Chống khai thác hải sản bất hợp pháp ở Bà Rịa-Vũng Tàu. Bài cuối: Phối hợp trong bờ, ngoài biển

11:16 09-12-2022

VBĐVN.vn - UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã có quy chế phối hợp với lực lượng Bộ tư lệnh Vùng 2 Hải quân, Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển 3 để xử lý các tàu cá vi phạm các quy định trong khai thác hải sản. Huyện ủy Long Điền, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng có Kế hoạch phối hợp số 57-KHPH/ĐUBĐBP/HULĐ ngày 1-6-2021 với Đảng ủy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Bà Rịa-Vũng Tàu nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).

Tổ công tác liên ngành chống khai thác IUU tuyên truyền cho ngư dân tại cửa biển Bến Đá. Ảnh: Văn Chương

Tuyên truyền thời 4.0

Tại Trạm Kiểm soát Biên phòng Bến Đá (Đồn Biên phòng Bến Đá), thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, chiếc tàu mang biển số BV99292TS cập vào chốt kiểm soát Biên phòng neo giữa sông để làm thủ tục xuất bến. Tàu này do ngư dân Huỳnh Trợ, trú tại địa phương làm thuyền trưởng. Trước đây, khi làm thủ tục xuất bến, chủ tàu chỉ nghe thông báo các quy định về đánh bắt hải sản sau khi nộp sổ hành trình. Còn lần này, thuyền trưởng mở điện thoại thông minh ra là có thể nghe BĐBP tuyên truyền, nhắc nhở qua các ứng dụng công nghệ số.

Trung tá Lê Duy Quán, cán bộ Trạm Kiểm soát Biên phòng Bến Đá tiếp tục nhắc ngư dân về các nội dung đã được tập huấn, đó là trên màn hình điện thoại hiển thị một vạch tím gần bờ và nằm song song với mạn Đông của bờ biển, đây là vùng lộng và các tàu đánh bắt xa bờ không được phép đánh bắt cá. Thuyền trưởng Huỳnh Trợ cho biết, sau khi được nhắc nhở thì ngư dân luôn chấp hành tốt các quy định.

Công tác tuyên truyền chống khai thác IUU được nhiều cơ quan chức năng thực hiện bằng nhiều hình thức, trong đó, các lực lượng chú trọng vào các phương pháp tuyên truyền ứng dụng công nghệ số để phù hợp với điều kiện ngư dân đánh bắt xa bờ. Lực lượng BĐBP thường đề cập việc ngư dân đánh bắt cách bờ hàng trăm hải lý, nhưng khi phát hiện tín hiệu tàu cá đang “đi lạc” sang bên kia vùng biển giáp ranh với các nước thì lập tức kêu gọi thuyền trưởng cho tàu quay trở lại vùng biển Việt Nam.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, từ năm 2018 đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phối hợp với BĐBP tỉnh tổ chức 50 lớp tập huấn với 2.996 lượt người tham dự; thành lập 6 văn phòng đại diện kiểm tra, kiểm soát nghề cá. Các lực lượng chức năng, bên cạnh việc thực hiện các thủ tục xuất nhập bến, cũng kết hợp tuyên truyền cho ngư dân theo kiểu truyền thống, kết hợp công nghệ 4.0.

Từ công tác quản lý chặt chẽ, trong năm 2020, các lực lượng trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã phát hiện 21 tàu vượt ranh giới trên biển; năm 2021, phát hiện 135 tàu và đến giữa tháng 8-2022, phát hiện 65 tàu vượt ranh giới trên biển. Khi các tàu cá vượt ranh giới, công tác tuyên truyền, cảnh báo từ xa được phát huy tối đa. Vì vậy, 63/65 tàu đánh cá vượt ranh giới trong năm 2022 đều kịp thời quay trở lại vùng biển Việt Nam.

Phối hợp nhiều kênh

Tại chốt nổi của Trạm Kiểm soát Biên phòng Bến Đá, danh sách tàu mất kết nối, các tàu cần chú ý vì nguy cơ cao, tàu cá cấm xuất bến, tàu cần kiểm tra kỹ… được gắn ngay trên bảng trực, kèm với màu giấy để cảnh báo cấp độ quan trọng. Cụ thể, tàu cá của ngư dân Khánh Hòa mang số hiệu KH91376TS, tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi mang số hiệu QNg96899TS được ghi chú cấm xuất bến; tàu cá của ngư dân Bà Rịa-Vũng Tàu mang số hiệu BV90315TS và BV90314TS được ghi chú cần kiểm tra kỹ. Trung tá Lê Duy Quán cho biết, công việc dồn dập và phải phối hợp rất nhiều cách khác nhau để chống khai thác IUU đạt kết quả.

Ông Nguyễn Đức Hoàng, Chi cục phó Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chia sẻ thông tin giám sát hành trình tàu cá với cán bộ BĐBP. Ảnh: Văn Chương

Thời gian qua, việc phối hợp giữa trong bờ và ngoài biển để xác minh, xử lý tàu cá vi phạm đạt kết quả đáng ghi nhận, điển hình là vụ 2 tàu cá BV96999TS, BV90999TS, chủ tàu là Nguyễn Phạm Thanh Phương, quê ở thị trấn Long Hải, huyện Long Điền. Làm việc với cơ quan chức năng, ông Phương khai nhận, ông giao tàu cho thuyền trưởng là Bùi Công Thanh điều khiển, xuất bến vào cuối tháng 9/2021, sau đó, đầu tháng 10/2021 thì tín hiệu máy giám sát hành trình liên tục bị mất kết nối. Đến ngày 22-10-2021, tàu Kiểm ngư KN 207 cập mạn kiểm tra thì phát hiện trên tàu không mang theo giấy tờ, không có thiết bị giám sát hành trình. Thuyền trưởng khai nhận, “đã tự ý tháo thiết bị giám sát hành trình gửi sang tàu đánh cá khác, nhờ mang vào đất liền sửa chữa”.

Một vụ việc khác là giữa tháng 12/2021, các cơ quan chức năng trong đất liền, sau khi liên tục phát tín hiệu cảnh báo, điện thoại cho chủ của 2 tàu cá BV93688TS và BV93689TS nhưng không hiệu quả nên đã thông báo cho lực lượng Kiểm ngư. 2 tàu này do ông Nguyễn Văn Phong làm thuyền trưởng, bị mất tín hiệu giám sát hành trình. Tàu tuần tra của Kiểm ngư rà tìm, tiếp cận để kiểm tra đã lập biên bản về hành vi vi phạm và chuyển hồ sơ cho BĐBP xử lý.

Bên cạnh việc giám sát hoạt động của tàu cá, các cơ quan chức năng còn kịp thời dõi theo các tàu đánh cá đánh bắt ở vùng biển chồng lấn và có nhiều nguy cơ bị nước ngoài bắt giữ. Ngày 19/6/2022, tàu cá BV5334TS do ngư dân Nguyễn Văn Anh ở xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền làm thuyền trưởng, mặc dù đánh bắt phía ranh giới biển của Việt Nam nhưng vẫn bị tàu tuần tra của Indonesia khống chế, bắt giữ. Sau khi nhận được tin báo, các cơ quan chức năng trong bờ đã kêu gọi lực lượng Kiểm ngư khẩn cấp hỗ trợ ngư dân.

Nhịp sống ở Phước Tỉnh, nơi từng là làng tỷ phú đang ở vào giai đoạn rất khó khăn, trong đó chủ yếu rơi vào 1.414 tàu cá làm nghề lưới giã cào (lưới kéo). Đầu tháng 11-2022, tàu cá BV95272TS cập bến, thuyền trưởng Nguyễn Trung Thành, sau 3 tháng lênh đênh trên biển đã tỏ vẻ không vui. Khi hỏi về thu nhập, thuyền trưởng Thành chỉ tay vào 5 ngư dân ngồi bên cạnh và cho biết: “Không phải là kêu ca khó khăn, đi mấy tháng vô nhưng lỗ tới 500 triệu đồng. Nghề biển ở Phước Tỉnh sắp chết vì nguồn lợi thủy sản quá cạn kiệt”.

Chống khai thác IUU ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu luôn được chính quyền vận hành hết công suất, nhưng đang đối mặt với thách thức khi đội tàu cá đánh bắt xa bờ làm ăn thua lỗ do tổn phí cao. Chi phí nhiên liệu chiếm từ 40-60%/chuyến biển, giá dầu tăng không chỉ tác động tiêu cực đến sản xuất, mà còn gây ra hệ lụy trong ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân. Nếu khai thác hài sản tiếp tục khó khăn, nguy cơ vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác hải sản sẽ gia tăng…

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tính từ năm 2018 đến tháng 7-2022, UBND tỉnh và các cơ quan chức năng tại địa phương đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với 388 lượt/388 tàu cá vi phạm về IUU với số tiền 8.713.600.000 đồng, nhưng mới chỉ thu được 3.164.350.000 đồng. Một số chủ tàu hoàn cảnh khó khăn, không có tài sản để thi hành việc nộp phạt, hoặc không chịu nộp phạt. Khi vụ việc kéo dài sau 1 năm thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính cũng kết thúc. Đây là vấn đề mấu chốt tác động đến nỗ lực chống khai thác IUU tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Theo bienphong.com.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang