vị sẽ tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền xử lí nghiêm theo quy định của pháp luật.

Giúp ngư dân an tâm bám biển

Thời gian này, phía Nam đang trong mùa mưa bão, để giúp ngư dân an tâm bám biển và nâng cao cảnh giác, đề phòng hiểm nguy khi hoạt động trên biển trong lúc thời tiết diễn biến bất thường, trước khi ngư dân ra biển đánh bắt, cán bộ trạm kiểm soát Biên phòng đều tuyên truyền, nhắc nhở ngư dân phải đảm bảo trang thiết bị an toàn cho người và phương tiện. Duy trì thời gian mở máy liên lạc đường dài 24/24 giờ và thường xuyên cập nhật dự báo thời tiết. Khi có thông tin diễn biến bất thường của thời tiết hoặc sự cố thì nhanh chóng di chuyển vào đất liền tránh trú. Khi ngư dân hoạt động trên biển, gặp nạn cũng được Đồn Biên phòng Rạch Gốc tổ chức cứu hộ, cứu nạn kịp thời.

Cán bộ Đồn Biên phòng Rạch Gốc hỗ trợ ngư dân trục vớt, cứu kéo tàu gặp nạn vào bờ sửa chữa. Ảnh: Lê Khoa

Điển hình, vào ngày 22-2-2023, một tàu đánh cá của ngư dân Cà Mau đang neo đậu trên biển thì bị đứt dây neo, trôi vào hàng đáy và bị sóng đánh chìm. Một thuyền viên kịp bám vào hàng đáy, sau đó, được một tàu đánh cá gần đó phát hiện, cứu vớt; 2 thuyền viên còn lại mất tích, tàu chìm không xác định rõ vị trí. Tiếp nhận thông tin, Đồn Biên phòng Rạch Gốc đã sử dụng hệ thống thông tin liên lạc thông báo vụ việc và yêu cầu các tàu đánh cá đang hoạt động gần khu vực tàu gặp nạn hỗ trợ; đồng thời, sử dụng tàu tuần tra của đơn vị và huy động thêm 2 tàu đánh cá của ngư dân ra biển phối hợp với các tàu đánh cá đang hoạt động trên biển tổ chức tìm kiếm tàu bị chìm và nạn nhân mất tích còn lại.

Ông Đặng Văn Nhờ (ngụ tại ấp 5, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) là thuyền viên đi trên tàu đánh cá gặp nạn cho biết, trên tàu có 3 người; 2 người còn lại tên Phan Văn Thừa và Dương Văn Nhuận. Đến khoảng 23 giờ, ngày 22-2, lực lượng tìm kiếm cứu hộ đã phát hiện và vớt thêm được thuyền viên Phan Văn Thừa. Đến 13 giờ, ngày 23-2, lực lượng tìm kiếm, cứu hộ đã xác định được vị trí tàu chìm và tiếp cận, tiến hành các biện pháp trục vớt, cứu kéo vào bờ. Lực lượng cứu hộ đã tìm thấy nạn nhân Dương Văn Nhuận mắc kẹt trong hầm máy và đã tử vong.

Một trường hợp khác là thuyền viên Nguyễn Minh Nhí, 23 tuổi, ngụ tại thị trấn Gành Hào, tỉnh Bạc Liêu, đi trên tàu đánh BL 93916 TS do ông Trần Thanh Nhã, ngụ cùng địa chỉ làm thuyền trưởng. Vào ngày 29-5 vừa qua, khi đang hoạt động trên biển, do bất cẩn trong lao động, anh Nguyễn Minh Nhí bị trái độn cao su trên tàu rơi đập gãy đùi chân trái. Ông Nhã và các thuyền viên khác đã dùng dây vải, nẹp gỗ bó tạm vết thương và chở thuyền viên Nhí vào bờ trình báo, nhờ đồn Biên phòng cứu giúp. Đến sáng ngày 30-5, khi tàu cập bến, cán bộ Đồn Biên phòng Rạch Gốc nhanh chóng hỗ trợ chủ tàu đưa nạn nhân lên xe chở đi bệnh viện.

Thiếu tá Lê Thành Út cho biết thêm, những năm qua, tình hình khí hậu, thời tiết luôn diễn biến bất thường, làm chìm tàu, hư hỏng máy hoặc người gặp nạn trôi dạt trên biển. Những bất cẩn, rủi ro trong lao động thường xuyên xảy ra. Nhằm giảm thiểu tai nạn đến mức thấp nhất cho ngư dân và kịp thời ứng cứu khi có tai nạn xảy ra trên biển, hàng năm, đơn vị đều bổ sung kế hoạch phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; tổ chức rà soát, thống kê, nắm chắc các tần số thông tin liên lạc, số điện thoại các chủ tàu, thuyền trưởng để chủ động thông báo khi có tin bão, áp thấp nhiệt đới trên biển và đổ bộ vào đất liền của tỉnh. Khi có bão, áp thấp nhiệt đới xảy ra, đơn vị chủ động phối hợp với địa phương sắp xếp, di dời người và tài sản của nhân dân khu vực xung yếu vào đồn Biên phòng, các trụ sở cơ quan, đơn vị trên địa bàn đảm bảo an toàn.

Lê Khoa (bienphong.com.vn)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang