Chốt chặn vững chắc trong phòng, chống IUU

10:09 16-12-2023

VBĐVN.vn - “Tâm huyết, trách nhiệm với công việc” là nhận xét chung của mọi người về Đại úy Nguyễn Văn Khánh, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Mân Quang, Đồn Biên phòng Sơn Trà, Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng. Những việc làm của anh đều nhằm mục tiêu tạo mọi điều kiện thuận lợi cho ngư dân vươn khơi, bám biển, khai thác hải sản.

Đại úy Nguyễn Văn Khánh tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân. Ảnh: Trúc Hà

Trạm Kiểm soát Biên phòng Mân Quang có nhiệm vụ kiểm soát các phương tiện ra vào âu thuyền, cảng cá Thọ Quang. Đây là âu thuyền, cảng cá lớn nhất khu vực miền Trung với hàng chục phương tiện ra vào mỗi ngày (thời điểm cao điểm hàng trăm chiếc). Điều đó đặt ra yêu cầu rất cao đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ của trạm trong công tác kiểm tra, kiểm soát phương tiện, con người. Thời gian trở lại đây, UBND thành phố Đà Nẵng thực hiện nhiều biện pháp nhằm siết chặt hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định, trong đó có việc tăng cường xử phạt các tàu vi phạm.

Khi tàu cá vào âu thuyền, cảng cá Thọ Quang để bán hải sản, Văn phòng thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá tại đây sẽ kiểm tra và thông báo, đề nghị Đồn Biên phòng Sơn Trà không xuất bến với các tàu vi phạm. Tuy nhiên, một số tàu đã lợi dụng đêm tối để vượt trạm ra khơi. Rất chia sẻ với những khó khăn của chủ phương tiện và ngư dân, thế nhưng, Đại úy Nguyễn Văn Khánh cũng rất kiên quyết với những hành vi vi phạm hoặc cố tình vi phạm.

Vào lúc 1 giờ 30 phút, ngày 16-9-2022, ông Phạm Quý Diệu (sinh năm 1988, trú tại Đức Phổ, Quảng Ngãi) điều khiển phương tiện QNg94745TS xuất phát từ âu thuyền Thọ Quang qua Trạm Kiểm soát Biên phòng Mân Quang nhưng không trình báo theo quy định. Khi bị cán bộ của trạm phát hiện và ra hiệu dừng tàu, ông Diệu đã không chấp hành và điều khiển tàu bỏ chạy. Đại úy Nguyễn Văn Khánh đã chỉ đạo nhân viên dùng ca nô truy đuổi, buộc ông Diệu phải đưa tàu quay lại trạm làm việc.

Trước đó, ngày 7-9, Văn phòng thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá tại âu thuyền, cảng cá Thọ Quang phát hiện tàu QNg94745TS vi phạm lỗi không duy trì thường xuyên thiết bị giám sát hành trình. Văn phòng đã gửi giấy mời làm việc, nhưng ông Diệu không chấp hành và lợi dụng đêm tối để đưa tàu ra khơi, không trình báo Trạm kiểm soát Biên phòng Mân Quang. Căn cứ vào hành vi vi phạm của ông Phạm Quý Diệu, Trạm Kiểm soát Biên phòng Mân Quang đã tham mưu cho chỉ huy Đồn Biên phòng Sơn Trà ra quyết định xử phạt chủ phương tiện QNg94745TS với số tiền 5 triệu đồng, đồng thời buộc tàu phải quay lại âu thuyền Thọ Quang, chỉ làm thủ tục xuất bến sau khi đã giải quyết vi phạm trước đó.

Với suy nghĩ “Quy định cần thực hiện nghiêm nhưng vẫn cần hỗ trợ người dân hợp tình, hợp lý”, Đại úy Nguyễn Văn Khánh đã đề xuất chỉ huy đơn vị tổ chức một buổi tuyên truyền tại Trạm Kiểm soát Biên phòng Mân Quang cho các ngư dân để mọi người nắm vững các quy định, từ đó yên tâm lao động, sản xuất trên biển. Đối với mỗi tàu xuất, nhập qua Trạm Kiểm soát Biên phòng Mân Quang, bên cạnh việc kí cam kết không khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) thì mọi người đều “có đảm bảo bằng lời nói” với cán bộ của trạm. “Việc cam kết bằng miệng cũng rất quan trọng, bởi nó thể hiện được uy tín của mỗi cá nhân. Mình đã đảm bảo với anh em Biên phòng nhưng lại không thực hiện thì mỗi lần qua trạm rất khó ăn, khó nói, thế nên phải cố gắng làm những gì đã cam kết” - ông Nguyễn Văn Tiến, thuyền trưởng tàu ĐN90758TS, trú tại phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng cho biết.

Tâm huyết với công việc, Đại úy Nguyễn Văn Khánh thường tìm cách để công việc thuận lợi hơn. Ngày 13-10 vừa qua, Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng và tàu SAR 412 của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II đã cứu nạn thành công tàu TH90229TS cùng với 11 ngư dân. Thực ra, ít người biết rằng, trong lúc ngàn cân treo sợi tóc, thuyền trưởng đã gọi điện trực tiếp cho Đại úy Nguyễn Văn Khánh.

Ông Lê Văn Dũng, chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu cá TH90229TS kể lại, tàu của ông đang đánh cá trên vùng biển Đà Nẵng thì thấy trời mỗi lúc một mưa nhiều, gió rất to nên ông cho thu lưới và điều khiển tàu chạy về bờ tránh trú. Đến khu vực cách mũi Nghê của Đà Nẵng khoảng 18 hải lý thì tàu bị phá nước. Ông Dũng một mặt trấn an mọi người, vừa cho tát nước, vừa cho người gọi về Trạm Kiểm soát Biên phòng Mân Quang và Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II.

Hóa ra, trong quá trình làm thủ tục xuất, nhập bến cho các tàu cá, Đại úy Nguyễn Văn Khánh nhận thấy, khi kiểm tra giấy tờ của một phương tiện thường mất rất nhiều thời gian; gặp trời mưa, giấy tờ dễ bị ướt. Anh đã làm tờ phiếu kích thước bằng cái nhãn vở học sinh rồi ghim vào đầu trang bìa. Trên tờ phiếu ghi sẵn thời hạn các loại giấy tờ, thế nên chỉ cần nhìn vào phiếu là biết. Việc làm này đã giúp tiết kiệm thời gian mà vẫn đảm bảo công tác kiểm tra. Đặc biệt, trên tấm phiếu kiểm tra phương tiện có ghi số điện thoại di động của Đại úy Nguyễn Văn Khánh để ngư dân liên lạc... Và lần này, tấm phiếu ấy đã phát huy hiệu quả.

“Tôi cảm thất rất vui khi việc mình làm giúp ích được cho ngư dân. Sự tin tưởng của mọi người chính là động lực để tôi cố gắng hơn nữa trong công việc. Không chỉ tôi mà tất cả cán bộ, chiến sĩ khác đều mong muốn trở thành điểm tựa cho ngư dân, bởi họ là những "cột mốc sống", là "cánh tay nối dài" cho Bộ đội Biên phòng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc” - Đại úy Nguyễn Văn Khánh chia sẻ.

Trúc Hà (bienphong.com.vn)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang